23/01/2025 lúc 07:21 (GMT+7)
Breaking News

Phát triển du lịch huyện Bát Xát - Tiềm năng và thành quả

Bát Xát là một huyện vùng cao phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai. Mảnh đất “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”  có núi non hùng vỹ, khí hậu tuyệt vời, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người cần cù, đôn hậu, mến khách đang hấp dẫn nhiều du khách đến tham quan, khám phá. 

Bát Xát là một huyện vùng cao phía Tây Bắc của tỉnh Lào Cai. Mảnh đất “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”  có núi non hùng vỹ, khí hậu tuyệt vời, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, con người cần cù, đôn hậu, mến khách đang hấp dẫn nhiều du khách đến tham quan, khám phá. 

Cột cờ Lũng Pô - Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.

Trong những năm gần đây, ngoài khai thác yếu tố du lịch dựa vào tài nguyên sẵn có như: cảnh quan nguyên sơ, hùng vĩ, văn hoá tộc người đặc sắc, với quyết tâm biến di sản thành tài sản, Bát Xát đã và đang nỗ lực xây dựng, tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch mới có nhiều nét riêng độc đáo gắn liền với văn hoá tộc người, tiến tới có chỗ đứng trong bản đồ du lịch của quốc gia.

Cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ của Y Tý - Bát Xát.

Bát Xát – Miền đất của cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, miền đất của lịch sử, văn hóa, mái nhà chung của 25 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có một nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Đến với Bát Xát du khách không chỉ được trải nghiệm, đắm mình trong những lễ hội truyền thống đặc sắc như Lễ hội Khu Già Già, lễ Gạ Ma Do của người Hà Nhì; lễ Khoi Kìm của người Dao; Lễ hội xuống đồng của người Giáy; lễ hội Pút Tồng và Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Mông ..., thưởng thức những nét đẹp văn hóa độc đáo của các dân tộc Dao, Giáy, Hà Nhì, Mông… , đến Bát Xát vào mùa nào trong năm, du khách cũng có thể được thỏa mình khám phá, tận hưởng vẻ đẹp của vùng đất này.  Mùa xuân ngây ngất với sắc hoa đào, hoa mận. Mùa hạ thấm đẫm màu xanh như tấm thổ cẩm của những thửa ruộng bậc thang. Mùa thu tươi tắn màu vàng ruộm với sự ấm no của mùa thu hoạch lúa nương. Mùa đông là mùa của mây trời mênh mông tạo cảm giác như nơi tiên cảnh… Hơn thế nữa, từ thành phố Lào Cai ngược dọc sông Hồng tới cột mốc Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt bạn sẽ được thấm đẫm cái hào hùng, bền bỉ, phân định rạch ròi của dòng sông phân đôi biên giới với nước bạn. Vì vậy vùng đất miền biên viễn này từ lâu được đánh giá là nơi hội tụ các yếu tố để có thể trở thành vùng du lịch nổi tiếng, thu hút du khách.

Lễ hội cấp sắc của dân tộc Dao - xã Tòng Sành.

Xác định việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là hướng đi bền vững, làm cho các giá trị văn hóa giúp cho du lịch phát triển, đưa du lịch hoạt động có hiệu quả nhất trong việc bảo tồn và phát huy các bản sắc văn hóa dân tộc, những năm gần đây Huyện ủy, UBND huyện Bát Xát đã chỉ đạo các phòng ban liên quan, các xã trong huyện tổ chức các Lễ hội, ngày hội văn hóa thể thao, các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao theo kế hoạch hàng năm, tạo không khí phấn khởi cho nhân dân trên địa bàn, và thu hút ngày một nhiều hơn du khách thập phương. Bên cạnh đó Huyện đã chú trọng tới những vùng miền trong huyện có khí hậu mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên kì vĩ và các di tích danh thắng nổi tiếng như: Thung lũng ruộng bậc thang Thề Pả Y Tý, động Mường Vi, di tích lịch sử Đền Mẫu (Trịnh Tường), nhiều điểm, tuyến du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như A Lù, Ngải Thầu, Mường Hum, Dền Sáng, núi cao Nhìu Cồ San, Lảo Thẩn…đi vào hoạt động.

Song song với những hoạt động trên Huyện đã và đang xây dựng điểm du lịch cộng đồng của các dân tộc như: Hà Nhì, Giáy, Dao ở các xã Y Tý, Dền Sáng, Nậm Pung, Mường Hum, Bản Xèo. Phát triển sản phẩm du lịch gắn với nghề truyền thống như: làng nghề nấu rượu, làng nghề miến dong, nghề kéo bạc, đan mây… làm cho du khách hứng thú với các sản phẩm từ bạc của đồng bào, điểm Trung tâm cụm xã Dền Sán đã gắn với những phong tục, tập quán đặc trưng của dân tộc Dao đỏ như: cấp sắc, nhảy lửa, chế biến lá thuốc từ cây rừng...; điểm du lịch chợ Mường Hum với những con suối, thác nước gắn với văn hóa chợ vùng cao; điểm Trung tâm xã Bản Xèo gắn với văn hóa dân tộc Giáy với các tục cưới vợ, gói bánh độc đáo... Các hoạt động du lịch gắn với cộng đồng dân cư đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm cho người lao động.

