Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) bao gồm năm nước thành viên có quan hệ kinh tế - chính trị truyền thống với Việt Nam là Nga, Bêlarút, Cadắcxtan, Cưrơgưxtan và Ácmênia. Mặc dù thương mại là lĩnh vực trọng tâm của Hiệp định, nhưng tính đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU chỉ chiếm 0,5% thị phần(1). Điều này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của hai bên và không gian kinh tế mới được mở ra bởi hiệp định. Do đó, việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU, mở rộng nhập khẩu cũng như thúc đẩy thương mại, dịch vụ hai chiều hoàn toàn phù hợp với xu hướng mở rộng quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên.
Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam và EAEU có sự bổ sung đáng kể cho nhau, được xem là một điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai bên. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện tại chủ yếu là hàng nông sản và một số hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như điện thoại, linh kiện điện tử. Việt Nam nhập khẩu từ EAEU các sản phẩm cơ khí, thực phẩm, phân bón, dầu thực vật, xe tải, sắt thép. Trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và mạnh mẽ, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EAEU được xem như đòn bẩy để Việt Nam tăng cường hợp tác kinh tế toàn diện với 05 quốc gia thuộc Liên minh. Hiệp định không chỉ mở ra cơ hội lớn cho hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường mà còn mở ra những cơ hội cho hợp tác và phát triển đầu tư, từ đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam.
1. Tiềm năng và ý nghĩa hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu
Hợp tác thương mại và đầu tư với các quốc gia thuộc EAEU trong quá trình thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam
Liên minh EAEU có tổng giá trị GDP khoảng 1.900 tỷ USD và là một trong những thị trường lớn đối với nhiều mặt hàng truyền thống của Việt Nam(2). Với quy mô thị trường lớn, việc xây dựng và thực hiện các chiến lược đối tác thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên EAEU sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp của Việt Nam tiếp cận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường này. Hơn nữa, việc thu hút đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp EAEU cũng có nhiều thuận lợi hơn. Các thành viên của EAEU hầu hết là những quốc gia có mối quan hệ ngoại giao kinh tế - chính trị - xã hội truyền thống với Việt Nam nên việc am hiểu thị hiếu và văn hóa tiêu dùng của người dân các quốc gia này là một lợi thế rất lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Việc xác định đây là thị trường ưu tiên giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm sự định hướng đối với hoạt động xuất, nhập khẩu và đầu tư quốc tế. Quan điểm này cần được xác định một cách xuyên suốt và duy trì trong một thời gian dài bởi nhiều lý do. Một là, tiềm năng phát triển của các quốc gia thành viên EAEU là rất lớn. Hai là, khả năng hợp tác kinh tế giữa doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp EAEU sẽ là động lực chính để phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tới các quốc gia này. Ba là, mặc dù mới có 4 trong 5 quốc gia thành viên Liên minh EAEU là thành viên của WTO, nhưng có nhiều khả năng trong 10 năm tới, toàn bộ các thành viên của EAEU sẽ là thành viên của WTO, nên việc duy trì mối quan hệ thương mại truyền thống từ bây giờ sẽ bảo đảm được những cơ hội phát triển trong tương lai. Bốn là, hệ thống thể chế giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên EAEU đã có thời gian là tương đồng và quá trình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay có nhiều điểm tương tự nhau nên khả năng dự đoán về chuyển biến chính sách đối với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cao hơn khi so sánh với các quốc gia khác trên thế giới.
Hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các quốc gia thuộc EAEU góp phần đa dạng hóa quan hệ kinh tế, giúp Việt Nam không bị lệ thuộc vào một hay một số thị trường
Với hệ thống các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà nước ta đã ký kết, Việt Nam chưa xác định thứ tự ưu tiên về mặt chính sách. Thay vào đó, hệ thống các chính sách thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế được xây dựng và triển khai một cách đồng loạt; điều đó có thể khiến cho các chính sách thương mại và đầu tư quốc tế bị mất trọng tâm.
