24/12/2024 lúc 08:52 (GMT+7)
Breaking News

Sắc xuân trên quê Bác - Nam Đàn

VNHN - Xuân lại về trên mọi miền đất nước, đến với mỗi miền quê, với mỗi cơ quan đơn vị và Xuân trong lòng người thấm đẫm tình non nước. Dẫu mỗi nơi sắc Xuân có khác, nhưng hồn Xuân thì đâu cũng vậy… Mừng Xuân, càng vui và tự hào hơn khi nhìn lại năm qua ta đã cùng làm nên những thành tựu đậm đầy. Nam Đàn quê Bác cũng vậy, mỗi gương mặt con người đang bừng sáng sắc Xuân…

VNHN - Xuân lại về trên mọi miền đất nước, đến với mỗi miền quê, với mỗi cơ quan đơn vị và Xuân trong lòng người thấm đẫm tình non nước. Dẫu mỗi nơi sắc Xuân có khác, nhưng hồn Xuân thì đâu cũng vậy… Mừng Xuân, càng vui và tự hào hơn khi nhìn lại năm qua ta đã cùng làm nên những thành tựu đậm đầy. Nam Đàn quê Bác cũng vậy, mỗi gương mặt con người đang bừng sáng sắc Xuân…

Nam Đàn (Nghệ An) là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, là niềm tự hào và sự hướng về không chỉ của người dân Nghệ An mà của nhân dân cả nước. Về với Nghệ An trong một chuyến hành trình du lịch nào đó, không ai là không mong được về thăm Nam Đàn – Kim Liên quê Bác.

Đó là tình cảm, là đạo lý của người Việt Nam chúng ta. Người dân huyện Nam Đàn luôn thấu hiểu tình cảm thiêng liêng ấy và dù trải bao gian nan trong hành trình xây dựng quê hương từ nghèo khó đi lên, các thế hệ cán bộ và nhân dân Nam Đàn không bao giờ chùn bước, luôn vượt lên bằng ý chí và sức sáng tạo của mình.

Về Nam Đàn những ngày cuối tháng Chạp của năm Mậu tuất này, ai cũng cảm nhận không khí rạo rực và vui tươi của người dân quê Bác chuẩn bị đón Tết cổ truyền và đón Xuân Kỷ hợi - 2019. Niềm vui được nhân lên gấp bội khi nhìn lại những năm qua và năm 2018, bao nỗ lực vượt khó có hiệu quả của cán bộ và nhân dân trong huyện đã làm nên những khởi sắc đáng mừng, những thành tựu đáng tự hào trên quê hương Nam Đàn yêu dấu.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới cho huyện Nam Đàn (19/5/2018)

Một trong những thành tựu nổi bật nhất của huyện Nam Đàn thời gian qua là kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, trở thành đơn vị cấp huyện đầu tiên của tỉnh Nghệ An được công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Thành quả đó càng có ý nghĩa lớn hơn nhiều trong điều kiện những khó khăn, thách thức của huyện khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình là rất lớn và để vượt qua, đòi hỏi một quyết tâm rất cao cùng những giải pháp phù hợp và tích cực của Huyện.

Qua bộn bề gian khó…

Vốn là một huyện thuần nông, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), Nam Đàn có xuất phát điểm thấp: tại thời điểm năm 2010, chỉ có 03/23 xã của huyện đạt 9 tiêu chí NTM, còn lại 20/23 xã mới chỉ đạt từ 02 – 08 tiêu chí.

Khi đó, do năng suất lao động (trong nông nghiệp) rất thấp, sản xuất lại manh mún, nhỏ lẻ và tuy đã có sự đổi mới, nhưng  về mặt cơ chế chính sách đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn còn những hạn chế nhất định; đời sống của nhân dân còn rất khó khăn, thu nhập bình quân đầu người thấp (Năm 2010 chỉ mới đạt 17,5 triệu đồng/người/năm), nên việc huy động nguồn lực từ nhân dân tham gia đóng góp thực hiện Chương trình xây dựng NTM là cả một vấn đề không đơn giản đối với huyện Nam Đàn.

Trong khi khối lượng các nội dung, tiêu chí nhiều, cần lượng kinh phí đầu tư lớn mà ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình còn hạn chế; việc huy động doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này cũng khó khăn.

Nông dân Nam Đàn thu hoạch lúa vụ hè thu 2018 

Bên cạnh đó còn là tư tưởng trông chờ, ỷ lại sự đầu tư từ nhà nước của một bộ phận cán bộ và nhân dân làm ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, nhất là trong giai đoạn đầu…

Về mặt khách quan, trong thời gian đầu triển khai Chương trình, một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện từ Trung ương đến địa phương chưa thực sự thống nhất, chưa phù hợp với tình hình thực tế, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm và phải điều chỉnh nhiều lần.

