24/11/2024 lúc 13:32 (GMT+7)
Breaking News

Quốc hội ghi nhận thành công lớn trong phát triển KT-XH đất nước

VNHNO - Các đại biểu Quốc hội bày tỏ rất phấn khởi trước thành công lớn trong phát triển kinh tế xã hội và bước phát triển ngoạn mục của đất nước, "cảm nhận về một Chính phủ gần dân, trọng dân đang có sức lan tỏa rất lớn", đồng thời cũng nêu rõ các tồn tại, hạn chế cần khắc phục...

VNHNO - Các đại biểu Quốc hội bày tỏ rất phấn khởi trước thành công lớn trong phát triển kinh tế xã hội và bước phát triển ngoạn mục của đất nước, "cảm nhận về một Chính phủ gần dân, trọng dân đang có sức lan tỏa rất lớn", đồng thời cũng nêu rõ các tồn tại, hạn chế cần khắc phục...

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các vấn đề kinh tế - xã hội hằng năm và giữa kỳ 2016-2020. 

Đại biểu ghi nhận thành công lớn trong phát triển kinh tế-xã hội

Điều hành phiên họp, phát biểu mở đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết đầu giờ làm việc, đã có 69 đại biểu đăng ký thảo luận. 

Phát biểu đầu tiên, Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội bày tỏ: Cử tri và cá nhân ông rất phấn khởi trước thành công lớn của đất nước. Có những chỉ số hết sức ấn tượng cần nêu lại: Năm 2018 có 12 chỉ tiêu thì vượt 8 chỉ tiêu, đạt 4 chỉ tiêu. Tăng trưởng GDP đạt ở mức cao, xuất khẩu đạt 238 tỷ USD, đặc biệt tăng tỷ trọng hàng xuất khẩu chế biến và nông sản. Nợ công giảm. Tỷ trọng đầu tư ngoài nhà nước tăng, đầu tư tư nhân ước đạt 42,7%, cho thấy sự tín nhiệm của nhân dân, của doanh nghiệp với Chính phủ. Đất nước đang rất khởi sắc, vận nước đang lên. Qua báo cáo giữa kỳ, đánh giá chung có 23 kết quả đạt được, thành công khá toàn diện.

Tuy nhiên, các lĩnh vực đều có những khía cạnh chưa an tâm hoặc chưa thực sự hiệu quả. Ví dụ, đầu tư FDI chuyển giao công nghệ chưa đạt kết quả như mong muốn, tiêu tốn năng lượng, nguy cơ gây ô nhiễm… Tuy nhiên, tôi rất vui vì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố không thu hút FDI bằng mọi giá.

Y tế trong những năm qua có những tiến bộ rất đáng ghi nhận, nhưng dịch bệnh vẫn còn, có khi còn rộ hơn, chân tay miệng, sốt xuất huyết, sởi thỉnh thoảng bùng phát trở lại…

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, đoàn Nghệ An nêu rõ: 2018 là năm thứ hai liên tiếp chúng ta đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu. Nhìn lại đầu nhiệm kỳ, với bề bộn những khó khăn, tôi và các đại biểu hết sức lo lắng. Nay nhìn lại, chúng ta đã những bước phát triển ngoạn mục, GDP tăng trưởng từ trung bình 5,91% giai đonạ 2011-2015 đã tăng lên 6,57% giai đoạn 2016-2018, quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, nợ công, nợ xấu giảm, FDI 2018 ước đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay… Kinh tế vĩ mô ổn định, đời sống nhân dân cải thiện rõ nét, môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện… Kết quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng làm nức lòng nhân dân cả nước. Cảm nhận về một Chính phủ gần dân, trọng dân đang có sức lan tỏa rất lớn.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu cũng nhắc đến nhiều vấn đề tồn tại, cụ thể như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn, đường cao tốc vừa thông xe đã hư hỏng…, tình trạng thất thu thuế... cần những giải pháp căn cơ hơn.

Đại biểu Cao Đình Thưởng, đoàn Phú Thọ bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ, Quốc hội, nhưng lưu ý một số vấn đề như sắp xếp, tinh giản bộ máy việc triển khai còn chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, còn lúng túng… Đẩy mạnh xã hội hóa y tế, giáo dục ở những nơi có điều kiện. Tháo gỡ các nút thắt của cơ chế, chính sách vì còn những điểm chồng chéo, không đồng bộ.

"Tôi đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ và các cấp chính quyền trong cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên vẫn chưa thật liên thông giữa Trung ương và địa phương. Việc cấp phép cho doanh nghiệp thành lập và hoạt động vẫn còn kéo dài. Các Bộ ngành nên tăng cường mô hình một cửa", đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, đoàn Hà Nội góp ý cần có chính sách thúc đẩy nhanh, mạnh công nghệ thông tin để phát triển nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn Hải Dương cho rằng, có những tín hiệu đáng mừng trong thu chi ngân sách như giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư, nhưng việc chuyển dịch chưa thật mạnh mẽ. Nguyên nhân chủ yếu chi thường xuyên lớn là bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tổ chức trung gian, số người hưởng lương từ ngân sách còn rất lớn. Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đạt nhiều kết quả quan trọng, giảm trên 86 nghìn biên chế… Thực hiện hợp nhất các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng. Tuy nhiên, đối chiếu với các mục tiêu đề ra thì còn những bất cập, hạn chế, khó khăn. 

