18/11/2024 lúc 03:28 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển thành phố Hồ Chí Minh thông minh trong thời đại 4.0

Hiện nay, theo Liên hợp quốc ước tính rằng 4,2 tỷ người đang sống ở các vùng đô thị và thành phố, chiếm hơn 55% dân số trên toàn thế giới. Trong 30 năm tới, dân số đô thị toàn cầu có thể sẽ có thêm khoảng 2,5 tỷ người nữa, điều đó có nghĩa tỷ lệ người sống ở các thành phố sẽ lên tới gần 70% vào năm 2050.

Nhận thức được thách thức to lớn toàn cầu, năm 2015, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thiết lập 17 mục tiêu toàn cầu liên kết với nhau, được thiết kế để trở thành một kế hoạch chi tiết nhằm đạt được một tương lai tốt đẹp và phát triển bền vững (PTBV) hơn cho tất cả mọi người, thường được gọi là SDGs (các mục tiêu PTBV) hay Chương trình nghị sự (CTNS) 2030 vì sự PTBV. Trong kế hoạch chi tiết này, các thành phố được coi là điểm nóng để đạt được những mục tiêu vào năm 2030, khi mà các thành phố thông qua các công nghệ thông minh sẽ tạo ra một hệ sinh thái bền vững bao gồm các mối quan tâm về xã hội và môi trường.

Quy hoạch và phát triển đô thị để đối phó với những thách thức phát sinh từ quá trình đô thị hóa và tính không bền vững của các dạng đô thị hiện có, sẽ là công cụ quan trọng giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường. Cách thức mà các thành phố có thể giải quyết tốt nhất cho sự thay đổi, tái cấu trúc là áp dụng cách tiếp cận toàn diện và tích hợp để phát triển thành phố, có khả năng tập trung nguồn lực vào các chiến lược dài hạn nhằm thúc đẩy các khía cạnh bền vững về xã hội, kinh tế và môi trường. Để đạt được mục tiêu này, cần phải phát triển, áp dụng và tích hợp các giải pháp công nghệ sáng tạo, mô hình tổ chức hiện đại trong lĩnh vực quy hoạch và quản trị đô thị. Do đó, sự phát triển thành phố thông minh đã trở nên nổi bật trong những năm gần đây như một giải pháp đầy hứa hẹn cho những thách thức này. Quy mô thị trường của ngành thành phố thông minh toàn cầu cũng dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 410 tỷ USD vào năm 2020 lên 820 tỷ USD vào năm 2025 bao gồm vốn xã hội và đầu tư vào con người, kết hợp với giao thông ,cơ sở hạ tầng viễn thông cho kinh tế và phát triển bền vững. Khái niệm thành phố thông minh phát triển cùng với công nghệ ICT với quan điểm phát triển đô thị dựa trên hiệu quả, kỹ trị và tân tự do, chủ yếu coi công nghệ và PPP (Quan hệ đối tác công - tư) là phương tiện để tối ưu hóa việc quản lý quá trình đô thị.

Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những quốc gia thực hiện thành công các SDGs của thiên niên kỷ, tạo ra những thay đổi hết sức to lớn cho người dân. Các SDGs đã được Việt Nam quốc gia hóa thông qua việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐQG) thực hiện CTNS 2030 vì sự phát triển bền vững vào tháng 5 năm 2017, trong đó có trọng tâm là PTBV quá trình đô thị hóa tại các tỉnh, thành trong cả nước.

Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước, là đầu tàu của kinh tế trên các lĩnh vực và có ảnh hưởng, tác động lớn đến toàn quốc. Thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW 2012 của Bộ Chính trị và KHHĐQG 2017, Quốc hội đã ra Nghị quyết số 54/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bền vững TP.HCM. Dựa vào các định hướng trên, Thành ủy TP.HCM đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 06/12/2017 và Thành phố đã đạt được một số kết quả nhất định. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015. Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, củng cố và nâng cao hiệu quả làm việc, chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực…

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn,... Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; thiếu cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp Thành phố có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư…

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) làm mờ đi ranh giới sinh học, vật lý và kỹ thuật nhờ quy luật công nghệ vạn vật kết nối (Internet of Things/IoT). Hơn nữa, 4IR cũng tác động đến các thành phố và hình thành khái niệm “thành phố thông minh” được nhìn nhận qua lăng kính của 4IR với những thách thức cụ thể: quy hoạch, tòa nhà, kết nối, dữ liệu, năng lượng, quản trị và giao thông.

Để 4IR được tích hợp tại các thành phố, cần đáp ứng ba tiêu chí. Đầu tiên, khái niệm về tính bền vững nên vượt ra ngoài hệ sinh thái kinh tế. Một thành phố bền vững phải là một thành phố lành mạnh phục vụ con người sinh hoạt hòa nhập, tiết kiệm, thích ứng và bền vững ở 3 phương diện chính: nhà ở dễ tiếp cận (kết hợp chương trình nhà ở xã hội); Không gian công cộng và sử dụng tiện ích hòa nhập; Hệ thống giao thông toàn diện (đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng nhanh -  massive rapid transportation). Thứ hai, thực hành quy hoạch đô thị là rất quan trọng. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị là một sản phẩm thông tin đồ sộ đòi hỏi sự chính xác và cập nhật kịp thời, thường xuyên nhằm chuyển thông tin thành nguồn lực thúc đẩy hành động cộng hưởng tích cực của toàn xã hội. Công nghệ số có dễ dàng xây dựng các mạng ảo kết hợp với các cấu trúc vật lý để góp phần thực hành hiệu quả cho công tác thông tin quy hoạch đô thị một cách minh bạch, công khai đối với toàn dân. Thứ ba, sự thành công của thành phố thông minh phụ thuộc vào các doanh nghiệp đổi mới đáp ứng các thách thức của 4IR và là một phần không thể thiếu của quy trình.

Thành phố thông minh trước hết cần các chiến lược thiết kế quản trị hiệu quả, sáng tạo và khoa học: mô hình hiện đại chính quyền đô thị 2 cấp, cũng như các chính sách công thúc đẩy, phát triển các nguồn lực KTXH, thúc đẩy phúc lợi, thực hành quy hoạch đô thị và kinh doanh tốt. Ngoài ra, sự kết nối đối tác trong nước, khu vực và quốc tế sẽ quyết định sự thành công của các thành phố thông minh trong thời đại 4IR.

Trước những cơ hội mới của đất nước trong bối cảnh đất nước đang có cả về vị thế kinh tế và địa chính trị tốt trong khu vực, tháng 12 năm 2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 31- NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chính phủ đã ra Quyết định 642/QĐ-TTg 2022 về nhiệm vụ lập Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, Chính phủ cũng đang chuẩn bị Nghị quyết mới về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM trình Quốc hội. Dự thảo Nghị quyết mới tập trung vào xây dựng các cơ chế, chính sách vào 8 lĩnh vực như Quản lý đầu tư; Tài chính ngân sách; Quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; Ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; Quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Tổ chức bộ máy của Thành phố; Tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức; và Áp dụng pháp luật.

Để thực hiện tốt các định hướng trên và đóng góp vào dự thảo Nghị quyết mới, 

trong bối cảnh hiện tại khi tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM rất thấp (GRDP ước tăng 0,7% so với cùng kỳ); thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp giải thể, tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm; chí phí đầu vào tăng… cần có các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.

1. Giải pháp ngắn hạn: Chính phủ tăng cường các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ kích cầu trước mắt như gia hạn và miễn giảm thuế, tiền thuê đất. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí và đặc biệt là giảm lãi xuất ngân hàng theo hướng phát triển nền kinh tế thị trường cạnh tranh lành mạnh và nguyên tắc win-win. Ngoài ra, cần các biện pháp kích cầu sức mua của thị trường cũng như hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động.

2. Giải pháp trung và dài hạn:

2.1. Cần nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị tự chủ/tự quản (Autonomus status) với sự tham gia tích cực của người dân để phát triển nguồn vốn xã hội vô tận cho sự quản trị đô thị hiện đại. Từng bước xây dựng và triển khai áp dụng mô hình đô thị 2 cấp với cấp quận là cấp cơ sở cho thành phố HCM, nhằm đảm bảo tốt cho việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ chức bộ máy thành phố trong lĩnh vực đầu tư và tài chính ngân sách cũng như giảm thiểu sự quản lý hành chính quan liêu, tốn kém thời gian và thiếu sự minh bạch về quyền lợi, trách nhiệm trong quản trị đô thị. Song song với việc xây dựng mô hình mới cần ưu tiên nghiên cứu và xây dựng những bộ luật tương ứng để đảm bảo tính thực thi. Đây cũng là tiêu chí chủ yếu đánh giá sự hoạt động hiệu quả của các nhà lập pháp.

2.2. Cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ thí điểm trong hai lĩnh vực ngành công nghiệp ưu tiên có tính đột phá và lan tỏa là Tài chính và Logistics vì TP.HCM là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước và hiện đóng góp 22,3% GDP, chiếm gần 27% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án FDI của cả nước... Với vị thế này và vị trí địa chính trị quan trọng của mình, TP.HCM xứng đáng là một trung tâm tài chính và logistics quốc tế. Các Hiệp hội và Doanh nghiệp cần định hướng đổi mới theo hướng phát triển của thành phố thông minh trong hai lĩnh vực này để có thể ứng dụng công nghệ mới hiệu quả và kết nối đối tác toàn cầu.

 2.3. Cần xác định Tầm nhìn đến năm 2050 là Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành một trong những trung tâm tài chính và dịch vụ logistics quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific). Trên cơ sở đó xây dựng quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm nền tảng cho các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của thành phố. Khi xây dựng quy hoạch cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy và tích hợp các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Mô hình 5 nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm Tài nguyên, con người, sản phẩm, tài chính và xã hội) có thể là sự tham chiếu hiệu quá trong quá trình này. 

Cùng với sự nỗ lực tối đa của thành phố, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ đột phá của chính phủ trong việc phát triển mô hình đô thị mới và ưu tiên lĩnh vực ngành trọng tâm và đặc biệt là xác định tầm nhìn chiến lược của thành phố thông qua việc quy hoạch toàn diện sẽ là động lực, là kim chỉ Nam hướng tới thành phố HCM thông minh vào nửa đầu của thế kỷ 21 để Thành phố không chỉ là đầu tầu kinh tế của đất nước mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trong thời đại 4IR. 

TS. Đoàn Duy Khương 

...