23/11/2024 lúc 00:42 (GMT+7)
Breaking News

Phòng, chống mua bán người tại điểm ‘nóng’ biên giới

VNHN - Là cửa ngõ vùng núi phía Đông Bắc, nhiều năm qua, Lạng Sơn được xem là nơi trung chuyển của các nhóm tội phạm buôn lậu hàng hóa, ma túy,... trong đó, hoạt động của tội phạm mua bán người và đưa người lao động xuất cảnh trái phép qua biên giới cũng diễn biến phức tạp.

VNHN - Là cửa ngõ vùng núi phía Đông Bắc, nhiều năm qua, Lạng Sơn được xem là nơi trung chuyển của các nhóm tội phạm buôn lậu hàng hóa, ma túy,... trong đó, hoạt động của tội phạm mua bán người và đưa người lao động xuất cảnh trái phép qua biên giới cũng diễn biến phức tạp.

Điểm “nóng” tội phạm mua bán người qua biên giới

Với đường biên giới dài 231,74 km, tiếp giáp khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc) và 2 cửa khẩu quốc tế (Hữu Nghị, Đồng Đăng), 1 cửa khẩu chính, 9 cửa khẩu phụ, Lạng Sơn có vị trí địa lý thuận lợi để phát triển kinh tế - thương mại của tỉnh, đồng thời, là cầu nối giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa quan trọng giữa các tỉnh trong nội địa Việt Nam với Trung Quốc. Tuy nhiên, do đường biên giới dài, có hàng trăm đường mòn, lối mở đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, đặc biệt là các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Lợi dụng địa hình, các nhóm tội phạm đã chọn Lạng Sơn là nơi trung chuyển mua bán người và đưa người lao động qua biên giới làm việc trái phép.

Ảnh: Báo Lạng Sơn 

Điển hình, ngày 14/8/2019, Công an tỉnh đã khởi tố Nguyễn Thị Bích Liễu (sinh năm 1983, trú tại An Giang) về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Tại cơ quan điều tra, Liễu khai nhận được 01 người phụ nữ thuê mang đứa bé sơ sinh từ Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh sang Trung Quốc với số tiền công 14.000 nhân dân tệ. Ngày 25/8/2019, tại khu vực đường mòn biên giới, mốc 1227 (xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình), Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma phát hiện, bắt giữ Nguyễn Thị Ngọc Trâm (22 tuổi, trú tại Đồng Tháp) và Ngô Duy Khang (28 tuổi, trú tại Long An) đang bế một trẻ sơ sinh tìm đường vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Trước đó, vào khoảng tháng 5/2019, Trâm liên hệ được với 1 người phụ nữ đang mang thai nhưng không có khả năng nuôi con và đã thỏa thuận xin nhận nuôi, đồng thời, đưa cho mẹ cháu bé hơn 10 triệu đồng để làm giấy chứng sinh lấy tên bố mẹ là vợ chồng Trâm. Nếu đưa bé sang Trung Quốc trót lọt, đối tượng sẽ được nhận 50 triệu đồng.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Lạng Sơn (Ban Chỉ đạo 138), đa số các nạn nhân bị lừa bán ra nước ngoài chủ yếu là làm ruộng hoặc không có nghề nghiệp ổn định, thiếu thông tin và kiến thức để cảnh giác, phòng ngừa, do đó, họ dễ dàng bị lợi dụng bởi các đối tượng “cò mồi” và trở thành nạn nhân của mua bán người. Các nhóm tội phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa người mua và bán, người môi giới, dẫn dắt, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia với nhiều hành vi được che giấu dưới nhiều hình thức như: tham quan, du lịch, ký kết làm ăn kinh tế, lao động xuất khẩu, kết hôn, nhận con nuôi… Ngoài ra, chúng còn lợi dụng khó khăn kinh tế, tình trạng thiếu việc làm của người dân khu vực biên giới cũng như chính sách mở cửa, hội nhập, thông thoáng trong xuất cảnh để tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép... Nạn nhân của các vụ mua bán người chủ yếu là làm vợ (thực chất là nô lệ tình dục), mại dâm, bị cưỡng bức lao động, lấy nội tạng, đẻ thuê, bán bào thai… Nạn nhân không chỉ là phụ nữ và trẻ em mà có cả nam giới, gây rất nhiều khó khăn cho công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn của các lực lượng chức năng.

