19/01/2025 lúc 16:16 (GMT+7)
Breaking News

Sở NN và PTNT Đắk Lắk với 6 nhiệm vụ trọng tâm cần truyền thông từ báo chí

Sáng ngày 16/6, tại Sở NN và PTNT tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ gặp mặt nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022). Tham dự buổi lễ gồm các đồng chí: Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Sở, Giám đốc Sở NN Và PTNT; Nguyễn Cảnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các lãnh đạo sở, ban, ngành, đơn vị trực thuộc sở và đặc biệt là sự có mặt của các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên thường trú hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Hoài Dương cho biết: Trong những năm qua, đội ngũ người làm báo trong tỉnh đã có những hoạt động tích cực, đóng góp quan trọng vào việc tổ chức, động viên, cổ vũ các phong trào của tỉnh nhà, luôn bám sát tôn chỉ, mục đích làm tốt chức năng thông tin, tuyên truyền giáo dục, vận động nhân dân, doanh nghiệp, các giai tầng trong xã hội thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tôn vinh cái đẹp, bài trừ cái xấu, tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng quê hương Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Đ/c Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở NN Và PTNT phát biểu tại buổi lễ.

Đặc biệt đối với ngành NN và PTNT trong thời gian qua, các cơ quan truyền thông, báo chí đã dành nhiều thời gian, thời lượng với những tin bài, phóng sự, hình ảnh ngày càng nhanh chóng, kịp thời, sắc sảo, phong phú đã đồng hành, hỗ trợ rất tích cực cho sự phát triển của nông nghiệp , nông thôn tỉnh nhà…

Đắk Lắk là nơi có điều kiện đất đai, khí hậu và địa hình sản xuất nông nghiệp tương đối bằng phẳng, là tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Toàn tỉnh có gần 700.000 ha đất Bazan, trong đó có trên 300.000 ha đất đỏ Bazan màu mỡ rất thích hợp cho việc trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả; có gần 42.000 ha mặt nước, khí hậu ôn hòa… Đây là tiềm năng, điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực của tỉnh, của vùng và Quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Với trên 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, sản xuất nông nghiệp đã giải quyết việc làm và thu nhập cho gần 70% lao động của tỉnh…

Các đại biểu tham dự buổi lễ.

Thực tế thời gian qua, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid 19 xảy ra phức tạp, kéo dài nhưng nông nghiệp đã khẳng định vai trò là nền tảng, là trụ đỡ của nền kinh tế, cụ thể: Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2020 đạt 19,41% so với năm 2019… đến năm 2021 tăng trưởng toàn ngành đạt 3,97% (bình quân cả nước 2,85%) chiếm 37,22% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đã góp phần quan trọng, quyết định vào tăng trưởng chung của tỉnh năm 2021 đạt 5,1%.

Bước sang năm 2022, ngành NN và PTNT triển khai kế hoạch trên cơ sở phát huy kết quả đã đạt được năm 2022 và các văn bản về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh… Trong 6 tháng đầu năm, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục phát triển ổn định, năng suất và sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; giá trị tổng sản phẩm nông, lâm, thủy (GRDP - giá so sánh 2010) ước đạt 6.733,62 tỷ đồng, bằng 32,94% KH, tăng 5,31% so với cùng kỳ.

Quang cảnh buổi lễ.

Về trồng trọt, diện tích gieo trồng vụ Đông - Xuân năm 2021-2022 vượt kế hoạch đề ra, đạt 63.723/55.140 ha, bằng 115, 56% KH, đến nay đã thu hoạch đạt 100% diện tích thực hiện, năng suất lúa ước đạt 75 tạ/ha, cao hơn 2,56 ha/tạ so với năm 2021. Vụ Hè Thu (tính đến ngày 09/06/2022) đã gieo trồng đạt 354.963 ha (tăng 1.842 ha so với năm 2021), trong đó diện tích cây công nghiệp là 310.963 ha, diện tích cây ăn quả 43.159 ha; Về chăn nuôi, thú y, tiếp tục có những chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa với nhiều dự án đầu tư trang trại chăn nuôi quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất khép kín đã được đầu tư… ; Thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, một số cơ sở đã thực hiện nuôi trồng các loại thủy sản đặc sản, giá trị kinh tế cao…, Đặc biệt về lâm nghiệp, công tác quản lý, bảo vệ, PCCC rừng và phát triển kế hoạch trồng rừng năm 2022 được các ngành chức năng, các địa phương và các chủ rừng chú trọng thực hiện, dự kiến đến 30/6/2022 trồng mới được 100/1.87 ha KH… Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp, đã xảy ra 672 vụ vi phạm lâm luật, tăng 109 vụ so với cùng kỳ 2021.

