05/01/2025 lúc 12:53 (GMT+7)
Breaking News

18 năm Việt Nam gia nhập WTO: hành trình hội nhập và phát triển

Ngày 7/11/2006, Việt Nam chính thức ký Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva, Thụy Sĩ. Đến ngày 11/1/2007, các quyền và nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là thành viên WTO chính thức có hiệu lực.

Đây là dấu mốc quan trọng, mở ra một chặng đường phát triển mới trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Sau gần hai thập kỷ, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu về thương mại, đầu tư, không những giúp nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu mà còn thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về hội nhập quốc tế.

Cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế

Tổ chức Thương mại Thế giới là tổ chức quốc tế duy nhất điều chỉnh các quy tắc thương mại toàn cầu. Chính thức thành lập vào ngày 1/1/1995, WTO có nhiệm vụ chính là thúc đẩy thương mại tự do và công bằng giữa các quốc gia, giảm thiểu rào cản thương mại, và hỗ trợ các thành viên phát triển kinh tế. Hiện tại, WTO có 165 quốc gia thành viên, chiếm hơn 90% thương mại toàn cầu. Các hiệp định của WTO bao gồm sáu lĩnh vực chính: thương mại hàng hóa, dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp, đánh giá chính sách thương mại và các thỏa thuận thành lập WTO.

Các nguyên tắc hoạt động của WTO, như: không phân biệt đối xử, minh bạch và công bằng… đã khuyến khích các nước thành viên mở cửa thị trường, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội cạnh tranh quốc tế. Sự phát triển của WTO cũng thúc đẩy các thành viên phát triển bền vững, cải thiện cơ sở pháp lý và hoàn thiện hệ thống kinh tế, tài chính phù hợp với yêu cầu hội nhập.

Quá trình gia nhập WTO của Việt Nam kéo dài hơn một thập kỷ, từ năm 1995 đến 2006. Để trở thành thành viên chính thức, Việt Nam phải trải qua nhiều cuộc đàm phán song phương và đa phương phức tạp, đồng thời điều chỉnh nhiều quy định pháp lý và cải cách kinh tế nhằm đáp ứng yêu cầu của WTO.

Ngày 7/11/2006, Việt Nam chính thức ký Nghị định thư gia nhập WTO tại Geneva, đánh dấu cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Đến ngày 11/1/2007, các quyền và nghĩa vụ của Việt Nam với tư cách là thành viên WTO chính thức có hiệu lực.
Quyết định gia nhập WTO không chỉ mở ra một kỷ nguyên mới trong quan hệ thương mại quốc tế của Việt Nam mà còn mang lại những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Việt Nam đã có nền tảng để cải cách sâu rộng hơn về chính sách kinh tế, mở rộng thị trường xuất khẩu, và nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, quá trình này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm và chuẩn bị tốt hơn để đáp ứng những tiêu chuẩn cao của thị trường quốc tế.
Việt Nam khẳng định vị thế

Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã trải qua một hành trình đầy biến động nhưng cũng đạt được những thành tựu đáng tự hào. Những nỗ lực trong việc mở cửa nền kinh tế, cải cách thể chế và tăng cường hợp tác quốc tế đã mang lại cho Việt Nam không chỉ sự tăng trưởng vượt bậc về thương mại, mà còn giúp thu hút nguồn đầu tư nước ngoài lớn, góp phần làm thay đổi diện mạo nền kinh tế Việt Nam, giúp Việt Nam có vị thế vững chắc trong khu vực và trên toàn cầu.

- Đẩy mạnh hợp tác kinh tế quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu

Kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về thương mại. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, từ mức trên 48 tỷ USD vào năm 2007 lên đến trên 371 tỷ USD vào năm 2022 (năm xuất khẩu kỷ lục), gấp gần 8 lần so với thời điểm gia nhập. Việt Nam hiện nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, duy trì mức xuất siêu liên tục trong suốt tám năm qua, với thặng dư thương mại tăng từ 1,77 tỷ USD năm 2016 lên mức kỷ lục là trên 28 tỷ USD năm 2023.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng có sự chuyển dịch mạnh mẽ từ các sản phẩm nông sản, thủy sản sang hàng công nghiệp chế biến, công nghệ cao. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 85% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các sản phẩm như điện thoại, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị và dệt may trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đóng góp tích cực vào thành tựu thương mại và nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trên thị trường quốc tế.

