23/12/2024 lúc 11:48 (GMT+7)
Breaking News

Quan hệ Việt - Pháp sau 50 năm nhìn lại

Nhìn lại mối quan hệ Việt - Pháp từ lịch sử đến hiện tại, đặc biệt trong 50 năm qua (1973 - 2023), có sự phát triển vượt bậc, ngày càng bền chặt, đi vào chiều sâu, hợp tác toàn diện, phong phú, hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Bài viết khái quát lại chặng đường phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp, vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Pháp Ge'rard Larcher khởi động các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Ảnh: vov

1. Quan hệ Việt - Pháp trước năm 1973

Từ những năm đầu sau ngày giành được độc lập (ngày 2-9-1945), Việt Nam luôn chủ động đề xuất thực hiện mối quan hệ với Pháp theo định hướng hòa bình, hợp tác và ổn định để phát triển. Nhu cầu quan hệ hợp tác ấy được Nhà nước Việt Nam nỗ lực thực hiện đến mức tối đa, với nhiều hình thức, kể cả chấp nhận hình thức gia nhập khối Liên hiệp Pháp. Chủ trương này được thể hiện rõ trong chuyến thăm Pháp năm 1946, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi tin rằng sự hợp tác thành thực và thân thiện của hai nước sẽ là một gương lớn cho thế giới biết rằng, với một sự tin cẩn lẫn nhau, những dân tộc tự do và bình đẳng vẫn có thể giải quyết những vấn đề khó khăn nhất”(1).

Trong thư trả lời bà Sốtxi (Hội Liên hiệp Phụ nữ Pháp) ngày 22-9-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ: “Người ta cho rằng những người Pháp đến Đông Dương là những người đi khai hóa. Tôi cũng mong như vậy” và “nếu những thành viên Pháp đến Việt Nam như những công dân, kỹ thuật viên hoặc nhà bác học thì tôi xin đảm bảo với các bà rằng, họ sẽ được đón tiếp nồng nhiệt như những người bạn, những người anh em”(2).

Trong Lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp ngày 10-01-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng tôi bao giờ cũng muốn cộng tác với dân tộc Pháp như anh em, trong hòa bình và tin tưởng lẫn nhau (…) Chúng tôi bao giờ cũng muốn kiến thiết lại nước chúng tôi với sự giúp đỡ của tư bản và các nhà chuyên môn Pháp để mưu lợi ích chung cho cả hai dân tộc”(3), bởi nước Pháp “đã cống hiến rất nhiều cho văn hóa, khoa học và văn minh”(4). Việt Nam rất cần sự hợp tác “thật thà” để đón nhận tinh thần “khai hóa” của họ.

Tuy nhiên, Chính phủ Pháp đã không đáp ứng thiện chí của Việt Nam, buộc Việt Nam phải tiến hành cuộc kháng chiến ròng rã suốt 9 năm.

Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơnevơ năm 1954 đã chấm dứt vĩnh viễn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp tại Đông Dương kéo dài 80 năm. Sau sự kiện này, ngày 20-12-1954, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chấp nhận cho Chính phủ Pháp lập cơ quan tổng đại diện tại Hà Nội. Tháng 3-1956, Pháp đồng ý cho lập cơ quan đại diện thương mại của Việt Nam tại Pari và tháng 8-1966, quan hệ hai nước được xây dựng trên cơ sở bình đẳng ở cấp tổng đại diện ở thủ đô mỗi nước.

Sau năm 1954, về cơ bản, Pháp thực hiện chính sách nhất quán là thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, coi đây là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại ở khu vực Đông Nam Á. Với chính sách đó, Pháp mong muốn phát triển ảnh hưởng của mình ở bán đảo Đông Dương trước đây là thuộc địa của Pháp và hy vọng Việt Nam không chỉ là điểm ưu tiên trong quan hệ mà còn đóng vai trò cầu nối về sự hợp tác giữa Pháp và các nước trong khu vực này.

Trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, Chính phủ Pháp đã nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách can thiệp của giới cầm quyền Mỹ chống Việt Nam. Ngày 29-8-1963, thay mặt nước Pháp, Tổng thống De Gaulle ra tuyên bố về lập trường của mình là: Pháp mong muốn được thấy một Việt Nam độc lập bên ngoài, hòa bình và thống nhất bên trong, hòa hợp với các nước láng giềng. Trong một tuyên bố ngày 1-9-1966 tại Campuchia về chiến tranh Việt Nam, Tổng thống Pháp De Gaulle đã cho rằng: Chính sự can thiệp của Mỹ là nguồn gốc gây ra chiến tranh và đòi Mỹ chấm dứt mọi hoạt động chiến tranh trên lãnh thổ Việt Nam(5).

Với thiện chí của mình, năm 1968 chính phủ Pháp đã đồng ý cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lập phòng thông tin tại thủ đô Pari và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam tại Pari trong những năm 1968 - 1973.

2. Quan hệ Việt - Pháp: 50 năm nhìn lại

Sau Hiệp định Pari về Việt Nam, Pháp và Việt Nam đã quyết định nâng mức quan hệ ngoại giao song phương lên cấp đại sứ tại thủ đô Pari và Hà Nội vào ngày 12-4-1973(6). Với Đại thắng mùa Xuân năm 1975 của nhân dân Việt Nam, đất nước ta thu về một mối, quan hệ giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Cộng hòa Pháp bắt đầu bước sang một thời kỳ mới.

Chỉ sau thống nhất đất nước 2 năm, chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đến Cộng hòa Pháp (năm 1977) đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong quan hệ giữa hai quốc gia. Việt Nam và Pháp đã ký Hiệp định kinh tế và công nghiệp, văn hóa và khoa học - kỹ thuật. Trên cơ sở các hiệp định này, sự hợp tác giữa hai nước ở các lĩnh vực văn hóa - xã hội bắt đầu được thúc đẩy, quan hệ kinh tế song phương cũng theo đó có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, những năm 1977 - 1979 do chiến dịch vu cáo Việt Nam trong sự kiện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng và vấn đề “thuyền nhân tỵ nạn” Việt Nam đã có tác động tiêu cực đến quan hệ Pháp - Việt.

Từ cuối những năm 1980, đặc biệt là từ năm 1991, khi Việt Nam bước đầu giành được những thành tựu quan trọng trong công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập với cộng đồng quốc tế, buộc Mỹ phải từng bước xóa bỏ bao vây cấm vận Việt Nam, quan hệ hợp tác Việt - Pháp được tiếp tục nối lại và phát triển đa dạng, ngày càng được củng cố, tăng cường, thông qua cơ chế của mối quan hệ Á - Âu (ASEM).

Với các hội nghị ASEM-1 (tháng 3-1996, tại Băng Cốc, Thái Lan), ASEM-2 (tháng 4-1998, tại Luân Đôn, Anh), ASEM-3 (tháng 10-2000, tại Seoul, Hàn Quốc), ASEM-4 (tháng 9-2002, tại Copenhagen, Đan Mạch), ASEM-5 (tháng 10-2004, tại Hà Nội), ASEM-6 (tháng 9-2006, tại Helsinki, Phần Lan), ASEM-7 (tháng 10-2008, tại Bắc Kinh, Trung Quốc), ASEM-8 (tháng 10-2010, tại Brussels, Bỉ)(7)…, đã tạo cơ sở tốt đẹp cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, tăng cường hợp tác kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định giữa hai châu lục nói chung, tăng cường quan hệ Việt Nam và Pháp nói riêng.

