11/01/2025 lúc 01:46 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa ở các tỉnh biên giới Đông Bắc nước ta hiện nay

Các tỉnh biên giới Đông Bắc nước ta được thiên nhiên ưu đãi, có sự đa dạng hóa của văn hóa tộc người, có nhiều mô hình phát triển du lịch văn hóa, có nhiều làng nghề truyền thống sản xuất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, có vùng biên giới và cửa khẩu,....

Du lịch văn hóa được xác định là một ngành công nghiệp văn hóa quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam trong những năm gần đây thì du lịch văn hóa là một trong 12 ngành được xác định là ngành công nghiệp văn hóa có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển kinh tế- xã hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần đảm bảo đối ngoại và an ninh quốc phòng. Du lịch văn hoá được hiểu là loại hình kinh doanh sản phẩm dịch vụ mà ở đó sử dụng tài nguyên tự nhiên, khoa học công nghệ, vốn văn hóa và các kỹ năng kinh doanh tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa du lịch đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân. Sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa đa dạng và phong phú gồm cả lĩnh vực vật thể, lĩnh vực phi vật thể.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa là quá trình các chủ thể tác động vào các yếu tố cấu thành sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa để hình thành thị trường sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với quan điểm và mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và thụ hưởng các sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa của người dân; là cơ sở và động lực cho sự sáng tạo, sản xuất và phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa của doanh nghiệp; gia tăng việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội và quảng bá hình ảnh, thương hiệu Việt Nam ra thế giới.

Sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa được hiểu bao gồm nhiều loại hình, nhiều lĩnh vực khác nhau rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, với đặc trưng và lợi thế vùng miền của các tỉnh biên giới đông Bắc Bộ, sự phát triển của sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa theo chúng tôi tập trung vào một số lĩnh vực cơ bản sau: phát triển của sản phẩm, dịch vụ gắn với mô hình phát triển văn hóa du lịch cộng đồng; phát triển làng nghề, hợp tác xã sản xuất sản phẩm du lịch văn hóa; sản phẩm, dịch vụ văn hóa tín ngưỡng tâm linh; sản phẩm, dịch vụ đặc sắc gắn với văn hóa tộc người…

