14/10/2024 lúc 10:32 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc

Ngày 15/4, Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã diễn ra với hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tạp chí Việt Nam hội nhập trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Đồng chí Đặng Xuân Phong, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai tại điểm cầu Trung ương.

vna_potal_hoi_nghi_toan_quoc_quan_triet_va_trien_khai_nghi_quyet_11nqtw_ngay_1022022_cua_bo_chinh_tri_6054768

Kính thưa đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng,

Kính thưa các đồng chí Chủ trì Hội nghị,

Kính thưa các Đại biểu tham dự Hội nghị.

Được sự cho phép của Ban Tổ chức Hội nghị, tôi xin được trình bày tham luận của Tỉnh ủy Lào Cai với chủ đề "Nhiệm vụ và giải pháp phát triển tỉnh Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc" theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 11-NQ/TW.

Trước hết, thay mặt tỉnh Lào Cai tôi xin bày tỏ sự nhất trí cao với nội dung Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 11-NQ/TW được ban hành thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư đối với vùng - nơi được đánh giá là vùng trũng”, là “lõi nghèo của cả nước, điều đó được thể hiện qua các điểm sau:

Thứ nhất, Nghị quyết 11-NQ/TW ra đời là sự kế thừa và phát triển Nghị quyết số 37/NQ-TW nên tiếp tục đáp ứng được niềm tin, nguyện vọng chính đáng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc về những chủ trương, định hướng của Đảng đối với vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Nghị quyết đã phản ánh bức tranh toàn diện, chân thực những thành tựu, kết quả sau 17 năm triển khai Nghị quyết 37-NQ/TW; khẳng định sự thay đổi tương đối toàn diện về kinh tế - xã hội, đặc biệt là đã kiến tạo không gian phát triển hài hòa, đồng bộ giữa các vùng, miền; thể hiện tầm nhìn bao quát và chiến lược của Đảng ta. Đồng thời, Nghị quyết cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn mới.

Thứ hai, Nghị quyết 11-NQ/TW được xây dựng dựa trên sự chắt lọc, phân tích công phu, đa chiều từ thực tiễn và những luận cứ khoa học. Từ đó, đã đưa ra các định hướng vừa mang tầm nhìn chiến lược, vừa phù hợp với điều kiện của vùng như: Quan điểm, mục tiêu xác định “Vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội; môi trường sinh thái; quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước...”“là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, trên cơ sở tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết nội vùng và liên vùng...”. Do đó, Nghị quyết sẽ là kim chỉ nam trong quá trình xây dựng và phát triển các địa phương trong vùng trong những năm tới.

anh-1-5 Lào Cai - điểm sáng nơi biên cương Tây Bắc của Tổ quốc

Kính thưa toàn thể Hội nghị!

Sau khi tái lập năm 1991, Lào Cai là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, bị tàn phá bởi chiến tranh biên giới. Nhưng được sự quan tâm đặc biệt, thường xuyên của Trung ương Đảng, cùng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trên địa bàn; Lào Cai đã vươn mình trở thành tỉnh phát triển khá của vùng. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong 30 năm đạt gần 10%/năm; văn hóa - xã hội phát triển toàn diện; tốc độ giảm nghèo nhanh; đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt; bộ mặt từ đô thị đến nông thôn có nhiều đổi mới. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được thực hiện toàn diện, có hiệu quả. Quốc phòng, an ninh luôn được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng được tăng cường, mở rộng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Lào Cai cũng nhận thức rõ những khó khăn, thách thức trong quá trình phát triển đó là: Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; hoạt động của nhiều ngành, lĩnh vực chưa gắn với chuỗi giá trị; Công nghệ chậm đổi mới; Năng suất lao động thấp; Hoạt động xuất nhập khẩu chưa bền vững; Dân cư phân tán, địa hình chia cắt mạnh trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.

Kính thưa Hội nghị!

Để trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc theo tinh thần của Nghị Quyết 11-NQ/TW, tỉnh Lào Cai đã chủ động xây dựng các Nghị quyết, Đề án, Quy hoạch phát triển từng ngành, lĩnh vực trong đó xác định những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, cụ thể như sau:

Thứ nhất, điều chỉnh hợp lý chiến lược các ngành, lĩnh vực kinh tế; ưu tiên nguồn lực cho phát triển xanh gắn với Chiến lược quốc gia về tăng trường xanh: Tỉnh Lào Cai nằm tại vị trí đầu nguồn sông Hồng, có tỷ lệ che phủ rừng trên 55% với 01 Vườn Quốc gia, 02 Khu bảo tồn thiên nhiên giữ vai trò phòng hộ đầu nguồn xung yếu của lưu vực sông Hồng và sông Đà[1]. Vì vậy, để phát triển "Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện”, tỉnh Lào Cai xác định phải điều chỉnh hợp lý chiến lược phát triển từng ngành kinh tế với mục tiêu xuyên suốt là: “Giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ nhân dân, giữ biên giới” để vừa ổn định nguồn sinh kế cho đồng bào, vừa góp phần phát triển bền vững cho cả vùng; đúng với định hướng của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại bài viết nhân dịp kỷ niệm 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 -19/5/2021): "Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường".

3-16034728920731051627745-crop-16034730230661863518224

Phát triển nông nghiệp bền vững, hài hòa với thiên nhiên.

