04/05/2024 lúc 01:30 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch Việt Nam gắn với hội nhập và phát triển

VNHN - Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt xấp xỉ 8,5 triệu lượt (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018). Tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018).

VNHN - Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt xấp xỉ 8,5 triệu lượt (tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018). Tổng thu từ khách du lịch đạt 338.200 tỷ đồng (tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018).

Ảnh minh họa - TL

Dự kiến cả năm 2019, ngành du lịch có thể đón, phục vụ khoảng 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch phấn đấu đạt 700.000 tỷ đồng.

Có thể nói, với đường bờ biển dài, nhiều địa hình đa dạng, từ đồi, núi, rừng, sông suối, đồng bằng, trảng cát... đất nước ta có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Và thực tế trong mấy năm qua, sự tăng trưởng nhảy vọt của du lịch đã mang lại lợi ích cho kinh tế đất nước, cũng như đối với nhiều địa phương, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách, tạo ra nhiều việc làm. Lãnh đạo nhiều địa phương coi du lịch là ngành công nghiệp xanh, công nghiệp không khói nên tận dụng khai thác tối đa.

Tuy nhiên, việc phát triển du lịch một cách thiếu kiểm soát, khai thác quá mức tại nhiều địa phương trong thời gian qua cũng để lại không ít tác hại. Đó là để có những công trình hoành tráng như các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hệ thống cáp treo… thì nhiều héc-ta rừng đã biến mất, nhiều bãi biển đẹp bị biến dạng, bị quây lại thành bãi biển riêng của khu du lịch, nhiều dãy núi bị tàn phá. Lượng du khách tập trung lớn cũng ảnh hưởng tới môi trường văn hóa của cộng đồng dân cư địa phương. Cùng với đó, các công ty lữ hành quốc tế thường có xu hướng cung cấp các dịch vụ khép kín, nên nếu không có cách quản lý hiệu quả thì nguồn thu cho địa phương, cho cộng đồng cư dân địa phương không tương xứng với lượng khách đến. Kèm theo đó là vấn nạn rác thải ở những nơi tập trung đông khách du lịch. Tại Mũi Đôi, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), một nơi thiên nhiên hoang dã, thu hút nhiều phượt thủ, xuất hiện nhan nhản rác thải nhựa. Hay tại bãi biển Nhật Lệ xinh đẹp ở TP Đồng Hới (Quảng Bình) xuất hiện hàng trăm quán ăn kéo dài hàng cây số, du khách đến đây xả rác, phóng uế ngay ra bãi cát rất mất mỹ quan và mất vệ sinh môi trường... Những cách phát triển du lịch như vậy là thiếu bền vững.

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp mà sự tồn tại của nó gắn liền với môi trường, gắn liền với tài nguyên thiên nhiên, đó là cảnh quan, là nguồn nước, là mặt biển, là rừng, là núi, đồi... mà trong đó có nhiều di sản thiên nhiên thế giới, di tích văn hóa, lịch sử. Sự khai thác thiếu kiểm soát các danh lam thắng cảnh để phục vụ du lịch sẽ để lại những tác hại nặng nề. Ở châu Á, UNESCO từng lên tiếng cảnh báo đối với Indonesia khi văn hóa bản địa ở đảo Bali gần như biến mất do phát triển du lịch “nóng”. Năm 2017, Thái Lan đã phải ngừng đón khách vô thời hạn ở 4 hòn đảo do lượng khách du lịch quá lớn, tác động xấu đến hệ sinh thái các bãi biển, có nơi 80% rạn san hô bị phá hủy...

Do đó, việc phát triển kinh tế du lịch cần được nhìn nhận đúng. Các địa phương nên rà soát, xem xét lại quy hoạch hạ tầng phát triển du lịch, nguồn thu từ du lịch và những tác động của du lịch đến môi trường thiên nhiên, môi trường sống của cư dân địa phương. Phải làm sao để người dân địa phương thực sự được hưởng lợi từ việc du lịch phát triển. Hết sức tránh việc nhà đầu tư đến khoanh núi, khoanh biển để làm du lịch rồi mang phần lớn nguồn thu, lợi nhuận đi, trong khi đó cộng đồng địa phương lại phải gánh hậu quả.

Đẩy mạnh phát triển du lịch là hướng đi rất đúng đắn cho kinh tế nước ta. Nhưng đó phải là việc khai thác, phát triển du lịch đúng mức, theo hướng bền vững, thân thiện với thiên nhiên và con người, khai thác phải kèm theo gìn giữ và bảo tồn.