28/01/2025 lúc 09:30 (GMT+7)
Breaking News

Sở hữu trí tuệ công cụ bảo hộ đầu tư

VNHN - Sở hữu trí tuệ (SHTT) có vai trò quan trọng với sự tồn vong của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên vẫn rất ít DN hiểu đúng, hiểu đủ về vấn đề này. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, người gắn bó với hoạt động SHTT từ trước khi luật này được ban hành và có hiệu lực ở Việt Nam.

VNHN - Sở hữu trí tuệ (SHTT) có vai trò quan trọng với sự tồn vong của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên vẫn rất ít DN hiểu đúng, hiểu đủ về vấn đề này. Chúng tôi có cuộc trao đổi với Tiến sĩ (TS) Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, người gắn bó với hoạt động SHTT từ trước khi luật này được ban hành và có hiệu lực ở Việt Nam.

 

Theo TS. Lê Ngọc Lâm, một trong số các biện pháp giúp DN tránh bị người khác làm theo là đem dấu ấn của SHTT riêng của họ vào sản phẩm. Theo đó, kết quả của việc đầu tư tiền của, công sức để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu... phải được đăng ký quyền SHTT. Trên cơ sở đó, quyền SHTT sẽ trở thành công cụ bảo vệ cho DN khi đưa sản phẩm, hàng hóa được bảo hộ quyền SHTT ra thị trường, ngăn không cho người khác bắt chước.

Trong trường hợp không đăng ký quyền SHTT, các thành quả sáng tạo dễ bị người khác chiếm đoạt và DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, sẽ khó trụ được trên thị trường trước sự cạnh tranh, chèn ép của các DN khác kinh doanh sản phẩm, mặt hàng cùng loại.

Trên thực tế, nhận thức của các DN hiện nay về thực thi SHTT như thế nào?

Các DN trong nước mới chú trọng đến việc đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mà chưa thật sự tập trung tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm có tính năng mới, tạo ra mẫu mã, diện mạo mới cho sản phẩm. Vì thế, các đối tượng quyền SHTT như sáng chế, giải pháp hữu ích hay kiểu dáng công nghiệp chưa có nhiều để đăng ký tại Cục SHTT như mong muốn.

Việc thực thi quyền SHTT khi bị xâm phạm quyền trên thực tế cũng chưa được DN quan tâm đúng mức. Trong khi nhiều DN đã có ý thức quyết liệt trong bảo vệ quyền SHTT của mình khi bị xâm phạm, vẫn còn không ít DN có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan chức năng mà không tự bảo vệ mình. Thiếu hiểu biết trong việc yêu cầu xử lý xâm phạm, tâm lý ngại đưa vụ việc ra toà án cũng là những rào cản khiến DN gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) khi quyền SHTT bị người khác xâm phạm.

Dường như các tranh chấp SHTT đang ngày càng gia tăng?

Khi một sản phẩm, dịch vụ đem lại lợi thế trên thị trường, lợi nhuận cho DN thì chắc chắn nó trở thành tâm điểm của DN khác. Mối quan tâm này một mặt có thể do suy nghĩ chủ quan của DN khác muốn đưa sản phẩm, dịch vụ bán chạy ra thị trường để cùng kinh doanh mà không để ý đến quyền SHTT của người khác. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý là hàng giả mạo, hàng xâm phạm quyền SHTT thường đem lại lợi nhuận rất lớn nên đó luôn là miếng mồi hấp dẫn đối với những người sản xuất và buôn bán, kinh doanh hàng giả.

Nâng cao nhận thức công chúng, tôn trọng quyền SHTT của người khác, thực thi quyền SHTT của chủ sở hữu một cách có hiệu quả sẽ giúp giảm các tranh chấp về quyền SHTT trên thị trường.

Việt Nam đang ngày càng tham gia nhiều sân chơi quốc tế lớn.  SHTT sẽ có ảnh hưởng ra sao đến sự tham gia của các DN với các đối tác trong các sân chơi này?

Khi các FTA có hiệu lực thi hành, một mặt các quy định về bảo hộ SHTT sẽ được nâng lên mức cao hơn, các chế tài trong thực thi quyền cũng mạnh hơn, hàng hóa từ các nước trong khu vực FTA cũng sẽ tràn vào thị trường trong nước tự do hơn dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt hơn với hàng hóa trong nước. Các DN nước ngoài luôn chú trọng bảo hộ quyền SHTT cho sản phẩm của họ trước khi nhập vào thị trường Việt Nam, vì thế DN trong nước cần lưu ý để tránh không bị vướng vào những hành vi xâm phạm quyền SHTT của họ.

DN trong nước phải đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo nhằm có được những sản phẩm, dịch vụ mới, đủ sức cạnh tranh trên thị trường và được đăng ký quyền SHTT cho mình. Chỉ bằng cách sử dụng quyền SHTT để bảo vệ cho hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên thị trường thì DN trong nước mới có khả năng cạnh tranh và phát triển lợi thế sân nhà. Trên cơ sở đó, DN trong nước cũng cần xác định chính xác thị trường của mình ở nước ngoài trước mắt hoặc trong ngắn hạn để tiến hành đăng ký quyền SHTT tại những nước tương ứng trước khi tiến hành hoạt động SXKD ở quốc gia, khu vực đó.

Nhiều ý kiến cho rằng, bảo hộ SHTT là một hình thức đầu tư, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điều này?

Chính xác hơn, bảo hộ quyền SHTT là hình thức hoặc công cụ bảo vệ cho thành quả đầu tư, cả về tiền bạc, công sức lẫn lao động trí óc. Hoạt động đổi mới sáng tạo sẽ tạo ra nhiều quyền SHTT, là cơ sở cho DN độc chiếm thị trường, xuất phát trước đối thủ cạnh tranh, phát triển hoạt động SXKD của mình. Kéo theo những quyền SHTT không ngừng được tạo ra là chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ của DN, uy tín, tên tuổi của DN được thị trường ghi nhận và coi trọng.

Kết quả, giá trị tài sản của DN không ngừng gia tăng mà trong đó quyền SHTT, vốn được coi là loại tài sản vô hình đặc biệt, đóng góp phần lớn trong tổng giá trị tài sản của DN.

Vậy theo ông, DN cần lưu ý điều gì để thu hút nguồn vốn và khởi nghiệp thành công dựa trên quyền SHTT?

DN cần hiểu rõ bản chất của từng loại quyền SHTT. Bên cạnh những đối tượng không nhất thiết phải tiến hành đăng ký như quyền tác giả, quyền liên quan, tên thương mại hay bí mật kinh doanh, thì đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng mới..., DN nhất thiết phải quan tâm đến việc đăng ký quyền SHTT.

Trong trường hợp cần đăng ký, DN cần tiến hành nộp đơn đăng ký trước khi đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường để tránh rủi ro bộc lộ làm mất tính mới hoặc bị đối thủ cạnh tranh chiếm đoạt nhãn hiệu.

Để quyền SHTT có thể trở thành nguồn thu hút vốn đầu tư thì chắc chắn quyền SHTT đó phải có giá trị về mặt kỹ thuật, công nghệ hay thẩm mỹ cũng như khả năng cạnh tranh trên thị trường, đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Vì vậy, song song với việc tạo ra một quyền SHTT có giá trị, quyền SHTT đó phải được đăng ký xác lập quyền ở nơi mà quyền SHTT đó được tiến hành khai thác. Việc được cấp các văn bằng bảo hộ ở những quốc gia đó cũng sẽ là bằng chứng chứng minh cho sự đổi mới sản phẩm, dịch vụ cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền SHTT trên thị trường.