Qua 5 năm thực hiện, chương trình thí điểm giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài, ngành Giáo dục Nam Định gặt hái được thành công ngoài mong đợi. Bên cạnh kết quả các kỳ thi THPT quốc gia môn tiếng Anh của học sinh ngày càng nâng lên, năng lực sử dụng tiếng Anh của học sinh ở các cấp học trên địa bàn tỉnh cũng được đánh giá cao. Để hiểu rõ hơn về thành tựu này, Phóng viên Tòa soạn Việt Nam Hội nhập đã có buổi phỏng vấn ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định.
Ông Cao Xuân Hùng, Nhà giáo Ưu tú, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định
PV: Nam Định là tỉnh tiên phong thực hiện Đề án “Thí điểm tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông giai đoạn 2015-2020”, vậy động lực nào để ngành Giáo dục tỉnh Nam Định triển khai, thực hiện đề án mang tính chiến lược này?
Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định:
Xuất phát từ khát khao của các thế hệ tiền bối, với mong muốn khắc phục những hạn chế về kỹ năng lâu nay của con em trong tỉnh đối với việc học tiếng Anh
Trong thời đại ngày nay, để bước vào nền tri thức hội nhập, ngoài kiến thức chuyên môn thì tin học và ngoại ngữ là rất quan trọng. Nam Định vốn là mảnh đất văn hiến có bề dày hàng ngàn năm lịch sử, nơi phát tích Vương triều Trần, người Nam Định hiếu học và học giỏi… Với khát vọng đổi mới, sáng tạo trong sự nghiệp “trồng người” nhằm đáp ứng xu thế hội nhập phát triển của đất nước, với mục tiêu xây dựng được đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao là "chìa khóa", là động lực để thực hiện thành công hướng tới mục tiêu Nam Định trở thành trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị khu vực Nam đồng bằng sông Hồng cùng cả nước hoà nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.
Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định trao giải cho các em học sinh có thành tích cao trong Cuộc thi hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh năm học 2019 - 2020
Bên cạnh Đề án thí điểm đưa giáo viên người nước ngoài và giảng dạy tại các trường phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định đã ban hành Kế hoạch xây dựng cộng đồng giáo viên sáng tạo tỉnh Nam Định tham gia chương trình Chuyên gia giáo dục Microsoft. Kế hoạch nhằm tập hợp những cán bộ quản lý, giáo viên có năng lực về chuyên môn, ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin một cách sáng tạo, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng quản trị trường học, chất lượng giảng dạy góp phần duy trì và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cho giáo dục tỉnh Nam Định; xây dựng Cộng đồng giáo viên sáng tạo Microsoft toàn cầu, qua đó mở rộng không gian tiết học trên phạm phạm vi trong nước, khu vực và toàn thế giới; khơi dạy niềm đam mê, tạo môi trường cho các cán bộ quản lý, giáo viên phát triển năng lực, đáp ứng việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy và học trong giai đoạn hiện nay; tạo ra cơ hội và động lực, giúp học sinh thay đổi tư duy sáng tạo, chủ động và thích ứng tốt thời kỳ phát triển của công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin từ đó định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Trong một tương lai gần thì giáo viên nước ngoài không phải sang Việt Nam để giảng dạy như hiện nay mà ở ngay nước mình dạy trực tuyến cho học sinh, sinh viên Việt Nam và ngược lại thầy cô ở Việt Nam cũng giảng dạy cho người nước ngoài mà không phải sang nước họ.
Với động lực đó, chúng tôi tin tưởng việc việc đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông kết hợp với chương trình Chuyên gia giáo dục Microsoft sẽ góp phần đào tạo nên đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao cho quê hương Nam Định, cho đất nước để phục vụ công cuộc đổi mới.
Học sinh THPT chuyên Lê Hồng Phong Nam Định tham gia kiểm tra đầu vào với giáo viên nước ngoài
PV: Nam Định là tỉnh có địa hình đa dạng về tự nhiên, trình độ dân cư điều kiện cơ sở vật chất khồng đồng đều, chất lượng giáo dục ở các vùng miền có sự chênh lệch lớn... Ông có thể chia sẻ về những khó khăn, trở ngại khi thực hiện Đề án này?
Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định:
Thực ra, khi triển khai bất cứ một phương án mới nào trong giáo dục thì đều có khó khăn, ở đây đưa ngôn ngữ, tiếng người nước ngoài vào giảng dạy thì khó khăn chồng chất khó khăn. Ngoài con người là điều kiện cần, thì cơ sở vật chất trang thết bị giảng dạy là điều kiện đủ để Đề án đạt kết quả.
Trong quá trình triển khai, cơ sở vật chất, trang thiết bị một số trường còn thiếu, ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều trang thiết bị hỗ trợ giảng dạy chưa đáp ứng. Nguồn kinh phí của chương trình mục tiêu quốc gia cũng như kinh phí của địa phương còn hạn hẹp.
Bên cạnh đó, trình độ của học sinh không đồng đều, nhiều học sinh bị hổng kiến thức cơ bản nên giáo viên còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc triển khai tổ chức các hoạt động trên lớp. Ngoài ra, một số phụ huynh học sinh định hướng cho con học theo cách luyện thi, nên ảnh hưởng nhiều đến sĩ số học sinh tham gia học tập chương trình tăng cường tiếng Anh với người nước ngoài.