Thứ nhất: Phát triển sản phẩm, dịch vụ trong xây dựng du lịch văn hóa cộng đồng

Mô hình du lịch văn hóa cộng đồng là sản phẩm rất đặc trưng của du lịch văn hóa. Trên cơ sở giá trị bản sắc, đặc trưng văn hóa của một cộng đồng dân cư nhà nước và nhân dân đã xây dựng mô hình làng văn hóa cộng đồng. Sản phẩm và dịch vụ của du lịch văn hóa cộng đồng gắn kết văn hóa và du lịch, gắn kết giá trị văn hóa với sự phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo sinh kế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các tỉnh biên giới Đông bắc nước ta đã chú trọng phát triển du lịch như là ngành kinh tế mũi nhọn mang lại nhiều giá trị kinh tế, bảo tồn và phát triển văn hóa, mang lại sinh kế cho đồng bào các dân tộc vùng biên giới. Thị trường sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng đang được hình thành và phát triển. Các tỉnh biên giới Đông Bắc nước ta đều có dự án, chương trình phát triển du lịch văn hóa và phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa và đặc biệt có nhiều mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng. Số lượng các làng văn hóa du lịch ngày một tăng lên, chất lượng dịch vụ phục vụ du khách ngày một tốt hơn. Đặc biệt, có nhiều mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng đặc sắc mang lại giá trị kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Tại tỉnh Hà Giang, thực hiện Nghị quyết  số 39-NQ/TU của tỉnh Hà Giang về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững giai đoạn 2024-2030 đã khẳng định: “phát triển ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thự tế của địa phương. Sử dụng công nghệ số để tạo ra các nền tảng trực tuyến cho việc lưu trữ, chia sẻ, giới thiệu về văn hóa cộng đồng các dân tộc và các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh…Động viên nhân dân tích cực khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh và có ý thức xây dựng thương hiệu sản phẩm…”[1]. Hiện nay, công tác phát triển du lịch nói chung và xây dựng, phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định, đem lại một diện mạo mới theo hướng tích cực. Sản phẩm du lịch cộng đồng Hà Giang tuy mới hình thành nhưng cũng đã có những hiệu quả, hình thành nên chuỗi sản phẩm du lịch cộng đồng. Toàn tỉnh đã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng đã được triển khai xây dựng và hoạt động, hầu hết là các bản làng của dân tộc Dao, Tày, Mông, Lô Lô… Một số làng du lịch văn hóa được hình thành và đi hoạt động hiệu quả như: thôn Tha, thôn Tiến Thắng (Tp Hà Giang); Nậm An (Bắc Quang); thôn My Bắc, thôn Chang (Quang Bình); Lũng Cẩm Trên, Lô Lô Chải (Đồng Văn).....Các làng du lịch văn hóa ở Hà Giang đã thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Cùng với Hà Giang, tỉnh Cao Bằng với “Đề án phát triển du lịch Cao Bằng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035”  đã triển khai phát triển nhiều mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng mang lại hiệu quả kinh tế và sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc. Trên địa bàn tỉnh đã có một số điểm du lịch cộng đồng đang được triển khai và đi vào hoạt động: Điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng (Quảng Hòa) - nơi lưu giữ văn hóa truyền thống đặc sắc của người Nùng An; điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc) - văn hóa Lô Lô; làng Tày Khuổi Ky (Trùng Khánh)… Ngoài ra, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đang xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư điểm du lịch cộng đồng như bản Giuồng, xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa); bản Pác Búng, xã Độc Lập; bản Phja Thắp, xã Quốc Dân (huyện Quảng Hòa).  Một số điểm du lịch cộng đồng đang được triển khai: Điểm du lịch cộng đồng Pác Rằng (Quảng Hòa) - nơi lưu giữ văn hóa truyền thống đặc sắc của người Nùng An; điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon (Bảo Lạc) - văn hóa Lô Lô; làng Tày Khuổi Ky (Trùng Khánh)… Tại một số địa phương của tỉnh đang xây dựng kế hoạch, kêu gọi đầu tư điểm du lịch cộng đồng như bản Giuồng, xã Tiên Thành (huyện Phục Hòa); bản Pác Búng, xã Độc Lập; bản Phja Thắp, xã Quốc Dân (huyện Quảng Hòa)…

Trong chiến lược về Đề án phát triển du lịch cộng đồng bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh: Phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống, nhất là bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số; phát huy giá trị các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần, vật chất của người dân đồng thời thay đổi nhận thức về sinh kế để giảm nghèo bền vững. Đồng thời, phát triển du lịch cộng đồng theo hướng đa dạng và chuyên nghiêp; không mang tính cạnh tranh lẫn nhau và phải có tính liên kết, kết nối chặt chẽ thông qua sự hấp dẫn của những sản phẩm đặc thù, đặc trưng riêng góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Tỉnh Quảng Ninh xác định 9 khu vực ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng tại 8 địa phương gồm: thôn Bản Cáu, thôn Ngàn Pạt (xã Lục Hồn) và thôn Khe Vằn, thôn Lục Ngù (xã Húc Động) của huyện Bình Liêu; Khu văn hóa dân tộc thiểu số vùng cao Quảng An huyện Đầm Hà; Điểm du lịch sinh thái Thác Pạc Sủi gắn với làng văn hóa dân tộc Dao Thanh Phán xã Yên Than (Tiên Yên);  Hải Sơn, xã Hải Sơn (Móng Cái); Du lịch sinh thái cộng đồng đảo Quan Lạn (Vân Đồn); Khu bảo tồn văn hóa người Dao, thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn (Ba Chẽ); Mô hình trải nghiệm tìm hiểu văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Dao Thanh Y, thôn Khe Sú 1, thôn Khe Sú 2, thôn Nam Mẫu 2 (xã Thượng Yên Công), TP Uông Bí; Du lịch cộng đồng nông nghiệp xã Tiền An (Thị xã Quảng Yên).... Các mô hình này đã đi vào hoạt động và đạt được một số hiệu quả kinh tế-xã hội và bảo tồn, phát huy được nhiều giá trị di sản văn hóa trong đó có văn hóa tộc người trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong những năm qua.