Hiện nay, Việt Nam đang hướng tới các thị trường như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản. Các quốc gia EAEU chưa phải là nhóm ưu tiên về mặt chính sách thúc đẩy thương mại và đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, với tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, các quốc gia EAEU có nhiều khả năng để tiếp tục tăng trưởng và phát triển kinh tế trong giai đoạn tới. Hơn nữa, trong điều kiện có nhiều biến động về kinh tế thế giới như chiến tranh thương mại, sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ, thì việc mở rộng thị trường thương mại và đầu tư quốc tế sẽ giúp Việt Nam không bị lệ thuộc vào một hoặc một số thị trường; khai thác các nguồn lực của các quốc gia thuộc EAEU một cách hiệu quả và tăng cường khả năng hội nhập của các doanh nghiệp Việt Nam. Như vậy, việc hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam với các quốc gia EAEU cần được xem là một trong những ưu tiên về chính sách hợp tác kinh tế toàn diện của Việt Nam trong giai đoạn tới.
Hợp tác thương mại và đầu tư trong quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện với EAEU đặt tiền đề cho việc tăng cường hợp tác với các thành viên mới khi liên minh này mở rộng
Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và EAEU hiện đại và toàn diện với sự linh hoạt cần thiết, có mức độ cam kết cao, bảo đảm cân bằng lợi ích và tính đến điều kiện cụ thể của các bên. Hiệp định được đánh giá là một bước đột phá trong quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các quốc gia EAEU.
Kết hợp với các quan hệ đối tác kinh tế khác, quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và EAEU sẽ hỗ trợ việc mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sang Liên minh, tạo tiền đề quan trọng để Việt Nam đẩy mạnh quan hệ thương mại và đầu tư sang các nước khác thuộc khối Cộng đồng các Quốc gia độc lập (SNG) mà nhiều nước trong số đó đang mong muốn trở thành thành viên của Liên minh.
Hai thị trường có sự tương hỗ nhau, cần thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường hợp tác nhằm khai thác lợi thế của các bên
Việc các doanh nghiệp EAEU đã và đang xuất khẩu nhiều mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp của Việt Nam tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có thêm lựa chọn về chủng loại, giá cả. Tận dụng được lợi thế này, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam sẽ được tăng lên, giúp cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không chỉ phát huy lợi thế ở thị trường EAEU mà còn cả các thị trường ngoài Liên minh.
Các ngành, lĩnh vực có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư với EAEU như: (i) công nghiệp hàng tiêu dùng; (ii) công nghiệp chế biến; (iii) khai thác dầu khí; sản xuất vắcxin và chế phẩm sinh học phòng… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ có thêm cơ hội tiếp thu công nghệ tiên tiến trong quá trình hợp tác. Trong giai đoạn tới, Việt Nam cần tập trung vào tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước hiện thực hóa cơ hội đầu tư, kinh doanh tại EAEU trên cơ sở một nền tảng chính sách tạo lập môi trường, định hướng, hướng dẫn phù hợp với các cam kết của Hiệp định và chuẩn mực quốc tế.
2. Dự báo xu hướng và giải pháp phát triển hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu
Phát triển hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EAEU mang lại lợi ích cho cả hai bên. Đối với Việt Nam, tăng trưởng xuất, nhập khẩu và đầu tư chính là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Đây là cơ hội phát huy các quan hệ truyền thống trong điều kiện mới, tạo ra những lợi ích tăng thêm cho các nước thuộc Liên minh thông qua hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư từ Việt Nam.
Một là, hợp tác thương mại
Để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, nếu chỉ dựa vào gia tăng kim ngạch thông thường sẽ đòi hỏi nguồn nguyên liệu rất lớn. Nếu chỉ xuất khẩu các sản phẩm thô hay sơ chế, lợi nhuận thu được không cao và cũng khó tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu như mong đợi. Vì thế, định hướng phát triển hợp tác thương mại sẽ chia thành hai giai đoạn là giai đoạn từ nay đến năm 2030 và giai đoạn từ 2031-2045.
