Là huyện thuần nông của tỉnh Đắk Lắk, Krông Ana có khí hậu có khí hậu ôn hoà, được điều tiết bởi dòng sông Krông Ana, Krông Nô và các dãy núi, có điều kiện thuận lợi về phát triển nông nghiệp như lúa, hồ tiêu, cà phê, nấm…
Với các vựa lúa lơn như Buôn Trấp, Quảng Điền và Bình Hòa, Dur Kmăl, ước khoảng trên 12.000 ha/năm lúa nước, đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế chung của cả huyện. Cũng chính từ những vựa lúa này, sau khi thu hoạch đã cung cấp một nguồn nguyên liệu dồi dào là rơm nhằm để sản xuất nuôi trồng nấm. Đó là mối tương quan mật thiết, cùng nhau phát triển của 2 sản phẩm nông nghiệp này.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên, đất đai màu mỡ, sự bùi đắp phù sa và con nước của 2 dòng sông Krông Nô, Krông Ana được ví như “dòng sữa mẹ” ngọt ngào, tất cả đã tạo nên những hạt gạo thơm ngon, dẻo mang trong mình những đặc thù, sự tinh tuý của vùng Tây Nguyên. Hiện nay, người nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện đã canh tác thành công nhiều giống lúa đặc sản với năng suất và chất lượng cao như: RVT, HT1, VS1, OM4900, OM6162... Trong đó, giống lúa RVT được trồng phổ biến nhất, chiếm tới khoảng 40% tổng diện tích lúa nước toàn huyện, sau đó là các giống OM4900 (20%), giống OM6162 (10%) và các giống lúa khác.
Bên cạnh nhãn hiệu “Gạo Krông Ana” được công nhận vào năm năm 2019, vào năm 2021 UBND huyện Krông Ana cũng đã đăng ký thành công nhãn hiệu “Nấm Krông Ana” sau nhiều năm nỗ lực. Sau khi thu hoạch vụ lúa, rơm trở thành nguyên liệu chính trong việc sản xuất nuôi trồng nấm, ắt hẳn cũng được thừa hưởng sự tinh tuý nào đó mà nấm được trồng bằng rơm tại đây cũng đạt chất lượng cao. Từ đó mà nghề trồng nấm tại huyện được lan toả đến nhiều người dân, dần trở thành địa phương sản xuất nấm hàng đầu của cả tỉnh Đắk Lắk.
Đến nay, huyện Krông Ana đã có 03 HTX sản xuất kinh doanh nấm, một số Cơ sở kinh doanh nấm và trên 200 hộ sản xuất nấm, tuân thủ quy trình vệ sinh ATTP, tạo ra Nấm Linh chi, Bào ngư chất lượng cao trên thị trường. Tại 3/8 xã có tổ hợp tác sản xuất Nấm bền vững, gần 100 mô hình sản xuất nấm đạt hiệu quả, đặc biệt có một số mô hình của hộ DTTS đã bước đầu ổn định. Nhận được sự ưu đãi của thiên nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng, áp dụng tốt các kỹ thuật – khoa học công nghệ, được sự ủng hộ chung tay của UBND huyện, học tập từ các chuyên gia đầu ngành… Nghề trồng nấm tại huyện Krông Ana dần được phát triển quy mô và chất lượng nấm đạt chất lượng cao.
Chia sẻ với Pv, ông Ku Ba – Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Với lợi thế hiện tại UBND huyện đang sở hữu 02 nhãn hiệu chứng nhận về Nấm và Gạo thì việc phát triển nhãn hiệu là hết sức cần thiết, để sản phẩm gạo, nấm Krông Ana có tính cạnh tranh, phát huy hơn nữa lợi thế, tiềm năng hiện có, nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của nấm Krông Ana và thúc đẩy nền nông nghiệp của huyện phát triển. Hiện nay, huyện cũng đang đang triển khai một số phương án thực hiện nhằm đẩy mạnh quảng bá tới người tiêu dùng, lan toả hơn nữa thương hiệu của 02 sản phẩm nông nghiệp này.
Một số phương án quảng bá đang được thực hiện nhằm quảng bá nhãn hiệu gạo, nấm Krông Ana đang được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả như hỗ trợ xây dựng Website giới thiệu về doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp và tích hợp các chức năng về tiếp nhận, mua bán, thanh toán trực tuyến; Chào hàng đưa sản phẩm mang nhãn hiệu vào các siêu thị cho sản phẩm mang nhãn hiệu; Tổ chức quảng bá, tuyên truyền về phát triển nhãn hiệu chứng nhận; tình hình sản xuất, chất lượng sản phẩm gạo, nấm tại huyện Krông Ana; Hỗ trợ Ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào xây dựng 01 mô hình trồng Nấm Linh chi (kết quả dự án nông thôn miền núi: “Xây dựng mô hình sản xuất các loại nấm Rơm (Volvariella volvacea), nấm Sò (Pleurotus florida), Mộc nhĩ (Auricularia polytricha), Linh chi (Ganoderma lucidum), nấm Trân châu (Agrocybe. Sp), nấm Đầu khỉ (Hericium erinaceus) theo chuỗi giá trị tại tỉnh Đắk Lắk” do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Krông Ana chủ trì thực hiện và đã được công nhận.
Thế Hùng