19/01/2025 lúc 13:20 (GMT+7)
Breaking News

Quảng Ninh: Thiết lập "hành lang xanh" bảo vệ bờ biển

Để bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ biển, ứng phó với thay đổi khí hậu, vào tháng 7 năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt 22 khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, với tổng chiều dài hơn 68,2km nằm trên địa bàn 15 xã, phường, thị trấn của 6/9 huyện, thành phố có đường bờ biển trên địa bàn tỉnh.

Để bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ biển, ứng phó với thay đổi khí hậu, vào tháng 7 năm 2020, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt 22 khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, với tổng chiều dài hơn 68,2km nằm trên địa bàn 15 xã, phường, thị trấn của 6/9 huyện, thành phố có đường bờ biển trên địa bàn tỉnh.

Rừng ngập mặn thôn Cái Khánh (xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) đang được địa phương khoanh vùng quản lý nghiêm ngặt.

Hồi sinh, phát huy tốt hiệu quả của “lá chắn xanh”

Thôn Cái Khánh (xã Đông Hải, huyện Tiên Yên) sở hữu một rừng ngập mặt (RNM) có hệ sinh thái khá phong phú. Đây được coi là “lá chắn xanh” bảo vệ an toàn cho những ngôi làng phía trong tuyến đê trọng yếu của thôn. Độ che phủ của khu rừng đạt gần 90%; đặc biệt trong rừng có nhiều loại cây, sinh vật biển đặc thù

như trang, sú, vẹt, ngán, sá, sùng, giun đất,… Tuy nhiên, trong một thời gian dài, do nhận thức của người dân chưa đầy đủ, khu vực RNM thôn Cái Khánh thường xuyên xảy ra tình trạng chặt phá rừng, xâm phạm đến hệ sinh thái; một số ngư dân xã cũng chưa biết cách khai thác nguồn lợi thủy sản ven bờ, dẫn tới bị cạn kiệt dần. Cùng với đó, tình hình biến đổi khí hậu đã tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, khiến một phần diện tích RNM bị thu hẹp, từ đó giảm đa dạng sinh học, biến động môi trường sinh thái biển.

Từ năm 2018 đến nay, sau khi được tỉnh quy hoạch vào hành lang bảo vệ bờ biển, RNM thôn Cái Khánh ngày càng được bảo vệ nghiêm ngặt. Những sinh vật và cây cối trong rừng đang dần được hồi sinh. Ngư dân kết hợp đánh bắt hải sản theo hướng bền vững với kết hợp cùng lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm.


Pano tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng ngập mặn thôn Cái Khánh và môi trường biển.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hải, cho biết: Việc đưa RNM thôn Cái Khánh vào khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển là rất cần thiết, giúp địa phương khoanh vùng ranh giới hành lang bảo vệ thuận lợi hơn. Từ khi ranh giới hành lang bảo vệ RNM được phê duyệt, xã đã công bố hành lang bảo vệ bờ biển thuộc địa phương quản lý trên các phương tiện thông tin. Xã đang phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng quản lý, tránh để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền cho các hộ dân quanh khu vực RNM thôn Cái Khánh chuyển đổi hình thức đánh bắt thủy sản phù hợp theo hướng bền vững; yêu cầu các hộ dân ký cam kết không chặt phá RNM. Đây là những giải pháp kiên quyết mà địa phương đang triển khai nhằm giữ màu xanh, bảo vệ hệ sinh thái đa dạng RNM thôn Cái Khánh.

Quảng Ninh có đường bờ biển dài hơn 250km, với 2.077 hòn đảo, chiếm 2/3 số đảo của cả nước, trong đó trên 1.000 đảo đã có tên. Vùng biển Quảng Ninh được đánh giá có thế mạnh và tiềm năng lớn để phát triển các ngành kinh tế biển. Khu vực biển có ngư trường rộng lớn trên 6.100km², là nơi sinh sống của nguồn lợi thủy sản và nhiều loài sinh vật biển quý hiếm.

Hầu hết các bãi cá chính có sản lượng cao, ổn định, phân bố gần bờ và quanh các đảo, rất thuận tiện cho việc khai thác. Những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu như sóng lớn, triều cường, bão lũ, nhiều đoạn bờ biển thường xuyên bị sạt lở, gây thiệt hại rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội cũng như đời sống của ngư dân ven biển. Trong khi đó, nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt dần... Vì vậy, việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển có ý nghĩa quan trọng, đã và đang được tỉnh xúc tiến sớm, khẩn trương hoàn thiện khâu cuối cùng (cắm mốc).

