23/01/2025 lúc 03:08 (GMT+7)
Breaking News

Phó Chủ tịch SeABank Nguyễn Thị Nga nêu 6 kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội

Phát biểu tại cuộc làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch thường trực hội đồng Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã đưa ra 6 kiến nghị liên quan đến hoàn thiện môi trường pháp lý, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Phát biểu tại cuộc làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Nguyễn Thị Nga, Phó chủ tịch thường trực hội đồng Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã đưa ra 6 kiến nghị liên quan đến hoàn thiện môi trường pháp lý, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Phó chủ tịch SeABank Nguyễn Thị Nga

Với vai trò là "huyết mạch của nền kinh tế", ngành ngân hàng là chỗ dựa không thể thiếu đối với cộng đồng doanh nghiệp, là nguồn cung cấp vốn vay, nguồn lực để các doanh nghiệp có thể duy trì, ổn định và hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh trong giai đoạn khó khăn do Covid-19.

Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh khi vừa thực hiện giãn cách xã hội, vừa triển khai các hoạt động phòng chống dịch, vừa đảm bảo an toàn, sức khỏe đời sống của người lao động, song song với việc duy trì kinh doanh liên tục để đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế.

Trong khi đó, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, chỉ khác là họ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh đặc thù. Ngoài tuân thủ Luật Doanh nghiệp và các quy định chung, ngân hàng còn phải tuân theo Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định nghiêm ngặt của Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt, ngân hàng cũng chịu nhiều rủi ro từ việc cung cấp vốn vay và hình thức cấp tín dụng khác cho doanh nghiệp trong giai đoạn này. Nếu các doanh nghiệp không thể trả nợ sẽ dẫn tới áp lực nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, dự phòng bắt buộc lớn và tạo ra những rủi ro về tài chính đối với ngân hàng.

Phát biểu tại cuộc làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với VCCI, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã đưa ra 6 kiến nghị liên quan đến hoàn thiện môi trường pháp lý, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Một là kiến nghị nghiên cứu, xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi bổ sung Luật Giao dịch điện tử từ năm 2005 để tạo cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan;

Song song với đó là đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành ra soát, sửa đổi bổ sung việc chấp nhận phương thức giao dịch điện tử trong các thông tư liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng nói chung, từ đó xây dựng hành lang pháp lý quan trọng giúp các ngân hàng hoàn thiện mục tiêu chuyển đổi số định hướng đến năm 2030.

Hai là về quản lý ngoại hối, cần nghiên cứu điều chỉnh pháp lệnh ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài, theo hướng không phân biệt đầu tư gián tiếp và trực tiếp như quy định tại Luật Đầu tư, đồng thời định hướng quản lý phù hợp với các giao dịch ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Ba là về hoạt động xử lý nợ xấu thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu, qua đó đã tạo được hành lang pháp lý trong việc xử lý nợ, nhằm hỗ trợ cả ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 năm 2017 sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022, vì vậy cần nghiên cứu ban hành văn bản gia hạn.

Bốn là về phạm vi hoạt động của tổ chức tín dụng, đề xuất bổ sung vào Luật Các tổ chức tín dụng hoặc có văn bản hướng dẫn chi tiết, để mở rộng hoạt động như nghiệp vụ đại lý có liên quan đến hoạt động ngân hàng, đại lý quản lý tài sản, hoạt động tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp...

Năm là hỗ trợ chính phát triển chính sách tiền tệ ổn định trong và sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra chính sách định hướng cho các tổ chức tín dụng để hỗ trợ đúng, đủ các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Sáu là về hoạt động kinh doanh bất động sản, đặc thù cần có hành lang pháp lý cho việc quản lý các bất động sản từ chủ đầu tư dự án, để các tổ chức tín dụng có cơ sở cấp tín dụng với các dự án này; bên cạnh đó cần có cơ sở nhận được các tài sản làm tài sản đảm bảo.

Chung quan điểm, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Lê Ngọc Lâm cũng kiến nghị Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Luật Giao dịch điện tử, để bổ sung thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005.

"Phạm vi điều chỉnh cũng loại trừ không áp dụng với một số lĩnh vực như bất động sản, thừa kế điều này gây khó khăn cho các ngân hàng khi triển khai các sản phẩm online, số hóa và đặc biệt gây khó khăn trong việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến và các giao dịch điện tử", ông Lâm nói thêm.

Tổng giám đốc BIDV cũng đề nghị Quốc hội xem xét luật hóa Nghị quyết 42 năm 2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng - một dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực xử lý nợ xấu. Sau khi Nghị quyết hết hiệu lực vào tháng 8/2022, ông Lâm kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu.

Theo ông Lâm, Quốc hội cũng cần xem xét luật hóa về giao dịch đảm bảo. Hành lang pháp lý hiện nay của việc đăng ký giao dịch đảm bảo mới dừng ở cấp nghị định của Chính phủ và nhiều thông tư của các bộ quản lý liên quan, dẫn đến chưa đồng bộ thống nhất, hiệu lực pháp lý chưa cao trong việc liên thông cơ sở dữ liệu về tài sản đảm bảo.

Cuối cùng, Tổng giám đốc BIDV mong muốn Chính phủ, các bộ ngành xem xét việc chủ trương tăng vốn điều lệ cho BIDV cũng như các tổ chức tín dụng nhà nước, thông qua các biện pháp đặc biệt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để nâng cao năng lực tài chính cho các tổ chức tín dụng.