02/05/2024 lúc 08:07 (GMT+7)
Breaking News

Quan Hóa (Thanh Hóa): Sức hút từ tiềm năng du lịch

Quan Hóa không chỉ quyến rũ bởi vẻ đẹp của thiên nhiên núi rừng, mà còn hấp dẫn bởi sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đến với huyện Quan Hóa, du khách được thăm các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng, được tìm hiểu về những nét văn hóa cộng đồng đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng như hòa mình vào trong các lễ hội, những phong tục tập quán, những món ăn ẩm thực lạ.
Cầu đôi Na Sài Quan Hóa.

Nằm ẩn mình giữa dãy núi phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, huyện Quan Hóa tỏa sáng như một viên ngọc quý trong vùng đất đa sắc màu miền núi Việt Nam. Cách trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 140km, theo Quốc lộ 47 và Quốc lộ 15A, là huyện miền núi có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, được bao quanh bởi những cánh đồng núi đồi uốn lượn, giáp các huyện Bá Thước về phía Đông, Mường Lát và biên giới Lào ở phía Tây, Quan Sơn về phía Nam và Vân Hồ (tỉnh Sơn La) và Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) về phía Bắc. Nhờ vào địa hình đồi núi đặc trưng, Quan Hóa có khí hậu tương đối mát mẻ, cảnh quan hùng vĩ cùng với nhiều di tích lịch sử văn hoá có giá trị truyền thống cao, cùng nhau tạo nên một bức tranh độc đáo về văn hóa đa dạng và phong phú, đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho du khách yêu thích khám phá và trải nghiệm văn hóa, cũng như khám phá những điều mới mẻ từ thiên nhiên hoang sơ.

Đại diện lãnh đạo Bộ văn hóa trao Bằng công nhận lễ hội Mường Ca Da là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo huyện Quan Hóa.

Quan Hóa được biết đến với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn được kết nối như: Tài nguyên rừng phong phú, đa dạng sinh học, còn hoang sơ với 3 khu bảo tồn thiên nhiên (Pù Hu, Pù Luông, Khu Bảo tồn Hạt trần quý hiếm Nam Động); có sự đa dạng cảnh quan thiên nhiên với hệ thống sông núi trùng điệp, nhiều hang động đẹp (hang Phi, hang Co Phường, hang Co Luồng, hang Na,...); hồ tự nhiên (hồ Pha Đay, hồ Vinh Quang)... Ngoài ra, huyện còn có sự đa dạng về bản sắc văn hóa; là nơi giao thoa của các nền văn hóa đồng bào Thái, Mường, Kinh, Mông, Hoa; làng nghề truyền thống; văn hóa dân gian; văn hóa ẩm thực đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn huyện. Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc như lễ hội Mường Ca Da, một trong những mường cổ của người Thái; cùng với xường Mường, cồng chiêng, khèn bè, khèn lá, các trò chơi dân gian truyền thống ném còn, chọi cù, kéo co, bắn nỏ... Cùng với đó là Hang Co Phương (còn có tên là Co Phường, người dân tộc Thái gọi là hang Cây Khế) thuộc bản Sại, xã Phú Lệ đã được xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia. Trong chiến tranh, đây là căn cứ và là điểm trung chuyển lương thực, vũ khí của quân ta lên thượng Lào và Tây Bắc phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Để chặn tuyến đường huyết mạch này, quân Pháp tìm đủ mọi cách chia cắt nên ra sức bắn phá. Nhắc về những dân công hỏa tuyến đã vĩnh viễn nằm lại trong hang Co Phương, người dân nơi đây ai cũng tiếc thương. Họ đều đang ở tuổi 18, 20 và hầu như chưa ai lập gia đình. Mấy chục năm qua đi, hang Co Phương vẫn còn đó, trầm mặc tựa mình vào dòng sông Mã hùng vĩ… Những yếu tố trên là điều kiện thuận lợi để Quan Hóa xây dựng và phát triển du lịch.

