VNHN - Phú Thọ là vùng đất cổ, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, nơi có bề dày truyền thống lịch sử và hàng nghìn năm văn hiến từ khi Vua Hùng dựng nước Văn Lang. Nằm ở trung tâm của nền văn minh Sông Hồng, Phú Thọ là đất cội nguồn, thế dựng nước và giữ nước, vùng đất của di tích lịch sử, danh thắng, và các sản vật thiên nhiên độc đáo. Trên nền tảng của truyền thống lịch sử, văn hóa và tiềm năng lớn cho phát triển, những năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn (2015-2020), tỉnh Phú Thọ đã có những bước bứt phá vươn lên Tốp đầu về trình độ phát triển trong các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.
Đồng bào mọi miền đất nước về dự lễ hội Đền Hùng trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương
Vượt qua những khó khăn và thách thức trong điều kiện tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến sự phát triển chung, trong nhiệm kỳ (2015-2020), Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ luôn nỗ lực đồng lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra, phấn đấu xây dựng Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong quá trình đó, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo lãnh đạo các cấp chính quyền và Đảng bộ địa phương đoàn kết cùng nhân dân thực hiện thành công 4 khâu đột phá đó là: Huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt; phát triển nguồn nhân lực; phát triển du lịch và cải cách hành chính. Nhờ vậy, Phú Thọ đã đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển, đến hết năm 2020, quy mô kinh tế của tỉnh ước tăng 1,7 lần so với năm 2015 là năm đầu của nhiệm kỳ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm ước đạt 7,86%/năm (kế hoạch 6,96%/năm); Thu ngân sách nhà nước giai đoạn (2016 – 2020) ước đạt 30.000 tỷ đồng, tăng bình quân 12,1%/năm, vượt mục tiêu đề ra (10%); tổng nguồn vốn huy động được trên 50.600 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với giai đoạn 2011 - 2015. Trong đó, vốn đầu tư của doanh nghiệp và tư nhân ước đạt 30,3 nghìn tỷ đồng; vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đạt trên 20,3 nghìn tỷ đồng… Riêng năm 2020, quy mô GRDP ước đạt trên 75,8 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2015; Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 52,5 triệu đồng, tăng 65% so với năm 2015… Đó là những con số hết sức ấn tượng, là minh chứng sinh động cho vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân và cũng là thể hiện sự sáng suốt của Đảng đã soi đường chỉ lối cho quê hương Đất Tổ Phú Thọ vươn lên mạnh mẽ.
Tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt
Đại lộ đi qua Trung tâm Thành phố Việt Trì
Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt được xác định là khâu đột phá đầu tiên đã được tỉnh tập trung thực hiện và đạt được những kết quả ấn tượng. Trong 5 năm qua, Phú Thọ đã thực hiện đầu tư trên 190 dự án thuộc 8 ngành, lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt. Nổi bật là lĩnh vực hạ tầng đô thị, toàn tỉnh đã thực hiện được 68 dự án, tổng vốn huy động đạt trên 11 nghìn tỷ đồng. Hàng chục dự án hạ tầng đô thị được triển khai, tạo diện mạo đô thị khang trang, hiện đại tại nhiều địa phương. Hạ tầng giao thông có bước phát triển vượt bậc: 35 dự án hạ tầng giao thông được triển khai xây dựng, với tổng vốn trên 6,1 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều dự án quan trọng đã được triển khai quy hoạch và xây dựng những khu công nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt, hạ tầng giao thông đã có những bước phát triển nhanh, góp phần đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành các KCN quy mô lớn. Trong 5 năm qua, tỉnh đã được đầu tư thêm 125km đường quốc lộ và cao tốc; 130km đường liên xã; 400km đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa... đã khoác lên mình một diện mạo mới về giao thông của Phú Thọ . Đồng thời, đầu tư 19 dự án hạ tầng nông, lâm nghiệp thủy sản; 423 trạm biến áp, 527km đường dây trung thế, 216km đường dây hạ thế... Những kết quả đầu tư phát triển thực sự đã góp phần vào năng lực tăng thêm của nền kinh tế.
