25/01/2025 lúc 11:07 (GMT+7)
Breaking News

Số phận của những con tàu du lịch trong “cơn bão” COVID-19

Ngành du lịch bằng tàu biển trên khắp thế giới đã trải qua một năm 2020 đầy sóng gió, nhưng không phải là sóng gió trên biển theo cách mà những thủy thủ đi biển lâu năm vẫn nghĩ. “Sóng gió” lần này đến từ những lệnh hạn chế di chuyển và những đợt cách ly xã hội khiến cho lượng khách sụt giảm nghiêm trọng.

Ngành du lịch bằng tàu biển trên khắp thế giới đã trải qua một năm 2020 đầy sóng gió, nhưng không phải là sóng gió trên biển theo cách mà những thủy thủ đi biển lâu năm vẫn nghĩ. “Sóng gió” lần này đến từ những lệnh hạn chế di chuyển và những đợt cách ly xã hội khiến cho lượng khách sụt giảm nghiêm trọng.

Cuộc sống xa hoa trên một con tàu hạng sang trước COVID-19 (Ảnh: Thrillist)

Trong những năm gần đây, du lịch bằng tàu biển là một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất của ngành du lịch. Theo số liệu của công ty kiểm toán độc lập KPMG, trong 5 năm qua, nhu cầu du lịch bằng loại hình này đã tăng đến 20,5%. Năm 2018, ước tính ngành công nghiệp du lịch bằng du thuyền trên toàn thế giới có trị giá khoảng 150 tỷ USD.
Cú sốc đầu tiên từ COVID-19

Vào ngày 5 tháng 2 năm 2020, tin tức về con tàu du lịch Diamond Princess trở thành tin nóng trên khắp các mặt báo. 3700 người bao gồm hành khách và thủy thủ đoàn của con tàu đã được yêu cầu cách ly sau khi một hành khách 80 tuổi có kết quả dương tính với COVID-19.

Hình ảnh con tàu Diamond Princess cập bến cảng Daikoku, Nhật Bản để được tiếp tế nhu yếu phẩm và chuyển bệnh nhân đi điều trị (Ảnh: Carl Court/Getty Images)

Trong vài tuần sau đó, chiếc tàu du lịch hạng sang này trở thành ổ dịch COVID-19 lớn nhất ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Môi trường đóng kín trên tàu rất “lí tưởng” để virus lan truyền từ người sang người, ngay cả khi hành khách ở yên tại cabin của họ trong thời gian cách ly. Vào thời điểm con tàu được trở lại đất liền, đã có hơn 700 ca nhiễm và 14 người chết do nhiễm COVID-19.

Diamond Princess không phải là con tàu du lịch duy nhất có mang mầm bệnh COVID-19. Ít nhất 25 tàu du lịch khác có chứa các ca nhiễm COVID-19, điển hình là tàu Grand Princess của Mỹ bị cách ly ngoài khơi California do có 78 ca nhiễm. Hành khách trở về từ những con tàu này đã góp phần gieo rắc mầm bệnh ở nhiều quốc gia trên thế giới.

Hành khách tự cách ly tại cabin trên con tàu Grand Princess ngoài khơi California, Mỹ (Ảnh: DenverPost)

Dưới những đợt sóng dữ

Đó mới chỉ là khởi đầu cho một năm buồn thảm chưa từng có của ngành du lịch nói chung và du lịch bằng du thuyền hạng sang nói riêng. Đại dịch COVID-19 đã tàn phá nặng nề ngành công nghiệp du lịch bằng tàu biển trị giá 150 tỷ USD. Những chiếc du thuyền vẫn sống sót sau các đại dịch SARS và MERS, nhưng COVID-19 đe dọa sẽ “đánh chìm” chúng hoàn toàn.

Nhu cầu đi du thuyền của hành khách đã gần như trở về bằng không sau khi chứng kiến hình ảnh những con tàu du lịch trở thành những “ổ dịch lênh đênh trên biển”, không được phép cập bến bất cứ quốc gia nào. Chưa kể trong thời điểm tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, các nước khuyến khích người dân ở nhà thay vì di chuyển đến những nơi không cần thiết.

