19/01/2025 lúc 02:10 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Ninh: Vân Đồn phát huy hiệu quả từ phát triển du lịch tâm linh

Nhờ sự chủ động, quyết liệt, kiểm soát tốt dịch bệnh huyện Vân Đồn đang khuyến khích đón khách du lịch nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, nhất là du lịch tâm linh.

Nhờ sự chủ động, quyết liệt, kiểm soát tốt dịch bệnh huyện Vân Đồn đang khuyến khích đón khách du lịch nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng du lịch, nhất là du lịch tâm linh.

Vân Đồn là một huyện đảo nằm ở phía Đông và Đông Nam tỉnh Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 50km. Huyện Vân Đồn sở hữu nhiều di tích lịch sử văn hóa của nhiều thế kỷ trước. Chính điều này đã làm nên một Vân Đồn khác biệt so với những địa danh khác tại Việt Nam.

Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

Du lịch tâm linh từ lâu đã trở thành loại hình du lịch có nhiều tiềm năng, thế mạnh ở Vân Đồn. Nhằm phát huy tiềm năng này, những năm qua, huyện đã có nhiều giải pháp thiết thực, tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm góp sức tôn tạo các di tích, điểm du lịch tâm linh.

Chùa Cái Bầu, còn gọi là Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm, từ lâu đã trở thành một điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở huyện Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Một du khách tham quan tại đây chia sẻ: Tôi rất thích cảnh quan của Chùa Cái Bầu. Hằng năm, vào dịp đầu xuân, gia đình tôi đều tới chùa để vãn cảnh, cảm nhận bầu không khí yên tĩnh, thanh tịnh.

Chùa Cái Bầu địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn rất nhiều điểm du lịch tâm linh mang vẻ đẹp cảnh quan sơn thủy hữu tình, đang hút khách du lịch. Trong đó, phải kể đến Đền thờ vua Lý Anh Tông (di tích - danh thắng), vị hoàng đế có công khai sinh ra trang Vân Đồn thế kỷ XII (còn gọi là làng Vân, là tên gọi cổ xưa của xã Quan Lạn ngày nay); Đền Cặp Tiên (Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt); Cụm di tích đình - chùa - miếu - nghè Quan Lạn; Quần thể di tích lịch sử Thương cảng Vân Đồn…

Nổi bật, thời gian qua huyện đã xây dựng hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt cho Thương cảng Vân Đồn. Từ đó, tăng cường quảng bá, giới thiệu các di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các công ty du lịch, lữ hành khai thác các tour văn hóa tâm linh trên địa bàn huyện; kết hợp du lịch tâm linh với các loại hình du lịch sinh thái, ẩm thực… để chuyến tham quan thêm hấp dẫn.

Thời gian tới, Vân Đồn tiếp tục tham mưu cho đầu tư, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, các công trình tôn giáo tín ngưỡng, gắn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, khuyến khích tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch, cung cấp dịch vụ ăn uống, với các món ăn đặc sắc của địa phương.