Việc thu hút giáo viên nước ngoài, đặc biệt là giáo viên giỏi gắn bó lâu dài với Nam Định gặp nhiều khó khăn. Các giáo viên người nước ngoài đều có xu hướng hưởng thụ rất cao, đó có thể là du lịch, dã ngoại vào các ngày cuối tuần, nhưng Nam Định là một tỉnh nhỏ, ở địa phương lại không có nhiều sự lựa chọn về các địa điểm vui chơi giải trí chất lượng cao như Hà Nội hoặc các thành phố lớn khác nên để họ về thì họ cũng đắn đo rất nhiều.
Việc đưa giáo viên nước ngoài vào giảng dạy tại các trường phổ thông tại Nam Định đã góp phần tạo nên một luồng sinh khí mới cho việc dạy và học tiếng Anh.
PV: Có thể thấy việc dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh Nam Định đã thu được những “trái ngọt” ban đầu, từ kết quả này khẳng định ngành Giáo dục tỉnh đang đi đúng hướng để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ một cách toàn diện. Ông có thể chia sẻ thêm về tín hiệu tích cực này?
Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định:
Qua 5 năm thực hiện, chương trình thí điểm giảng dạy tiếng Anh với giáo viên nước ngoài đã thành công ngoài mong đợi. Kết quả được thể hiện rất rõ qua các cuộc thi như thi hùng biện tiếng Anh hay thi tốt nghiệp THPT. Trước đây, điểm trung bình thi THPT quốc gia môn tiếng Anh của Nam Định hầu như không được xếp trong tốp 10, nhưng mấy năm trở lại đây thì chúng tôi luôn giữ vững vị trí thứ 5, thứ 6 trong cả nước. Số lượng trường đăng ký triển khai chương trình và số lượng học sinh tự nguyện theo học đã vượt xa mục tiêu của Ðề án; các giáo viên nước ngoài đã góp phần tạo nên một luồng sinh khí mới cho việc dạy và học tiếng Anh ở các trường phổ thông.
Ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, việc thực hiện Ðề án cũng giúp giáo viên dạy tiếng Anh các nhà trường được giao lưu, trao đổi, học hỏi giáo viên tiếng Anh bản xứ để trau dồi năng lực tiếng Anh và phương pháp sư phạm. Sự bổ sung tương trợ lẫn nhau giữa các giáo viên “ngoại” và giáo viên “nội” đã đem lại môi trường học ngoại ngữ hiệu quả hơn, khắc phục được điểm yếu của giáo viên và học sinh trong nước về phát âm và nghe nói. Các em học sinh theo học chương trình đã tự tin hơn trong giao tiếp với người nước ngoài, khả năng nghe nói tiếng Anh được cải thiện rõ rệt. Đó là cơ sở để Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất với tỉnh tiếp tục triển khai “Đề án tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2026".
Sở Giáo dục và Đào tạo Nam Định thường xuyên tổ chức các hội thi giao lưu tiếng Anh nhằm phát hiện những học sinh có năng khiếu tiếng Anh, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh ở các bậc học tiếp theo.
PV: Thưa ông, UBND tỉnh đã phê duyệt “Đề án tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2026”. Đề án này có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện nay?
Ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định:
Là thầy giáo, cô giáo hạnh phúc nhất là thấy học trò ngày một tiến bộ, chúng tôi tin tưởng vào quy mô Đề án sẽ đem lại hiệu quả.
“Đề án tăng cường giảng dạy tiếng Anh trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2026” là động lực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường phổ thông tỉnh Nam Định, đặc biệt là các kỹ năng nghe và nói tiếng Anh. Đề án chú trọng đổi mới phương pháp dạy học tiếng Anh; đổi mới kiểm tra, đánh giá; xây dựng môi trường học ngoại ngữ, tạo điều kiện phát triển năng lực tư duy, sáng tạo, kỹ năng thực hành và giao tiếp bằng tiếng Anh của giáo viên và học sinh, góp phần thực hiện thành công Đề án ngoại ngữ quốc gia và năng lực hội nhập quốc tế của học sinh Nam Định.
Bên cạnh đó Đề án cũng góp phần thực hiện chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các nhà trường thông qua việc dạy tiếng Anh tăng cường và dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh.
Trong thời gian tới, mục tiêu của chúng tôi là trang bị đủ khả năng sử dụng ít nhất một ngoại ngữ cho người học trên địa bàn tỉnh khi hoàn thành chương trình THPT; từng bước biến khả năng sử dụng ngoại ngữ trở thành thế mạnh của người Nam Định trong xây dựng, hội nhập và phát triển nền kinh tế - xã hội tại địa phương. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, ngành có hướng đầu tư, đổi mới việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ ở các cấp trình độ đào tạo, nâng cao năng lực sử dụng ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu học tập và làm việc tại doanh nghiệp; tăng cường năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao trong thời kỳ hội nhập./.
CQĐD Nam đồng bằng sông Hồng
Ảnh: Đơn vị cung cấp