14/11/2024 lúc 10:07 (GMT+7)
Breaking News

Quyền bình đẳng trước pháp luật theo Công ước quốc tế tại Việt Nam

VNHN - Quyền bình đẳng trước pháp luật là một quyền con người. Đó là quyền được xác lập tư cách con người trước pháp luật; không bị pháp luật phân biệt đối xử, quyền có vị thế ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau. Nó được xem xét ở các cấp độ khác nhau.

VNHN - Quyền bình đẳng trước pháp luật là một quyền con người. Đó là quyền được xác lập tư cách con người trước pháp luật; không bị pháp luật phân biệt đối xử, quyền có vị thế ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau. Nó được xem xét ở các cấp độ khác nhau.

 

Ảnh minh họa 

Trước hết, quyền bình đẳng trước pháp luật được thể hiện là nhu cầu của một chủ thể tự nhiên với tư cách là một con người buộc phải có và cần phải có. Thứ hai, quyền bình đẳng trước pháp luật là một giá trị của xã hội loài người. Thứ ba, người ta thực hiện quyền bình đẳng đó bằng công cụ pháp luật thông qua việc thể chế hóa và tạo ra cơ chế bảo vệ khi nó bị xâm phạm. Nói cách khác, quyền bình đẳng trước pháp luật là sự bao quát gần như toàn bộ các quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội dưới vùng "phủ sóng” của pháp luật.

Điều này được quyết định bởi thuộc tính, vai trò của pháp luật trong xã hội với tư cách là các quy phạm do nhà nước ban hành, thừa nhận và đảm bảo thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Một trong những nguyên tắc quan trọng trong điều chỉnh pháp luật là bình đẳng. Cách tiếp cận này phù hợp với các Điều 6, 7 Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền (UDHR) quy định về quyền bình đẳng và quyền bình đẳng trước pháp luật mà Công ước về quyền dân sự, chính trị năm 1966 đã cụ thể hóa.

Quyền con người, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật có đặc tính thể chế hóa thành pháp luật (các quyền và nghĩa vụ, cơ chế bảo đảm và bảo vệ nó…). Sự thể chế hóa này nhằm đảm bảo tính hiện thực của quyền con người và được thể hiện dưới cấp độ quốc tế và quốc gia.

Ở cấp độ quốc tế: Quyền bình đẳng trước pháp luật được ghi trong Tuyên ngôn nhân quyền 1948. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tuyên bố mà các nhà nước có thể tiếp thu chứ không mang giá trị ràng buộc. Điều 6 Tuyên ngôn nhân quyền 1948 tuyên bố: Mọi người đều có quyền được công nhận tư cách là con người trước pháp luật ở mọi nơi. Điều 7, Tuyên ngôn khẳng định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng mà không có bất cứ sự phân biệt nào.

Quyền bình đẳng trước pháp luật đã phát triển thêm một bước khi nó được đưa vào Công ước về quyền dân sự, chính trị 1966 với tư cách là một văn bản quy phạm pháp luật quốc tế có giá trị ràng buộc pháp lý với các quốc gia tham gia và được cụ thể hóa hơn so với Tuyên ngôn nhân quyền 1948. Không những vậy, nó còn là nguyên tắc của luật nhân quyền quốc tế được thể hiện ở nhiều công ước quốc tế khác nhau về các quyền con người. Không chỉ khẳng định, chi tiết hóa, Công ước quyền con người 1966 còn tạo ra cơ chế để bảo vệ quyền con người. Điều 26, 27 Công ước này quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Trên phương diện này, luật pháp cấm mọi kỳ thị và bảo đảm cho tất cả mọi người quyền được bảo vệ một cách bình đẳng và hữu hiệu chống mọi kỳ thị về chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào.

Ở cấp độ quốc gia: Quyền bình đẳng trước pháp luật ở Việt Nam đã được thể hiện ngay từ Hiến pháp 1946 - một bản Hiến pháp được ca ngợi ở nhiều phương diện trong đó có phương diện bảo vệ quyền con người và quyền bình đẳng trước pháp luật. Chẳng hạn Điều 6, 7 Hiến pháp 1946 quy định: "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hoá”; "Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình”.

Kế thừa tư tưởng lập hiến tiến bộ trong đó có những tư tưởng văn minh tiến bộ về quyền con người có từ những năm đầu thế kỷ và đặc biệt là Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1992 tái khẳng định quyền bình đẳng trước pháp luật tại Điều 51 bằng việc khẳng định: Công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật.