Đồng bộ từ chỉ đạo đến triển khai thực hiện

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh ban hành Kế hoạch số 2369/KH-BCĐ ngày 2/8/2016 thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc về tăng cường hợp tác phòng, chống mua bán người, giai đoạn 2016-2020. Hàng năm, chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đơn vị cấp dưới thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán (HTNNBMB) theo đúng quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Với vai trò chủ trì Đề án 3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) ban hành Kế hoạch số 142/KH-SLĐTBXH ngày 23/12/2016 hướng dẫn công tác tiếp nhận, HTNNBMB giai đoạn 2016-2020; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người và tiếp nhận, HTNNBMB với các chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ, chăm sóc trẻ em...; tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về phòng, chống mua bán người và đào tạo, tập huấn nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác HTNNBMB. Trong 5 năm qua, Sở đã tổ chức 11 hội thảo, hội nghị với sự tham gia của gần 2.500 lượt cán bộ LĐTBXH các cấp và các cơ quan liên quan, trong đó, lồng ghép nội dung công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và HTNNBMB trở về; Hướng dẫn Cơ sở Bảo trợ xã hội tỉnh, phòng LĐTBXH cấp huyện thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ nạn nhân; đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành và cung cấp các dịch vụ phù hợp HTNNBMB.

Ngoài ra, được ủy quyền của UBND tỉnh, ngày 10/02/2017, Sở LĐTBXH tiến hành ký kết “Thỏa thuận giữa tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và thành phố Sùng Tả (Quảng Tây, Trung Quốc) về việc triển khai hợp tác quản lý lao động qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc”.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị có liên quan như Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng, Sở Tư pháp, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã cùng vào cuộc và phối hợp đồng bộ, có hiệu quả, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người và thực hiện chính sách, HTNNBMB trên địa bàn.

Cụ thể, Công an tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, nâng cao kỹ năng phòng, chống mua bán người cho người dân trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giáp biên giới. Phối hợp điều tra, khởi tố các vụ án liên quan tới mua bán người (6 tháng đầu năm 2020, đã khởi tố, điều tra 1 vụ với 2 bị can)...; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn các đồn biên phòng phối hợp tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu đối với các nạn nhân bị mua bán hoặc nghi bị mua bán; làm tốt công tác bảo vệ và xác minh, xác định nạn nhân. Tập trung đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với phòng ngừa xã hội, chú trọng công tác nắm tình hình nội ngoại, biên và xây dựng các phương án đấu tranh trấn áp, triệt phá tổ chức, đường dây mua bán người, giải cứu nạn nhân...; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chỉ đạo các cơ sở Hội chủ động nắm tình hình, tâm tư nguyện vọng của hội viên tại cơ sở, nhất là những người thường xuyên đi làm ăn xa, kịp thời báo cáo và phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, xử lý các vụ việc liên quan nhằm phát hiện, ngăn chặn các hành vi mua bán người trên địa bàn...; Sở Tư pháp thực hiện trợ giúp pháp lý cho 100% nạn nhân khi có nhu cầu trong quá trình tiếp nhận và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng, với tổng số 19 người (trong đó: 7 người thụ lý theo diện được trợ giúp pháp lý khác). Nhiều nạn nhân được trợ giúp pháp lý đã tham gia tích cực cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan chung tay góp phần đẩy lùi tội phạm mua bán người.

