19/12/2024 lúc 03:08 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển kinh tế ở Thái Bình: Từng bước phục hồi

Trở lại trạng thái hoạt động bình thường khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, trong bối cảnh đó còn nhiều khó khăn và thách thức, kinh tế – xã hội nước ta vẫn giữ vững sự ổn định, các cân đối vĩ mô được đảm bảo, lạm phát trong tầm kiểm soát. Là một trong những điểm sáng, phát triển kinh tế ở Thái Bình tiếp tục khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, với mức tăng trưởng của một số ngành cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện.

Trên địa bàn tỉnh, hoạt động thương mại dịch vụ từng bước phục hồi; giá cả hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 4 ước đạt 4.835 tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 17,8% so với cùng kỳ; tính chung 4 tháng đầu năm ước đạt 19.144 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 16.856 tỷ đồng (chiếm 88% tổng mức), tăng 12,9%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 1.197 tỷ đồng (chiếm 6,3% tổng mức), tăng 21,8%; doanh thu dịch vụ khác ước đạt 1.091 tỷ đồng (chiếm 5,7% tổng mức), tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh; kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 174 triệu USD, tăng 4,9%; lũy kế 4 tháng ước đạt 691 triệu USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 152 triệu USD; lũy kế 4 tháng ước đạt 746 triệu USD, tăng 37,8% so với cùng kỳ. Hoạt động vận tải dần phục hồi với doanh thu vận tải tháng 4 ước đạt 563 tỷ đồng, tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ; lũy kế 4 tháng ước đạt 2.296 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ.

Về hoạt động ngân hàng, đến 30/4/2022, tổng nguồn vốn huy động ước đạt 99.930 tỷ đồng, tăng 6% và tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng ước đạt 79.500 tỷ đồng, tăng 5,8% so với thời điểm 31/12/2021; mặt bằng lãi suất huy động cơ bản ổn định.

Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước thực hiện 10.580,3 tỷ đồng, đạt 58,8% dự toán, tăng 65,5% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt 3.325,8 tỷ đồng, bằng 39,3% dự toán, tăng 63,9%, thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.060 tỷ đồng, đạt 66,3% dự toán, tăng 176,5% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 4.997,1 tỷ đồng, bằng 32,9% dự toán, tăng 6,9% so với cùng kỳ; trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 2.305,9 tỷ đồng, tăng 10,5%, chi thường xuyên ước đạt 2.561,2 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, những tháng đầu năm, các địa phương tập trung công tác chăm sóc lúa Xuân, đồng thời tiếp tục gieo trồng và thu hoạch cây màu Xuân Hè. Đến thời điểm này, tổng diện tích lúa Xuân đã gieo cấy đạt 75.432 ha, bằng 99,9% kế hoạch. Diện tích cây màu xuân đã trồng đạt 15.033 ha , trong đó có khoảng 63% diện tích đã thu hoạch; diện tích cây màu hè đã trồng 2.585 ha, đạt 23,5% kế hoạch, chủ yếu là ngô và rau màu các loại. Lúa và các loại cây màu nhìn chung sinh trưởng, phát triển tốt.

Mô hình sản xuất mạ khay ở xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình

Hoạt động chăn nuôi cơ bản ổn định. Tổng đàn lợn ước đạt 693 nghìn con, tăng 0,1%; tổng đàn trâu bò ước đạt 57,8 nghìn con, tăng 1,6%. Tổng đàn gia cầm ước đạt 14 triệu con, không xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Công tác khử trùng tiêu độc môi trường, tiêm vắc - xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được tăng cường tổ chức thực hiện; công tác kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển đảm bảo thực hiện đúng quy trình .

Tình hình sản xuất thủy sản phát triển ổn định. Tổng sản lượng thủy sản 4 tháng ước đạt 85,4 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ . Sản lượng nuôi trồng ước đạt 50,8 nghìn tấn, tăng 2,8%; sản lượng khai thác ước đạt 34,6 nghìn tấn, tăng 2,5%. Toàn tỉnh có 633 lồng, bè cá nuôi trên sông; 737 tàu cá tổng công suất 141.350 CV ; số tàu lắp máy giám sát hành trình 177/186 tàu phải lắp đặt, đạt 95%.

