10/01/2025 lúc 17:58 (GMT+7)
Breaking News

Phụ nữ 'Đất Sen Hồng': Lao động sáng tạo - Tự tin khởi nghiệp

VNHN - Kỷ niệm 89 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 9 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam; Vừa qua, 40 phụ nữ đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào này được nhận bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. 03 trong số 40 gương phụ nữ tiêu biểu ấy đó là chị Trương Thị Tuyết (thành phố Sa Đéc), chị Nguyễn Thị Thu Lê (huyện Lai Vung) và chị Trần Thanh Phượng (huyện Lấp Vò).

VNHN -Cả 02 phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và “Phụ nữ vượt khó khởi nghiệp” đều được cán bộ, hội viên, phụ nữ tỉnh Đồng Tháp nhiệt tình hưởng ứng bằng những hành động cụ thể, cách làm đa dạng ...

Kỷ niệm 89 ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 9 năm Ngày Phụ nữ Việt Nam; Vừa qua, 40 phụ nữ đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào này được nhận bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh. 03 trong số 40 gương phụ nữ tiêu biểu ấy đó là chị Trương Thị Tuyết (thành phố Sa Đéc), chị Nguyễn Thị Thu Lê (huyện Lai Vung) và chị Trần Thanh Phượng (huyện Lấp Vò).

Nhiều cách làm hay để hỗ trợ phụ nữ

Với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khóm 2, phường 2, thành phố Sa Đéc, chị Trương Thị Tuyết (sinh năm 1965) đã nỗ lực làm tốt nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ trên địa bàn khóm, không chỉ làm vì nhiệm vụ mà chị làm điều đó bằng cả cái tâm của chính mình.

Tuyên truyền, nâng cao sự hiểu biết cho chị em phụ nữ là công việc được chị Tuyết rất quan tâm.

Chị Trương Thị Tuyết cho biết, quê chị ở tận Hưng Yên, vợ chồng chị vào Sa Đéc, Đồng Tháp lập nghiệp từ năm 1984. Trước đó cuộc sống gia đình chị còn khó khăn, chị vừa phải buôn bán, vừa nuôi dạy con ăn học nên ít tham gia vào các hoạt động xã hội. Đến năm 2013, chị tham gia vào Hội Liên hiệp Phụ nữ và làm Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khóm 2 đến nay được khoảng 3 năm, chị còn là tổ trưởng Tổ 24, khóm 2.

Bây giờ con cái ăn học đàng hoàng, có việc làm ổn định nên mình an tâm dành thời gian còn lại làm những việc có ích cho cuộc sống, trước mắt là giúp đỡ những chị em phụ nữ trong Chi hội – chị Tuyết bộc bạch. Chị cũng cho hay, ở đây còn nhiều chị em phải vất vả mưu sinh, thấu hiểu được điều đó nên có chương trình, hoạt động nào đem lại cơ hội cải thiện cuộc sống cho phụ nữ là chị phải cố gắng làm tốt.

Theo chị, khi khó khăn về kinh tế dễ làm cho chất lượng cuộc sống gia đình thiếu đầm ấm, dẫn đến bạo lực gia đình. Vì vậy, để hỗ trợ phụ nữ có vốn làm ăn, chị đứng ra vận động chị em “góp vốn xoay vòng”. Mỗi phụ nữ góp 300 nghìn đồng/tháng, mỗi tháng sẽ có một chị được nhận số vốn khoảng hơn 05 triệu đồng. Chị nào khó khăn hơn, cần vốn gấp thì được nhận trước. Mặc dù số tiền không nhiều nhưng cũng giúp được các chị, em phụ nữ giảm bớt khó khăn. Chi hội Phụ nữ khóm 2 của chị Tuyết còn “Nuôi heo đất”, số tiền dành dụm được dùng để thăm hỏi nhau khi ốm đau, mua quà tết.

Khi biết Tổ may gia công số 24 thiếu máy may, chị Tuyết đã kịp thời đề nghị Hội Liên hiệp phụ nữ cấp trên hỗ trợ để các chị em mua máy may trả góp, từ đó gia tăng được sản lượng, thu nhập cũng tăng lên.

Bản thân chị Tuyết còn là thành viên của Tổ địa chỉ tin cậy nên chị luôn là cầu nối giữa Hội Phụ nữ, địa phương và tổ viên, hội viên để bày tỏ tâm tư, tình cảm những ý kiến, kiến nghị với Hội và địa phương khi có thắc mắc cần giải đáp. Mỗi năm chị còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ quà tặng cho 132 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, bệnh tật; dành tiền tiết kiệm từ việc buôn bán để mua những phần quả nhỏ tặng các em tham gia sinh hoạt trong Tổ dân cư an toàn cho trẻ em hằng tháng.

Với những đóng góp đó, hầu như năm nào chị cũng nhận được giấy khen từ Hội Liên hiệp phụ nữ và chính quyền địa phương.

Khởi nghiệp với mô hình trồng kiểng lá

Làm nghề cắm hoa hơn chục năm, chị Nguyễn Thị Thu Lê (xã Tân Hoà, huyện Lai Vung) nhận thấy nhu cầu kiểng lá để phục vụ cho cắm hoa hiện nay là rất lớn. Lại thêm kiểng lá nhẹ công chăm sóc, giá bán cũng không kém gì so với giá hoa. Nghĩ là làm, chị bắt đầu trồng thử nghiệm các loại kiểng lá, hoa đồng tiền trên diện tích hơn 400m2đất nhà, sau đó thuê thêm 1.400m2 nữa để thực hiện mô hình. Đến nay, chị đã mở rộng được 2.800m2 kiểng lá, trong đó phần lớn là loại cây Trúc đốm, Khổng tước.

