03/05/2024 lúc 02:01 (GMT+7)
Breaking News

Sở LĐ-TB và XH Ninh Thuận: Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Sau 1 năm gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tuy nhiên với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với những nỗ lực, quyết tâm cao của toàn thể cán bộ, công chức, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, công tác quản lý, phát triển thị trường lao động trên địa bàn trong điều kiện “bình thường mới”, đó là những chia sẻ của ông Trần Văn Trưa, Phó giám đốc Sở LĐ - TB và XH.

Để có một cái nhìn khách quan, sâu rộng hơn về công tác quản lý cũng như thành quả Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đạt được, Tạp chí Việt Nam hội nhập đã có buổi phỏng vấn ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh.

Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

PV: Thưa ông, Trong thời gian vừa qua Sở đã đạt những kết quả như thế nào về thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính Phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ? Và trong thời gian tới sẽ thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính Phủ và Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như thế nào ?

Ông Trần Văn Trưa: Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính Phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện thống nhất trên địa bàn toàn tỉnh thông qua 12 diện đối tượng được hỗ trợ, cụ thể như sau:

1. Công tác lãnh chỉ đạo:

- Từ khi đợt dịch thứ 4 (tháng 5/2021) trên toàn quốc bùng phát, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh liên tục tổ chức các cuộc họp đột xuất và định kỳ hàng tuần để trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch và triển khai công tác an sinh xã hội; hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Các cấp thẩm quyền liên tục ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành và làm căn cứ pháp lý để cơ sở chủ động tổ chức triển khai thực hiện.

- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội - cơ quan Thường trực, trực tiếp tham mưu lĩnh vực này đã chủ động ban hành hơn 100 văn bản có liên quan để trình các cấp có thẩm quyền và hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện; đồng thời ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; đặc biệt là liên tục ban hành các Quyết định phê duyệt hỗ trợ nhóm lao động tự do được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền.

2. Công tác Thông tin tuyên truyền:

- Triển khai các nền tảng ứng dụng Công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh trong đó tổ chức vận hành hệ thống nền tảng tiêm chủng vaccine; xét nghiệm và trả kết quả trực tuyến; tận dụng tất cả các kênh mạng xã hội như zalo, facebook,... để tuyên truyền các chính sách về Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đến người dân sớm nhất có thể.

- Các cơ quan, đơn vị, địa phương và cơ quan báo chí địa phương, hệ thống đài truyền thanh cơ sở đã thực hiện tăng cường thời lượng và tần suất tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống COVID-19; thông qua tuyên truyền còn hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng “Sổ sức khỏe điện tử”; các chính sách về Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg...

- Công tác truyền thông được tăng cường bằng nhiều hình thức, đã tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; thiết lập và công khai các số điện thoại đường dây nóng cho người dân báo tin, khai báo y tế, hỏi – đáp về các chính sách của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg; đẩy mạnh tuyên truyền các tấm gương tốt, điển hình, cách làm hay trong phòng, chống dịch; kịp thời ngăn chặn các thông tin xấu, sai sự thật, các thông tin giả mạo gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của người dân.

- UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 3880/UBND-VXNV ngày 31/7/2021 về việc công bố đường dây nóng hỗ trợ người lao động thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Trên cơ sở đó, các cấp ngành có liên quan đã thực hiện thông tin báo chí, trả lời câu hỏi của người dân thắc mắc - kiến nghị về các chế độ, chính sách liên quan Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg: Đã trả lời 16 câu hỏi từ Cổng thông tin Chính phủ; 27 câu hỏi do Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp chuyển đến và trả lời trực tiếp trên hệ thống phản ánh hiện trường - online: 47 câu hỏi; trả lời qua số điện thoại hotline - đường dây nóng cho hơn 4.000 cuộc gọi của người dân.

3. Công tác kiểm tra, giám sát:

- Ngày 24/9/2021, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch số 232/KH-KTNS về giám sát thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh nên HĐND tỉnh giám sát qua báo cáo của các đơn vị, địa phương.

- UBMTTQVN tỉnh Ninh Thuận cũng đã ban hành Kế hoạch 120/KH-MTTQ-BTT ngày 30/8/2021 về giám sát tình hình thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg trên địa bàn tỉnh; giám sát trực tiếp tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; UBND huyện Ninh Phước và UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát cho Tỉnh ủy và cấp thẩm quyền.

- Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã chủ động xây dựng Kế hoạch 1841/KH-SLĐTBXH ngày 03/8/2021 và trong hai ngày 04 và 05/8/2021 đã tổ chức kiểm tra, giám sát các huyện, thành phố về tình hình triển khai thực hiện, chi hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; báo cáo kết quả kiểm tra đến các cấp thẩm quyền và kịp thời phối hợp giải quyết các khó khăn vướng mắc của các địa phương.

4. Công tác phối hợp:

- UBND tỉnh chủ động đề nghị UBMTTQVN tỉnh phối hợp tham gia các hoạt động quan trọng trong công tác an sinh xã hội như: Phối hợp hỗ trợ cho công dân còn kẹt lại tại các tỉnh phía Nam đang gặp khó khăn; tổ chức đón công dân Ninh Thuận từ các tỉnh phía Nam về quê; hỗ trợ hộ nghèo gặp khó khăn trong đại dịch; hỗ trợ gạo...

- Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra thông qua nội dung và các hình thức phù hợp; bám sát địa bàn cơ sở, phát huy vai trò của người dân trong giám sát công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; phối hợp củng cố, phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ kiểm soát, giám sát phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 tại các khu dân cư trong tỉnh. Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh đã chủ động thành lập các Tổ tiến hành giám sát, kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID - 19 tại các địa phương trong tỉnh, nhất là trong thời điểm thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch; giám sát chuyên đề về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 tại cơ sở thờ tự của các tổ chức tôn giáo, điểm sinh hoạt tín ngưỡng của người dân trên địa bàn tỉnh. Tổ chức giám sát hoạt động của các Tổ, chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh COVID - 19 tại các khu dân cư trong tỉnh.

- Các Sở ngành, địa phương cũng đã chủ động phối hợp, triển khai tuyên truyền bằng nhiều hình thức: trên nền tảng mạng xã hội; trên sóng truyền hình; trên loa đài do Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh chủ động kết nối và tổ chức ghi, phát hình phỏng vấn các cấp lãnh đạo để tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.

5. Kết quả thẩm định, phê duyệt hồ sơ và chi hỗ trợ cho các đối tượng: Tổng 12 chính sách đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động đến thời điểm tổng kết là 90.277 lượt lao động với kinh phí 126.463,84 triệu đồng. Trong đó:

5.1. Đối tượng 1 - Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp : BHXH tỉnh, huyện đã căn cứ dữ liệu quản lý thu thực hiện giảm mức đóng bằng 0% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổng số lao động tạm tính được giảm mức đóng là 18.756 người, với tổng số tiền tạm tính được giảm mức đóng 12 tháng (từ ngày 01/7/2021 đến ngày 30/6/2022) là 5.804,45 triệu đồng. Đã thực hiện và gửi thông báo đến 1.176 đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh.

5.2. Đối tượng 2 - Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

- Giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ Hưu trí và tử tuất cho 02 đơn vị với 1.397 lao động, có tổng số tiền được giảm của 6 tháng (từ 08/2021 đến tháng 01/2022) là 7.384,92 triệu đồng.

- Ngoài ra, BHXH đã xác nhận Danh sách người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, ngừng việc, thủ tục vay trả lương (các Mẫu 05, 06, 13a) cho 4.753 lao động của 283 đơn vị.

5.3. Đối tượng 3 - hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản số 1753/SLĐTBXH-LĐGDNN ngày 27/7/2021 đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động phối hợp với các doanh nghiệp lập phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề. Tiếp đó ngày 3/8/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục có văn bản số 1832/SLĐTBXH-LĐGDNN đôn đốc khẩn trương thực hiện NQ68 và QĐ23 gửi đến các sở - ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố và toàn thể doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Do các doanh nghiệp chưa có nhu cầu lập phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề nên chưa phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tổ chức lớp đào tạo.

5.4. Đối tượng 4,5 - hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và hỗ trợ người lao động ngừng việc: Lũy kế , số Lao động tạm hoãn HĐLĐ, ngừng việc, đang mang thai và nuôi con nhỏ của các Doanh nghiệp đã tiếp nhận và phê duyệt được 7.955 lao động/ 16.435,38 triệu đồng. Trong đó: Số lao động tạm hoãn HĐLĐ, ngừng việc là 5.374 lao động; Số lao động đang mang thai là 244 lao động; Trẻ em là 2.337 em.

5.5. Đối tượng 6 - hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp: Lũy kế , số lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp đã duyệt 18 lao động + 06 trẻ em/ 72,78 triệu đồng.