Đại biểu Trần Thị Hoa Ly, đoàn Bạc Liêu cơ bản đồng tình với các báo cáo của Chính phủ và Quốc hội, đặc biệt lần đầu tiên Chính phủ có báo cáo về kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các báo cáo của Chính phủ đã không né tránh các bất cập trong chỉ đạo, điều hành. Trong nhiệm kỳ, các chỉ tiêu đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực.

“Tôi rất ấn tượng với nhiều con số trong báo cáo Thủ tướng trình bày trước Quốc hội, như tăng trưởng GDP vượt chỉ tiêu, chỉ số ICOR tính chung cả giai đoạn 2016 - 2018  đạt 6,32%, dù chưa bằng nhiều nước trong khu vực nhưng đã cải thiện so với giai đoạn trước", đại biểu phát biểu.

Đại biểu cũng kiến nghị nhiều vấn đề, như cần thực hiện tốt hơn chính sách pháp luật với đồng bào dân tộc thiểu số; lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là việc triển khai nuôi tôm công nghệ cao tại Bạc Liêu, nhất là về nguồn vốn…

Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắk Nông cho rằng qua 3 năm thực hiện cho thấy chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là một chủ trương đúng đắn, cấp thiết, đạt kết quả bước đầu, khắc phục được tình trạng dàn trải nguồn vốn. Tuy nhiên, việc bố trí nguồn lực, cụ thể là nguồn vốn cho ngân sách còn thấp. Một trong những nguyên nhân chính là chưa chú trọng đúng mức việc đánh giá nguồn lực khi xây dựng chính sách, triển khai thi hành.

Trong lĩnh vực đầu tư công, đại biểu đánh giá đã hạn chế được trình trạng phân tán, dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, nhưng vẫn còn bất cập như vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho các công trình không nằm trong kế hoạch trung hạn. Đặc biệt, đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ có báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020, cung cấp thông tin quan trọng cho các đại biểu.

Đại biểu Trần Chí Quang, đoàn Đồng Tháp: Những thành quả đạt được đã tạo niềm tin sâu sắc trong xã hội, tăng trưởng GDP tăng cao nhất cùng kỳ từ năm 2011 tới nay. Các lĩnh vực đều đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhân dân, cử tri đánh giá cao  nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương thời gian qua.

Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề như chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, chưa phát huy hết được ưu thế của nông nghiệp nhiệt đới, cuộc cách mạng 4.0 chưa thực sự lan tỏa trong nền kinh tế. Đại biểu nêu nhiều kiến nghị như tiếp tục tháo gỡ các nút thắt về thể chế, hạ tầng trong sản xuất nông nghiệp; thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu…

Đại biểu Lại Xuân Môn, đoàn Cao Bằng bày tỏ ấn tượng với tốc độ tăng trưởng kinh tế 9 tháng và ước đạt năm 2018, cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.

“Sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đổi mới, sáng tạo, quyết tâm quyết liệt, thể hiện trên 5 điểm: Chính phủ phối hợp tốt với Quốc hội thể chế hóa nhanh các Nghị quyết của Trung ương, ban hành sửa đổi khối lượng lớn các luật có chất lượng, nợ đọng văn bản cơ bản giảm. Thứ hai, xây dựng kịch bản chỉ đạo, điều hành chính xác, ứng phó kịp thời với các diễn biến. Thứ ba, cắt giảm trên 60% thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Thứ tư, thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, công nhân, nông dân, quan tâm sâu sác đến cơ sở, nhất là khi có thiên tai, bão lũ. Thứ năm, tham nhũng được kiềm chế, sắp xếp bộ máy đạt kết quả tích cực, như sắp xếp tổ chức, bộ máy Bộ Công an", đại biểu phát biểu.

Đại biểu cho rằng, dự kiến mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đề nghị cho năm 2019 là khả thi do ta đang có động lực, lợi thế và nhiều cơ hội, các Nghị quyết Trung ương đang dần đi vào cuộc sống, hoạt động của Quốc hội được đổi mới mạnh mẽ, đáp ứng kịp thời các đổi thay nhanh chóng đang đặt ra, Chính phủ có 5 vấn đề đột phá đổi mới sáng tạo, nhân dân đang có quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới… "Trung ương vừa ban hành quy định nêu gương, chắc chắn sẽ làm tăng niềm tin của nhân dân. Chúng ta đang có lợi thế dân số vàng. Như Tổng Bí thư phát biểu, đát nước ta chưa bao giờ có được vị thế, cơ đồ như ngày hôm nay… Vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao", đại biểu bày tỏ.