Giai đoạn từ nay đến năm 2030: đây là giai đoạn chuyển đổi và từng bước thực hiện các cam kết của Hiệp định theo khoảng thời gian cam kết loại bỏ các hàng rào thuế, phi thuế và hàng rào kỹ thuật trong tối đa 10 năm. Điểm quan trọng trong giai đoạn này là, từ ngày 12-10-2021, EAEU loại Việt Nam ra khỏi danh sách nước đang phát triển được hưởng Hệ thống thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP)(3). Điều này đánh dấu sự trưởng thành và vị thế mới của Việt Nam với tính chất bình đẳng cao hơn trong EAEU. Do đó, doanh nghiệp cần có chiến lược thích nghi với rào cản thuế quan gia tăng, các hàng rào phi thuế quan phức tạp và tinh vi hơn, làm tăng chi phí tuân thủ và làm giảm khả năng cạnh tranh về giá. Hơn nữa, khi thu nhập dân cư tăng lên, nhu cầu về hàng cấp thấp giảm xuống và nhu cầu hàng cấp cao tăng lên, kể cả hàng xa xỉ, cho nên cần có phương thức thích nghi phù hợp.
Các doanh nghiệp Việt Nam và EAEU cần từng bước đẩy mạnh nghiên cứu, tìm hiểu và xác định xu thế vận động của thị trường hai bên, điều chỉnh chiến lược thâm nhập, mở rộng quy mô xuất, nhập khẩu. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống đã định vị được thị trường và thị phần tiếp tục được trao đổi, cần khai thác các phân khúc thị trường mới và cả thị trường ngách. Quy mô trao đổi phụ thuộc vào thu nhập được cải thiện liên tục của các bên. Thực chất, đây là giai đoạn cả hai bên khai thác lợi thế bổ sung cơ cấu lẫn nhau và những ưu đãi ngày càng cao của Hiệp định thông qua quá trình đầu tư để tuân thủ nghiêm túc cam kết đặt ra sẽ thay thế ưu đãi GSP.
Đây là quá trình khai thác Hiệp định theo chiều rộng với tác động chủ yếu là tạo lập mậu dịch. Lợi ích thu được từ thương mại phần lớn là lợi ích do ưu đãi mang lại, chưa phải hoàn toàn do đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ và cải tiến, đổi mới sản phẩm dựa trên đổi mới sáng tạo. Cả hai bên sẽ tiếp tục khai thác lợi thế so sánh hiện hữu để gia tăng quy mô thương mại hai chiều. Đây cũng là giai đoạn Việt Nam coi trọng xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và cố gắng đạt tốc độ tăng trưởng kỳ vọng hằng năm khoảng 10-12%/năm. Theo tính toán từ dữ liệu của ITC, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU sẽ đạt khoảng 28-30 tỷ USD vào năm 2030, gấp gần 1,6 lần so với năm 2020.
Giai đoạn 2031- 2045: đây là giai đoạn khai thác triệt để các cam kết ưu đãi. Vị thế của Nga và các nước trong EAEU được cải thiện, cơ bản nhất là cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng số hóa, công nghệ cao và có những bước thay đổi đột phá về quá trình sáng tạo giá trị. Sự phụ thuộc vào tài nguyên của các nước EAEU, nhất là dầu mỏ được giảm thiểu. Đồng thời, nền kinh tế Việt Nam đã có thêm quá trình phát triển theo cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế chủ động, tích cực, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kiến thức, tài sản và năng lực quản trị. Mô hình thương mại sẽ tự động chuyển dịch từ thương mại bổ sung sang thương mại thay thế. Đây là mô hình vận hành trên nền tảng cạnh tranh quyết liệt, thay thế lẫn nhau liên tục và đổi mới sáng tạo toàn diện.
Do thay đổi mô hình thương mại, nhất là sự chuyển dịch cơ bản mô hình thương mại, các nguồn lực thương mại được khai thác theo chiều sâu, năng suất thương mại gia tăng, các mặt hàng xuất, nhập khẩu chủ yếu là hàng chế biến sâu và hàng hóa có hàm lượng cao về đổi mới sáng tạo. Do đó, đây là giai đoạn thương mại hai chiều có sự thay đổi cơ bản về chất, hướng tới nền thương mại giá trị gia tăng cao.