Thứ hai: Phát triển sản phẩm, dịch vụ làng nghề, hợp tác xã sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ

 Hà Giang là một tỉnh biên giới địa đầu cực bắc của tổ quốc, có nhiều giá trị di sản văn hóa; sản phẩm văn hóa, làng văn hóa cộng đồng, làng nghề truyền thống cho sự phát triển du lịch văn hóa. Với quan điểm chỉ đạo của tỉnh Hà Giang, Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và trở thành một ghành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh. Trong những năm qua, sự phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng đã đạt được nguồn thu góp phần rất lớn xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội bền vững của tỉnh. Hà Giang  có hơn 30 làng nghề được tỉnh công nhận, cơ bản đã phát huy hiệu quả kinh tế văn hóa và xã hội. Tại các vùng biên giới của tỉnh, các làng nghề phải kể đến như: thêu dệt thổ cẩm tại Lủng tám (Quản Bạ); Hồ Thầu (Hoàng Su Phì); sản xuất khèn Mông (Đồng Văn), nghề chạm bạc dân lộc Dao Cao Bồ (Vị Xuyên), nghề rèn đúc (Mèo Vạc). Khôi phục các làng nghề nấu rượu, chế biến chè và xây dựng trở thành thương hiệu như rượu Nàng Đôn, Hoàng Su Phì; Thanh Vân (Quản Bạ)… Các làng nghề trên địa bàn biên giới tỉnh Hà Giang đã là những địa chỉ cho sự phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng.

Các làng nghề thuộc các huyện vùng biên giới gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc với sự đa dạng hóa các sản phẩm làng nghề vừa là nơi du khách tham quan, trải nghiệm du lịch; vừa là nơi sản xuất các sản phẩm quà lưu niệm, sản suất hàng hóa cho sự phát triển kinh tế. Phát triển các nghề thủ công trong gia đình để tiến tới hình thành các làng nghề, hợp tác xã thủ công, cơ sở sản xuất tập trung. Khôi phục kỹ thuật chế tác truyền thống, tạo ra các sản phẩm độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc. Sáng tạo các mẫu sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu, nhu cầu thị trường, tính biểu trưng và tiện dụng của mặt hàng quà tặng, đồ lưu niệm du lịch. Hàng thủ công truyền thống gắn với các bản dân tộc; các đặc sản tự nhiên và ẩm thực; dược liệu. Các mặt hàng nông sản (gạo, cam sành, hồng không hạt, lê, mận đào, thịt bò khô vùng cao); hàng dược liệu (tam thất, chè giảo cổ lam, mật ong bạc hà); các mặt hàng cây công nghiệp (chè, thảo quả) các thương hiệu rượu của các địa phương: Thổ cẩm và trang phục quần áo dân tộc; chè đóng hộp; chế tác khèn Mông; bánh kẹo, rượu từ hoa tam giác mạch; Các mặt hàng lưu niệm khác như tranh ảnh, vật phẩm, biểu tượng, quà tặng từ đá có gắn với hình ảnh du lịch của tỉnh Hà Giang.

Đặc biệt, tại vùng biên giới của Hà Giang, sản phẩm văn hóa du lịch rất đặc trưng và là thế mạnh của đồng bào dân tộc là những sản phẩm du lịch đặc thù gắn với du lịch nông nghiệp. Tỉnh Hà Giang đã định hướng trong công tác chỉ đạo, quy hoạch vùng trồng Tam giác mạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giá trị, khuyến khích việc gieo trồng và sản xuất các sản phẩm từ Tam giác mạch, các sản phẩm rau, củ, quả…từ nông nghiệp truyền thống đã góp phần phát triển du lịch văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội.

