23/12/2024 lúc 08:44 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Thái Bình: Kỳ III - Chủ động đổi mới theo hướng mở linh hoạt

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao để tranh thủ thời cơ dân số vàng, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thái Bình đề ra một trong ba đột phá phát triển là “Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ cho phát triển nông nghiệp và đời sống Nhân dân.

Khẳng định phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược, yêu cầu đặt ra là đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức đào tạo; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; bảo đảm thống nhất với chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo; tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển dịch nhanh cơ cấu lao động, nhất là ở nông thôn; giảm tỷ lệ lao động khu vực phi chính thức; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên lực lượng lao động; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng lao động; chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông trong giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu của xã hội...

Doanh nghiệp may mặc huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình tích cực đầu tư công nghệ, máy móc để duy trì sản lượng, đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu.

Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2025 “Bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giói; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%”; đến năm 2030 “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triến, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chửng chỉ đạt 35 - 40%”.

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao để tranh thủ thời cơ dân số vàng, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới, Thái Bình đề ra một trong ba đột phá phát triển là “Đẩy mạnh phát triển ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chú trọng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ cho phát triển nông nghiệp và đời sống Nhân dân. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Không ngừng đổi mới theo hướng linh hoạt, giáo dục nghề nghiệp ở Thái Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng và hiệu quả đào tạo được nâng lên, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng nhân lực có kỹ năng của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện tại, tỉnh đang tăng cường các giải pháp đẩy mạnh đào tạo lao động có kỹ năng nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển bền vững, bao trùm và hội nhập quốc gia, quốc tế.

Hệ thống các cơ chế, chính sách khá hoàn chỉnh, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động giáo dục nghề nghiệp của tỉnh được thực hiện thuận lợi. Nhiều cơ chế, chính sách cho các nhóm đối tượng người học (bao gồm cả các nhóm đối tượng yếu thế, nhóm đối tượng đặc thù), người dạy, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động... đã ban hành phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn, đến nay công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được thống nhất, tập trung, các hoạt động dạy và học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện theo quy định tại các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động, sáng tạo, có nhiều hình thức trong công tác tuyển sinh học sinh học nghề cho các cấp trình độ đào tạo. Chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với các nhà giáo và học sinh, sinh viên (đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; bồi dưỡng chuẩn hóa, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ; miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên...) được quan tâm chú trọng và thực hiện đầy đủ theo quy định của Nhà nước, do đó, năng lực, quy mô, chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày một nâng lên, số lượng học sinh, sinh viên tham gia đào tạo nghề nghiệp trong từng cơ sở tăng qua các năm.

Dây chuyền sản xuất các sản phẩm may mặc của Nhà máy Tân Đệ 5 tại Cụm công nghiệp Vũ Ninh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Với một số lĩnh vực thu hút đầu tư chính của tỉnh, Thái Bình ưu tiên phát triển các ngành nghề chế biến nông sản thực phẩm; thiết bị điện, điện tử; công nghiệp hỗ trợ, công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học... Ngành cơ khí tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong ngành cơ khí phục vụ công nghiệp ô tô, cơ khí nông nghiệp. Ngành điện tử, công nghệ thông tin thu hút các dự án sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử chất lượng cao để tham gia vào thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hữu cơ, chế biến thực phẩm, du lịch nông nghiệp nông thôn, công nghệ chế biến, công nghiệp y dược, công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, Logistic, du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng ngập mặn ven biển...

Định hướng theo lộ trình đến năm 2025, ngành cơ khí chế tạo ưu tiên phát triển các ngành chế tạo máy cơ giới nông nghiệp, đóng tàu công suất vừa và nhỏ; sản xuất xe khách, xe tải và thiết bị ô tô. Ngành chế biến nông sản, thực phẩm chủ yếu tập trung chế biến sản phẩm nông, lâm, thủy sản; tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ và từ các tỉnh lân cận; thu hút đầu tư xây dựng hệ thống kho bảo quản. Ngành thiết bị điện, điện tử ưu tiên sản xuất các sản phẩm điện tử công nghiệp, điện gia dụng, điện tử viễn thông, thiết bị văn phòng, máy tính, điện thoại di động. Ngành năng lượng phát triển trở thành trung tâm điện lực của miền Bắc; duy trì điện than để ổn định hệ thống; phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo (tập trung vào phát triển điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời áp mái). Ngành công nghiệp công nghệ cao phát triển ngành công nghệ hóa phẩm và sinh học phục vụ nông nghiệp. Ngành dệt may, da giầy nâng cao giá trị sản phẩm trong chuỗi giá trị ngành dệt may; tập trung các sản phẩm là phụ liệu phục vụ sản xuất. Ngành vật liệu xây dựng ưu tiên phát triển sứ vệ sinh, gạch ốp lát và vật liệu mới. Ngành công nghiệp hỗ trợ tập trung sản xuất phục vụ ngành cơ khí chế tạo, ngành điện tử; trong đó ưu tiên sản xuất phụ tùng, linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, tàu thủy, máy CNC và linh kiện điện tử phục vụ lắp ráp trong nước và xuất khẩu (chip điện tử, IC, bo mạch điều khiển, và các chi tiết cao su, nhựa).

Đến năm 2030 thu hút các dự án sản xuất máy móc thiết bị cho ngành dệt may - da giầy; sản xuất nông - lâm nghiệp; chế biến thủy hải sản, thực phẩm; ngành y tể; ngành đóng và sửa chữa tàu thủy; lắp ráp ô tô. Tập trung cho các dự án sản xuất thiết bị cơ điện tử; máy móc CNC; dây chuyền tự động hóa; máy móc, thiết bị cơ giới nông nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản; thiết bị chuyên dụng ngành chăm sóc sức khỏe; ngành du lịch; ngành công nghiệp môi trường; ngành công nghiệp năng lượng. Thu hút các dự án sản xuất thực phẩm chức năng và chế biến thủy, hải sản ứng dụng công nghệ sinh học. Đầu tư vào ngành hóa dược, hóa mỹ phẩm; thu hút FDI ngành hóa chất, tiến tới phát triển ngành công nghệ sinh học. Thu hút các dự án đầu tư sản xuất linh kiện, phụ kiện và lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh trong các lĩnh vực chế tạo thiết bị điện tử. Chế tạo vật liệu ứng dụng trong công nghiệp điện tử: Vật liệu và linh kiện quang - điện tử phục vụ cho lĩnh vực viễn thông, tự động hóa. Hợp tác phát triển phần mềm điều khiển, phần mềm phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao. Đầu tư ứng dụng kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất các loại vật liệu mới, vật liệu cao cấp, vật liệu tổng hợp phục vụ xây dựng và trang trí nội thất....(còn nữa)

Hồng Quang