23/11/2024 lúc 10:44 (GMT+7)
Breaking News

Số phận 2 cây sưa ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa

VNHN - Trong thời gian qua dư luận rộ lên việc 2 cây sưa ở Bảo tàng huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa có tuổi đời trên 30 năm bỗng dưng bị đốn hạ.

VNHN- Trong thời gian qua dư luận rộ lên việc 2 cây sưa ở Bảo tàng huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa có tuổi đời trên 30 năm bỗng dưng bị đốn hạ.

Bảo tàng huyện Hoằng Hóa

Cây sưa được các nhà khoa học phân thành 2 loại là sưa trắng và sưa đỏ. Cây sưa trắng cho hoa đẹp, quả to, khi đốt quả không có mùi. Tuy nhiên, cây sưa trắng không giá trị bằng cây sưa đỏ. Cây sưa đỏ trông gần giống cây sưa trắng nhưng quả được kết thành từng chùm và đốt lên có mùi thối. Một số người có kinh nghiệm về gỗ sưa cho rằng cây sưa ở Bảo tàng Hoằng Hóa là sưa đỏ vì vỏ cây sù sì và ruột cây có mà vàng đỏ, vân rất đẹp. Sưa là loại cây quý hiếm, rất đắt tiền và cấm khai thác. Cây sưa được thương lái thu mua từ cành cây, thân gỗ và cả gốc rễ cây. 1kg gỗ sưa hiện nay có giá khoảng 20 triệu VND, nếu đem ra nước ngoài thì có giá 1.500 USD/ 1kg. Cây sưa đỏ trồng  sau 10 năm cho khoảng 200-300 kg gỗ, nếu cây trồng lâu thì có giá trị vô cùng lớn. Còn bình thường giá thành 1 cây thường từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

Bảo tàng – Nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử và là nơi du khách lui tới tham quan, nghiên cứu. Mỗi bóng cây trong bảo tàng không chỉ tạo cảnh quan khuôn viên, mà còn nhả oxy cho không khí trong lành, để mỗi người khi đến đây được thẩm thấu sự yên bình, tĩnh lặng, thả hồn chảy về ngàn xưa. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử mà còn là nơi để giáo dục thế hệ trẻ hiểu biết về nền văn minh, những thành quả lao động, những công lao kiến tạo của cha ông để lại. 2 cây sưa chẳng phải bỗng dưng nó mọc lên mà nó được các bậc đàn anh trồng cùng thời gian xây dựng bảo tàng. Những tưởng nó cũng sẽ được trường tồn cùng với biến đổi của thời gian và sẽ song hành du dương ru mãi những giá trị văn hóa lịch sử của bảo tàng này. Nào ngờ, nó đã vội ra đi!

Bác Hồ trồng cây

Xưa, từ những năm 60 của thế kỉ trước, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã phát động phong trào “Tết trồng cây”. Thấm thía lời dạy của Bác, “Tết trồng cây” đã trở thành mỹ tục mới tốt đẹp trong nhân dân ta, mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế và quốc phòng, góp phần làm giàu đẹp cho quê hương, đất nước.

Hơn 30 năm rồi, có lẽ khi xưa những người cất công xây dựng bảo tàng và trồng 2 cây sưa này đã thổi cả tâm hồn mình vào đó cùng với những giọt mồ hôi mong để lại cho thế hệ mai sau một “cái bóng cây” như sự che chở yên bình, dịu mát từ mặn mòi của đất mẹ và cũng để lưu giữ lời dạy của Bác Hồ.

Các đơn vị hưởng ứng ngày Tết trồng cây

Vậy mà, chỉ với hơn 50 triệu đồng, giữa cái thời cơm thịt đầy mâm, nhà nhà no ấm, người ta vẫn sẵn sàng và vội vã đốn hạ 2 cây sưa đỏ quý hiếm. Dù còn những ý kiến trái chiều, nhưng nếu cây sưa chết giữa rừng già thì có lẽ ít ai biết và nếu biết có lẽ cũng coi là chuyện thường giữa bao la rừng thẳm của sinh diệt tự nhiên. Nhưng ở đây 2 cây sưa được chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt mà chết một cách chóng vánh, bất thường ngay giữa lòng thị trấn trong khuôn viên bảo tàng yên bình thì quả là khó hiểu (!).