28/04/2024 lúc 20:32 (GMT+7)
Breaking News

Quản lý hiệu quả tài nguyên để phát triển đất nước

Bám sát chỉ đạo của Ðảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngành tài nguyên và môi trường tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý các nguồn lực như đất đai, tài nguyên khoáng sản… để đáp ứng yêu cầu phục hồi, tái cơ cấu nền kinh tế của đất nước.

Tạo xung lực cho phát triển kinh tế-xã hội

Trên cơ sở tổng kết thi hành pháp luật, ngành tài nguyên và môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện các dự án: Luật Ðất đai (sửa đổi) và Luật Ðịa chất và Khoáng sản.

 

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Tài nguyên nước; dự án Luật Ðịa chất và Khoáng sản đang tiếp tục hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2024. Nổi bật là tổ chức tốt việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Ðất đai (sửa đổi) với đa dạng phương thức lấy ý kiến, tuyên truyền các điểm mới, thay đổi lớn trong dự thảo Luật đến mọi tầng lớp nhân dân. Ðây thật sự trở thành sự kiện sinh hoạt chính trị sôi nổi với hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý.

Với tinh thần cầu thị, luôn hướng về địa phương, cơ sở, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động cùng với các địa phương nắm bắt các vướng mắc trong thi hành pháp luật, từ đó đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành các văn bản để tháo gỡ; chỉ đạo xây dựng các nghị định hướng dẫn thi hành để bảo đảm hiệu lực thi hành đồng bộ, thống nhất với thời hiệu của Luật Ðất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sau khi được ban hành.

Tại các địa phương cũng đang tích cực triển khai lập, trình thẩm định, phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp tỉnh, đồng thời với việc hoàn thiện, phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 cấp huyện; hướng dẫn, phối hợp các địa phương thực hiện tốt công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia như đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, sân bay quốc tế Long Thành…

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến lĩnh vực đất đai phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cả nước đã cấp được hơn 44 triệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích đã cấp giấy chứng nhận đạt hơn 23,6 triệu héc-ta (chiếm tỷ lệ khoảng 97,6% diện tích cần cấp).

Ðến nay, có 455 trên 705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành cơ sở dữ liệu địa chính, với hơn 46 triệu thửa đất đưa vào vận hành phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai cho người dân, doanh nghiệp. Tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực hiện kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó đã kết nối được dữ liệu của 461 trên 705 đơn vị cấp huyện và 6.198 trên 10.599 đơn vị cấp xã.

Ðể đáp ứng yêu cầu triển khai đồng loạt thi công các dự án thành phần thuộc dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ ban hành các Nghị quyết cho phép áp dụng các “cơ chế đặc thù” trong việc khai thác khoáng sản làm vật liệu san lấp; hướng dẫn các địa phương có dự án đi qua và nằm trong hồ sơ dự án về quy trình, thủ tục đăng ký khối lượng, khu vực khai thác mỏ nhằm rút ngắn thời gian, có thể khai thác ngay vật liệu cung cấp cho dự án.

Ðến nay, các khu vực phía bắc và Tây Nguyên cơ bản đáp ứng vật liệu cho các dự án, tiếp tục chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn đối với các dự án tại vùng Ðồng bằng sông Cửu Long. Ðã đánh giá được tài nguyên khoáng sản cát biển đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp cấp 333 và cấp 222 đạt 680 triệu m3, trong đó cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3, chuyển giao kịp thời để khai thác phục vụ vật liệu đắp nền cho các dự án đường cao tốc và các dự án xây dựng khác ở khu vực Ðồng bằng sông Cửu Long. Năm 2023, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã nộp ngân sách nhà nước 16.479 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Nỗ lực cho tương lai bền vững

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Ðặng Quốc Khánh cho biết nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành tài nguyên và môi trường năm 2024 là “Ðoàn kết-kỷ cương, chủ động-linh hoạt, kịp thời-hiệu quả, phát triển-bứt phá” để đẩy mạnh chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát huy các nguồn lực tài nguyên và môi trường cho tương lai bền vững. Một trong những khâu đột phá để tăng tốc phát triển được xác định là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, rõ ràng, minh bạch; tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống quy hoạch đồng bộ để giải phóng, phát huy các nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế-xã hội. Ngành chú trọng chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường; xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai, số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, hoàn thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và các cơ sở dữ liệu quan trọng, cấp bách tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh.

Bộ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế tạo đột phá thúc đẩy giải phóng nguồn lực tài nguyên, phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững, trong đó: Nỗ lực hoàn thiện dự án Luật Ðịa chất và Khoáng sản để Chính phủ trình Quốc hội trong năm 2024. Tổ chức triển khai thi hành Luật Ðất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm thực hiện đồng bộ, thống nhất trên các lĩnh vực của ngành. Ðồng thời phối hợp, hướng dẫn các địa phương hoàn thành, trình phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh; tổ chức thực hiện “Ðiều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2026-2030 cấp quốc gia”; hoàn thành Chiến lược sử dụng đất cấp quốc gia có tầm nhìn dài hạn đến năm 2045.

Các đơn vị tổ chức triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, thành lập các tổ công tác chuyên trách để đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng… giải quyết các vướng mắc liên quan đến giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm; xem xét, xử lý ngay các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục xác định giá đất cho các dự án bất động sản, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng gây chậm trễ. Theo dõi, cập nhật biến động giá đất trên thị trường; từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đất tới từng thửa đất gắn với cơ sở dữ liệu đất đai. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc xây dựng bảng giá đất và xác định giá đất cụ thể tại các địa phương; xây dựng bản đồ giá đất.

Tiếp tục triển khai Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ðồng thời giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính về hoạt động khoáng sản; thẩm định kỹ để cấp phép đúng quy trình, quy định của pháp luật; rà soát, phối hợp các đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ về thu hồi giấy phép hoạt động khoáng sản đối với các đơn vị có vi phạm nghiêm trọng pháp luật về khoáng sản; triển khai kế hoạch kiểm tra hoạt động khoáng sản, bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản; lập Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với khu vực khoáng sản…