Trong những năm qua, cùng với thời gian và nỗ lực của cả hai bên, quan hệ Việt - Pháp đã nở rộ trên nhiều lĩnh vực và phát triển theo chiều sâu. Thể hiện trước hết là thông qua các cuộc viếng thăm lẫn nhau giữa các cấp, các ngành của hai nước, với các hình thức đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, để thỏa thuận, tạo cơ sở giải quyết những nội dung cụ thể trong quan hệ kinh tế, đối thoại chính trị, quan hệ giao lưu văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật. Đó là, chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Cộng hòa Pháp, cũng là nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nước phương Tây Francois Mitterrand (tháng 2-1993). Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Pháp tháng 6-1993, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thăm Pháp tháng 10-1993.

Về phía Việt Nam, nhận lời mời của Tổng thống F.Mitterrand, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã thăm Pháp tháng 5-1995. Tiếp theo là nhiều đoàn của Chính phủ, bộ, ngành do đại diện Chính phủ, các bộ trưởng dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Pháp như Bộ Tư pháp, Y tế, Văn hóa, Xây dựng..., quan hệ song phương giữa các ngành như quốc phòng, nội vụ, hải quan cũng phát triển. Kể từ đó, hai nước đã thường xuyên trao đổi các đoàn ở cấp nhà nước, quốc hội nhằm triển khai, thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực.

Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Jacques Chirac tháng 11-1997, hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực tài chính, nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục - đào tạo...(8).

Tháng 5-2000, nhận lời mời của Tổng thống J.Chirac, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có chuyến thăm Cộng hòa Pháp. Các cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và các nhà lãnh đạo cao cấp của nước Pháp, từ Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch thượng viện, Chủ tịch Quốc hội đến lãnh tụ các đảng phái chính trị hàng đầu của Pháp, đã một lần nữa khẳng định thêm quyết tâm và nguyện vọng chung của cả hai bên là tiếp tục nâng quan hệ Việt - Pháp vốn rất tốt đẹp lên một tầm cao mới cả về lượng và chất.

Quyết tâm đó đã được cụ thể hóa trong nội dung của chuyến thăm bằng nhiều thỏa thuận giữa hai nước như: Thỏa thuận thành lập Diễn đàn Việt - Pháp về kinh tế và tài chính, Hiệp định hàng hải, Hiệp định thư về mỏ than Mông Dương,... Chuyến thăm 5 ngày của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã góp phần quan trọng củng cố nền tảng vững chắc và là bước tiếp nối đỉnh cao của quan hệ Việt - Pháp trong thế kỷ mới, hướng tới đối tác chiến lược.

Từ năm 2000 đến 2012, Việt Nam và Pháp đã có nhiều cuộc gặp gỡ cấp cao để bàn về các vấn đề hợp tác. Pháp tiếp tục coi quan hệ với Việt Nam là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của mình ở châu Á, đi đầu trong việc nối lại viện trợ phát triển, tăng cường mở rộng quan hệ với Việt Nam, hỗ trợ Việt Nam giải tỏa quan hệ bế tắc với các tổ chức tài chính và tiền tệ quốc tế, thiết lập và tăng cường quan hệ với Liên hiệp châu Âu (EU). Pháp đề nghị được tham gia xây dựng sân vận động lớn ở Hà Nội, khôi phục cầu Long Biên, tham gia dự án xây dựng Viện Tim ở Hà Nội, bồi dưỡng, đào tạo Pháp ngữ.

Năm 2013, Việt Nam và Pháp ký kết Tuyên bố chung nâng quan hệ giữa hai nước lên tầm Đối tác chiến lược. Bản Tuyên bố khẳng định: Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống lịch sử giữa hai nước, sự phát triển năng động của mối quan hệ đó, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ nhằm nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược trong năm Pháp - Việt Nam, nhân chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Quan hệ Đối tác chiến lược sẽ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác về chính trị, quốc phòng - an ninh; kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển; văn hóa - xã hội, giáo dục đại học, khoa học - công nghệ(9).