Triển khai Thông tư số 29/2016/TT-BTNMT của Bộ TN&MT quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, tỉnh Quảng Ninh đã sớm phê duyệt đề cương, nhiệm vụ Quy hoạch thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Trong đó, giao cho Sở TN&MT làm chủ đầu tư triển khai nhiệm vụ. Trải qua các bước thu thập, tổng hợp, đánh giá về hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng bờ; xác định các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; lấy ý kiến Bộ TN&MT, các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư có liên quan, ngày 13/7/2020, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 2343/QĐ-UBND phê duyệt danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; là một trong những tỉnh, thành trong nước sớm hoàn thiện thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Đơn vị tư vấn báo cáo UBND tỉnh về quy hoạch thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Quảng Ninh. Ảnh chụp tháng 2/2020.

Theo đó, toàn tỉnh có 6 huyện, thành phố với 22 khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng chiều dài 68,224km. Cụ thể, TP Móng Cái có 4 khu vực, chiều dài hơn 10,5km; huyện Hải Hà có 2 khu vực, chiều dài hơn 0,7km; huyện Tiên Yên có 2 khu vực, chiều dài trên 23,6km; huyện Vân Đồn có 4 khu vực, chiều dài hơn 14,8km; TP Hạ Long có 4 khu vực, chiều dài hơn 7,4km; huyện Cô Tô 5 khu vực chiều dài hơn 11,1km.

Nhận diện thách thức để ứng phó

Việc xác định 22 khu vực hành lang bảo vệ bờ biển là cơ sở cho việc quản lý các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên trong phạm vi hành lang bờ biển được thiết lập đối với những khu vực cần bảo vệ hệ sinh thái, duy trì giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên ở vùng bờ; giảm thiểu sạt lở bờ biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo đảm quyền tiếp cận của người dân với biển. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát, lấy ý kiến của nhân dân về thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, các chuyên gia đã nhận định Quảng Ninh đang phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn và thách thức. Đặc biệt là mâu thuẫn giữa việc khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn.

Hàng năm, ngành Than tại Quảng Ninh thải ta môi trường khảng 300-500 triệu m3 nước thải mỏ. Các trung tâm sản xuất công nghiệp như nhiệt điện, xi măng, đóng tàu, các khu công nghiệp, các khu đô thị lớn tập chung chủ yếu trên bờ biển Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Vì thế, nguy cơ ô nhiễm môi trường tại Quảng Ninh phải được khẩn trương được khắc phục, nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến những ngành kinh tế có tính bền vững như du lịch và kinh tế biển đảo.

Khu vực bãi biển Trà Cổ (TP Móng Cái) thường xuyên đối mặt với tình trạng sạt lở.

Để giải quyết mâu thuẫn này, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang yêu cầu ngành Than quy hoạch, sắp xếp lại bờ bãi, kho than ở vùng ven biển thành phố Cẩm Phả và thành phố Hạ Long. Điển hình năm 2019, tỉnh và ngành Than đã phối hợp di chuyển thành công Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng vào khu vực Làng Khánh để bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long. Tỉnh cũng yêu cầu ngành Than phải tập trung xử lý nước thải, đất đá thải, tiến tới đóng cửa dần các mỏ than lộ thiên theo quy định, để bảo vệ hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường bền vững.

Những năm gần đây, Quảng Ninh có quá trình đô thị hóa rất nhanh, đặt ra thách thức giải quyết phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa với giải quyết vấn đề môi trường sống. Các ngành vận tải biển, cảng biển, lấn biển phát triển đô thị, nuôi trồng thủy sản cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nước biển ven bờ, sông suối, bồi lắng do đất đá trôi lấp. Những điều này đã tác động không nhỏ tới việc làm giảm diện tích RNM, tác động tiêu cực đến môi trường sinh thủy, hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản.

Để giải bài toán phát triển môi trường bền vững, tỉnh đã, đang tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng phát triển từ "nâu" sang "xanh". Đáng chú ý, tháng 9/2020, tỉnh tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV. Nghị quyết Đại hội đã nêu rõ mục tiêu: Phấn đấu xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Theo đó, định hướng phát triển của tỉnh trong giai đoạn này là chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Xã Đồng Rui (huyện Tiên Yên) phối hợp với các tổ chức quốc tế trồng cây phủ xanh các bãi triều trên địa bàn.

Cùng với nhận diện thách thức, mâu thuẫn, sớm thiết lập và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển sẽ đóng góp đáng kể vào việc quản lý bền vững hệ thống ven biển, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, duy trì các dịch vụ hệ sinh thái, bảo vệ các quần thể trước nguy cơ ngập lụt, xói lở, bồi tụ vùng ven biển hiện nay.

Theo kế hoạch, giữa năm 2021, tỉnh sẽ tiến hành tổ chức thiết kế vị trí mốc trên bản đồ ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển, định vị sơ bộ vị trí mốc ngoài thực địa, tiến hành cắm mốc giới trên thực địa hành lang bảo vệ bờ biển. Sau đó, tiếp tục giao cho các địa phương quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển. UBND tỉnh yêu cầu bảo vệ nghiêm các mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển đúng vị trí, mốc không bị hư hỏng; người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm khi để xảy ra hiện tượng lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn.