09/11/2024 lúc 02:44 (GMT+7)
Breaking News

Sản xuất thức ăn chăn nuôi: Doanh nghiệp nội khó cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI

VNHNO - Theo báo cáo của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, hằng năm, nước ta phải nhập khẩu tới hơn 8 triệu tấn nguyên liệu với tổng kim ngạch lên đến 3 tỷ USD để sản xuất ra khoảng 15,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi phục vụ chăn nuôi nội địa.

VNHNO - Theo báo cáo của Hiệp hội thức ăn chăn nuôi, hằng năm, nước ta phải nhập khẩu tới hơn 8 triệu tấn nguyên liệu với tổng kim ngạch lên đến 3 tỷ USD để sản xuất ra khoảng 15,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi phục vụ chăn nuôi nội địa.

Dây chuyền sản xuất, đóng gói thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp trong nước

Việt Nam vốn được xem là quốc gia thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nhưng hằng năm vẫn phải chi rất nhiều tiền vào việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu từ nước ngoài để sản xuất. 

Hiện, đa số doanh nghiệp nhập khẩu thức ăn chăn nuôi ở nước ta cũng đang phải chịu sự chi phối của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi nội địa.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, năm 2010 sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp chỉ đạt hơn 10 triệu tấn, thì đến năm 2018 đã bứt phá, đạt doanh số hơn 23 triệu tấn. Mặc dù, sản xuất tăng trưởng cao nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu và vẫn còn phải phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đưa ra nguyên nhân dẫn tới nhiều bất cập, trong đó chủ yếu là do một số nguyên liệu như bột cá, vitamin các loại… không được miễn giảm GTGT. Đồng thời, doanh nghiệp vẫn phải chịu các khoản GTGT từ chi phí vận chuyển tăng, giá điện, giá nước đến chi phí máy móc thiết bị… nên giá chỉ có thể giảm giá từ 2,5 – 3%.

Dựa theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2018, nước ta mất gần 2 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Và cũng theo dự báo của Bộ Công Thương, nhu cầu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi sẽ tiếp tục tăng mạnh, có thể lên tới 3,8 - 3,9 tỷ USD vào cuối năm nay.

Đồng chí Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: Sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40 - 45% nhu cầu ngô hạt phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Việt Nam chỉ chủ động được nguồn cám gạo, khoai mì còn một số vùng nguyên liệu không phát triển được vì năng suất cây trồng thấp, người dân chưa chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi.

Đây là nguyên nhân chính khiến doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước giảm sút từ 30 – 50%, trong đó đã có hơn 40 doanh nghiệp bị phá sản do không chịu được các khoản chi phí cũng như lo được đầu ra cho sản phẩm.

Theo báo cáo từ Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, hiện cả nước có 240 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có gần 200 doanh nghiệp trong nước và khoảng 60 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Công ty CP Chăn nuôi Việt Nam chiếm 19,4%, Công ty TNHH Cargill chiếm 8,1%...

Mặc dù doanh nghiệp trong nước nổi trội hơn hẳn về số lượng tuy nhiên xét về công suất và thị phần thì doanh nghiệp ngoại vẫn phát triển tốt hơn hẳn với công suất sản xuất khoảng 15.700 tấn/năm, chiếm xấp xỉ 60% tổng sản lượng.

Thực tế cho thấy, việc giảm thuế GTGT mang lại lợi ích khá lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi lợi nhuận của họ hầu như không ảnh hưởng, thậm chí còn tăng lên, trong khi nguồn thu của Nhà nước lại giảm. 

Do đó, cần có quy định giới hạn mức lợi nhuận cho các mặt hàng này, đặc biệt về phía các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và chiến lược phát triển thị trường hợp lý để chủ động nguồn nguyên liệu cũng như giá bán cạnh tranh cho sản phẩm./.