13/01/2025 lúc 06:41 (GMT+7)
Breaking News

Sở GTVT Long An: Những bứt phá từ hạ tầng giao thông

Xác định hệ thống giao thông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều năm qua, tỉnh Long An đã tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đến nay, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo được sự đồng thuận và hài lòng của người dân, doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hãy cùng lắng nghe cuộc trò chuyện của PV VNHN cùng ông Đặng Hoàng Tuấn – Giám

VNHN - Xác định hệ thống giao thông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều năm qua, tỉnh Long An đã tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Đến nay, nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo được sự đồng thuận và hài lòng của người dân, doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Hãy cùng lắng nghe cuộc trò chuyện của PV VNHN cùng ông Đặng Hoàng Tuấn – Giám đốc Sở GTVT tỉnh Long An để thấy rõ hơn những thành công này.

PV: Thời gian qua, sự đổi thay mạnh mẽ của hệ thống hạ tầng giao thông đã mang lại cho Long An những lợi ích lớn lao nào?

Ông Đặng Hoàng Tuấn: Trong những năm vừa qua, nhất là giai đoạn 2015 - 2020, được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ GTVT, sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Ngành đã triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Đã xây dựng 03 công trình trọng điểm: ĐT.830 (Đức Hòa – Cảng Tân Tập); Đường vành đai thành phố Tân An; Trục động lực kết nối TP.HCM – Long An – Tiền Giang; cùng 14 công trình trong Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh nằm trên địa bàn các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước được kết nối đến các khu, cụm công nghiệp; kết nối đến Cảng quốc tế Long An và kết nối với các tuyến giao thông của TP.HCM... Các công trình huyết mạch này hoàn thành đã đóng góp lớn vào việc thu hút đầu tư, tăng khả năng vận chuyển hàng hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ngoài ra, Sở GTVT còn thực hiện thêm 07 công trình cấp bách do UBND tỉnh giao, đến nay đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Không chỉ vậy, công tác quy hoạch kết nối với các địa phương, phát triển hệ thống giao thông nông thôn cũng được thực hiện đồng bộ để đảm bảo sự phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Nút giao Phạm Văn Ngô (đường vành đai TP. Tân An)

PV: Ngành đã hỗ trợ công tác chống dịch của địa phương ra sao?

Ông Đặng Hoàng Tuấn: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội trên toàn tỉnh, Ngành đã thực hiện nghiêm túc và kịp thời các chỉ đạo của UBND tỉnh, Bộ Giao thông vận tải về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời đã ban hành văn bản gửi lực lượng chức năng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển người lao động, chuyên gia, đảm bảo công tác phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như cho công tác phòng chống dịch. Cùng chung tay chống dịch, tham gia cùng với lực lượng tuyến đầu thực hiện các công việc như: vận động, huy động phương tiện vận chuyển cơm, nước, nhu yếu phẩm đến các khu cách ly, bệnh viện dã chiến…. Để nới lỏng giãn cách ở mức “bình thường mới”, Ngành đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch để đồng hành cùng tỉnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

PV: Với vị trí chiến lược và được đánh giá là trung tâm công nghiệp - dịch vụ chính của ĐBSCL, thời gian tới, Long An sẽ tập trung đầu tư xây dựng mở rộng nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng ra sao?

Ông Đặng Hoàng Tuấn: Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối được các khu cụm công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và các đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa (các cảng cạn, cảng thủy nội địa và cảng biển) tiếp tục là mục tiêu của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025. Hiện tại, tỉnh Long An đang tập trung để thực hiện 03 công trình trọng điểm gồm: Đường Vành đai thành phố Tân An và cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Tây (đoạn còn lại); ĐT.827E (GPMB đoạn từ đầu tuyến đến sông Vàm Cỏ Đông); ĐT.830E (đoạn từ nút giao cao tốc đến ĐT.830). Đồng thời, lập kế hoạch và triển khai phối hợp với các tỉnh lân cận để đầu tư kết nối hạ tầng giao thông cho đồng bộ, đặc biệt là kết nối với TP.HCM trong đó có đề xuất 07 điểm kết nối ưu tiên thực hiện trong nhiệm kỳ 2021-2025. Ngoài hệ thống đường bộ, trong nhiệm kỳ này Long An cũng cần phải có các chính sách đầu tư, chính sách thu hút nhà đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường thủy để kết nối với đường bộ, các trung tâm logistics, cảng cạn, phát huy lợi thế đường thủy.

Cảng Long An - QL 50

Để đạt mục tiêu kết nối được các khu cụm công nghiệp trong vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và các đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa, thời gian tới, Long An tiếp tục tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, triển khai thực hiện các dự án giao thông có tính chất liên kết vùng trong tỉnh, liên kết với TP.HCM. Những dự án này sau khi hoàn thành sẽ đóng góp tích cực nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, tạo tiền đề thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần tạo nền tảng đảm bảo cho Long An phát triển nhanh và bền vững.

Đặc biệt, tỉnh đã và đang chú trọng khuyến khích, huy động các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị. Cụ thể việc huy động vốn đầu tư các công trình đột phá của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 được dự kiến thực hiện thông qua hình thức đối tác công tư (PPP), giao khai thác quỹ đất; chú trọng hình thức huy động doanh nghiệp cùng nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng có liên quan trực tiếp đến lợi ích của dự án, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tăng cường các hoạt động phối hợp, liên kết vùng, hợp tác với TP.HCM để đầu tư các công trình kết nối quan trọng. Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công phải đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu bức xúc trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài; trong đó, nguồn vốn ngân sách đóng vai trò “vốn mồi” trong đầu tư các công trình giao thông thuộc chương trình./.

Xin cảm ơn ông!