27/12/2024 lúc 12:34 (GMT+7)
Breaking News

Sóc Trăng – Điểm sáng về CCHC và cải thiện môi trường đầu tư nhờ sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy và UBND tỉnh

Tập trung“Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ với phương châm “Đoàn kết kỷ cương - bản lĩnh linh hoạt - đổi mới sáng tạo - kịp thời hiệu quả” là nội dung chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy tỉnh Sóc Trăng về thực hiện công tác Cải cách hành chính (CCHC) và cải thiện môi trường đầu tư của Tỉnh.

Đối với tỉnh Sóc Trăng, chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) có ý nghĩa quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, nhằm khơi thông và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; được xác định là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, đột phá trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng của các cấp ủy, chính quyền, của các ngành, các cấp, các địa phương trong tỉnh; là công cụ đo lường khách quan, toàn diện sự lãnh đạo của cấp ủy, chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu và có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá tính hiệu quả, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính nhà nước.

Chính vì vậy, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tận tụy, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, của cán bộ, công chức và người đứng đầu là tiền đề tạo sự thông thoáng và hiệu quả trong môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh Sóc Trăng. 

Tại Hội nghị phân tích các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, đo lường sự hài lòng của người dân, hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh Sóc Trăng, được tổ chức vào ngày 14/7/2023, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn khẳng định: “Nâng cao kết quả các chỉ số là cách tốt nhất để nâng cao niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào sự lãnh đạo của Đảng và sự hiệu quả trong quản lý, điều hành của chính quyền địa phương các cấp; tạo sự gắn kết giữa người dân và các cơ quan nhà nước, xây dựng một nền hành chính phục vụ nhân dân; nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Sóc Trăng so với các tỉnh, thành phố trong cả nước”.

Với tinh thần ấy, trong thời gian qua, xác định công tác CCHC là một nhiệm vụ trọng tâm, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIV nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về việc đẩy mạnh CCHC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với những mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể. Tiếp đó, UBND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành, thực hiện nhiều kế hoạch nhằm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 10. Hàng năm, Sóc Trăng đều tổ chức Hội thi CCHC quy mô toàn tỉnh và nhận được sự tham gia, hưởng ứng của hàng chục ngàn cán bộ, công chức, viên chức. Thông qua hội thi đã tạo điều kiện và cơ hội cho cán bộ, công chức, viên chức tiếp cận, cập nhật thông tin, tìm hiểu kiến thức về CCHC, các quy định pháp luật có liên quan. Đồng thời tạo hiệu ứng và sức lan tỏa đáng kể công tác CCHC của tỉnh đến với người dân, doanh nghiệp (DN). Tỉnh Sóc Trăng đã triển khai cung cấp dịch vụ công trên ứng dụng (app) “Công dân Sóc Trăng” trên phạm vi toàn quốc. Người dân, DN có thể sử dụng điện thoại thông minh qua app “Công dân Sóc Trăng” để thực hiện nộp hồ sơ, tra cứu hồ sơ và các thủ tục trực tuyến khác. Đồng thời có thể chuyển hướng đến ứng dụng VNPT Pay, Viettel Pay, Momo để thanh toán các dịch vụ.

Tỉnh đã xây dựng và triển khai Cổng thông tin doanh nghiệp (DN) tỉnh Sóc Trăng (https://doanhnghiep.soctrang.gov.vn/). Đây là cơ sở dữ liệu DN và hệ thống thông tin hỗ trợ DN; số hóa công tác quản lý, phối hợp trong thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra DN, nhằm hạn chế tối đa việc kiểm tra, thanh tra DN không quá 1 lần/năm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cổng thông tin doanh nghiệp còn là nơi để DN kết nối, tương tác, phản ánh, kiến nghị đến chính quyền tỉnh Sóc Trăng một cách dễ dàng, thuận tiện. Mã Quick Response (QR) đang được tỉnh Sóc Trăng ứng dụng rộng khắp trên nhiều lĩnh vực tại 100% sở, ban, ngành và UBND cấp huyện. Theo đó, mã QR được niêm yết công khai tại Trung tâm phục vụ hành chính công và Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương. Mỗi thủ tục hành chính sẽ có 1 mã QR được thiết lập, người dân, DN có nhu cầu giải quyết thủ tục nào chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã. Qua đó, giúp người dân, DN dễ tiếp cận với thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và công sức.

