VNHNO - Theo ông Nguyễn Văn Thụy, Vụ Thống kê môi trường, Tổng cục Thống kê cho rằng, dù số liệu của Tổng cục Thống kê cũng dựa trên số liệu của Cục CSGT, nhưng thời gian tính báo cáo giữa 2 ngành có sự khác nhau nên số liệu TNGT vênh nhau.
Trước đó, mặc dù TNGT trong những năm qua liên tục giảm cả 3 tiêu chí nhưng nhiều ý kiến cho rằng, số liệu thống kê còn bộc lộ nhiều bất cập, thậm chí “vênh” nhau, gây khó cho công tác đảm bảo ATGT.
Được biết, theo quy định của Luật Thống kê, Bộ Công an được giao thống kê số liệu TNGT trên địa bàn cả nước. Trong đó, những năm qua, số liệu này chủ yếu do Cục CSGT thống kê và cung cấp. Ủy ban ATGT Quốc gia, các đơn vị khác sử dụng số liệu này để tham mưu cho Chính phủ về các chính sách đảm bảo ATGT và phục vụ công tác tuyên truyền.
Số liệu tai nạn giao thông vênh nhau quá lớn
Đồng thời, một số liệu khác được nhiều người mang ra so sánh được lấy từ ngành Y tế. Số liệu này được thống kê từ số ca nhập viện, số người chết vì TNGT tại các bệnh viện. Thực tế là số liệu thống kê từ Bộ Y tế luôn cao hơn rất nhiều các báo cáo, thống kê từ phía Cục CSGT (Bộ Công an). Cụ thể, theo số liệu của Bộ Công an, năm 2015, TNGT làm trên 8.700 người chết, trong khi Bộ Y tế cho rằng, số người chết lên đến trên 16.800 người.
Trao đổi với PV, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, việc thống kê không chính xác số liệu TNGT dẫn tới chúng ta không nắm được quy mô của vấn đề TNGT. Khi nắm chính xác số người chết và bị thương sẽ tính được thiệt hại về người, thiệt hại về kinh tế - xã hội.
Ông Hùng nói thêm: “Chỉ khi biết được chính xác nguyên nhân TNGT như: Có bao nhiêu vụ TNGT do vi phạm nồng độ cồn, bao nhiêu vụ do quá tốc độ, do hạ tầng… mới có giải pháp từ kỹ thuật đến chính sách để giải quyết dứt điểm, kéo giảm TNGT”.
Theo ông Hùng lý giải về sự “vênh” về số liệu thống kê TNGTnhư sau: Số liệu của ngành Công an chỉ thống kê số vụ, số người chết và bị thương tại hiện trường các vụ tai nạn do CSGT thụ lý. Trong khi đó, số liệu của ngành Y tế lại ghi nhận dựa trên số người đến yêu cầu khám hoặc cấp cứu. Điều này, có nghĩa là sẽ bao gồm cả những vụ mà ngành Công an thụ lý và những vụ ngành Công an không thụ lý vì khi xảy ra tai nạn, nạn nhân được đưa trực tiếp tới bệnh viện mà không báo với công an.
Ông Hùng phân tích: Sự khác biệt giữa số liệu TNGT giữa ngành Y tế và Công an còn khác nhau ở khái niệm các vụ tai nạn. Ngành Y tế không có khái niệm về số vụ TNGT mà chỉ có khái niệm số trường hợp nạn nhân vào cơ sở khám chữa bệnh, cấp cứu, số trường hợp tử vong trước khi vào viện, trong viện và số trường hợp bị thương. Trong khi đó, ngành Công an lại chỉ có khái niệm về số vụ TNGT, số người chết, số người bị thương.
Để có sự thống nhất về số liệu TNGT Để có sự thống nhất về số liệu TNGT, nhiều ý kiến cho rằng, việc thống nhất khái niệm, liên thông dữ liệu về TNGT giữa các ngành liên quan, đặc biệt là công an, y tế, bảo hiểm là rất cần thiết. Ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, việc lập cơ sở dữ liệu chung giữa các lực lượng sẽ giúp ích rất nhiều cho cơ quan quản lý để quản lý đội ngũ lái xe, nhất là lái xe kinh doanh vận tải. Theo ông Long, nếu có hệ thống giám sát, cơ quan quản lý dễ dàng nhận biết lịch trình của một lái xe hay lịch trình của một phương tiện nào đó đã vi phạm, tái vi phạm để có cơ sở xử lý./. |