Quyền bình đẳng trước pháp luật là quyền Hiến định và bình đẳng trước pháp luật là nguyên tắc Hiến định. Chính vì vậy, nó không chỉ được thể hiện và cụ thể hóa trong Hiến pháp mà còn được cụ thể hóa trong tất cả các lĩnh vực cụ thể của quan hệ pháp luật như: Điều 5, Điều 14 -16 và Điều 17 - 23 Bộ luật Dân sự (2005); Điều 5 Bộ luật Tố tụng Hình sự (2004); Điều 1 Luật Quốc tịch (1998); Điều 1 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (1997); Điều 1 Luật Bầu cử đại biểu HĐND (2003); Chương III, V Luật Hôn nhân và gia đình (2000); Điều 4 Luật Doanh nghiệp (2005).

Điều 16, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bình đẳng trước pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản, được thể chế hóa trong nhiều văn kiện quốc tế và quốc gia. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật phản ánh những nội dung căn bản, đó là, tất cả mọi người đều có vị thế ngang nhau trước pháp luật và có quyền không bị phân biệt đối xử. Quyền bình đẳng trước pháp luật được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội và pháp lý. Quyền và nghĩa vụ của công dân không bị phân biệt bởi giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, giàu nghèo, thành phần xã hội, địa vị xã hội… Trong cùng một điều kiện như nhau, công dân được hưởng quyền và nghĩa vụ như nhau, có tư cách pháp lý như nhau.

Quyền bình đẳng trước pháp luật còn là quyền không bị pháp luật phân biệt đối xử trong việc hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ. Con người sinh ra có thể khác nhau về chủng tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo và địa vị xã hội, nhưng đó không phải là căn cứ để pháp luật phân biệt trong việc hưởng các quyền và chịu trách nhiệm pháp lý. Ngược lại, pháp luật luôn đặt giá trị bình đẳng làm thước đo, tiêu chuẩn để lấp đầy khoảng cách không bình đẳng đó bằng việc quy định các quyền, nghĩa vụ pháp lý ngang nhau. Pháp luật là thước đo chuẩn mực của bình đẳng, là công cụ để bảo đảm sự bình đẳng giữa con người với con người. Bất kỳ công dân nào vi phạm pháp luật đều bị xử lý bằng các chế tài theo quy định của pháp luật. Quyền bình đẳng trước pháp luật, không bị pháp luật phân biệt, đối xử còn là quyền được hưởng tất cả các quyền con người như nhau ở mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh. Quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng là nhu cầu đòi hỏi cần có phương tiện, công cụ pháp lý từ phía Nhà nước. Vì vậy, pháp luật ghi nhận các quyền bình đẳng và tạo ra cơ chế bảo vệ quyền đó khi nó bị xâm phạm, với việc mọi hành vi vi phạm đều phải bị xử lý như nhau trước pháp luật.

Ở Việt Nam, bình đẳng trước pháp luật được thể hiện nhất quán trong các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và 1992. Điều 6, 7 Hiến pháp 1946 quy định: "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện: chính trị, kinh tế, văn hóa" và "Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình". Điều 51, Hiến pháp năm 1992 cũng tiếp tục khẳng định: "Công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật". Quyền bình đẳng trước pháp luật cũng được cụ thể hóa trong các lĩnh vực cụ thể của quan hệ pháp luật. Như vậy, nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật là một nội dung xuyên suốt tư tưởng lập pháp của nước ta.

Trước xu thế hội nhập quốc tế, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục được sửa đổi, bổ sung phù hợp, với việc quyền bình đẳng trước pháp luật được thể hiện đầy đủ. Cụ thể, Hiến pháp khẳng định, bình đẳng trước pháp luật là quyền con người. Việc quy định theo hướng mở rộng đối tượng có quyền bình đẳng trước pháp luật như trên cho thấy Việt Nam ghi nhận quyền bình đẳng trước pháp luật là quyền tự nhiên của con người trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Hiến pháp khẳng định quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi người được công nhận trong tất cả lĩnh vực, bao gồm đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với việc ghi nhận nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của con người, Hiến pháp quy định rõ ràng, đầy đủ các quyền của con người như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, quyền tự do đi lại, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, quyền tham gia quản lý nhà nước…Với quan điểm mọi người bình đẳng trước pháp luật, Hiến pháp, pháp luật cũng quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền con người, bảo vệ một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử đối với mọi người trong việc hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ hợp pháp của con người./.