Không chỉ có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, Quảng Ninh còn có truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa vô cùng phong phú. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để tỉnh đầu tư thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) với những nét đặc trưng giàu bản sắc văn hóa của địa phương.
Là vùng đất giàu tiềm năng về thắng cảnh tự nhiên và phong phú, đa dạng về giá trị văn hoá, Bình Liêu xác định phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi mới, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhằm từng bước định hình và xây dựng chiến lược phát triển bền vững cho ngành công nghiệp “không khói” của huyện.
Văn hóa bản sắc dân tộc huyện Bình Liêu được bảo tồn và phát huy
Vài năm gần đây, Bình Liêu cũng là địa phương được nhắc đến khá nhiều với các mô hình DLCĐ khi từng bước khai thác hiệu quả nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Với 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ), Bình Liêu có thế mạnh lớn trong phát triển DLCĐ dựa trên giá trị văn hóa truyền thống.
Với sự vào cuộc tích cực của địa phương, Bình Liêu đã bước đầu tạo dấu ấn với du khách bốn phương. Thông qua các hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch được tổ chức thường niên như Ngày hội Kiêng gió, Hội hát Soóng cọ, lễ hội đình Lục Nà, Hội hoa Sở, hội Mùa vàng... được tổ chức với rất nhiều hoạt động trải nghiệm nếp sống, sinh hoạt của bà con đến các trò chơi dân gian đã góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng cao.
Hội hát Soóng cọ Bình Liêu góp phần quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc
Song song với đó, địa phương đang tập trung xây dựng các mô hình bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc: Bản văn hóa người Tày ở Đồng Thanh (xã Hoành Mô), bản văn hóa người Dao ở Nà Nhái (xã Vô Ngại), Sông Moóc (xã Đồng Văn), hình thành các cơ sở lưu trú, homestay đặc sắc, có dấu ấn riêng biệt...
Trong những năm qua, các mô hình DLCĐ phát triển dựa trên giá trị văn hóa truyền thống ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của chính quyền, người dân các địa phương và sự phối hợp tích cực từ du khách. Song trên thực tế, các mô hình vẫn còn manh mún, chưa bền vững, chưa được khai thác, phát triển tương xứng với tiềm năng bởi hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông phục vụ phát triển DLCĐ còn thiếu đồng bộ, đội ngũ nhân lực thiếu và yếu...
Để khắc phục những mặt còn hạn chế, phát huy mạnh mẽ lợi thế DLCĐ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4839/QĐ-UBND ngày 29/12/2020 phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Mục tiêu của đề án hướng đến: Phát triển DLCĐ theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xem xét ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển DLCĐ như hỗ trợ quy hoạch, đầu tư hạ tầng tại các điểm phát triển DLCĐ. Đồng thời hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, xúc tiến và quảng bá du lịch...