Một trong sự phát triển du lịch văn hóa của các huyện biên giới của tỉnh Cao Bằng giúp xóa đói giảm nghèo và phát triển bền vững là sự phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch. Thổ cẩm là sản phẩm dệt thủ công không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng ở Cao Bằng. Để dệt nên một tấm vải thổ cẩm người phải trải qua các công đoạn: quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt vải. Người dân tộc sử dụng sợi bông nhuộm chàm và tơ tằm nhuộm màu để dệt. Đặc biệt, hoa văn trên thổ cẩm được dệt ở mặt trái để hiện lên ở mặt phải của tấm vải. Trên tấm thổ cẩm thường có 6 màu chủ đạo, gồm: Xanh, đỏ, vàng, tím, trắng, đen. Hoa văn được người dân đưa vào thổ cẩm là hình ảnh của những loài hoa, chim muông, thú quý... những hình ảnh quen thuộc hàng ngày. Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn xóm Lũng Nọi, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng là địa phương duy nhất còn lưu giữ và phát triển được nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tày, Nùng. Nghề dệt thổ cẩm đã mang lại nhiều sản phẩm văn hóa gắn với sự phát triển du lịch. Những sản phẩm du lịch văn hóa từ sản phẩm dệt thổ cẩm đã mang lại nguồn thu nhập và phát triển kinh tế cho đồng bào Tày, Nùng ở xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 15 nghề truyền thống; các làng nghề truyền thống chủ yếu gồm các nghề về: Chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may, sợi, thêu ren; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh... Các làng có nghề thủ công truyền thống là điểm đến của khách du lịch để tham quan, trải nghiệm, mua sắm quà lưu niệm...

Du lịch văn hóa gắn với làng nghề, các sản phẩm nông nghiệp đang trở thành hướng phát triển du lịch mới của tỉnh, bước đầu đã có những thành công. Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp đã mang lại hiệu quả kinh tế cho nông nghiệp, gây dựng được thương hiệu cho du lịch nông nghiệp. Ngoài ra, tỉnh Lạng Sơn còn nhiều sản phẩm từ các làng nghề khác có thể kết hợp một cách sáng tạo để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh như: quýt Bắc Sơn, cao khô Vạn Linh, hoa hồi Văn Quan, thạch đen Tràng Định...

Thứ ba: Phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa tín ngưỡng, tâm linh

Phát triển du lịch văn hóa phải gắn với một lĩnh vực rất quan trọng là văn hóa tâm linh của cộng đồng các dân tộc. Văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc biên giới tỉnh biên giới phía Bắc rất phong phú và thu hút được nhiều sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế. Các điểm du lịch văn hóa tâm linh cùng với các điểm du lịch khác là nguồn lực cho sự phát triển du lịch văn hóa và phát triển kinh tế-xã hội.

Tại Hà Giang, một số di tích lịch sử văn hóa tâm linh phải kể đến là: Chùa Nậm Dầu, Sùng Khánh, Bình Lâm (Vị Xuyên), Đình Mường (Xín Mần) và hệ thống các cơ sở tín ngưỡng như Đình, Đền, Chùa chứa đựng nhiều giá trị lịch sử, kiến trúc gắn với văn hóa tín ngưỡng độc đáo của đồng bào địa phương. Thời gian qua, các cơ sở tín ngưỡng này đã và đang được đầu tư trùng tu, tôn tạo để phát triển và khai thác loại hình du lịch tâm linh một cách có hiệu quả thu hút được một lượng khách du lịch và góp phần vào phát triển kinh tế của đồng bào dân tộc vùng biên giới của Hà Giang.

