Cơ hội và thách thức
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển kinh tế biển, kinh tế biển xanh, năng lượng tái tạo, du lịch, nông – lâm nghiệp bền vững. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên.
Cụ thể, Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị xác định mục tiêu phát triển Tây Nguyên trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.
Nghị quyết số 26 ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu phát triển Vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh, mạnh và bền vững hơn nữa về kinh tế biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, có khả năng chống chịu cao trong phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu… và đến năm 2045, vùng có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á.
Phát biểu tại Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023 lần thứ 3 với chủ đề "Đột phá mới cho miền Trung - Tây Nguyên: Chuyển đổi kép xanh và công nghệ số trong chiến lược tăng trưởng kinh tế bền vững", Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang khẳng định, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số đã trở thành định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia với việc chủ động, tích cực khai thác các cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước chuyển đổi sang xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, chú trọng quản lý hiệu quả và tái tạo tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam đã nêu rõ: "Phát triển bền vững trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn". Trên cơ sở đó, Chính phủ đang tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việt Nam cũng đưa ra cam kết mạnh mẽ về phát triển bền vững với việc cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về "0" vào giữa thế kỷ XXI; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh Thích ứng toàn cầu.
Dựa trên định hướng mà Đảng và Nhà nước đề ra, trong thời gian qua, các địa phương và doanh nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên đã thể hiện quyết tâm rất cao, chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
"Tuy nhiên để có thể đạt được những kết quả có tính đột phá, bứt phá thì còn rất nhiều việc phải làm. Cần quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, triển khai các biện pháp một cách quyết liệt hơn nữa, đặc biệt là trong đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, tổ chức triển khai thực hiện", Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý.
Toàn cảnh Diễn đàn Nhịp cầu phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) năm 2023.
Hướng đi bền vững
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh, chuyển đổi số hướng tới phát triển bền vững cần dựa trên bài học và kinh nghiệm quốc tế, đánh giá thuận lợi và khó khăn, cơ hội và thách thức đối với Việt Nam và khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Đồng thời, các đơn vị đề xuất các giải pháp có tính khả thi cao, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và ưu tiên của Việt Nam nói chung và các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng để hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp thu hút các nguồn lực cả trong nước và quốc tế nhằm phục vụ các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển bền vững; đề xuất các chương trình, dự án cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên để các địa phương, doanh nghiệp, các đối tác quốc tế nghiên cứu khả năng hợp tác và triển khai trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng khẳng định, trong quá trình thực hiện các mục tiêu về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên, Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ và hợp tác hiệu quả của các quốc gia, các tổ chức quốc tế cũng như của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chính phủ và các địa phương liên quan sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các đối tác, doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội và triển khai các hoạt động hợp tác; đồng hành cùng các đối tác để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, vì mục tiêu làm cho khu vực miền Trung và Tây Nguyên tăng trưởng và phát triển ngày càng nhanh, xanh và bền vững hơn.
Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, ông Hà Kim Ngọc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, miền Trung và Tây Nguyên là khu vực trọng điểm, còn nhiều dư địa để phát triển, với những thế mạnh về địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc phát triển các loại năng lượng xanh, là điểm đến đầu tư hấp dẫn dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Nơi đây có đường bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới, có lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn là ưu điểm để các địa phương trong khu vực xây dựng và phát triển ngành công nghiệp năng lượng xanh, đóng góp hết sức thiết thực và hiệu quả vào định hướng phát triển nền kinh tế của khu vực cũng như của Việt Nam trong tương lai.
Thực hiện phương châm "phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước", "xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", cùng với các bộ, ngành, các cơ quan liên quan từ Trung ương tới địa phương, Bộ Ngoại giao đang tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác khác; đẩy mạnh phát huy các hình thức ngoại giao mới phục vụ phát triển, trong đó có ngoại giao khí hậu, ngoại giao công nghệ…; tập trung tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu trong thời gian tới nhằm phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai các chính sách của Chính phủ, địa phương.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, chúng ta cần tìm ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế nhằm thu hút nguồn lực xanh, vốn đầu tư xanh vào các ngành kinh tế, vào quá trình chuyển đổi số tại các địa phương khu vực miền Trung, Tây Nguyên Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế bao trùm, bền vững.