5.6. Đối tượng 7 - hỗ trợ F0, F1: Lũy kế, hỗ trợ tiền ăn cho người diện F1, F0 và trẻ em, người cao tuổi là 20.107 hồ sơ/ 19.327,85 triệu đồng. Trong đó: Hỗ trợ tiền ăn cho 3.895 người là F0; hỗ trợ tiền ăn cho 13.213 người là F1 và 2.913 trẻ em, 86 người cao tuổi.

5.7. Đối tượng 8,9 - hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch:

- Viên chức hoạt động nghệ thuật do Sở VHTTDL trình và đã được UBND tỉnh duyệt 13 lao động/ 48,23 triệu đồng.

- Lao động là hướng dẫn viên du lịch do Sở VHTTDL trình và đã được UBND tỉnh duyệt 21 lao động/77,91 triệu đồng.

5.8. Đối tượng 10 - hỗ trợ hộ kinh doanh: Hộ kinh doanh đủ điều kiện hưởng đã được UBND tỉnh phê duyệt là 6.551 hồ sơ/ 10.653 triệu đồng.

5.9. Đối tượng 11 - hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: Lũy kế, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận đã giải ngân đến 13 khách hàng, với 5.018 lượt lao động, số tiền cho vay 16.506,82 triệu đồng.

5.10. Đối tượng 12 – hỗ trợ lao động tự do: Lũy kế, UBND các huyện, thành phố đã thẩm định, phê duyệt lao động tự do và chi hỗ trợ cho 33.435 lao động/ 50.152,5 triệu đồng.

6. Đánh giá Mặt được:

- Có được những thành công như trên là sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh. Toàn bộ hệ thống chính trị khẩn trương vào cuộc; có sự chỉ đạo sâu sát của cấp uỷ Đảng, HĐND và UBND các địa phương từ huyện đến cơ sở; có sự tham gia giám sát của UBMTTQVN và Liên đoàn lao động các cấp.

- Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” toàn hệ thống chính trị đã nỗ lực, không quản ngày đêm, ngày nghỉ cuối tuần, cố gắng thực hiện phê duyệt nhanh nhất có thể để chính sách hỗ trợ sớm đến được tay người dân.

- UBND tỉnh đã chủ động ủy quyền cho Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí cho đối tượng lao động tự do đã giúp giảm bớt thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian phê duyệt sớm 02 ngày so với quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở - ngành và địa phương có liên quan sớm thẩm định trình phê duyệt các đối tượng thụ hưởng và trong mỗi quy trình từ cấp cơ sở lên đến cấp tỉnh đều rút ngắn so với Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg nhưng vẫn đảm bảo thời gian niêm yết công khai tại địa phương.

7. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân:

- Trong thời gian thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-UBND ngày 16/7/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, do đó các dịch vụ trên địa bàn các địa phương đã ngưng hoạt động gây khó khăn cho người lao động khi photo giấy tờ, chứng thực…

- Đối tượng rà soát hỗ trợ rộng; việc triển khai xác lập hồ sơ và xét duyệt trong thời gian ngắn nên gây khó khăn cho các địa phương. Một bộ phận cán bộ cơ sở chưa thật sự nghiên cứu kỹ các văn bản của cấp trên nên còn lúng túng trong quá trình rà soát, xác định đúng đối tượng. Việc không có xác nhận của chủ cơ sở vào đơn đề nghị tuy giảm bớt thủ tục cho người lao động nhưng gây khó khăn cho cơ sở trong việc xác minh tính chính xác trong lời khai của người lao động.

- Công tác thông tin, tuyên truyền chính sách đến với người dân ở một số địa phương, cơ sở còn hạn chế nên một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ dẫn đến ý kiến thắc mắc còn nhiều.

8. Bài học kinh nghiệm:

- Đời sống một bộ phận người dân và lao động nhìn chung vốn còn nhiều khó khăn lại càng khó khăn hơn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỷ lệ thất nghiệp cao hơn; vì vậy, việc giải quyết công ăn, việc làm cho lao động trở về từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam là bài toán đang đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước lĩnh vực lao động, việc làm cần nghiên cứu tham mưu giải quyết.

- Công tác quản lý lao động, doanh nghiệp có lao động nhưng không có hợp đồng lao động chưa chặt chẽ, cần quan tâm hơn trong công tác quản lý lao động và xây dựng phần mềm dữ liệu quản lý lao động trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác quản lý bài bản và hiệu quả hơn.

- Từ hệ quả thực hiện giãn cách xã hội rất dài trong thời gian vừa qua do dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến công ăn, việc làm, đời sống sản xuất của người dân. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động nghiên cứu thực trạng tình hình và dự đoán, dự báo tình hình để đề xuất với tỉnh những giải pháp trong thời gian đến (trước mắt và lâu dài) nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đến công ăn, việc làm và an sinh xã hội trên địa bàn.

