18/01/2025 lúc 12:43 (GMT+7)
Breaking News

Phúc Thọ: Quê hương anh hùng, khởi sắc mỗi ngày

Phúc Thọ là huyện ngoại thành, nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội. Huyện có diện tích tự nhiên 118,63 km2, dân số trên 19 vạn người. Huyện gồm 20 xã và 01 thị trấn. Là địa danh được hình thành sớm cùng lịch sử dân tộc, nơi hòa quyện giữa 3 con sông: sông Hồng, sông Tích và sông Đáy đã tạo nên vùng đất có truyền thống lâu đời và bề dày lịch sử  - cái tên huyện Phúc Thọ đến nay đã có niên đại gần 200 năm.

Phúc Thọ là huyện ngoại thành, nằm ở phía Tây Bắc Thủ đô Hà Nội. Huyện có diện tích tự nhiên 118,63 km2, dân số trên 19 vạn người. Huyện gồm 20 xã và 01 thị trấn. Là địa danh được hình thành sớm cùng lịch sử dân tộc, nơi hòa quyện giữa 3 con sông: sông Hồng, sông Tích và sông Đáy đã tạo nên vùng đất có truyền thống lâu đời và bề dày lịch sử  - cái tên huyện Phúc Thọ đến nay đã có niên đại gần 200 năm.

Qua những di tích, di vật lịch sử - văn hóa đã chứng minh Phúc Thọ là cái nôi của truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, bền bỉ trong cải tạo thiên nhiên, dũng cảm trong đấu tranh phòng chống thiên tai; đặc biệt, nơi đây cũng là vùng đất trọng học, giàu truyền thống khoa bảng với nhiều người đỗ đạt, thành danh; nhân dân hiền hòa, giàu tình yêu quê hương, đất nước, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Phúc Thọ đã đóng góp nhiều cả về nhân lực và vật lực, góp phần vào thắng lợi chung của toàn dân tộc. Toàn huyện có 395 Mẹ Việt Nam anh hùng, 3.471 liệt sỹ, 1.077 thương binh. Huyện có 07 cá nhân và 13 xã, thị trấn được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Năm 2000 Đảng bộ và nhân dân huyện Phúc Thọ được Nhà nước phong tặng danh hiệu: “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; năm 2011 được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Nhờ có những thành tích đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa, phát triển kinh tế, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Huyện vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất do Chủ tịch Nước trao tặng đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng huyện (03/8/1954 - 03/8/2014). Năm 2015, Huyện được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc. Năm 2020, Huyện được UBND thành phố Hà Nội tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Huyện Phúc Thọ đổi mới từng ngày.

Là vùng đất cổ, huyện Phúc Thọ là nơi lưu giữ, bảo tồn hệ thống di sản văn hóa đậm đặc cùng nhiều lễ hội đặc sắc. Theo thống kê của thành phố Hà Nội, huyện Phúc Thọ có 201 di tích. Đến nay, huyện có 104 di tích đã được xếp hạng. Trong đó, 3 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt là: Đền Hát Môn – thờ Hai Bà Trưng; đình Tường Phiêu (xã Tích Giang) và đình Hạ Hiệp (Liên Hiệp); có 45 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 56 di tích xếp hạng cấp Thành phố; 11 địa điểm được UBND Thành phố ban hành Quyết định gắn biển địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến.

Hàng năm, Huyện có 68 lễ hội truyền thống được tổ chức vào mùa xuân, từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch. Trong đó, có 67 lễ hội làng, 01 lễ hội vùng là Lễ hội truyền thống Đền Hát Môn được tổ chức quy mô cấp huyện. Lễ hội truyền thống đền Hát Môn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Huyện còn có 2 làng nghề với các sản phẩm đặc trưng như: bánh, bún, đậu phụ Linh Chiểu (xã Sen Phương); may mặc Thượng Hiệp (xã Tam Hiệp) đã được Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống. Huyện có 3 làng phát triển nghề mới và đang trình Thành phố công nhận là làng nghề truyền thống gồm: nghề mộc Triệu Xuyên (xã Long Xuyên); nghề mộc Hát Môn (xã Hát Môn) và nghề mộc Phú An (xã Thanh Đa).

Những năm qua, kinh tế của huyện có những bước phát triển khá, tốc độ tăng giá trị các ngành chủ yếu bình quân trong 10 năm đạt 9,1%, nông nghiệp tăng bình quân 4,9%, công nghiệp - xây dựng tăng 11,8%, Thương mại- Dịch vụ  tăng 9,2%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm. Diện mạo nông thôn có bước thay đổi rõ rệt; cộng đồng dân cư gắn kết chặt chẽ hơn; nhân dân phấn khởi,  tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới, với sự quyết tâm cao trong quá trình triển khai, thực hiện, huyện Phúc Thọ đã đạt nhiều kết quả. Thủ tướng Chính phủ đã công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.

Trong chặng đường phát triển tiếp theo, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Huyện Phúc Thọ phát huy truyền thống quê hương anh hùng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; huy động mọi nguồn lực quyết tâm xây dựng Phúc Thọ trở thành huyện nông thôn mới điển hình tiên tiến.