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Pháp tiếp tục được phát triển tốt đẹp, đánh dấu bởi các cuộc gặp gỡ cấp cao giữa hai nước, Tổng thống, Chủ tịch Thượng viện Pháp; Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam tháng 12-2022, Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm và dự Lễ khởi động các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp. Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, tiếp xúc cấp cao, hai bên nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Pháp có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là dịp để hai nước cùng nhìn lại những kết quả đã đạt được trong quan hệ song phương và định hướng thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác trong thời gian tới.

Ngày 8-12-2022, tại Nhà Quốc hội, trong Lễ khởi động các sự kiện kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh: “trong nửa thế kỷ qua, quan hệ Việt Nam và Pháp ghi nhận nhiều tiến triển rất tốt đẹp trên hầu khắp các lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, khoa học, công nghệ, y tế và giao lưu nhân dân. Đặc biệt, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược từ tháng 9-2013”(10). Chủ tịch Thượng viện Pháp cũng nhấn mạnh “trong vòng 5 thập kỷ qua đã có nhiều chuyến thăm cấp cao, tạo xung lực cho quan hệ hợp tác hai nước”. Chủ tịch Thượng viện dẫn lại câu nói của Tổng thống J.Chirac trong chuyến thăm Việt Nam (năm 2004): “Tiếng nói của Việt Nam chạm đến trái tim của người Pháp”, đồng thời nhấn mạnh: “Và hôm nay tôi tin rằng tiếng nói của người Pháp cũng chạm đến trái tim của người Việt Nam”(11). Chủ tịch Thượng viện Pháp khẳng định về ảnh hưởng mạnh mẽ của mối quan hệ hợp tác hai nước thời gian qua đã tạo ra kết quả hợp tác hiện nay cũng như trong tương lai.

Những thành tựu quan trọng của mối quan hệ Việt - Pháp trong chặng đường 50 năm qua, có những cột mốc đáng nhớ. Một trong những mốc quan trọng là 30 năm trước, Tổng thống Francois Mitterrand tới Việt Nam (năm 1993). Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Nguyên thủ quốc gia phương Tây trong bối cảnh đổi mới của Việt Nam. Chuyến thăm đã tạo điều kiện mở đầu một giai đoạn mới cho sự khởi động các hoạt động hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực.

Tiếp nối cột mốc này là việc mở văn phòng của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) những năm 1993 - 1995 để hỗ trợ sự phát triển kinh tế của Việt Nam trên các lĩnh vực. Đó là cơ sở hạ tầng; Trường Viễn Đông Pháp (EFEO), giúp thúc đẩy các dự án trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học nhân văn. Đó là việc bổ nhiệm tùy viên quốc phòng giữa hai nước. Đó còn là sự ra đời của Viện Nghiên cứu phát triển (IRD), nơi mở đường cho các dự án nghiên cứu Pháp - Việt ở các lĩnh vực quan trọng như môi trường.

Cột mốc tiếp nối là sự gia tăng các cuộc gặp cấp cao, trong đó có các chuyến thăm của Tổng thống J.Chirac (năm 1997 và 2004). Các cuộc gặp cấp cao này đã giúp tăng cường hợp tác và khởi xướng các dự án liên kết mới. Đó là dự án liên kết đại học trong khoa học và công nghệ (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, USTH), liên kết đào tạo về quản lý (Trung tâm Pháp - Việt Đào tạo về Quản lý, CFVG), chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV). Đó là sự hợp tác giữa hai nước ở các lĩnh vực: giáo dục, y tế, môi trường, thương mại, văn hóa, di sản, luật pháp... Mối quan hệ hợp tác toàn diện, tin cậy và phát triển mạnh mẽ trong những năm 2000 - 2010 trên nền tảng bề dày của mối quan hệ và những gắn bó về lịch sử, văn hóa, được đánh dấu bằng nấc thang mới trong quan hệ giữa hai nước - Đối tác chiến lược (năm 2013).

