VNHN-TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), một trong số ít người được gắn bó với FDI Việt Nam ngay khi có các dự án FDI đầu tiên vào Việt Nam, đã nhận định như vậy nhân dịp nhìn lại 30 năm thu hút FDI tại Việt Nam.
Sách FDI - Đồng tiền :hai mặt" của TS. Phan Hữu Thắng |
Cuốn sách FDI - Đồng tiền “hai mặt” của TS. Phan Hữu Thắng (NXB Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành giữa năm 2018) đến với tôi vào những ngày đầu năm Kỷ Hợi khi cả nước đang dốc sức tạo nên sự bứt phá mới trong kinh tế-xã hội để tiếp tục đưa đất nước tiến vào thời kỳ phát triển phồn vinh.
Sách của TS. Thắng gợi lại một vấn đề lớn của đất nước hơn 30 năm trước, khi chúng ta thực hiện đường lối Đổi mới - mở cửa do Đảng khởi xướng.
Lúc bấy giờ, ở khắp nơi, người ta khao khát, mong chờ một “làn gió mới” là thu hút vốn FDI với kỳ vọng như một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ khó khăn, thiếu thốn trăm bề, thì mong ước đó cũng thật dễ hiểu. Cũng không bất ngờ khi nhiều ngành, địa phương và không ít cán bộ làm công tác quản lý đầu tư… có những hiểu biết sơ sài, hồ hởi thu hút FDI bằng mọi giá với hy vọng đổi đời (?!).
FDI - Đồng tiền “hai mặt” đã thể hiện quan điểm nhất quán của tác giả đối với việc đánh giá tác động, thành quả và vấn đề của FDI trong 30 năm, kể từ khi Quốc hội thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 đến nay, mang đến cho độc giả sự hiểu biết sâu hơn về thực chất của “đồng tiền FDI”, cũng như những nhận định đa chiều về FDI ở Việt Nam.
Các bài viết trong cuốn sách được tác giả chọn lọc, sắp xếp thành 4 chương với những tiêu chí cụ thể, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận thông tin một cách hệ thống, tập trung và xuyên suốt... Đúng là FDI đã giúp Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và quản trị doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, tạo công ăn việc làm và đào tạo nhân công, thúc đẩy nền kinh tế trong nước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất toàn cầu, góp phần vào hội nhập quốc tế…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, FDI cũng mang đến cho Việt Nam không ít những mặt trái, hệ lụy cần kịp thời giải quyết, như: Công nghệ chưa hiện đại, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa được như kỳ vọng, tình trạng chuyển giá, trốn thuế vẫn còn nhiều, xử lý môi trường chưa nghiêm, tác động lan tỏa đến nền kinh tế còn hạn chế, đóng góp chưa tương xứng với vốn FDI và ưu đãi của Nhà nước đối với khu vực này, thậm chí còn gây tổn thất cho nền kinh tế và sự phát triển bền vững của đất nước.
Cuốn sách với gần 100 bài báo và trả lời phỏng vấn của TS. Phan Hữu Thắng trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2017, bao gồm những trao đổi về nhiều chủ đề - nội dung liên quan đến FDI tại Việt Nam. Có thể nói, hầu như ở bài báo nào, người đọc cũng có thể phát hiện ra những điểm bổ ích dù đó là vấn đề của ngày hôm qua, của nhiều năm về trước. Hôm nay đọc lại, người đọc có thể hình dung một cách sống động những vấn đề nóng gắn với diễn biến nền kinh tế trong một thời điểm nhất định như: FDI năm 2011 và giải pháp đột phá; FDI 2017 - vượt khó, tiếp tục đà tăng trưởng; Thu hút FDI: Việt Nam cần học cách “lắc đầu”…
Nói như nhận xét của GS.TS. Nguyễn Mại: Là một người hoạt động quản lý nhà nước về FDI - lĩnh vực mới mẻ đối với nước ta kể từ khi bắt đầu thực hiện chủ trương của Đảng về “đổi mới và hội nhập”, TS. Phan Hữu Thắng đã không chỉ coi trọng nghiên cứu lý thuyết, mà còn quan sát thực tiễn thu hút và sử dụng FDI, từ đó có những bài viết có chất lượng trên báo chí, phương tiện truyền thông, đóng góp vào việc tổng kết FDI trong từng giai đoạn 5 năm để hoàn thiện chính sách, luật pháp, cải thiện môi trường đầu tư nhằm làm cho khu vực FDI tác động nhiều hơn đến tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững.
Công Trí -VGP