Sản xuất công nghiệp đạt kết quả khá; giá trị sản xuất 4 tháng đầu năm ước đạt 27.235 tỷ đồng, tăng 16,9% so với cùng kỳ . Trong đó công nghiệp khai thác mỏ đạt 144 tỷ đồng, đạt 97,4%; công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 24.927 tỷ đồng, tăng 17,3%; sản xuất truyền tải và phân phối điện, sản xuất đá lạnh đạt 2.016 tỷ đồng, tăng 14,7%; cung cấp nước, quản lý và xử lý nước thải, rác thải đạt 148 tỷ đồng, tăng 0,5%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng 0,4% so với tháng trước; lũy kế 4 tháng đầu năm tăng 15,1% so với cùng kỳ.

Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở duy trì thực hiện nền nếp, bảo đảm quy định pháp luật; tăng cường thực hiện kiểm tra tiến độ các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Do chủ động giao kế hoạch vốn đầu tư công và thông báo đến các chủ đầu tư sớm; đồng thời chỉ đạo tích cực triển khai, rà soát danh mục các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nên tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm ước đạt khoảng 35% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Để đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, Thái Bình đã thành lập Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư Hàn Quốc của tỉnh (Korea Desk Thai Binh); tổ chức làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến khảo sát, nghiên cứu đầu tư vào tỉnh như: Tập đoàn Flamingo; Tập đoàn Pondera (Hà Lan); Công ty Tokyo Gas; Tập đoàn điện lực quốc tế Kyuden (Nhật Bản)... Đến ngày 28/4/2022, toàn tỉnh có 33 dự án đầu tư được chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc cấp/điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 13.822,8 tỷ đồng. Trong đó: 25 dự án đầu tư ngoài KCN, KKT vốn đăng ký mới và tăng thêm 4.640,8 tỷ đồng và 08 dự án đầu tư trong KCN, KKT vốn đăng ký tăng thêm là 9.182 tỷ đồng; có 3 dự án FDI mới với vốn đầu tư đăng ký gần 45 triệu USD.ăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ; thực hiện cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 357 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới là 4.301,5 tỷ đồng, tăng 46,3% về số lượng và tăng 74,4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, toàn tỉnh có 8.162 doanh nghiệp và 2.146 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động với vốn đăng ký là 97.941,7 tỷ đồng.

Đầu tư dây chuyền dệt sợi năng suất cao tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Những tháng tiếp theo của năm 2022, Thái Bình tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Chỉ đạo quyết liệt giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân đầu tư công; theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của từng dự án, để kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp. Chú trọng ưu tiên bố trí nguồn lực, thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm và một số tuyến đường giao thông liên vùng, liên huyện, tạo động lực thu hút đầu tư vào tỉnh. Từng bước tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, phục hồi chuỗi cung ứng, nhất là các dự án trong Khu công nghiệp Liên Hà Thái và các dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp...; thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển đô thị, phát triển nhà ở, đặc biệt là các khu đô thị tập trung tại thành phố Thái Bình và các thị trấn.

Tập trung chỉ đạo công tác thu ngân sách nhà nước; khai thác các nguồn thu còn dư địa, các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí; theo dõi diễn biến và chủ động tính toán các phương án bảo đảm nguồn thu và cân đối ngân sách năm 2022. Điều hành, quản lý chi ngân sách trong phạm vi dự toán đã được giao; tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, kiểm soát chặt chẽ dự toán chi ngân sách nhà nước.

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào tỉnh, nhất là thu hút đầu tư vào Khu kinh tế; ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, Thái Bình tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư và khởi công các dự án. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách theo Kế hoạch số 146/KH-UBND ngày 03/11/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, mang tính động lực liên vùng như: Tuyến đường bộ ven biển; các tuyến đường trục kết nối các khu chức năng trong Khu kinh tế; tuyến đường thành phố Thái Bình đi Cầu Nghìn... để tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế.

Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; tháo gỡ các "điểm nghẽn", "nút thắt" trong thu hút đầu tư để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế. Cải cách mạnh mẽ, cải tiến đổi mới các quy trình, thủ tục bảo đảm rõ ràng, minh bạch và tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục, nhất là thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng...; tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Thực hiện các giải pháp nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); phân tích, đánh giá, làm rõ nguyên nhân việc giảm điểm một số chỉ số thành phần và sụt giảm thứ hạng PCI của tỉnh để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả, góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh./.

THẾ AN