Thực tế cho thấy, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước không chỉ phản ánh về mối quan hệ chặt chẽ được xây dựng và thúc đẩy trong nhiều thập kỷ trước đó, mà còn thể hiện quyết tâm của hai bên muốn đưa quan hệ song phương phát triển vượt bậc, sâu rộng hơn với tầm nhìn lâu dài, vững chắc. Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp từ năm 2013 thực sự đã có những bước tiến mạnh mẽ, đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Hai nước duy trì nhiều cơ chế trao đổi thường xuyên cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng ở các cấp. Hàng loạt các thỏa thuận, hiệp định làm cơ sở pháp lý cho hợp tác trên các lĩnh vực đã được ký kết. Các chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 3-2018), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 4-2019), Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 11-2021); chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Pháp Edouard Philippe (tháng 11-2018), Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher (tháng 12-2022)... đã tiếp tục củng cố vững chắc quan hệ Đối tác chiến lược trên các lĩnh vực.

Ở lĩnh vực kinh tế, Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ hai trong số các nước hưởng ODA của Pháp tại châu Á với tổng số vốn cam kết lên đến 18,4 tỷ USD tính từ năm 1993. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Pháp đã tăng hơn 3 lần từ 1,6 tỷ USD (năm 2009) lên 5,3 tỷ USD (năm 2019). Đặc biệt, sau khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực (từ ngày 1-8-2020) đã mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, là thời điểm quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Đây cũng là điều kiện tốt đẹp, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Pháp. Hiện có hơn 300 doanh nghiệp Pháp đã, đang hoạt động trong  nhiều ngành, lĩnh vực tại Việt Nam(12).

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ 5 của Việt Nam (sau Đức, Hà Lan, Anh và Ý). Kim ngạch thương mại năm 2021 đạt 4,8 tỷ USD. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2022, trao đổi thương mại hai nước đạt 2,5 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Pháp sang Việt Nam đạt 0,8 tỷ USD, xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD. Về đầu tư, tính đến tháng 9-2019, Pháp đứng thứ 3 trong các nước châu Âu (sau Hà Lan và Anh) và đứng thứ 16 trong tổng số 114 quốc gia, lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 549 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,576 tỷ USD. Tính đến tháng 12-2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư sang Pháp 9 dự án với tổng vốn đầu tư 3,04 triệu USD(13).

Hợp tác giáo dục - đào tạo giữa hai nước đã hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục - đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong các lĩnh vực như quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới... Hai bên đã triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo. Hằng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nhằm giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Pháp là nơi có lượng du học sinh Việt Nam lớn thứ 3 trên thế giới. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua và hiện có hơn 10.000 sinh viên.

Pháp cũng là nước đứng thứ bảy trong các nước và vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam xác định Pháp là thị trường du lịch trọng điểm. Hằng năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ hoạt động của các trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace), Thành phố Hồ Chí Minh (Viện Trao đổi Văn hóa Pháp - IDECAF). Quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế, hợp tác giữa các địa phương, an ninh - quốc phòng cũng ngày càng được đẩy mạnh.

Y tế là lĩnh vực hợp tác truyền thống giữa hai nước, với gần 3.000 bác sĩ Việt Nam được thực tập tại các bệnh viện Pháp. Hợp tác giữa Viện Pasteur Pari và các Viện Pasteur Việt Nam luôn được chú trọng.

Về hợp tác địa phương, hiện có 38 địa phương của Pháp có quan hệ đối tác với 18 tỉnh, thành phố Việt Nam. Từ năm 1990, có 235 dự án hợp tác phi tập trung giữa các địa phương hai nước ở lĩnh vực y tế, giáo dục, nước và vệ sinh, bảo tồn di sản, phát triển nông thôn, phát triển bền vững nước(14). Các dự án trên được đánh giá có tác dụng tốt. Đến năm 2022, đã phối hợp tổ chức thành công 11 kỳ họp về hợp tác phi tập trung luân phiên giữa hai nước. Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12 được tổ chức vào tháng 4-2023 tại Hà Nội, đây là dịp quan trọng cho việc ký kết các quan hệ đối tác mới(15).

