11/01/2025 lúc 01:57 (GMT+7)
Breaking News

Phục hồi kinh tế sau khi dịch bệnh được khống chế bằng những giải pháp nào ?

Hiện phòng, chống COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên số 1, nhưng việc chuẩn bị các kịch bản để nền kinh tế sẵn sàng phát triển sau khi dịch bệnh được khống chế là rất cần thiết.

Hiện phòng, chống COVID-19 là nhiệm vụ ưu tiên số 1, nhưng việc chuẩn bị các kịch bản để nền kinh tế sẵn sàng phát triển sau khi dịch bệnh được khống chế là rất cần thiết.

Những "vùng xanh an toàn" về lao động, sản xuất, vận tải… tiếp tục được mở rộng. Các biện pháp phòng chống dịch ở những trung tâm kinh tế, sản xuất công nghiệp đang dần được nới lỏng để sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Các cực tăng trưởng kinh tế phải sớm phục hồi.

Cùng với chiến dịch tiêm vaccine nhiều nhất, nhanh nhất có thể, các giải pháp nới lỏng giãn cách, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh bắt nhịp trở lại đang được triển khai tại những trung tâm kinh tế, khu sản xuất công nghiệp trên cả nước.

8 tỉnh/thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh và Bình Phước), tuy chỉ chiếm gần 20% dân số, nhưng đóng góp tới 45% GDP và 40% vào giá trị xuất khẩu.

Riêng TP Hồ Chí Minh có thể được ví như một trong những trụ cột phát triển, đóng góp khoảng gần gần 30% vào tăng trưởng GDP cả nước.

Ảnh minh họa

Các biện pháp giãn cách dần nới lỏng để phục hồi sản xuất

Cùng với việc vẫn phải đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, yêu cầu mở cửa lại nền kinh tế, nới lỏng các điều kiện giãn cách để doanh nghiệp hoạt động trở lại là bài toán hiện nay đối với trung tâm kinh tế TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… vì sớm mở cửa ngày nào, sẽ giảm thiểu thiệt hại kinh tế ngày đó. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan ban ngành cần có sự triển khai đồng bộ để giảm ách tắc cho hoạt động của doanh nghiệp tại các trung tâm kinh tế phía Nam để phục hồi sản xuất.

Để tháo gỡ khó khăn, mới đây TP Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều phương án, trong đó có phương án yêu cầu 4 xanh, gồm: người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh.

Với mục tiêu đưa 5 - 10% doanh nghiệp tổ chức sản xuất trở lại trong điều kiện an toàn phòng chống dịch, đây là bài toán được tính đến nhiều nhất vì doanh nghiệp có thể tiết kiệm nhiều chi phí. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp đang mong sớm ban hành thêm nhiều tiêu chuẩn cụ thể, như công tác sàng lọc, xét nghiệm COVID-19 và xác nhận cho người lao động.

"Hiện tại, các đơn hàng mới đã được ký kết và các đơn hàng cũ đã lùi thời gian sản xuất dài, trong khi đối tác đang cần gấp. Chúng tôi mong mỏi có thông tin hướng dẫn chi tiết về phương án "4 xanh" để có phương án hoạt động và báo khách hàng, đối tác về tiến độ sản xuất", Tổng Giám đốc Công ty May mặc Dony Phạm Quang Anh cho hay.

Hiện nay, Đồng Nai, Long An, Bình Dương cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông nội vùng và liên vùng, lên phương án để đưa người lao động quay trở lại sản xuất trong điều kiện bình thường mới. Trong đó, Bình Dương đang triển khai sản xuất "3 xanh" trong các vùng xanh. Điều kiện hoạt động là nhà máy xanh, nhà trọ xanh và công nhân xanh. Ngay khi mô hình 3 xanh được ban hành, đã có gần 400 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với gần 53.000 công nhân.

"Chúng tôi đã chỉ đạo kiểm soát rất là chặt từ ngay ranh giới của các địa phương. Hiện nay tất cả hàng hóa, người đi lại từ vùng đỏ, vàng về vùng xanh thì đều được xét nghiệm miễn phí ngay tại cửa ngõ các địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng trạm y tế lưu động tại các khu cụm công nghiệp. Từng nhà máy có quy mô lao động thì buộc các doanh nghiệp phải xây dựng phòng, trạm y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết.

