VNHN - Phát biểu tại lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2019 - Techfest VietNam 2019, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng năm 2019 ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ phong trào start-up ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu sẵn sàng đưa ra ý tưởng mới, cổ vũ, chung tay biến nó thành hiện thực thì chúng ta sẽ thành công. Ảnh: VGP/Đình Nam
Hai con số được Phó Thủ tướng nêu ví dụ, đến năm 2018 ở Việt Nam có 40 quỹ đầu tư mạo hiểm thì năm 2019 đã xuất hiện thêm 21 quỹ, trong đó 11 quỹ có pháp nhân Việt Nam với 6 quỹ thuần Việt. Số lượng không gian làm việc sáng tạo chung dành cho các nhóm start-up tăng từ 70 điểm (năm 2018) lên 170 điểm vào năm 2019.
Sự phát triển của cộng đồng start-up không tách khỏi sự phát triển chung của đất nước khi năm 2019 các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế- xã hội đều được hoàn thành, duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao.
Những chỉ số liên quan đến đánh giá quốc tế, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển khoa học công nghệ, start-up… tiếp tục cải thiện tích cực. Đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng về năng lực cạnh tranh năm 2019, Việt Nam tăng 10 bậc. Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin tăng 54 bậc (đứng thứ 41). Chỉ số đổi mới sáng tạo đứng thứ 42, trong đó nhóm chỉ số tri thức và công nghệ đứng thứ 27. Công nghệ thông tin; an ninh, an toàn thông tin của Việt Nam có bước phát triển rất tốt, tăng 50 bậc từ vị trí 100.
So với năm 2018, thanh toán điện tử tăng mạnh, đặc biệt thanh toán di động tăng 187% số giao dịch với 246% giá trị trong năm 2019. “Tất cả những điều đó cho thấy chúng ta đang có những bước đi rất đúng hướng và tích cực”, Phó Thủ tướng nhìn nhận, song trong điều kiện nước đang phát triển chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để không bị lỡ “đoàn tàu cách mạng công nghiệp 4.0”.
Xếp hạng về sự sẵn sàng cho nền sản xuất mới, theo WEF, dù Việt Nam có bước cải thiện rất mạnh mẽ nhưng vẫn đứng khoảng thứ 67-68. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực rất lớn, có những cách làm mới để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, nhất là để thoát ra khỏi dạng nước trung bình, thu nhập trung bình.
Phó Thủ tướng phân tích: Theo tính toán, trong 20 năm tới đây, nếu không duy trì tốc độ tăng trưởng trên 7%/năm thì Việt Nam rất khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Liệu chúng ta có thể đi nhanh hơn được không, nhưng phải bền vững hơn. Khi bắt đầu Đổi mới, trong thập niên đầu tiên Việt Nam tăng trưởng trung bình trên 8%/năm. Bước vào thập niên thứ hai tốc độ này còn trên 7%/năm. Bước vào thập niên thứ ba thì còn trên 6%/năm. Vậy thập niên tiếp theo chúng ta có thể đặt ra mục tiêu tăng trưởng trên 7%/năm?
“Câu hỏi này đã được đặt ra nhiều lần bởi cả cơ quan hoạch định chính sách và cả cộng đồng doanh nghiệp. Khi quy mô của nền kinh tế đã lớn thì mức tăng trưởng cao hơn là rất khó nhưng vẫn có thể bởi nguồn lực trong dân, trong đó nguồn lực con người còn rất lớn. Môi trường kinh doanh vẫn còn dư địa về cải cách hành chính, tháo gỡ những ràng buộc đối với doanh nghiệp để khai thác nguồn lực, đi nhanh hơn”, Phó Thủ tướng nhận định.
Chia sẻ với các doanh nghiệp, nhà đầu tư và rất nhiều bạn trẻ, Phó Thủ tướng đặt niềm tin vào cộng đồng Start-up, những người sẵn sàng dấn thân, chấp nhận thất bại, rủi ro để bước nhanh hơn, mạnh hơn bằng cách những ý tưởng rất mới, tạo ra sản phẩm mới, cách tiếp cận thị trường mới, thậm chí tạo ra một phân khúc thị trường mới, cơ bản dựa trên nền tảng công nghệ mới. Bằng cách làm đấy, một doanh nghiệp, một doanh nghiệp, một địa phương, một cộng đồng, một quốc gia có thể phát triển nhanh hơn.
Sự thành công bước đầu của các doanh nghiệp start-up ở Việt Nam không chỉ góp phần trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế, quan trọng hơn là lan toả đến bộ máy chính quyền các cấp và toàn xã hội tinh thần “nếu sẵn sàng đưa ra ý tưởng mới, cổ vũ, chung tay biến nó thành hiện thực thì chúng ta sẽ thành công”.