Bát Xát đang đẩy mạnh xây dựng điểm du lịch cộng đồng.

Để các hoạt động du lịch đi vào thực chất, bền vững, trong những năm qua, huyện Bát Xát và tỉnh Lào Cai đã tiến hành xây dựng kế hoạch kiểm kê phân loại di sản văn hóa phi vật thể, đi sâu và tập trung vào các dân tộc như dân tộc Mông, Dao, Giáy, Hà Nhì; Bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc  như lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, các tiết mục múa, nghề truyền thống…; Quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện như: Di tích động Mường Vi, danh thắng ruộng bậc thang Y Tý – Ngải Thầu, Đỉnh các đỉnh núi cao Lảo Thẩn, Ky Quan San và Cột­­ cờ Lũng Pô; Bên cạnh đó tiếp tục duy trì tổ chức tốt các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như bắn nỏ, ném còn, kéo co, đẩy gậy, trò chơi nhảy vòng của dân tộc Hà Nhì…; đồng thời tích cực thực hiện việc gìn giữ, sưu tầm, bảo tồn trang phục, nhạc cụ, công cụ sản xuất, tranh ảnh, sách cổ, làng nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc; Bảo tồn kiến trúc nhà truyền thống các dân tộc gắn với làng văn hóa – du lịch; Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật một số dân tộc thiểu số; Bảo tồn và phát triển một số lễ hội truyền thống như Lễ hội khô già già của Hà Nhì, Lễ hội Róong Pọoc (Xuống đồng) của người Giáy, Tết cơm mới dân tộc Giáy, lễ hội Pút Tồng của người Dao, lễ cấp sắc của người Dao, Lễ cúng rừng của các dân tộc… Đặc biệt huyện đã xây dựng sản phẩm “Bát Xát - thiên đường của các chương trình du lịch đi bộ dã ngoại và thể thao mạo hiểm hấp dẫn”, trong đó, đầu tư xây dựng 7 tuyến trekking (hoạt động giải trí, dã ngoại ngoài trời bằng những chuyến đi bộ đường dài, leo núi, băng rừng nhiều ngày) gồm: Tuyến dọc 2 bên suối từ Mò Phú Chải xuống Lao Chải (xã Y Tý); Choản Thèn - thác Thiên Sinh (xã Y Tý); Nhìu Cồ San (xã Sàng Ma Sáo) - đường đá cổ Pavi - Lai Châu; Sàng Ma Sáo - đỉnh Nhìu Cồ San; Sàng Ma Sáo - Cú Nhù San - Y Tý; Y Tý - đỉnh Lảo Thẩn; Trung Lèng Hồ - đỉnh Pu Ta Leng. Huyện cũng xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch “Chinh phục đỉnh cao” gồm: Leo núi chinh phục đỉnh Ky Quan San (xã Sàng Ma Sáo) theo hướng từ thôn Nậm Pẻn 2 (xã Sàng Ma Sáo) lên đỉnh, đi qua rừng hoa đỗ quyên, rừng trúc; phát triển tuyến chinh phục đỉnh Lảo Thẩn (xã Y Tý) đi qua rừng tống quá sủ, nương xuyên khung; đầu tư xây dựng mới tuyến leo núi chinh phục đỉnh Pu Ta Leng, khám phá hệ sinh thái rừng, thác nước, rừng đỗ quyên; chinh phục đỉnh Nhìu Cồ San (xã Sàng Ma Sáo). Ngoài du lịch khám phá, huyện Bát Xát còn đầu tư các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng phục hồi sức khỏe thông qua khai thác tri thức dân gian về thảo dược và nguồn dược liệu với các sản phẩm thảo dược, thuốc tắm, thuốc ngâm chân, tinh dầu và khu nghỉ dưỡng, tắm lá thuốc tại các xã Y Tý, Mường Hum; Quan tâm phát triển du lịch gắn với nông nghiệp bền vững…

Hội Xuân - Ảnh: Trần Cao Bảo Long.

Từ vị trí địa lý đặc biệt, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, lịch sử hào hùng, văn hóa tộc người đa dạng và đặc sắc, con người thân thiện mến khách Bát Xát đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách. Tới đây, với tiềm năng và sự đầu tư mạnh mẽ và hợp lý, cùng sự liên kết bền chặt với các vùng du lịch trong tỉnh, trong vùng Tây Bắc chắc chắn Du lịch của huyện Bát Xát sẽ phát triển mạnh, tương xứng với tiềm năng và trở thành ngành kinh tế quan trọng của Huyện./.