Tình cảnh thê thảm của ngành công nghiệp triệu đô được thể hiện qua một bức ảnh gây chấn động của hãng tin Reuter, đó là những chiếc du thuyền hạng sang đang bị tháo dỡ để bán sắt vụn tại một cảng biển của Thổ Nhĩ Kỳ.

Du thuyền – định nghĩa về lối sống xa hoa nay đã hóa sắt vụn (Ảnh: Reuter)

Ngay cả một “ông lớn” ngành kinh doanh du thuyền như Carnival Cruises, sở hữu các dòng tàu P&O, Princess Cruises và Cunard, cũng quyết định bán đi 6 con tàu trong bối cảnh suy thoái. Người đại diện của công ty cho biết, họ đã lỗ 4,4 tỷ USD trong quý II năm 2020 và không biết khi nào mới có thể hoạt động bình thường trở lại. Khách hàng thì đã yêu cầu hủy hết vé, vậy nên việc bán tàu trở thành sự lựa chọn tất yếu khi quản lý tàu chỉ thêm tiêu tốn tận 250 triệu USD ngân sách của công ty mỗi tháng - một con số quá lớn trong khoảng thời gian khó khăn này.

Những tia hi vọng mới

Tuy tình hình vẫn còn rất khó khăn, nhưng một vài con tàu du lịch trên khắp thế giới đã ra khơi trở lại. Có thể kể đến “ngọn cờ đầu” du thuyền Hapag-Lloyd Cruises có trụ sở tại Đức là một trong những con tàu đầu tiên rời cảng Hamburg từ tháng 7 năm ngoái. Hành khách trên chuyến đi khá mạo hiểm này phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính. Các biện pháp phòng chống dịch trên tàu bao gồm tờ khai y tế, đo nhiệt độ hàng ngày, phun khử khuẩn và giảm số hành khách xuống còn 60%.

Chân dung du thuyền Hapag-Lloyd Cruises của Đức

Các con tàu thuộc dòng Royal Caribbean, MSC Cruises hay Dream Cruises cũng đã lần lượt trở lại với những biện pháp chống dịch ở mức tối đa: đo nhiệt độ, xét nghiệm nhanh COVID-19 trên tàu, giới hạn thời gian sử dụng phòng gym và bể bơi cũng như ngừng phục vụ buffet.

Liệu du lịch bằng tàu biển đã thực sự an toàn?

Tuy vậy, sẽ còn rất lâu nữa du khách mới có thể hoàn toàn an tâm khi du lịch bằng tàu, bởi nguy cơ nhiễm COVID-19 trên tàu vẫn còn rất cao. Vừa qua, giới chức Na Uy đã ghi nhận kết quả dương tính với COVID-19 của 41 thành viên thủy thủ đoàn và 21 khách tàu du lịch MS Roald Amundsen vào ngày 31/7/2020 và 7 hành khách dương tính trên tàu Costa Diadema vào ngày 10/10/2020.

Nhân viên y tế thực hiện phun khử khuẩn trên tàu MSC Grandiosa – một trong những con tàu đã ra khơi trở lại vào tháng 9/2020 (Ảnh: National Geographic)

Thêm vào đó, trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhất là sau khi phát hiện biến thể của virus tại Anh, chính phủ và cơ quan kiểm soát dịch bệnh của nhiều nước khuyến cáo người dân nên ở nhà và không nên thực hiện những chuyến đi không cần thiết. Vậy nên, năm 2021 phía trước vẫn sẽ là một năm đầy giông bão với ngành du lịch bằng tàu biển. Sẽ cần rất nhiều thời gian và nỗ lực để những “thuyền trưởng” có thể đưa ngành công nghiệp triệu đô này trở lại thời hoàng kim trước dịch COVID-19.

Thanh Ngân