Trong giai đoạn này, thu nhập của người dân EAEU được cải thiện cơ bản theo hướng quốc gia có thu nhập cao, nên nhu cầu về các mặt hàng giá cả thấp, hàng tiêu dùng thông thường (lương thực, thực phẩm và may mặc tầm trung…) sẽ giảm dần. Vì thế, việc đầu tư để đón đầu xu hướng thị trường nhằm phát hiện nhu cầu mới, phát triển sản phẩm mới, dịch vụ mới, nhất là các mặt hàng và dịch vụ gắn với kết quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là rất lớn. Đây là giai đoạn có khả năng xuất hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia của Việt Nam có tác động đáng kể đến thị trường trong nước và ở EAEU thông qua thương mại, đầu tư và xây dựng mạng lưới kinh doanh lâu dài ở EAEU. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư trung tâm thương mại hàng hóa Việt Nam và hàng các nước sản xuất tại Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ để đáp ứng nhu cầu của EAEU.
Để khai thác lợi thế quy mô, có thể xây dựng tổng kho hàng hóa và trung tâm phân phối hàng hóa của Việt Nam tại các nước EAEU. Đồng thời, phía Việt Nam cũng cần khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các kho hàng tại Việt Nam cho hàng hóa EAEU theo nhu cầu đã đề xuất từ phía Liên bang Nga. Điều đó đòi hỏi coi trọng phát triển mạng lưới logistics hiệu quả để phục vụ dòng lưu chuyển hàng hóa giữa hai bên. Đây là cơ hội để phát triển dịch vụ logistics.
Những mặt hàng chất lượng cao được đầu tư phát triển cùng với các dịch vụ chất lượng cao được mở rộng là xu hướng tất yếu. Cần chú trọng đầu tư nghiên cứu và phát triển để đổi mới sản phẩm và dịch vụ đáp ứng nhu cầu của EAEU. Có thể xuất hiện khả năng doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực sản suất mặt hàng cạnh tranh thành công với các doanh nghiệp của EAEU. Quy mô thương mại hai chiều sẽ chuyển sang trạng thái thương mại chiều sâu và năng lực cạnh tranh sẽ quyết định vị thế của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ cố gắng khai thác nguồn lực đổi mới sáng tạo như các nghiên cứu về sản phẩm mới, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới. Cách thức tổ chức mạng lưới thương mại sẽ lấy các nền tảng thương mại điện tử làm chủ yếu, theo đó nền thương mại tiết kiệm chi phí, tốc độ cao, lợi thế theo quy mô sẽ được phát huy triệt để.
Với mô hình thương mại kỹ thuật số phát triển mạnh thay thế dần thương mại truyền thống, quy mô thương mại hai chiều tăng lên đáng kể. Đến năm 2045, quy mô xuất khẩu của Việt Nam sang EAEU có thể đạt xấp xỉ 90 tỷ USD, tăng gấp 3-5 lần so với quy mô xuất khẩu năm 2030(4).
Đồng thời, những tiêu chuẩn của mô hình thương mại bền vững cũng được cả hai bên coi trọng. Các quy định về sản phẩm xanh, sạch, tiết kiệm năng lượng, chú trọng sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được đẩy mạnh. Quy định về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn GlobalGap được sử dụng bảo đảm sản phẩm được sản xuất, vận chuyển, bảo quản và tiêu dùng đúng tiêu chuẩn. Đầu tư vào thế hệ sản phẩm mới này tạo động lực để các doanh nghiệp hai bên cùng phát triển.
Bên cạnh thương mại hàng hóa, cần phát triển mạng lưới thương mại dịch vụ để tương xứng với quy mô gia tăng của thương mại hàng hóa. Các loại dịch vụ cần được phát triển gồm: dịch vụ ngân hàng để phục vụ thanh toán và đầu tư giữa hai bên; các dịch vụ về tài chính, bất động sản, viễn thông, du lịch, bảo hiểm, y tế, giáo dục sẽ được tiếp tục mở rộng. Tất cả các phương thức cung ứng dịch vụ, gồm cung cấp xuyên biên giới, tiêu dùng ngoài lãnh thổ, hiện diện thương mại, hiện diện thể nhân sẽ được tiếp tục khai thác.
Để bảo vệ nền thương mại tự do được mở ra, cần tích cực thực hiện việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, như: sáng chế, nhãn hàng, chỉ dẫn địa lý, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, bí mật thương mại; bảo hộ bản quyền tác giả, như phần mềm, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật… để thị trường các loại sản phẩm này phát triển.