Thứ hai, xây dựng Lào Cai thành một trong những trung tâm Logistic quan trọng của cả nước: Xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai có mạng lưới hạ tầng, dịch vụ logistic đồng bộ, hiện đại, đa lĩnh vực; có năng lực tập trung, điều phối hàng hoá giữa các nước ASEAN với thị trường Tây Nam - Trung Quốc trong đó "Cao tốc Hà Nội - Lào Cai là trục kết nối; Cảng hàng không Sa Pa là lực đẩy phát triển; Tuyến đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai là động lực tăng trưởng". Dự kiến đến năm 2030, tổng kim ngạch XNK các loại hình đạt 50 tỷ Đô la.

Thứ ba, xây dựng Lào Cai trở thành hạt nhân du lịch của vùng và cả nước:  Khai thác hiệu quả Cảng hàng không Sa Pa gắn với xây dựng đồng bộ trụ cột là Khu du lịch Quốc gia Sa Pa, Lào Cai trở thành cầu nối du lịch quan trọng; thực hiện liên kết, điều tiết khách quốc tế đến vùng và cả nước; bảo đảm đủ năng lực đón 15 đến 20 triệu du khách vào năm 2030.3-3

Xây dựng, nâng cấp phát triển du lịch Lào Cai. 

Thứ tư, phát triển chế biến sâu ngành công nghiệp khai khoáng, bảo đảm cung cấp ổn định nguyên liệu cho chuỗi sản xuất công nghiệp trong nước nhất là các loại khoáng sản có trữ lượng lớn của vùng và cả nước (Apatit, Đồng, Sắt); nghiên cứu phương án khai thác, chế biến hiệu quả đất hiếm. Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2030 đạt trên 100.000 tỷ đồng, gấp từ 2,5 đến 3 lần so với hiện nay.

Thứ năm, phát triển kết cấu hạ tầng, đột phá là hạ tầng giao thông kết nối liên hoàn giữa các tỉnh trong vùng, giữa vùng với cả nước và Quốc tế và hạ tầng chuyển đổi số.

Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, phát triển kinh tế gắn với vai trò "phên dậu'' quốc gia: Củng cố, đẩy mạnh các hoạt động kết nối - giao lưu - hợp tác một cách sáng tạo, linh hoạt giữa các địa phương trong vùng với vùng Tây Nam - Trung Quốc; đẩy mạnh giao thương kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc qua các cửa khẩu của Lào Cai; từng bước xây dựng Lào Cai thành đầu mối kết nối tin cậy của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Kính thưa toàn thể Hội nghị!

Để hoàn thành thắng lợi Nghị Quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của các địa phương trong vùng, tỉnh Lào Cai đề xuất với Trung ương quan tâm, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau:

1. Đề nghị Bộ chính trị, Ban Bí thư, Ban Cán sự Đảng Chính phủ: Chỉ đạo sớm triển khai xây dựng đề án phát triển một số cực tăng trưởng, trung tâm kinh tế vùng như: Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Giang, Sơn La, Lạng Sơn.

2. Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy liên kết - phát triển vùng: Đề nghị sớm ban hành quy định, cơ chế liên kết nội vùng, liên vùng; quy hoạch không gian phát triển và xác định các lĩnh vực trọng tâm và đột phá để ưu tiên nguồn lực; trong đó tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho các địa phương triển khai ngay các nhiệm vụ được nêu tại Nghị quyết.

3. Trong giai đoạn 2021-2025, ưu tiên nguồn lực đầu tư kết nối giao thông vùng: Sớm triển khai nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt điện khí hoá Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hệ thống cao tốc nối vùng Thủ đô với các tỉnh trong vùng; Xây dựng quy hoạch tổng thể không gian phát triển, hạ tầng kết nối dọc sông Hồng (hiện nay, Lào Cai đã hoàn thành quy hoạch chung 128km dọc sông Hồng đoạn qua địa phận tỉnh).

antd-cau-mong-sen-4351

Đầu tư xây dựng kết nối giao thông vùng

4. Xây dựng cơ chế, quy định đặc thù cho các tỉnh trong vùng sớm thực hiện các chương trình, dự án tham gia cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; vận hành thí điểm thị trường các-bon để phát huy ngay tiềm năng, lợi thế của một vùng phát triển xanh, bền vững (do theo lộ trình tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đến hết năm 2025 mới thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon).

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ tích cực của Trung ương; sự cố gắng, nỗ lực của các địa phương trong vùng, tôi tin tưởng rằng Nghị quyết 11-NQ/TW sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống; các tỉnh trong vùng sẽ sớm có điều kiện vươn lên, thu hẹp khoảng cách với các vùng miền khác của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc; tổ chức đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết ngày càng vững mạnh; đúng với mong ước sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III năm 1960: "Đảng và Nhà nước cần phải làm cho miền núi tiến kịp miền xuôi, vùng cao và vùng biên giới tiến kịp vùng nội địa, các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc Kinh, giúp đỡ các dân tộc phát huy tinh thần cách mạng và năng lực to lớn của mình, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ để tiến lên chủ nghĩa xã hội "

Một lần nữa, thay mặt tỉnh Lào Cai xin kính chúc đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các địa phương và quý vị đại biểu mạnh khỏe, thành công; xin trân trọng cảm ơn./.

Ủy viên Trung Ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai

Đặng Xuân Phong

Diệu Ly