11/01/2025 lúc 22:47 (GMT+7)
Breaking News

Quyết liệt ngăn chặn tình trạng làm giả, nhái hàng dệt may

VNHNO - Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường trong nước, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng.

VNHNO - Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và chiếm lĩnh thị trường trong nước, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện với tình trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng gia tăng.

Việc hàng giả, hàng nhái tràn lan không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới uy tín, thương hiệu dệt may của doanh nghiệp (DN) mà còn làm giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm may mặc tại Trung tâm thời trang Vinatex trên phố Bà Triệu (Hà Nội)

Vi phạm tràn lan

Chỉ cần dạo qua một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như Chùa Bộc, Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Ðức Thắng, đường Nguyễn Trãi… sẽ dễ dàng nhận thấy hàng trăm cửa hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của các DN may mặc nổi tiếng trong nước như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Việt Thắng, Ðức Giang,… Thế nhưng, để lựa chọn được sản phẩm chính hiệu lại là điều không hề đơn giản đối với người tiêu dùng (NTD). Chị Quách Thu Vân, nhân viên bán hàng dệt may cho biết, để bán được nhiều sản phẩm hàng hóa, các cửa hàng, đại lý mặc dù không phải của các DN dệt may nhưng họ sẵn sàng sử dụng nhãn hiệu, nhái thương hiệu của các DN có uy tín nhằm đánh lừa NTD. Tuyến phố Chùa Bộc chưa đầy 3 km nhưng có hàng chục cửa hàng bán quần áo treo biển hiệu của May 10, May Việt Tiến… 

Vậy thực chất có bao nhiêu cửa hàng đúng hãng, cửa hàng nào nhái thương hiệu để khách hàng biết và phòng tránh? Ðể kiếm lợi nhuận, rất nhiều cửa hàng đã cố tình làm giả các sản phẩm của DN có uy tín khác bằng cách thuê các xưởng may gia công thực hiện với mức giá rất rẻ so với giá thị trường. Thậm chí, không ít "ông chủ" có máu mặt sẵn sàng thuê các đối tác ở nước ngoài sản xuất với số lượng lớn, có giá "siêu rẻ" rồi vận chuyển về Việt Nam, sau đó cắt, gắn nhãn mác DN nổi tiếng và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Ðề cập tới việc làm giả, làm nhái sản phẩm trong lĩnh vực may mặc, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt cho biết, việc làm giả sẽ gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, sản phẩm của các DN. Các DN càng lâu đời sẽ bị ảnh hưởng càng lớn, bởi không dễ dàng để xây dựng được một thương hiệu công ty hay một nhãn hiệu sản phẩm. 

Khi các nhãn hiệu, thương hiệu thành công trên thị trường được NTD tin tưởng, sử dụng và đặt toàn bộ niềm tin vào sản phẩm đó nhưng bị một đơn vị nào đó làm nhái, làm giả mà việc làm đó không được làm rõ hoặc xử lý triệt để sẽ khiến NTD bị mất niềm tin hoặc thiệt thòi khi mua phải sản phẩm giả. Ðể ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái gắn mác thương hiệu May 10 đang trôi nổi trên thị trường, Tổng công ty đã có rất nhiều biện pháp cũng như chiến lược bảo vệ thương hiệu của mình. Tuy nhiên, có một số đối thủ hoặc nhà cung cấp khác còn làm giả tên thương hiệu gần giống, chỉ khác một số ký tự,… làm cho NTD lầm tưởng đó là sản phẩm của May 10.

Nhằm đẩy mạnh công tác phòng chống hàng giả, hàng nhái và bảo vệ quyền lợi NTD, May 10 đang thực hiện một số giải pháp như phát triển các sản phẩm, mẫu mã thời trang liên tục và bảo hộ kiểu dáng của mình, hệ thống nhận diện thương hiệu được đồng bộ từ khâu bao bì, đóng gói, đến khâu phân phối, tiêu dùng. Về mặt kỹ thuật, trong tất cả các sản phẩm của May 10 đều có một sợi chống hàng giả được dệt cùng nhãn mác sử dụng; có tem chống hàng giả, khi soi kính lúp có thể nhìn được toàn bộ lô-gô, ký hiệu đặc biệt để phân biệt được đó có phải là sản phẩm của May 10 hay không. 

Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Ðức Giang cho biết thêm, ngành dệt may hiện đang đối diện với tình trạng hàng giả, hàng nhái và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng gia tăng. Riêng may Việt Tiến bị làm giả, nhái thương hiệu lên tới 60% trên thị trường. Do đó, rất cần các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm đẩy lùi tình trạng vi phạm trên.

Tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm

Số liệu thống kê của ngành công thương cho thấy, hằng năm, lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý hơn 100 nghìn vụ việc liên quan hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong đó, sản phẩm dệt may thời trang chiếm phần lớn. Hàng giả, hàng nhái không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới các thương hiệu dệt may trong nước mà còn làm giảm sức cạnh tranh của DN trên thị trường. 

Liên quan tới vấn đề trên, Phó Chủ tịch Hội đồng Quỹ phòng chống hàng giả Việt Nam (ACF) Phạm Ngọc Hùng khẳng định: Hàng giả, hàng nhái hiện đang là vấn nạn và sẽ "đánh" trực diện vào các cơ sở sản xuất trong nước, khiến cho sản phẩm chính hãng không bán được, gây thiệt hại trực tiếp cho DN dệt may. Ðối với nền kinh tế, khi hàng giả, hàng nhái tràn ngập sẽ khiến cho nhà đầu tư nước ngoài lo ngại việc đầu tư tại một thị trường không ngăn chặn được hàng giả, hàng nhái. Quan trọng hơn, Việt Nam là một nước xuất khẩu dệt may nhưng chúng ta không kiểm soát được hàng giả, hàng nhái thì các nước khác sẽ dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn việc xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam ra thị trường quốc tế. Ðiều đó gây ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế, người dân cũng như người lao động.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) Nguyễn Mạnh Hùng, tình trạng sản phẩm dệt may bị làm giả, làm nhái đã diễn ra từ nhiều năm nay. Ðể đánh vào thị hiếu NTD, sản phẩm dệt may có thể bị làm giả hoặc nhái các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài hoặc trong nước sản xuất. Ðáng chú ý là các mặt hàng làm giả về nguồn gốc xuất xứ hoặc gây nhầm lẫn về nguồn gốc xuất xứ.

Do đó, về phía NTD, khi phát hiện hoặc có nghi ngờ trước những dấu hiệu sản phẩm bị làm giả như cắt nhãn gốc, thay nhãn mới hoặc dán chồng nhãn mới lên nhãn cũ,… cần kịp thời thông tin cho cơ quan chức năng để có biện pháp kiểm tra, xử lý. 

Ðối với các DN, cần tăng cường hơn nữa các biện pháp chống hàng giả, hàng nhái và vi phạm sở hữu trí tuệ, trong đó, có biện pháp quản lý kỹ thuật, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, cung cấp thông tin cho NTD những dấu hiệu nhận biết để giúp phân biệt hàng giả, hàng nhái. Về phía cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Có thể thấy, bên cạnh sự nỗ lực của các DN, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng trong việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm hàng hóa nhằm đẩy lùi tình trạng hàng giả, hàng nhái trên thị trường. Ðồng thời, NTD cần nâng cao cảnh giác và kiên quyết tẩy chay những DN, đơn vị cố tình làm giả, nhái thương hiệu của các DN có uy tín để trục lợi như hiện nay./.

Theo Nhandan.com.vn