Hai là, hợp tác đầu tư
Trong xu hướng phát triển các mối quan hệ quốc tế theo hướng hòa bình, hợp tác và phát triển, hợp tác đầu tư sẽ có nhiều cơ hội vượt trội hơn so với thương mại trong tầm nhìn dài hạn. Do đó, việc chuẩn bị lực lượng đầu tư trong giai đoạn 10 năm là cần thiết để đón nhận cơ hội đầu tư lớn giữa Việt Nam và EAEU có khả năng bùng nổ trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Các lĩnh vực đầu tư có khả năng phát triển mạnh là:
Nhóm các lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam có thế mạnh, như: thiết bị viễn thông thế hệ mới, các loại thiết bị và linh kiện điện tử dân dụng, sản xuất các loại ô tô tải, xe khách, xe điện, đầu tư bất động sản và các sản phẩm nông nghiệp cao cấp, du lịch, dịch vụ, ngân hàng, tài chính sử dụng kỹ thuật số; các dự án đầu tư khởi nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm.
Nhóm các lĩnh vực do EAEU dẫn đắt, như: đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, công nghệ sinh học, y, dược cao cấp, sản xuất thiết bị công nghiệp nặng trong xây dựng, hóa chất, công nghiệp quốc phòng, công nghiệp hàng không vũ trụ. Đây là các lĩnh vực mà EAEU đi trước Việt Nam hàng chục năm.
Nhóm các lĩnh vực đầu tư ngang hàng thể hiện tiềm lực và năng lực tương đương, như đầu tư vào ngân hàng - tài chính, dịch vụ du lịch, giáo dục, văn hóa - thể thao.
Để tăng cường dòng vốn đầu tư, cần có phương thức cung cấp thông tin đầy đủ về địa điểm, nhu cầu, ngành nghề đầu tư cho nhà đầu tư của hai bên. Chính phủ các nước cũng cần công bố quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài trên cơ sở tính toán đầy đủ nhu cầu và năng lực của các bên; đồng thời, cần thay đổi phương thức tổ chức vận động và xúc tiến đầu tư để đạt hiệu quả hợp tác đầu tư cao hơn.
Về cơ chế hợp tác đầu tư, có thể vận dụng linh hoạt và đa dạng cơ chế hợp tác đầu tư, trong đó coi trọng các dự án đổi mới sáng tạo và có hàm lượng công nghệ cao, các dự án đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn phát triển bền vững, đầu tư theo chuỗi hoặc đầu tư phát triển toàn diện cộng đồng.
Các biện pháp khuyến khích đầu tư hướng tới thành lập các tổ hợp công nghiệp thông minh, kết nối hiệu quả doanh nghiệp Việt Nam - EAEU, chuyển từ khuyến khích tham gia sang khuyến khích đạt kết quả mong đợi hay khuyến khích đạt kết quả cuối cùng; chuyển từ khuyến khích bằng công cụ thuế sang khuyến khích đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thậm chí xuất hiện cơ chế khuyến khích trung tính nghĩa là không chỉ coi trọng khâu đầu, khâu cuối mà cần bảo đảm sự ổn định chính sách trong giai đoạn dài. Qua đó, nhà đầu tư vừa thu được lợi ích lớn vừa không làm xáo trộn chính sách đầu tư dài hạn.
Đa dạng hóa hình thức đầu tư. Bên cạnh đầu tư trực tiếp, cần chú ý khai thác tối đa hình thức đầu tư gián tiếp thông qua sáp nhập và mua lại, góp phần tăng tích lũy vốn, tài sản cho doanh nghiệp.
ThS Nguyễn Lan Hương
Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
_________________
(1), (2), (4) Đỗ Hương Lan: Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu trong bối cảnh mới, Chương trình KX.01/16-20, Viện Nghiên cứu châu Âu, 2021.
3. Thế Hoàng: EAEU đưa Việt Nam ra khỏi danh sách hưởng ưu đãi thuế quan GSP, https://baodautu.vn/eaeu-dua-viet-nam-ra-khoi-danh-sach-huong-uu-dai-thue-quan-gsp-d143398.html, ngày 22-5-2021.