Đại biểu kiến nghị phân cấp mạnh hơn cho địa phương, nhất là đầu tư phát triển, theo dõi sát tình hình để có ứng phó phó phù hợp…

Đại biểu Đinh Văn Nhã, đoàn Phú Yên cho rằng các báo cáo của Chính phủ là toàn diện, cân đối, hài hòa, nhưng hai chỉ tiêu rất quan trọng là đổi mới công nghệ và giảm tiêu hao năng lượng có nhiều khó khăn trong thực hiện. Đại biểu cũng nêu nhiều kiến nghị liên quan tới dự án BOT Đèo Cả...

Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc ghi nhận các kết quả tích cực về phát triển kinh tế xã hội, nhất là GDP tăng cao nhất trong nhiều năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, lạm phát được kiểm soát, nợ công, nợ xấu giảm… Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện. Bên cạnh đó, còn một số tồn tại hạn chế cần làm rõ trong báo cáo nhưng tăng trưởng cao nhưng chưa ổn định qua các quý, động lực tăng trưởng 2018 là do đâu, tỷ lệ thu ngân sách từ thuế và phí chưa đạt chỉ tiêu, cơ cấu chi thường xuyên vẫn ở mức cao, số doanh nghiệp giải thể, tạm dừng hoạt động còn cao, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp có đạt được không?

Về năm 2019, đại biểu đề nghị cần xem xét tăng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, đặt chỉ tiêu xuất siêu, cân nhắc chỉ tiêu tỷ lệ thất nghiệp tại thành thị…

Quốc hội dành 3 ngày thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội

Theo chương trình, ngày 26/10, Quốc hội sẽ thảo luận về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Quốc hội cũng sẽ thảo luận về đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Các thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Các nội dung này sẽ được Quốc hội tiếp tục thảo luận trong ngày Thứ Bảy, 27/10.

Dự kiến Thứ Hai, ngày 29/10, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017.

Quốc hội cũng sẽ thảo luận về đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020. Các thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chính phủ đặt mục tiêu phát triển năm 2019 ở mức cao

Trước đó, ngày 22/10, trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo khẳng định: Mặc dù còn những hạn chế, khó khăn và trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, chúng ta đã kiểm soát tốt lạm phát, ổn định vĩ mô, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung chỉ đạo phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực mới nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Tốc độ tăng trưởng đạt cao hơn giai đoạn 2010 - 2015, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, bền vững hơn; quy mô nền kinh tế tăng mạnh.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí đạt nhiều kết quả quan trọng.

Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2018 chúng ta sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt.

Với kết quả đạt được của năm bản lề 2018, tình hình đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong 3 năm 2016 - 2018 phát triển đúng hướng, chuyển biến rõ nét hơn giai đoạn trước; quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440 USD so với đầu nhiệm kỳ; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Dự báo chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội Đảng XII và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, trong đó đến nay đã có 11 chỉ tiêu đạt và vượt.

Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực thể hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đúng hướng, đổi mới, sát sao, quyết liệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành; sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, góp phần quan trọng củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Báo cáo cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, yếu kém trong các lĩnh vực, như đã nêu trên. Những hạn chế, yếu kém này do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.

Thời gian còn lại của năm 2018, chúng ta không được chủ quan với kết quả đạt được; cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời…

Trên cơ sở kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2018 và phân tích, đánh giá tình hình trong nước, quốc tế, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực ở mức cao, đòi hỏi nhiều nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện.

Cụ thể, về kinh tế: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Về xã hội: Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%.

Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nêu trên trên, báo cáo của Chính phủ đề xuất 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong năm 2019.

Chính phủ thực hiện thành công mục tiêu kép

Cũng trong sáng 22/10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.

Báo cáo nêu rõ, với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, đặc biệt là trong tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát đã đề ra.

Việc Chính phủ thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.

Về tình hình kinh tế-xã hội 3 năm 2016-2018, Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế cho rằng, sau 3 năm thực hiện, nền kinh tế vẫn giữ được nhịp tăng trưởng tốt, chất lượng tăng trưởng có nhiều chuyển biến quan trọng.

Tăng trưởng kinh tế đạt mức khá, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định và lạm phát trong tầm kiểm soát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.

Báo cáo do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày trước Quốc hội trong phiên khai mạc sáng 22/10 cũng khẳng định: Tình hình kinh tế-xã hội có chuyển biến tích cực và đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Báo cáo nêu rõ: Cử tri và nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sâu sát, toàn diện, hiệu quả trên các lĩnh vực; tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính; tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; tổ chức thành công Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018…

Bên cạnh những mặt tích cực, cử tri và nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu nếu không kịp thời nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến; tình trạng ô nhiễm môi trường; biến đổi khí hậu, bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn diễn biến khó lường và có xu hướng tác động nặng nề hơn đến sản xuất và đời sống của nhân dân; đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn; tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp…/.

Theo Chinhphu.vn