15/01/2025 lúc 13:09 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Thái Bình: Kỳ II: Đào tạo nghề gắn với xây dựng nông thôn mới

Trong 06 năm (2016 - 2021), cả tỉnh có trên 17.400 lao động nông thôn được học nghề. Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 13.000 người. Gần 9.600 lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 7.800 lao động nông thôn học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp.

Mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025 là góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo trên 55%, tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 20%; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020 . Tập trung đào tạo cho lao động nông thôn để thực hiện hiệu quả tiêu chí về lao động trong Bộ tiêu chí nông thôn mới và các hợp phần của các chương trình giai đoạn 2021 - 2025 (hợp phần du lịch nông nghiệp, nông thôn, Ocop, chuyển đổi số và phát triển kinh tế nông thôn…); đào tạo nhằm an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội vùng nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ sản xuất nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và chuyển đổi số trong nông nghiệp; đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp; chuyển một bộ phận lao động nông thôn sang làm nông nghiệp dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, đem lại thêm công ăn việc làm, tạo chuyển biến tích cực, rõ nét hơn về chuyển đổi nghề nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân lao động nông nghiệp.

Ngành dệt may ở Thái Bình đã tạo việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương.

Ở Thái Bình, đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 06 năm (2016 - 2021), cả tỉnh có trên 17.400 lao động nông thôn được học nghề. Sau khi học nghề, số người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn đạt trên 13.000 người. Gần 9.600 lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề; trên 7.800 lao động nông thôn học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp. Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn được nâng lên rõ rệt; đã gắn với xây dựng nông thôn mới, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động sang hướng công nghiệp và dịch vụ; góp phần tăng năng suất lao động ở khu vực nông thôn. Các đối tượng yếu thế (người khuyết tật) cũng được đào tạo nghề thông qua các hoạt động lồng ghép trong Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” với các hình thức và phương thức đa dạng như vừa làm, vừa học, kèm cặp nghề, truyền nghề theo cách “cầm tay chỉ việc”.

Thái Bình chú trọng đào tạo lao động tại chỗ để tạo nguồn nhân lực chính trong phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn.

Từ những kết quả đạt được, Thái Bình xác định thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia các chương trình đào tạo phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm sau đào tạo nhằm tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững; chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đào tạo nghề nông nghiệp đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị. Đào tạo nghề đảm bảo, sau khi học xong ít nhất có 80% - 85% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập. Tập trung đào tạo nghề nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị cho các nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, nhóm sản phẩm chủ lực địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Tập trung đào tạo phát triển các cây trồng, vật nuôi có lợi thế so sánh và có nhu cầu lớn, ổn định phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đào tạo nâng cao trình độ cơ giới hóa, công nghệ cao, tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến; ứng dụng công nghệ thông tin và đào tạo chuyển đổi số cho lao động ngành nông nghiệp.

Mục tiêu cụ thể đặt ra đến năm 2025, đào tạo nghề cho 9.000 lao động nông thôn làm nông nghiệp, trong đó tập trung đào tạo để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ. Theo đó sẽ đào tạo trên 300 cán bộ quản lý các hợp tác xã nông nghiệp để đảm bảo mục tiêu “80% giám đốc hợp tác xã được đào tạo sơ cấp nghề” theo Quyết định số 340/QĐ-TTg ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người tham gia công tác quản lý, giảng dạy nghề nông nghiệp.

Ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong cam kết phối hợp hoạt động giáo dục nghề nghiệp với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cũng đã khẳng định sẽ hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để họ trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng lực lượng lao động nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội mới. Tổng cục sẽ chỉ đạo đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề và hiệu quả đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh Thái Bình nói riêng và toàn quốc nói chung...(còn nữa)

Hồng Quang