Điều đó khiến cho việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện tại địa phương thêm khó khăn và có lúc lúng túng, ảnh hưởng đến hiệu lực công tác chỉ đạo của cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc triển khai nhiệm vụ.

Thực ra, khó khăn của Nam Đàn trong xây dựng NTM không phải chỉ có ở giai đoạn đầu khi triển khai Chương trình, mà ngay trong quá trình thực hiện xây dựng huyện NTM, cũng vẫn tồn tại và phát sinh những khó khăn bản thân huyện không thể né tránh được.

Trong đó, vấn đề quy hoạch vùng của Nam Đàn đã được điều chỉnh nhưng chưa được phê duyệt ảnh hưởng trực tiếp tới việc đầu tư và kêu gọi, thu hút đầu tư. Kinh phí đầu tư để thực hiện tiêu chí giao thông một số tuyến đường liên xã, nội xã do không thể huy động đủ ngay được nên phải làm dần, cũng ảnh hưởng tới tiến độ chung.

Đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có các trung tâm văn hóa của huyện, xã, cần một lượng kinh phí lớn để đầu tư, nhưng cả ngân sách của huyện và nguồn lực trong dân đều rất khó khăn. Rồi việc thực hiện tiêu chí về môi trường: Trong khi theo quy định thì huyện đạt chuẩn NTM phải có 60% trở lên người dân sử dụng nước sạch và có hệ thống xử lý nước thải rắn, nhưng Nam Đàn chưa đáp ứng được yêu cầu này, do không có kinh phí đầu tư ngay được.

Kinh tế từ sản xuất nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn, trong khi Nam Đàn chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, nông thôn nên tổng giá trị sản xuất của huyện còn nhỏ… Thực tiễn đó cho thấy khó khăn là không nhỏ, và cũng minh chứng rằng, để có được thành quả xây dựng NTM ở Nam Đàn như hôm nay là một quá trình nỗ lực rất lớn của Đảng bộ và nhân dân, của cả hệ thống chính trị trong huyện. 

Thành quả của sự đồng tâm nhất trí, của ý Đảng lòng dân

Mặc dù thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trong điều kiện có nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế, nhưng huyện Nam Đàn đã nỗ lực, kiên trì, sáng tạo và đạt được những kết quả rất ấn tượng. Đến nay, 23/23 xã đều đã đạt chuẩn NTM, hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM của huyện và được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An nói chung, huyện Nam Đàn nói riêng.

Huy động nguồn lực đầu tư cho Chương trình là vấn đề có tính cốt yếu. Nhưng phương thức huy động nguồn lực phải phù hợp trên tinh thần tự nguyện. Huyện Nam Đàn đã làm được điều đó.

Cụ thể, từ năm 2011 đến 2017, tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới của huyện Nam Đàn là 1.503,5 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 107,2 tỷ đồng (chiếm 7,13%); ngân sách tỉnh 145 tỷ đồng (chiếm 9,64%); ngân sách huyện 160 tỷ đồng (chiếm 10,64%); ngân sách xã 193,2 tỷ đồng (chiếm 12,85%); doanh nghiệp hỗ trợ 98,5 tỷ đồng (chiếm 6,55%); nhân dân đóng góp 319,8 tỷ đồng (chiếm 21,27%); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn 479,8 tỷ đồng (chiếm 31,9%).  

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện cuối năm 2017 đạt 36 triệu đồng/người (tăng 18,5 triệu đồng so với năm 2010) và đến cuối năm 2018 đạt trên 40 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo tại các xã đều dưới 5% và trên địa bàn toàn huyện đến cuối năm 2017 là 3,16% (giảm 11,44% so với năm 2010), đến nay còn dưới 3%. Ngoài ra, nhân dân còn hiến 212.355 m2 đất, tháo dỡ di dời 28.468 m2 tường rào, đóng góp 121.093 ngày công để xây dựng NTM…

Những con số ấn tượng ấy phần nào thể hiện "cái khó đã không bó được cái khôn" ở Nam Đàn – cái "khôn" ở đây trước hết là quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện. Và, cái "khôn" ấy được thể hiện ở những giải pháp hiệu quả được thực thi trong những năm qua.

Sự quyết tâm, những nỗ lực, sáng tạo, với những cách làm hiệu quả của Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn với việc phát huy vai trò chủ thể của người dân chính là yếu tố quyết định nhất để sớm đạt được mục tiêu…

"Dễ trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong" – Lời Bác dạy là tinh thần có tính xuyên suốt mà Đảng bộ, Chính quyền huyện Nam Đàn quán triệt trong quá trình xây dựng NTM.

Nhân dân mọi miền về thăm nhà Bác ở Kim Liên

Theo đó, ngay từ khi bắt đầu triển khai Chương trình, Huyện ủy Nam Đàn đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-HU ngày 24/10/2010 về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Nam Đàn giai đoạn 2010 – 2020.