Chị Nguyễn Thị Thu Lê đang chuẩn bị kiểng lá (Trúc đốm) để giao cho khách hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bình quân mỗi ngày cắt hơn 1.000 cành để giao cho khách hàng. Hằng tháng thu nhập khoảng 10 triệu đồng, góp phần phát triển kinh tế. Từ việc trồng và bán hoa kiểng, chị Lê còn nhận luôn việc cắm hoa cho các đám tiệc nên có thêm thu nhập cho gia đình.

Trước giờ chỉ làm vườn, trồng lúa, chưa trồng hoa kiểng bao giờ nên mọi kỹ thuật, kinh nghiệm chị đều phải đi học hỏi, tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, nhờ vậy mà giờ đây không chỉ chăm sóc tốt cho mảnh vườn của mình, chị còn chia sẻ kinh nghiệm cho nông dân khác - chị Thu Lê cho biết.

Để có đủ sản lượng cung cấp cho các nơi tiêu thụ ngoài tỉnh, đến nay đã có 16 hộ tham gia thực hiện mô hình trồng hoa, kiểng lá và đã thành lập Tổ hợp tác, do chị Nguyễn Thị Thu Lê làm tổ trưởng. Sắp tới đây, tổ hợp tác sẽ mở rộng thêm diện tích và liên kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Theo chị Nguyễn Thị Nhúc – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hoà, chị Nguyễn Thị Thu Lê là người phụ nữ có nhiều quyết tâm để vượt qua khó khăn, vươn lên khởi nghiệp và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ dân có nhu cầu. Đây là tấm gương sáng, điển hình cho phong trào phụ nữ khởi nghiệp, làm chủ kinh tế ở địa phương.

Với sản phẩm khởi nghiệp Hoa kiểng lá, chị Thu Lê đã tham dự cuộc thi “Chứng minh ý tưởng” lần 3 với chủ đề “Phụ nữ với tương lai của nền kinh tế xanh”, do Ban Quản lý Dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) tổ chức.

Mứt mãng cầu Minh Sang

Xuất phát từ thực tiễn có nhiều hộ dân trồng cây Mãng cầu quanh năm và chất lượng trái tốt, từ đó, chị Phượng (xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò) nghĩ đến việc làm mứt mãng cầu để tăng giá trị sản phẩm và phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu chị làm mứt mãng cầu chỉ để bán trong dịp Tết nhưng từ khi tham gia các lớp khởi nghiệp của Hội Liên hiệp Phụ nữ, chị đã mạnh dạn mở Cơ sở sản xuất mứt mãng cầu Minh Sang (năm 2017) và câu chuyện khởi nghiệp của chị cũng bắt đầu từ đó.

Hiện nay, sản phẩm mứt mãng cầu được làm quanh năm, cao điểm là dịp Tết với sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 01 tấn mứt. Thị trường tiêu thụ mứt phần lớn là Thành phố Hồ Chí Minh, các địa phương trong tỉnh và một số khách nước ngoài.

Chị Trần Thanh Phượng và sản phẩm khởi nghiệp Mứt mãng cầu.

Để cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại, chị Phượng cho biết, luôn đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không thêm chất tạo màu, phụ gia và chất bảo quản, phù hợp với khẩu vị người tiêu dùng nên được nhiều khách hàng chọn lựa. Do Cơ sở mới hoạt động nên lợi nhuận mỗi năm khoảng 70 triệu đồng. Sắp tới, chị sẽ ra mắt thêm một số sản phẩm mới từ mãng cầu.

Chị Phượng hiện là thành viên Câu Lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp của huyện Lấp Vò. Chị chia sẻ, kể từ khi bắt đầu khởi nghiệp, với chị công việc ngày càng nhiều hơn, vừa chăm lo cho gia đình, vừa phải đảm bảo cho cơ sở sản xuất hiệu quả nhưng chị lại cảm thấy ngày càng vui hơn.

Nếu như trước đây chỉ làm nội trợ thì nay được tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội, được giao lưu, học hỏi nhiều kiến thức mới nên tinh thần phấn khởi và chu toàn được công việc cũng như nuôi dạy con cái, chăm lo cho gia đình; cùng với đó là tự chủ được nguồn kinh tế – chị Phượng bộc bạch.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh Bình - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua các chị, em phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã vượt qua những định kiến cố hữu từ xã hội, gia đình và chính bản thân để hoà mình vào đời sống đầy sôi động. Các chị, em phụ nữ đã đem tài năng, trí tuệ và sức lao động của mình để chung tay xây dựng quê hương ngày càng tươi đẹp; khai thác và phát huy thế mạnh từ nguồn tài nguyên bản địa tạo nên giá trị độc đáo trong từng sản phẩm, thể hiện tình yêu quê hương góp phần quảng bá hình ảnh địa phương.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đồng Tháp kỳ vọng, trong thời gian tới sẽ có nhiều hội viên, phụ nữ mạnh dạn, nỗ lực, quyết tâm khởi sự, lập nghiệp để phát triển kinh tế, làm giàu, khẳng định vai trò và vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các chị; tổ chức nhiều hoạt động để giúp các chị em được tiếp cận với các quy trình, tiêu chuẩn sản xuất nhằm giúp sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường và giúp chị em nhận diện những khó khăn, thách thức nhằm chuẩn bị tốt hành trang và tâm thế khởi nghiệp ./.

Nguyệt Ánh