Tại tỉnh Lạng Sơn có hơn 335 địa danh, danh thắng, di tích lịch sử và hơn 300 lễ hội; trong đó nhiều điểm có thể khai thác du lịch văn hóa - tâm linh. Đầu tư cho du lịch văn hóa - tâm linh ngày càng được đẩy mạnh ở quy mô, tính chất hoạt động, tiêu biểu như: đền Bắc Lệ, đền Mẫu, khu danh thắng Động Nhị - Tam Thanh, chùa Thành, chùa Tân Thanh, đền Kỳ Cùng. Một số điểm tâm linh tiêu biểu của các huyện biên giới phải kể đến: Đền Mẫu (Thị trấn Đồng Đăng - huyện Cao Lộc), Núi Phặc Chỉ, khu linh địa cổ (Mẫu Sơn), Chùa Bắc Nga (xã Gia Cát - huyện Cao Lộc) Chùa Trúc Lâm Bản Giốc (huyện Trùng Khánh). Ngoài ra, Đền Mẫu Đồng Đăng nằm ở khu Lò Rèn, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, cách thành phố Lạng Sơn 15 km. Đây là nơi thờ tự tín ngưỡng thánh Mẫu và Phật theo kiểu “Tiền Thánh - Hậu Phật”. Đền Mẫu Đồng Đăng là ngôi đền lớn có giá trị về kiến trúc, tín ngưỡng - tôn giáo và lịch sử; là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh thu hút đông đảo nhân dân trong tỉnh, du khách trong nước và quốc tế, nhất là dịp lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Đến với đền Mẫu Đồng Đăng, du khách có thể kết hợp tham quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và mua sắm trong khu chợ sầm uất của thị trấn Đồng Đăng.

Tỉnh Quảng Ninh du lịch tín ngưỡng tâm linh đã góp phần phát triển du lịch văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân như: Đền Xã Tắc, Chùa Linh Sơn...của Thành phố Móng Cái. Khu đền Xã Tắc đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích lịch sử từ năm 2005. Nằm ở vị trí quan trọng bên bờ sông Ka Long, nơi địa đầu Tổ quốc, đền Xã Tắc như một “cột mốc” văn hóa vững bền khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, khắc ghi dấu ấn lịch sử nơi ông cha ta thời trước trấn yên bờ cõi và khẳng định nét đặc trưng trong sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của nhân dân Việt Nam tại vùng biên cương của Tổ quốc. Chùa Linh Sơn là ngôi chùa cổ kính,mang nhiều giá trị văn hóa phật giáo và là địa chỉ tín ngưỡng, tâm linh của du khách khi trải nghiệm du lịch văn hóa tại Móng Cái, Quảng Ninh.

Thứ tư: Phát triển sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc sắc tộc người

- Đặc trưng tộc người: Trong các tộc người, đặc trưng là những giá trị gốc gác, căn bản, cốt lõi; đó không phải tất cả mọi giá trị, mà chỉ là những giá trị tiêu biểu nhất, bản chất nhất, chúng mang tính đặc trưng sâu sắc đến nỗi chúng biểu hiện trong mọi lĩnh vực của tộc người đó, trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử hàng ngày… Nói cách khác, đặc trưng tộc người là những gì tạo nên sắc thái, bản sắc riêng mà tộc người đó tồn tại không bị hòa lẫn với tộc người khác. Đó là tổng thể những tính chất, tính cách được hình thành và tồn tại bền vững trong tiến trình lịch sử, góp phần tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần trước những thách thức lớn lao của tự nhiên và xã hội.

- Văn hóa tộc người: Văn hoá tộc người là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để phân định tộc người bởi nó có chức năng tộc người. Văn hoá tộc người là tổng thể các yếu tố về tiếng nói, chữ viết, sinh hoạt văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, tâm lý, tình cảm, phong tục tập quán… để người ta phân biệt tộc người này với tộc người khác. Văn hoá tộc người là nền tảng nảy sinh và phát triển ý thức tộc người. Một tộc người bị đồng hoá, bị mất bản sắc văn hoá riêng thì ý thức tộc người sẽ mai một dẫn đến tộc người bị diệt vong. Văn hoá tộc người là tổng thể các yếu tố văn hoá mang tính đặc trưng và đặc thù tộc người, thực hiện chức năng cố kết cộng đồng tộc người và phân biệt tộc người.