Với mục tiêu, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mới, theo hướng bền vững, gắn với xóa đói, giảm nghèo và bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, do vậy Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đưa vào Chương trình trọng tâm phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Trên cơ sở đó, những năm qua, huyện Quan Hóa đã thực hiện hàng loạt giải pháp về phát triển du lịch. Trong đó, huyện tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn NSNN được ưu tiên cho các công trình trọng điểm về du lịch, hệ thống kết cấu hạ tầng. Huyện luôn khuyến khích, mời gọi và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm, khả năng tài chính đầu tư kinh doanh du lịch trên địa bàn. Tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, thẩm định dự án, cấp phép đầu tư. Đặc biệt, UBND huyện đã chú trọng đề xuất hỗ trợ đầu tư tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh phục vụ khai thác phát triển du lịch như: Di tích lịch sử quốc gia hang Co Phương (Phú Lệ); Bia ký - Nơi Thờ Khằm Ban, Di tích lịch sử văn hóa Hang Lũng Mu, Chùa Ông - Động Bà; Di tích Hang Lũng Mu…

Du khách trải nghiệm du lịch trên sông Mã, một trong những phương án huyện sẽ khai thác du lịch trong vài năm tới.

Điển hình như, năm 2023 huyện đã tập trung xây dựng, phát triển du lịch cộng đồng tại Bản Hang (Phú Lệ), bản Bút (Nam Xuân), bản Vinh Quang (Phú Nghiêm). Nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, ẩm thực dân tộc; trải nghiệm sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp; khám phá Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Luông; liên kết tổ chức các sự kiện thể thao như Giải Marathon băng rừng; du lịch gắn với hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, hỗ trợ kết nối các điểm du lịch lân cận như Bá Thước, Mai Châu (Hòa Bình) để thu hút khách; Phục vụ, hướng dẫn khách khám phá Hồ Pha Đay, Hang Phi; trải nghiệm sản xuất nông nghiệp; ruộng bậc thang; dệt thổ cẩm; làm rượu cần men lá; lưu trú homestay; ẩm thực dân tộc Thái. Hiện nay, UBND huyện Quan Hóa đang xây dựng các Phương án khai thác du lịch tâm linh tại di tích hang Lũng Mu và du thuyền trên sông Mã và Phương án khai thác bảo vệ Di tích Quốc gia Hang Co Phương xã Phú Lệ.

Có thể nói, với những lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu mát mẻ, bản sắc văn hóa, ẩm thực độc đáo, Quan Hóa chứa đựng nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch có chất lượng, hấp dẫn, thu hút khách trong nước và quốc tế. Để đánh thức và khai thác tiềm năng này, thời gian tới, huyện Quan Hóa đề ra mục tiêu tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm việc làm, nâng cao đời sống cho người dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường. Đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực và địa phương; mở rộng liên doanh, liên kết trong nước và quốc tế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Song song với đó, huyện đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến về du lịch đảm bảo thiết thực, hiệu quả và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Vì vậy để du lịch huyện Quan Hóa thực sự phát triển mạnh mẽ trong tương lai, rất cần có sự quan tâm mạnh mẽ của Trung ương, các Bộ, Ngành và tỉnh Thanh Hóa cùng các Sở, Ban, Ngành trong việc hỗ trợ lập quy hoạch, dự án xây dựng điểm du lịch, đầu tư, tôn tạo, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người tham gia dịch vụ du lịch và tạo điều kiện thuận lợi để du lịch Quan Hóa vươn lên xứng tầm với vị thế vốn có, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Với vẻ đẹp được tạo hóa ban tặng, cùng với định hướng đúng, trúng trong phát triển du lịch, tin rằng du lịch Quan Hóa sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, hấp dẫn hơn, mời gọi du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm trên hành trình du lịch qua miền núi Tây Bắc xứ Thanh./.

Theo số liệu tổng hợp cho thấy, tính đến ngày 15/11/2023, tổng số khách du lịch đến Quan Hóa ước đạt 19.356 lượt khách đạt 227,7% kế hoạch năm, doanh thu từ du lịch ước đạt 4,705 tỷ đồng, đạt 213,8% kế hoạch năm.

Hải Nam - Hà Sinh

...