Trụ sở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận.

Trong năm 2022, tiếp tục thực hiện nội dung hỗ trợ tiền thuê nhà theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1541/KH-UBND ngày 15/4/2022 về việc triển khai thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg.

- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động ban hành văn bản số 1041/SLĐTBXH-LĐGDNN ngày 25/4/2022 gửi đến BQL các khu công nghiệp tỉnh để nắm thông tin doanh nghiệp; qua đó Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành văn bản số 1080/SLĐTBXH-LĐGDNN ngày 28/4/2022 gửi đến các doanh nghiệp đang hoạt động trong các Khu công nghiệp Thành Hải và Khu công nghiệp Phước Nam để nắm số liệu lao động làm cơ sở chủ động tính toán, xây dựng và bảo vệ dự toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động theo Kế hoạch số 1541/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh.

- Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội chủ động ban hành văn bản số 1009/SLĐTBXH-LĐGDNN ngày 22/4/2022 gửi đến BHXH tỉnh; BQL các KCN tỉnh; Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố đôn đốc các cơ quan có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- BHXH tỉnh cũng đã chủ động ban hành văn bản số 302/BHXH-QLT ngày 29/4/2022 gửi đến các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp và BHXH cấp huyện để hướng dẫn xác nhận danh sách người lao động hỗ trợ tiền thuê nhà.

- Lũy kế đến thời điểm hiện tại, UBND đã phê duyệt và chi hỗ trợ cho 22 lao động/ 04 doanh nghiệp/ 33 triệu đồng./.

Các chính sách giảm nghèo như vay vốn, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, chính sách an sinh xã hội,... được giải quyết, hỗ trợ kịp thời.

PV: Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi, Sở đã gặp những khó khăn, hạn chế nào? Đại dịch Covid đi qua ảnh hưởng rất nhiều tới kinh tế cũng như xã hội, vậy Sở đã có những giải pháp nào để tiếp cận và hỗ trợ các huyện vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc và miền núi ?

Ông Trần Văn Trưa: Trong thời gian qua, công tác giảm nghèo được các ngành, các cấp trong tỉnh quan tâm thực hiện, nhất là việc giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giai đoạn 2016-2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tiếp tục triển khai và đạt được nhiều kết quả hết sức khả quan; Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư. Các chính sách giảm nghèo như vay vốn, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, chính sách an sinh xã hội,... được giải quyết, hỗ trợ kịp thời, đúng quy định tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, tạo việc làm, nâng cao dân trí và thu nhập cho người dân. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đến nay đã trở thành một phong trào sâu rộng, thu hút được sự quan tâm của các ngành, các cấp, các tổ chức và tầng lớp nhân dân. Qua đó đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm trong tỉnh đạt chỉ tiêu đề ra; riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 38,77% (năm 2015) xuống còn 16,18% (vào cuối năm 2020).

Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định:Tình hình thời tiết, điều kiện sản xuất ở một số nơi vẫn còn nhiều khó khăn. Nguồn lực huy động cho chương trình vẫn còn hạn chế, chủ yếu dựa vào các nguồn lực từ ngân sách là chính. Nguồn vốn đối ứng để thực hiện Chương trình từ ngân sách địa phương còn ở mức thấp; việc lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình còn nhiều khó khăn. Năng lực của một bộ phận cán bộ cơ sở, nhất là các xã vùng đặc biệt khó khăn còn hạn chế nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ triển khai và chất lượng của Chương trình. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của tỉnh tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với bình quân chung toàn quốc; Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chiếm tỷ lệ cao, điều kiện để giảm nghèo ở những vùng này còn nhiều khó.

Có thể nói, đại dịch Covid đi qua đã ảnh hưởng rất nhiều tới kinh tế cũng như xã hội, đời sống người dân. Để triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo, giúp người dân có điều kiện vươn lên trong cuộc sống; Sở xác định cần có những giải pháp sau đây để tiếp cận và hỗ trợ các huyện vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc và miền núi:

1)- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo. Triển khai thực hiện các chương trình, chính sách để có điều kiện thoát nghèo như vay vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,…Thực hiện kịp thời các chính sách an sinh xã hội đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng yếu thế khác. Tích cực vận động nhiều nguồn lực để phục vụ thực hiện công tác giảm nghèo như vận động Quỹ "vì người nghèo", vận động các công ty, doanh nghiệp để nhận đỡ đầu, hỗ trợ các địa phương nghèo. Kịp thời phát hiện biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác giảm nghèo để tạo động lực cho các hộ nghèo vươn lên.