Sau đó là Kế hoạch do UBND huyện ban hành về tổ chức triển khai thực hiện và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình xây dựng NTM (Ban Chỉ đạo huyện do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, Ban Chỉ đạo cấp xã do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm trưởng ban). Còn nhiều văn bản khác mang tính lãnh đạo chỉ đạo cụ thể của Huyện ủy và UBND huyện đã được ban hành trong quá trình thực hiện xây dựng NTM.

Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân là việc làm được coi trọng đầu tiên và được kiên trì thực hiện. Qua đó, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao về nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bởi người dân phải hiểu được rằng, xây dựng NTM là xây dựng quê hương của  chính mình và người được thụ hưởng thành quả của Chương trình không ai khác mà là chính họ. Và, người dân phải là chủ thể của Chương trình.

Các hình thức tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú, như: Tập trung quán triệt đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các văn bản của Trung ương, của Tỉnh về chủ trương, chính sách, pháp luật  trong xây dựng NTM; tuyên truyền trực quan bằng hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, pano, appic, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chương trình xây dựng nông thôn mới, hình thức sân khấu hóa…

Trong cả quá trình, toàn huyện đã tổ chức hàng trăm cuộc hội họp về xây dựng nông thôn mới, treo và kẻ vẽ trên 4.650 băng rôn, appic, khẩu hiệu viết tường các loại; Riêng đài Truyền thanh – Truyền hình huyện đã xây dựng được hơn 500 phóng sự, 800 tin bài, 700 chuyên mục và 15 chuyên đề về xây dựng nông thôn mới… Từ công tác tuyên truyền mà khơi dậy tinh thần yêu nước, tự chủ, tự cường, đổi mới, sáng tạo và tích cực tham gia vào Chương trình của người dân.

Sự sâu sát, quyết liệt, đặc biệt coi trọng hiệu quả trong tổ chức và chỉ đạo thực hiện Chương trình, của lãnh đạo huyện và người đứng đầu các xã, thị trấn được xem là một nhân tố quan trọng để quá trình xây dựng NTM ở Nam Đàn được vận hành tốt. Rất nhiều lần đích thân đồng chí Chủ tịch UBND huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện, trưởng các phòng ban cấp huyện, MTTQ và các đoàn thể của huyện đã đi thực tế, trực tiếp làm việc với các xã, thậm chí là các thôn để nghe và cho ý kiến vào kế hoạch xây dựng nông thôn mới của từng cơ sở.

Qua đó kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Huyện Nam Đàn còn thành lập các đoàn công tác nhằm giám sát, chỉ đạo những xã đã đạt chuẩn rà soát, xây dựng kế hoạch thực hiện nhằm đảm bảo tính bền vững của các tiêu chí theo quy định tại Quyết định 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1166/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cho các cán bộ, Ban chỉ đạo của huyện đã tổ chức các đợt tham quan học tập kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, cũng như việc chuyển đổi HTX tại Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình cho các thành viên Ban chỉ đạo huyện, xã; mở các lớp tập huấn xây dựng NTM cho cán bộ cấp xã và xóm với hàng trăm học viên tham gia với kết quả tích cực.

Xác định rõ, xây dựng nông thôn là thực hiện các nội dung cụ thể để CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn. Do đó, huyện Nam Đàn chú trọng gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện các kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương.

Nam Đàn hôm nay đã và đang không ngừng đổi thay, khởi sắc. Sắc Xuân này hơn hẳn sắc Xuân qua. Cuộc sống của người dân Nam Đàn giờ đây đã dần hết đi cảnh lam lũ trước kia, no ấm, đủ đầy và hạnh phúc hơn; đặc biệt là đời sống tinh thần được nâng cao rõ rệt…

Từ thành quả xây dựng NTM rất đáng tự hào ấy, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn đang đứng trước thời cơ và vinh dự mới (cũng là thách thức mới): Phấn đấu xây dựng Nam Đàn trở thành một trong 4 huyện điểm Nông thôn mới kiểu mẫu (của cả nước) trước năm 2025, theo sự lựa chọn của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Trung ương và tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An dành riêng cho Nam Đàn với mục tiêu xây dựng huyện Nam Đàn phát triển toàn diện vững mạnh, là huyện NTM kiểu mẫu, là trung tâm du lịch Quốc gia vào năm 2025.

Để tạo nền tảng cho quá trình thực hiện mục tiêu lớn lao ấy, huyện Nam Đàn đã và đang tập trung rà soát cụ thể từng tiêu chí nhằm thực hiện các giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao các tiêu chí Nông thôn mới, đảm bảo các tiêu chí phải có chất lượng và tính bền vững trong phát triển. Nam Đàn quê Bác những ngày này đang ngập tràn sắc Xuân cùng niềm vui và những kỳ vọng lớn hơn./.