Năm 2021, Sóc Trăng cũng được đánh giá là địa phương có chỉ số PAR Index cao nhất khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng là địa phương có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt 89,51% (xếp thứ 9/63 tỉnh, thành và đứng đầu ĐBSCL), tăng 5 bậc so với năm 2020. Để đạt được kết quả trên, Sóc Trăng đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sáng kiến trong thực hiện nhiệm vụ CCHC…

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CCHC và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Sóc Trăng cũng còn một số điều cần phải cải thiện; như: Công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tài chính công, vấn đề chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, quản trị hành chính, chất lượng lao động… Bên cạnh đó là nhận thức của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị, địa phương về cải cách hành chính chưa tốt; sự quan tâm và tính quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính còn hạn chế; công tác thông tin tuyên truyền cũng chưa tốt… 

Phát biểu kết luận tại Hội nghị phân tích các chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh của Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn cho rằng: “Cần nhận thức rõ, việc xác định kết quả các chỉ số không phải là cuộc chạy đua về thứ hạng giữa các tỉnh, các đơn vị, mà phải xem kết quả là thước đo, giúp địa phương, đơn vị “định lượng” cụ thể kết quả, mức độ hoàn thành các nhiệm vụ, những vấn đề còn yếu thì phấn đấu hoàn thành, những vấn đề thực hiện tốt cần tiếp tục phát huy”.  Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng thời đề nghị các ngành, đơn vị, địa phương và từng cán bộ, công chức, viên chức phải nghiêm túc thực hiện 6 vấn đề quan trọng, bao gồm: Trước tiên là tiếp tục triển khai đầy đủ, hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 29/12/2021 của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính; Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chương trình của UBND tỉnh về nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh, Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công tỉnh Sóc Trăng. Tiếp theo là tổ chức quán triệt nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về tầm quan trọng của các Chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS cấp tỉnh và các Chỉ số PAR Index, SIPAS của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Kế tiếp là xác định những tiêu chí, nội dung tỉnh đạt được kết quả tốt, để tích cực duy trì và từng bước nâng dần chất lượng thực hiện. Đối với những chỉ số và những tiêu chí, nội dung còn hạn chế phải triển khai giải pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay và thực hiện thường xuyên, liên tục; trong đó, xác định rõ những nội dung hạn chế nào cần thời gian lâu dài; nội dung nào cần khắc phục ngay để chủ động đưa ra giải pháp phù hợp. Cùng với đó, cần tăng cường nhận thức, năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, nhất là cán bộ, công chức trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Phải lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, động lực và mục tiêu của quá trình phục vụ. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm giải trình, đối thoại với người dân; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia đóng góp ý kiến; công khai, minh bạch thông tin. Tăng cường vai trò và trách nhiệm tham mưu của các sở, ngành, địa phương có trách về tổ chức chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, nhất quán chủ trương, chính sách của Nhà nước về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh…

Trên cơ sở phát huy kết quả đạt được và nhằm khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh, trong thời gian tới, Tỉnh ủy và UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu thủ trưởng các sở, ban ngành, các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh, các cơ quan Trung ương đặt tại tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính được giao. Trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện phải chủ động, sáng tạo và thống nhất quan điểm đầu tư cho cải cách hành chính là đầu tư cho phát triển, xem cải cách hành chính là nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm. Tiếp tục triển khai đồng bộ, đầy đủ, hiệu quả các nội dung cải cách hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Nghiên cứu, tham khảo các bài học tốt, kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong công tác cải cách hành chính. Tăng cường kiểm tra và tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính. Cải cách thủ tục hành chính phải có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm, đến cùng, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Tích cực triển khai giải pháp cải tiến chất lượng hoạt động của đơn vị và chất lượng cung ứng dịch vụ công cho người dân, tổ chức. Tiếp tục rà soát kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong của các đơn vị, tổ chức theo hướng tinh gọn đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Căn cứ vào kết quả Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, doanh nghiêp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022, các cơ quan, đơn vị tổ chức rà soát, phân tích, đánh giá, xác định điểm mạnh, điểm yếu, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai nhiệm vụ được giao để có giải pháp phát huy kết quả tích cực và kịp thời khắc phục hạn chế. Đối với các cơ quan chuyên môn được giao phụ trách nội dung liên quan lĩnh vực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh chủ động phối hợp với cơ quan thường trực, tập trung tham mưu giải pháp cụ thể cải thiện những tiêu chí, tiêu chí thành phần còn hạn chế trong Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số đo lường sự hài lòng, Chỉ số năng lực cạnh tranh, Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công của tỉnh. UBND tỉnh thực hiện lồng ghép kết quả Chỉ số cải cách hành chính vào đánh giá, xếp loại chất lượng thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị hàng năm. Đồng thời, gắn kết quả thực hiện những nhiệm vụ nêu trên vào tiêu chí đánh giá Chỉ số cải cách hành chính của các đơn vị, địa phương năm 2023.

Thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục chú trọng hoàn thiện, nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực và uy tín; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số CCHC, chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số hành chính công cấp tỉnh./.

Đình Tuyển 

...