Kết quả, từ 1/2016 đến 6/2020, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận, xác minh 139 trường hợp, trong đó, có 117 nạn nhân bị mua bán (100% tiếp nhận từ Trung Quốc, gồm: 17 người tự trở về; 89 người được giải cứu; trao trả song phương 11 người; 22 trường hợp đang chờ xác minh). Ngành LĐTBXH đã hỗ trợ 65 nạn nhân (riêng trong 06 tháng đầu năm 2020, tiếp nhận 3 nạn nhân) và đưa vào lưu trú tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, bố trí chỗ ăn, ở, kiểm tra sức khoẻ, khám chữa bệnh ban đầu và bảo vệ, làm thủ tục liên quan. Bên cạnh đó, Cơ sở còn tiếp nhận, hỗ trợ gần 1.000 trường hợp là công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc bị trao trả, đẩy đuổi do các lực lượng chức năng chuyển đến. Sau khi cơ quan chức năng hoàn tất điều tra, xác minh và phân loại, Cơ sở hướng dẫn các đối tượng làm thủ tục và hỗ trợ tiền ăn, tiền tàu xe trở về với gia đình, địa phương.

Tuy nhiên, công tác phòng, chống mua bán người và thực hiện chính sách, HTNNBMB tại Lạng Sơn còn gặp một số khó khăn do tỉnh còn 03 huyện nghèo, 107 xã đặc biệt khó khăn với nhiều lao động xuất cảnh trái phép qua biên giới (Trung Quốc) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mua bán người; tỉnh không thực hiện thí điểm mô hình hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng, không có cơ sở hỗ trợ nạn nhân chuyên biệt mà sử dụng Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh vừa là cơ sở tiếp nhận ban đầu, vừa thực hiện HTNNBMB trở về với cơ sở vật chất còn thiếu thốn, sinh hoạt trong điều kiện chật hẹp, chưa đảm bảo quy định. Hiện, phòng ở cho nạn nhân tạm thời bố trí chung với khu lưu trú dành cho trẻ em mồ côi, khuyết tật, thiểu năng trí tuệ (gồm 4 phòng, 2 gường/phòng). Bên cạnh đó, mới thực hiện hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân như ăn uống, chỗ nghỉ, quần áo, còn các chế độ hỗ trợ khác như sinh hoạt văn hoá, hỗ trợ tâm lý, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng... chưa thực hiện đầy đủ.

Quyết liệt trong chỉ đạo, phối hợp giữa các lực lượng

Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới về phòng, chống MBN và thực hiện chính sách, HTNN, thời gian tới, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống MBN, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhằm đồng bộ với thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để giúp các hộ gia đình khó khăn về kinh tế, nhất là gia đình có phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt có thu nhập, ổn định cuộc sống, tránh nguy cơ bị MBN hoặc trở thành nhóm người có nguy cơ cao; Đầu tư nguồn lực cho công tác HTNN; Nâng cấp và bổ sung trang thiết bị cho Cơ sở Bảo trợ xã hội; Nghiên cứu xây dựng mô hình HTNN tại cộng đồng có hiệu quả với sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp cùng lực lượng nòng cốt gồm: Công an, Bộ đội Biên phòng, Phụ nữ, cán bộ LĐTBXH tại cơ sở.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp điều tra, xác minh, thống kê, cung cấp thông tin về nạn nhân bị mua bán và thống nhất quy trình kết nối, chuyển tuyến cũng như chủ động cung cấp các dịch vụ trợ giúp xã hội. Đối với nạn nhân bị mua bán làm gái mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp, bên cạnh việc giúp đỡ, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng sẽ quản lý, kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của họ trong thời gian đầu khi trở về địa phương.

Đồng thời, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi quy định thống nhất về thẩm quyền quyết định hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho nạn nhân (Điều 39, Luật Phòng, chống mua bán người và Điều 23 của Nghị định số 09/2013/NĐ-CP); bổ sung chế độ hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và đi lại cho nạn nhân (quy định tại Thông tư số 84/2019/TT-BTC ngày 27/11/2019 của Bộ Tài chính và Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/1/2013 của Chính phủ) cho các lực lượng khác như Công an, Bộ đội Biên phòng...; sớm ban hành Khung định mức kinh tế - kỹ thuật về chế độ hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở trợ giúp xã hội và cộng đồng.

Như Ngọc