2)- Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp và người dân trong công tác giảm nghèo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về giảm nghèo trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng; khơi dậy ý chí chủ động vươn lên của người nghèo, vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo.

3)- Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các Sở, ban, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện các Chương trình. Tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn chỉnh các quy định do Tỉnh ban hành có liên quan đến triển khai thực hiện các chương trình trên địa bàn tỉnh.

4)- Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và cộng đồng thực sự làm chủ trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững; bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

PV: Trong việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có tay nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới thì Sở đã có những giải pháp cũng như chính sách nào để thực hiện tốt nhiệm vụ?

Ông Trần Văn Trưa: Việc nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển nhân lực có tay nghề thích ứng với điều kiện sản xuất mới hiện nay là rất cấp bách. Nhằm hướng tới phát triển nguồn nhân lực của tỉnh có quy mô, cơ cấu, chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ các ngành kinh tế trọng điểm, bao gồm: năng lượng sạch; du lịch đẳng cấp cao; nông nghiệp đặc thù ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và kinh tế đô thị.

Các giải pháp thực hiện:

- Kiện toàn bộ máy quản lý giáo dục nghề nghiệp theo hướng phân rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, gắn với trách nhiệm tăng cường thanh tra, kiểm tra.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục nghề nghiệp.

- Đa dạng hóa hình thức và phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng và yêu cầu sản xuất. Tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy nghề, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Ưu tiên, tạo môi trường thuận lợi phát triển những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động có trình độ cao đẳng và trung cấp.

- Đổi mới và phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa toàn diện, đồng bộ; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không chỉ đào tạo kiến thức nghề, kỹ năng nghề mà còn chú trọng đào tạo văn hóa nghề, tác phong công nghiệp cho người lao động.

- Liên kết với các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm; tiếp cận, thực hành trên dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp; cam kết với các đơn vị sử dụng lao động có kế hoạch tiêu thụ sản phẩm đầu ra của học nghề để người lao động an tâm sau khi học nghề sẽ có việc làm ổn định; sản phẩm làm ra sẽ có nơi tiêu thụ.

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.

PV: Xin ông hãy cho biết, có bao nhiêu doanh nghiệp, tổ chức hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thẩm định và chấp thuận trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận? Những những chính sách, giải pháp nào nhằm đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hơp đồng trên địa bàn tỉnh?

Ông Trần Văn Trưa: Tính đến hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã thẩm định và chấp thuận cho hơn 25 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động giới thiệu về các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để tuyên truyền, tư vấn cho người lao động.

Nhằm đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh; năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND ngày 31/8/2021 quy định chính sách hỗ trợ cho vay vốn từ ngân sách địa phương đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các đối tượng được hỗ trợ cho vay vốn bao gồm: người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, là người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng; người lao động là thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an đã xuất ngũ trở về địa phương; người lao động sinh sống tại thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; người lao động sinh sống tại xã khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã an toàn khu.

Chính sách vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng có nhu cầu đi làm việc ở ngoài nước nhưng không đủ điều kiện kinh tế được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này mang lại nguồn thu nhập cao, cải thiện đời sống của người lao động và gia đình.

Trên cơ sở Kế hoạch UBND tỉnh ban hành triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hằng năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Tỉnh Đoàn và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cùng với các địa phương liên quan, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tổ chức công tác tuyên truyền giới thiệu, tư vấn về việc làm trong nước và ngoài nước cho người lao động. Tổ chức mở các phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm DVVL tỉnh vào ngày 5, 20 hàng tháng; và tư vấn lưu động tại các vùng xâu, vùng xa miền núi.

Giai đoạn 2016-2020 đưa được 730 lao động đi làm việc ở nước ngoài, vượt 10,6% kế hoạch giao (730/660) tập trung chủ yếu vào các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, Ả Rập Xê Út, trong đó có 342 lao động là người dân tộc thiểu số... Riêng năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 gây gián đoạn hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại địa phương. Vì vậy, kết quả thực hiện chưa đạt được chỉ tiêu đề ra.

Phần lớn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thu nhập tương đối ổn định, cao hơn so với việc làm trong nước cùng ngành nghề, cùng trình độ. Tính bình quân chung, thu nhập sau khi trừ chi phí sinh hoạt của lao động 9 - 30 triệu đồng tùy theo thị trường, góp phần vào thực hiện công tác giảm nghèo nhanh, bền vững và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương./.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông.

 Võ Hà - Mai Trinh