Đặc trưng văn hoá tộc người thể hiện trên toàn bộ đời sống xã hội từ ngôn ngữ, trang phục, tôn giáo tín ngưỡng, văn hoá dân gian, tri thức về tự nhiên, xã hội, con người, tri thức sản xuất, tâm lý và tính cách dân tộc, phong tục tập quán cho đến nhà cửa, ăn uống… Sự tổng hoà các đặc trưng sinh hoạt văn hoá trong mối liên hệ giữa chúng tạo thành truyền thống văn hoá tộc người. Truyền thống văn hoá tộc người hình thành trong quá trình lịch sử tộc người được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Đồng bào dân tộc vùng biên giới Đông Bắc nước ta

Đồng bào dân tộc vùng biên giới Đông bắc của tổ quốc là cộng đồng gồm các tộc người như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Kinh và các dân tộc khác cùng sinh sống, cư trú tại vùng biên giới của các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Cộng đồng các tộc người vùng biên giới chủ yếu sinh sống trên vùng núi với điều kiện còn nhiều khó khăn: địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, cơ sở hạ tầng-kỹ thuật còn phát triển chậm, mức sống cả về vật chất và tinh thần còn thấp…Tuy nhiên, cộng đồng các dân tộc vùng biên giới có nhiều tiềm năng cho sự phát triển du lịch văn hóa; với vốn văn hóa đa dạng và giàu bản sắc, đồng bào dân tộc vùng biên giới có điều kiện phát triển du lịch văn hóa, thu hút được khách du lịch trong nước và nước bạn, có tiềm năng để đầu tư cho mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội và nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc vùng biên giới. Một trong số những đặc sắc của văn hóa tộc người là lễ hội. Lễ hội của các dân tộc vùng biên giới Đông bắc có nhiều bản sắc đặc trưng và có nhiều tiềm năng cho sự phát triển du lịch văn hóa và nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào dân tộc. Thông qua lễ hội, các hoạt động trải nghiệm du lịch văn hóa của du khách được thực hiện và các sản phẩm văn hóa vật chất của đồng bào các dân tộc được trao đổi, tiêu dùng và mang lại lợi ích kinh tế cho đồng bào dân tộc vùng biên giới.

Tóm lại: Các tỉnh biên giới Đông Bắc nước ta có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhiều nguồn lực và tài nguyên cho sự phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa. Trong những năm qua, các tổ chức Đảng, chính quyền; Doanh nghiệp và cộng đồng các dân tộc các tỉnh biên giới Đông Bắc đã có sự thay đổi về tư duy nhận thức về mối quan hệ của văn hóa và kinh tế, chỉ ra được yếu tố kinh tế trong văn hóa và phát triển du lịch văn hóa nói chung và sự phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa là ngành kinh tế mũi nhọn, là khâu đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Các tỉnh biên giới Đông Bắc nước ta được thiên nhiên ưu đãi, có sự đa dạng hóa của văn hóa tộc người, có nhiều mô hình phát triển du lịch văn hóa, có nhiều làng nghề truyền thống sản xuất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, có vùng biên giới và cửa khẩu,....được xác định là nguồn tài nguyên quan trọng cho sự phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa. Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch văn hóa là điều kiện tăng trưởng kinh tế của địa phương và thông qua đó phát huy được nhiều giá trị văn hóa, xây dựng và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân các dân tộc.

TS. Tạ Khánh Trường

Học viện Chính trị khu vực I

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Tỉnh Cao Bằng: Đề án phát triển Du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035.
  2. Tỉnh Lạng Sơn: Đề án phát triển Du lịch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2035.
  3. Tỉnh Hà Giang: Đề án phát triển Du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2020
  4. Nguyễn Ngọc Hà – Nguyễn Viết Lộc (đồng chủ biên) (2016), Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
  5. Nguyễn Phạm Hùng (2017), Văn hóa du lịch, NXB Đại học quốc gia.

[1] Nghị quyết số 39-NQ/TU Hà Giang về phát triển văn hóa, con người Hà Giang đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững 2024-2030 (ngày 05/04/2024)

...