Về an ninh - quốc phòng, hai nước đã thiết lập các cơ chế hợp tác như: Đối thoại chiến lược an ninh quốc phòng giữa hai Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Pháp do Bộ Ngoại giao chủ trì; Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng giữa hai Bộ Quốc phòng (phiên họp lần thứ nhất tại Pari tháng 7-2019).

Trong khuôn khổ là thành viên của Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ, hai nước tiếp tục có nhiều hoạt động hợp tác hiệu quả. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp được hình thành kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ nhất đến nay là hơn 300.000 người, phần lớn đã có quốc tịch Pháp; đã có khoảng 3.000 người Việt Nam được đào tạo là những chuyên gia pháp lý, giảng viên đại học, bác sĩ, nhà nghiên cứu…(16). Hội Người Việt Nam tại Pháp có bề dày truyền thống hướng về Tổ quốc, đóng góp trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước trong lịch sử và hiện nay.

Mối quan hệ khăng khít Việt Nam - Pháp không chỉ dừng lại ở quan hệ song phương mà còn được hỗ trợ, tăng cường bởi các diễn đàn đa phương như quan hệ Á - Âu (ASEM), Cộng đồng Pháp ngữ (ACCT), Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), ASEAN-EU,…

Nhìn lại mối quan hệ Việt - Pháp trên các lĩnh vực, cả trong lịch sử và hiện tại, đặc biệt trong 50 năm qua, chúng ta được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của mối quan hệ, trên tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Đó là sự cùng nỗ lực của cả hai nước Việt - Pháp để xây dựng nên mối quan hệ chính trị tin cậy; quan hệ kinh tế năng động hiệu quả; hợp tác khoa học - kỹ thuật sâu rộng và toàn diện; quan hệ giao lưu văn hóa - xã hội phong phú, đa dạng. Những thành quả đó chắc chắn sẽ không ngừng lớn lên cùng với sự trường tồn, phát triển tình hữu nghị Việt Nam - Pháp trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược đã được xác định.

_________________

PGS, TS NGUYỄN VĂN LAN

Học viện Chính trị khu vực III

(1), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.304-305, tr.75.

 (2), (5) Nguyễn Quang Chiến: Cộng hòa Pháp, Bức tranh toàn cảnh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr.11-50; 314-315.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.24.

(6) https://baochinhphu.vn/dua-hop-tac-chien-luoc-viet-phap-sang-giai-doan-moi-102236371.htm, truy cập ngày 7-4-2023.

(7) https://thanhnien.vn/thu-tuong-du-hoi-nghi-cap-cao-asem-8-185147733.htm, truy cập ngày 22-2-2023.

(8) Thông tin nội bộ, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, số 8-1999, tr.34.

(9) https://dangcongsan.vn/doi-ngoai/viet-nam-va-phap-huong-toi-quan-he-doi-tac-chien-luoc-177997.html, truy cập ngày 8-4-2023.

(10), (11) https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/khoi-dong-cac-su-kien-ky-niem-50-nam-quan-he-ngoai-giao-viet-nam-phap-713289, truy cập ngày 25-2-2023.

(12) https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=72558&CategoryId=0, truy cập ngày 19-1-2023.

(13), (14) http://mod.gov.vn/vn/chi-tiet/sa-ttsk/sa-tt-dnqp/27008b1f-0368-43ea-ab95-d26df635a487, truy cập ngày 8-12-2022.

(15) https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/quoc-phong-an-ninh-oi-ngoai1/-/2018/827190/quan-he-viet-nam-phap-nam-muoi-nam-hop-tac-va-phat-trien.aspx, truy cập ngày 7-4-2023

(16) https://nhandan.vn/viet-nam-rat-coi-trong-quan-he-huu-nghi-va-doi-tac-chien-luoc-voi-cong-hoa-phap-post728907.html, truy cập ngày 7-4-2023.

...