23/11/2024 lúc 20:02 (GMT+7)
Breaking News

Nấm Krông Ana (Đắk Lắk): Khẳng định thương hiệu từ chất lượng sản phẩm

Thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia giai đoạn 2012 – 2020 đến nay, nghề trồng và chế biến nấm tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã có những bước “trở mình” mạnh mẽ, vượt bậc, chất lượng nấm dần được nâng cao nhờ có thiết hiện đại, khoa học kỹ thuật nâng cao, từ đó tạo tiền đề để hình thành thương hiệu “Nấm Krông Ana”.

Thực hiện Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia giai đoạn 2012 – 2020 đến nay, nghề trồng và chế biến nấm tại huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã có những bước “trở mình” mạnh mẽ, vượt bậc, chất lượng nấm dần được nâng cao nhờ có thiết hiện đại, khoa học kỹ thuật nâng cao, từ đó tạo tiền đề để hình thành thương hiệu “Nấm Krông Ana”.

Huyện Krông Ana tỉnh Đắk Lắk sở hữu khí hậu đặc trưng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo nhưng do có sự nâng lên của địa hình nên có đặc điểm đặc trưng của của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa cao nguyên, nhiệt độ trung bình từ 23 – 24 °C, độ ẩm tương đối hằng năm 81 – 83%, là khu vực ít chịu ảnh hưởng của bão. Vậy nên, rất thích hợp để trồng nấm ăn, nấm dược liệu và có thể trồng quanh năm.

Mô hình trồng nấm phát triển mạnh mẽ trên địa bàn huyện Krông Ana.

Từ năm 2010, thực hiện chương trình Dạy nghề nông thôn, nhận thấy được điều kiện khí hậu, nguyên vật liệu có sẵn phù hợp phát triển nghề trồng nấm nên Trung tâm GDTX, Dạy nghề huyện Krông Ana và Trung tâm phát triển nấm Hà Nội, sử dụng vốn của UBND huyện chuyển giao công nghệ, tìm hiểu về nghề trồng nấm nhằm chuyển đổi nghề cho bà con nông dân và phát triển từ đó. Đến nay, toàn huyện đã có khoảng 200 hộ trồng nấm thường xuyên, các hộ gia đình đầu tư từ 35 triệu đến 200 triệu đồng/ hộ để xây dựng các trang trại trồng nấm. Nhận được sự ưu đãi của thiên nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng, áp dụng tốt các kỹ thuật – khoa học công nghệ, được sự ủng hộ chung tay của UBND huyện, học tập từ các chuyên gia đầu ngành… Nghề trồng nấm tại huyện Krông Ana dần được phát triển quy mô và chất lượng nấm đạt chất lượng cao.

Chia sẻ với phóng viên, ông Hoàng Minh Giám – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nghề nấm hiện tại đang trên đà phát triển, UBND huyện đặc biệt quan tâm về dự án này, mong muốn rằng sau này khi ai đó nghe nói tới nấm đều phải nghĩ ngay tới thương hiệu “Nấm Krông Ana” và để có được điều này, cần phải xây dựng một mô hình tổ chức, hoạt động hỗ trợ gắn với tăng cường năng lực thương mại. Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực, quy trình kỹ thuật phù hợp và tiên tiến. Tuyên truyền sâu rộng, phong phú nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã…

Ông Hoàng Minh Giám - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Ana cho biết UBND huyện rất quan tâm đến việc phát triển mô hình trồng nấm...

Để một mùa nấm đạt tốt về sản lượng và chất lượng, quy trình tiến hành từ khâu chuẩn bị đến khi ươm trồng, thu hoạch đều phải trải qua nhiều giai đoạn nghiêm ngặt. Hiện tại, các loại nấm chủ yếu và có giá trị cao được trồng ở trên địa bàn như nấm Linh Chi, nấm Sò, nấm Rơm, nấm Đầu Khỉ, nấm Bào Ngư… đều thích hợp với điều kiện khí hậu tại đây.

“Phải nói là điều kiện khí hậu ở đây rất thích hợp cho nghề trồng nấm, có những loại nấm ở Hà Nội hay các tỉnh phía Bắc phải trồng trong nhà lạnh thì mới có thể phát triển được, nhưng tại địa phương thì lại phát triển rất tốt trong điều kiện tự nhiên ví dụ như nấm Đầu khỉ… việc phát triển tốt trong điều kiện tự nhiên cũng đã phần nào giúp cho chất lượng nấm tốt hơn...” ông Phạm Văn Phương, Phó Giám đốc TT Giáo dục Nghề nghiệp – GDTX huyện Krông Ana chia sẻ.

Ông Phạm Văn Phương (Áo trắng) chia sẻ với phóng viên về quy trình lưu trữ nấm giống.

Bên cạnh những thuận lợi về điều kiện tự nhiên, được sự quan tâm của Bộ Lao động, Sở Lao động, đặc biệt là UBND huyện trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ thiết bị, kinh phí nâng cấp kỹ thuật, đào tạo về con người... thì nghề trồng nấm vẫn còn gặp nhiều khó khăn như chưa ổn định về đầu ra, nguyên vật liệu ngày càng khan hiếm…

Loài nấm Bào Ngư đang phát triển tốt trong vườn ươm của một hộ gia đình.

Một túi nấm Sò đang trong quá trình phát triển.