Lễ thông xe nút giao thông IC 7
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Khu Công nghiệp Phú Hà - Phú Thọ
Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được xem là yếu tố có tính quyết định thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, trong những năm qua tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều chính sách để thực hiện đồng bộ các nội dung phát triển nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, như: Chính sách miễn, giảm tiền thuê đất đô thị đối với các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp; chính sách thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác; ban hành danh mục các ngành thuộc các trường đại học cần tuyển dụng theo quy định ưu đãi thu hút người có trình độ cao về tỉnh công tác; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; đào tạo nghề cho lao động nông thôn…Chất lượng nguồn nhân lực phát triển đồng bộ trên cả 3 yếu tố cơ bản về thể lực, kỹ năng và đạo đức nghề nghiệp. Cơ cấu lao động từng bước thay đổi theo hướng phù hợp, có sự chuyển đổi mạnh mẽ từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Năng suất lao động, nhờ vậy có xu hướng ngày càng tăng. Đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp khá đã được thu hút và phát huy hiệu quả lao động cao ở một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, dịch vụ và xuất khẩu lao động. Đội ngũ doanh nhân ngày càng tăng về số lượng và cải thiện về kiến thức, kỹ năng kinh doanh, từng bước tiếp cận trình độ quốc tế.
Đổi mới công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch
Hát xoan cùng du khách
Công tác xúc tiến, tuyên truyền quảng bá du lịch của tỉnh đã có đổi mới cả về nội dung và hình thức, đi vào trọng tâm trọng điểm và đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến tập trung giới thiệu tiềm năng và sản phẩm du lịch đặc trưng tại 4 trung tâm du lịch của tỉnh. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng chủ động tham gia hội chợ, hội thảo liên kết quảng bá phát triển du lịch. Trong giai đoạn 2016 - 2020 đã có hơn 40 lượt doanh nghiệp tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tìm kiếm cơ hội đầu tư thương mại - du lịch trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn mà tỉnh đã huy động đầu tư cho du lịch lên đến trên 7.400 tỷ đồng. Trên 10 dự án đã được UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch đặc thù được đầu tư phát triển theo chiều sâu, đổi mới và nâng cao chất lượng. Trong đó sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh được duy trì và phát triển trên cơ sở khai thác giá trị di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ gắn với giá trị tiêu biểu của Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; Các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; sản phẩm du lịch sinh thái - danh thắng, cũng được tập trung xây dựng. Những nỗ lực trong thực hiện các nhóm giải pháp về du lịch đã mang lại kết quả khả quan: Lượng khách tham quan du lịch và thực hành tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh duy trì ở mức 6,5 - 7,5 triệu lượt khách/năm; Tổng lượng khách lưu trú ước đạt 2,79 triệu lượt, tăng 71% so với giai đoạn 2011 – 2015; Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 15,35 tỷ đồng, tăng 82% so với giai đoạn 2011 - 2015.
Đồi chè - Ảnh Út Mười
Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
Các Đại biểu Tỉnh Phú Thọ cắt băng khai trương Trung tâm phục vụ Hành chính công Tỉnh Phú Thọ (01/10/2018)
Được xác định là khâu đột phá và là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kiện toàn hệ thống thể chế hành chính, Công tác cải cách hành chính (CCHC) được chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả; là một điểm sáng trong 4 khâu đột phá của tỉnh Phú Thọ, được người dân và cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống thể chế về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương, trên các lĩnh vực như: Quản lý tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng, thu hút đầu tư; đất đai, tài nguyên và môi trường; hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công… Để đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hạ tầng công nghệ thông tin được quan tâm, đầu tư, hiện đại hóa nền hành chính. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được 100% đơn vị cấp sở, cấp huyện triển khai ứng dụng; đảm bảo kết nối liên thông từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã. Việc nâng cao chất lượng cải cách thể chế của tỉnh đã tạo môi trường thông thoáng trong đầu tư, kinh doanh, đồng thời tiết kiệm được ngân sách nhà nước, tiết kiệm thời gian, công sức của cán bộ, công chức và nhân dân trong giải quyết công việc. Qua kết quả đạt được: Năm 2019 Phú Thọ xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố về chính quyền điện tử, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố về chỉ số thành phần "Hiện đại hóa” hành chính. chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp hạng 26 của cả nước và xếp thứ 3 trong khu vực miền núi phía Bắc. Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) đứng thứ 20/63 tỉnh, thành phố. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đạt 85,89%, xếp thứ 25/63 tỉnh, thành phố, tăng 28 bậc so với năm 2018.
Vườn Quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ)
Thành công từ bốn khâu đột phá đã khẳng định sức mạnh của tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Phú Thọ trong nhiệm kỳ qua; đồng thời là tiền đề để Phú Thọ đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phấn đấu xây dựng quê hương Đất tổ ngày càng giàu đẹp, văn minh.