Sở đã làm tốt và thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ các địa phương quản lý về công tác thủy lợi, phòng chống thiên tai và TKCN; thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; các công tác khác được thực hiện tốt, đảm bảo yêu cầu phục vụ cho sản xuất và đạt kế hoạch đề ra như: triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên tất cả các lĩnh vực; sản xuất có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được chú trọng; hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới, phát triển về cả số lượng, chất lượng; hệ thống thủy lợi tiếp tục được đầu tư, phát triển theo hướng đa mục tiêu; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã được chính quyền các cấp quan tâm hơn, nhận thức về rừng của toàn xã hội được nâng lên; công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục được chỉ đạo triển khai mạnh mẽ…

Đ/c Nguyễn Cảnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, phát biểu tại buổi lễ.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì ngành nông nghiệp Đắk Lắk vẫn còn những khó khăn , tồn tại lớn, nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn đối mặt với nhiều thách thức như giá đầu vào sản xuất tăng cao, trong khi giá bán sản phẩm lại thấp; hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19… ; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chưa đồng bộ, thiếu kinh phí thực hiện… Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn manh mún, sản phẩm nông nghiệp còn phân tán, nhỏ lẻ, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, sản phẩm chủ lực mang thương hiệu đặc trưng của địa phương còn hạn chế về số lượng và chất lượng, khả năng cạnh tranh thấp… Tái cơ cấu nông nghiệp triển khai chưa mạnh mẽ, chưa đồng đều ở các địa phương… Thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp… Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Hạ tầng thủy lợi đầu tư chưa tương xứng với nhu cầu sản xuất, sinh hoạt; công tác phòng, chống thiên tai gặp nhiều khó khăn; nhận thức của người dân về sử dụng tưới tiết kiệm chưa cao, nhất là các vùng sâu, vùng xa.

Sở NN và PTNT đã có những định hướng thời gian đến ngành nông nghiệp Đắk Lắk sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, hội nhập trong nước và quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với phát triển nền kinh tế chung của tỉnh, trong vùng và cả nước. Duy trì tốc độ tăng trưởng, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nội bộ ngành theo hướng tăng trưởng các ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.

Hai là đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch; gắn nông nghiệp với phát triển lâm nghiệp bền vững. Ứng dụng mạnh mẽ, có hiệu quả chuyển đổi số trong sản xuất và quản trị ngành nông nghiệp.

Ba là đổi mới mạnh mẽ phương thức sản xuất trong nông nghiệp, khuyến khích, tạo điều kiện để tích tụ ruộng đất thông qua hình thức các tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn; đẩy mạnh hợp tác, liên sản xuất theo chuỗi giá trị.

Bốn là tăng cường thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là lĩnh vực chế biến và logistic. Xác định và xây dựng các chuỗi sản phẩm chủ lực của tỉnh có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, gắn sản xuất với thị trường.

Năm là từng bước xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, có cơ cấu kinh tế vè các hình thức tổ thức sản xuất hợp lý; xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu gắn với nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ;… góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Sáu là quản lý, bảo vệ phát triển, sử dụng rừng và đất rừng có hiệu quả, bền vững dựa trên cơ sở đổi mới cơ chế chính sách về lâm nghiệp. Tây nguyên, huy động các nguồn lực đầu tư tương xứng cho công tác bảo vệ rừng; thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, sử dụng rừng bền vững, hiệu quả.

Qua đây Sở NN và PTNT cũng đề nghị với các cơ quan báo chí, truyền thông đưa tin về dự án cấp tưới nước cho cây cà phê tại thôn Tiến Cường, huyện CưM’gar xác thực hơn, thông tin đúng về những “tồn tại, khiếm khuyết” của dự án, tránh đưa thông tin sai lệch, không chính xác.

Các lãnh đạo chụp hình kỷ niệm cùng các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên.

Phát biểu kết thúc buổi lễ, đồng chí Nguyễn Cảnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, ghi nhận những kết quả mà các báo đài đã luôn đồng hành cùng với ngành nông nghiệp trong thời gian qua, hy vọng báo chí đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng ngành nông nghiệp tỉnh nhà. Nhân đây đồng chí đề nghị các cơ quan báo đài của tỉnh, địa phương và báo ngành tiếp tục tuyên truyền những kết quả đạt được của ngành trong thời gian qua; tuyên truyền những mô hình hay mà tỉnh nhà đã đạt được cũng như ngành đã đạt được; tập trung tuyên truyền 6 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong thời gian tới…

Nhân dịp Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng chí gửi lời chúc mừng tới các cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên thường trú và hoạt động trên địa bàn lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, đầy nhiệt huyết và hết tâm với nghề, đưa những thông tin đúng và đủ để luôn giữ vững ngòi bút của mình.

 Võ Hà