Việc gia nhập WTO không chỉ thúc đẩy sự tăng trưởng thương mại mà còn mở rộng hợp tác kinh tế và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho Việt Nam. Tính đến tháng 10/2024, Việt Nam đã ký kết, thực thi 17 FTA và đang đàm phán 2 FTA khác. Trong đó, các FTA thế hệ mới, bao gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đã giúp Việt Nam tiếp cận sâu rộng vào các thị trường lớn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và EU đạt 72,3 tỷ USD. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN. Bên cạnh đó, thương mại với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng ghi nhận nhiều tiến bộ, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhờ mở rộng thị trường, các doanh nghiệp Việt Nam đã có điều kiện cải thiện sản phẩm, nâng cao chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế ngày càng khắt khe.

- Tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)

Gia nhập WTO đã mở rộng cánh cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, giúp Việt Nam nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế. Năm 2008, lượng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt tới 64 tỷ USD, cao gấp ba lần so với năm 2007. Đến năm 2023, vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 36,6 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước thu hút FDI hàng đầu thế giới. FDI đóng góp đáng kể vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra hàng triệu việc làm mới cho người lao động.

Các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ cao như Samsung, Intel, LG và Foxconn đã chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp phụ trợ và đổi mới công nghệ. Dòng vốn FDI cũng mang lại lợi ích dài hạn, cải thiện năng lực sản xuất và nâng cao trình độ quản trị của doanh nghiệp trong nước, từ đó giúp Việt Nam dần trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

- Cải thiện hệ thống pháp lý và thể chế kinh tế
Gia nhập WTO đã thúc đẩy quá trình cải cách mạnh mẽ trong hệ thống pháp lý và thể chế kinh tế của Việt Nam. Chính phủ đã nỗ lực sửa đổi, hoàn thiện nhiều quy định pháp luật về đầu tư, thương mại và xuất nhập khẩu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Những cải cách này đã giúp nâng cao tính minh bạch trong quản lý kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo đánh giá và xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), trong 10 năm 2007-2017, chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam đã cải thiện được 13 bậc, chuyển từ nhóm nửa dưới của bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu lên nhóm nửa trên. Năm 2019, thứ hạng GCI của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2018, xếp thứ 67/141 nền kinh tế. Sau 2019, WEF không công bố số liệu mới do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tuy nhiên, thứ hạng và điểm số trước đó đã thể hiện bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam.

Bên cạnh các chỉ số về kinh tế, theo khảo sát và đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam đã liên tục gia tăng, từ vị trí 88 vào năm 2016 lên vị trí 49 vào năm 2020 và xếp vị trí 55 vào năm 2022 (việc giảm thứ hạng là do thay đổi về mặt phương pháp tính). Trong bảng xếp hạng SDG toàn cầu năm 2023, Việt Nam đứng thứ 54 trên 166 quốc gia, với điểm số tổng quan là 73,3, cao hơn đáng kể so với mức trung bình khu vực châu Á và ASEAN.

Các thành tựu về thương mại, đầu tư và cải cách pháp lý là những minh chứng rõ ràng cho thấy Việt Nam đang tận dụng hiệu quả các cơ hội từ WTO để xây dựng nền tảng phát triển bền vững cho tương lai. Tuy vậy, bên cạnh những thành tựu nổi bật, quá trình hội nhập cũng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam. Việc hạ thuế quan và mở cửa thị trường trong nước khiến cạnh tranh ở cấp độ sản phẩm (hàng hoá và dịch vụ) gay gắt hơn. Đặc biệt, khi tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề phòng vệ thương mại từ các thị trường lớn, như Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực pháp lý và chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của các đối tác thương mại.

Để phát triển bền vững, theo các chuyên gia, Việt Nam cần đẩy mạnh năng lực phòng vệ thương mại bằng cách đào tạo chuyên môn cho cán bộ và doanh nghiệp, thiết lập cơ chế cảnh báo sớm để dự báo nguy cơ từ các thị trường lớn. Ngoài ra, việc chuyển đổi mô hình sản xuất từ gia công sang các sản phẩm có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao sẽ giúp doanh nghiệp nội địa giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, cải thiện khả năng cạnh tranh và giảm thiểu tác động từ những thay đổi chính sách thương mại quốc tế…

Như vậy, sau 18 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất thế giới, khẳng định vai trò tích cực trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ và sự nỗ lực của doanh nghiệp, tin rằng chúng ta có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng bền vững, tiếp tục khẳng định vị thế kinh tế trên trường quốc tế./.

Thông tấn xã Việt Nam

...