22/01/2025 lúc 17:57 (GMT+7)
Breaking News

Phú Yên: Hướng đến mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp

Cải cách chế độ công vụ, công chức là nội dung quan trọng, đóng vai trò quyết định sự thành công với mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đó cũng là yêu cầu đổi mới sâu rộng để phát triển nhanh, bền vững theo mục tiêu, phương hướng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Cải cách chế độ công vụ, công chức là nội dung quan trọng, đóng vai trò quyết định sự thành công với mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Đó cũng là yêu cầu đổi mới sâu rộng để phát triển nhanh, bền vững theo mục tiêu, phương hướng mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Xác định tầm quan trọng của hoạt động công vụ, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đối với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, những năm qua, tỉnh đã chú trọng quan tâm, tổ chức thực hiện đồng bộ các khâu trong công tác cán bộ gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, xác định vị trí việc làm; đổi mới nội dung, phương pháp, cách làm và đạt được những kết quả tích cực. Đó là, kịp thời khắc phục tồn tại, sai phạm trong công tác tuyển dụng CCVC; công tác tuyển dụng được thực hiện công khai, minh bạch. Công tác đánh giá cán bộ có sự đổi mới về phương pháp và có bước chuyển biến, dần đi vào thực chất. Việc đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới được quan tâm, góp phần nâng cao trình độ và chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ; công tác kiểm tra, giám sát về tổ chức, cán bộ được tăng cường, đi vào nề nếp...

Cải cách chế độ công vụ, công chức là nội dung quan trọng, đóng vai trò quyết định sự thành công với mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp - ảnh: minh họa

Yêu cầu ngày càng cao

Tuy có những cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung, cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh hiện nay còn một số bất cập. Đó là, tình trạng vừa thừa, vừa thiếu CBCCVC, chưa bảo đảm tính kế thừa còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương do những đòi hỏi mới về tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm. Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu nhân lực và cán bộ giỏi ở một số ngành. Công tác thu hút trí thức về làm việc trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, còn tồn tại những vấn đề tiêu cực trong thực hiện công vụ của CBCCVC, nhiều hồ sơ trễ hẹn, nhiều chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính (Chỉ số cải cách hành chính PAR Index, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI,…) xếp hạng thấp đã phần nào ảnh hưởng đến niềm tin của người dân, doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực tiễn đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn đối với hoạt động công vụ nói chung và đội ngũ CBCCVC nói riêng. Đó là những yêu cầu về năng lực và chất lượng hoạch định thể chế, chính sách; yêu cầu về tính công khai, minh bạch trong thực thi công vụ, không ngừng nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn; yêu cầu về tiếp thu và ứng dụng kH-CN vào xử lý công việc; yêu cầu linh hoạt, nhạy bén và thích ứng với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trong nước, khu vực và thế giới. Chính vì vậy, việc nhìn thẳng vào yếu kém nội tại, nắm bắt được yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần trang bị để có những chấn chỉnh đúng đắn và định hướng kịp thời, đảm bảo đội ngũ công chức đủ năng lực, bản lĩnh thi hành công vụ trong tình hình mới là rất cần thiết.

Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu CBCCVC, chưa bảo đảm tính kế thừa còn xảy ra ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương do những đòi hỏi mới về tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm - ảnh: minh họa

Tạo sự bứt phá

Xác định rõ ràng mục tiêu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và thực tài, đến năm 2025, xây dựng được đội ngũ CBCCVC có cơ cấu hợp lý, đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định; đến năm 2030, xây dựng được đội ngũ CBCCVC chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý; đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ: 25-35% số lãnh đạo, quản lý cấp sở, ngành, UBND cấp huyện và tương đương; trên 30% lãnh đạo, quản lý cấp phòng trực thuộc sở, ngành, UBND cấp huyện và tương đương; 80% lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước có đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; 100% CBCC cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, trước hết là phải đẩy mạnh việc sắp xếp lại đội ngũ CBCCVC các cấp, ngành theo vị trí việc làm, khung năng lực, bảo đảm đúng người, đúng việc, nâng cao chất lượng, hợp lý về cơ cấu, số lượng. Trên cơ sở đó, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng và phẩm chất cho đội ngũ CBCCVC gắn với vị trí việc làm, đảm bảo đủ năng lực hoạch định chính sách, thi hành công vụ. Nghiên cứu việc thực hiện thí điểm chính sách đào tạo đại học bằng thứ hai dành cho CBCC, nhất là cấp xã, đáp ứng các yêu cầu về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, tránh tình trạng ách tắc ở các lĩnh vực quan trọng, nhất là các lĩnh vực về quản lý đất đai, tài chính và xây dựng.

Khuyến khích đổi mới, sáng tạo; khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung - ảnh: minh họa

Thực hiện tốt công tác cán bộ ở tất cả các khâu từ phát hiện, tuyển chọn, nhận xét, đánh giá, đến quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, bổ nhiệm, sử dụng và thực hiện chính sách đối với CBCCVC, đảm bảo cơ chế cạnh tranh lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch và công bằng, từ đó tạo động lực để CBCCVC làm việc, cống hiến, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Xây dựng, ban hành chính sách để thu hút, đãi ngộ bác sĩ, đội ngũ chuyên gia, cán bộ khoa học, quản lý, nhân lực chất lượng cao vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Song song với đó là xây dựng môi trường làm việc kỷ cương, năng động, lấy giá trị công việc, hiệu quả công việc làm thước đo đánh giá năng lực của CBCC. Nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức công vụ của CBCCVC. Hoàn thiện quy định về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ, về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ.

Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo; khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Có như vậy mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn và sự phát triển, tạo động lực, niềm tin cho CBCCVC đổi mới, sáng tạo, tạo nên sự bứt phá cho nền công vụ trong tình hình mới.

Tính đến tháng 11/2021, tổng số CBCCVC thuộc tỉnh quản lý là 19.667 người, trong đó cấp tỉnh 6.817 người (chiếm 34,7%), cấp huyện 10.519 người (chiếm 53,5%) và cấp xã 2.331 người (chiếm 11,8%); tiến sĩ 39 người (chiếm 0,2%), thạc sĩ, chuyên khoa I, II 1.443 người (chiếm 7,3%), đại học 12.171 người (chiếm 61,9%), còn lại (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, chưa qua đào tạo) là 6.014 người (chiếm 30,6%). CBCCVC đã được đào tạo về lý luận chính trị 5.240 người (26,6%), còn lại (sơ cấp, chưa qua đào tạo) là 14.427 người (chiếm 73,4%)…

TRƯƠNG NGỌC TUẤN

Giám đốc Sở Nội vụ