TP Hồ Chí Minh, nơi tạo ra 27% GDP của cả nước. Tuy nhiên, một mình TP Hồ Chí Minh không thể phục hồi riêng lẻ, mà đó là câu chuyện của cả một vùng. Chính vì vậy, các chính sách nới lỏng của các tỉnh, thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An... sẽ góp phần tác động rất lớn đến sự phục hồi chung của nền kinh tế cả nước.

Hà Nội phục hồi chuỗi sản xuất thúc đẩy tăng trưởng

Tại những khu công nghiệp lớn phía Bắc như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên…, nhờ chống dịch hiệu quả, các khu vực này vẫn đang là cực thu hút FDI, duy trì sản xuất và thậm chí là hỗ trợ các đơn hàng trong Nam khi phải đóng cửa giãn cách.

Còn TP Hà Nội đang xây dựng 2 kịch bản tăng trưởng của năm nay ở mức 3,97% và 4,54%. Ngay khi trở lại trạng thái bình thường mới, hàng loạt doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, hướng tới các mục tiêu tăng trưởng đề ra. Câu chuyện quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh không chỉ dựa trên kế hoạch, các chính sách của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn phụ thuộc nhiều vào sự nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp.

Hai tháng qua, dù thực hiện "3 tại chỗ", đảm bảo an toàn phòng dịch trong sản xuất, nhưng đơn hàng xuất khẩu của Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Ngọc Sơn chỉ có thể đảm bảo được 50%. Tuy nhiên, khi nhiều phương án sản xuất an toàn đã được chính quyền các cấp của Hà Nội phê duyệt, 600 người lao động của doanh nghiệp đã quay lại sản xuất, doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục đơn hàng.

"Đến thời điểm này chúng tôi đã có gần 100% đơn hàng quay trở lại. Hiện chúng tôi đạt 50% kế hoạch sản xuất", bà Vũ Thúy Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Thủ công mỹ nghệ Ngọc Sơn, Hà Nội, chia sẻ.

Còn với Công ty CP thực phẩm RicHy miền Bắc, ngay khi Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới, công suất của nhà máy đã được duy trì với 100% dây chuyền sản xuất, chuỗi cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp cũng được đảm bảo.

"Kế hoạch sản xuất của chúng tôi là vẫn đảm bảo sản xuất như bình thường, thậm chí đẩy mạnh hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Chúng tôi sẽ đạt 200% kế hoạch so với năm 2020", ông Lê Trọng Nghĩa, Phó Tổng giám đốc Công ty CP thực phẩm RicHy miền Bắc, cho biết.

"Chúng tôi đang tiếp tục thúc đẩy các địa phương tháo gỡ từng bước, tập trung vào sản xuất kinh doanh, thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp đã đến mùa, cũng như triển khai sản xuất sản xuất vụ Đông tới để mang lại hiệu quả", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhận định.

Không chỉ bằng các kịch bản khôi phục sản xuất, với mô hình "Tổ an toàn COVID-19" đã được triển khai cho gần 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ hướng đến đạt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Theo dự báo tăng trưởng của các tổ chức, định chế tài chính toàn cầu, động lực tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tốc độ triển khai các giải pháp hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.

Rõ ràng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế là cần thiết, nhưng mở thế nào để người dân được an toàn và doanh nghiệp hoạt động ổn định. Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là tránh tâm lý hoang mang trong chống dịch, dẫn đến đứt gãy sản xuất và lao động.

Dịch bệnh lần thứ 4 đã ảnh hưởng như thế nào đến các trung tâm kinh tế tại khu vực phía Nam? Với các biện pháp nới lỏng của TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An hiện nay, khả năng phục hồi của một số ngành/lĩnh vực tại những tỉnh thành này sẽ như thế nào?

Với đợt dịch lần này, hàng chục ngàn doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất, rời thị trường. Khả năng phục hồi và vực dậy các doanh nghiệp là một thách thức rất lớn, có tín hiệu nào khả quan không?