VNHN - Việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giúp Việt Nam tái cơ cấu mô hình tăng trưởng, tạo ra những sản phẩm - dịch vụ văn hóa có tính cạnh tranh cao, tạo thêm việc làm ổn định, đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Đây cũng là chiến lược để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI: Ghi nhận sự phát triển của công nghiệp điện ảnh.
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA
Công nghiệp văn hoá có xuất phát điểm từ khá lâu, tuy nhiên, kể từ những năm 2000 trở lại đây, khái niệm các ngành công nghiệp văn hoá (cultural industries) mới được nhắc đến nhiều hơn và trở thành một trong những trọng tâm phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Ở Việt Nam, trong Nghị quyết 33-NQ/TW khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII một lần nữa nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng này, coi đây là một vấn đề hết sức quan trọng, xác định là một trong những khâu đột phá trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ đã ban hành Chiến lược về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược), theo đó, ngành Văn hóa cũng đã triển khai một số hoạt động để thực hiện Chiến lược. Nhận thức của xã hội về công nghiệp văn hóa cũng đã có nhiều chuyển biến.
Song song với đó, một số dự án đã có tác dụng thực tiễn, giải quyết những vấn đề cấp bách trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Đó là, dự án “Không gian Văn hóa và Sáng tạo Việt Nam” do Hội đồng Anh tài trợ cho Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam; dự án “Chương trình trao đổi giữa các không gian sáng tạo tại Vương quốc Anh và Đông Nam Á” do Hội đồng Anh tài trợ cho các không gian sáng tạo; đề án xây dựng bộ chỉ số thống kế ngành điện ảnh… Việc quảng bá thương hiệu quốc gia cũng được thực hiện tương đối tốt qua các Tuần lễ thời trang quốc gia, Tuần lễ thời trang trẻ em Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, tổ chức triển lãm VietAd; Việt Nam tích cực tham gia vào một số sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế như Liên hoan phim Cannes, Venice, Busan,… Những chương trình, dự án và các sự kiện trên có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể của công nghiệp văn hóa ở Việt Nam như địa vị pháp lý của các không gian sáng tạo, số liệu thống kê làm nền tảng đánh giá và lập kế hoạch phát triển từng lĩnh vực cụ thể, xây dựng thương hiệu.
Trong các nhiệm vụ được xác định trong Chiến lược, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trở thành 3 trung tâm công nghiệp văn hóa lớn của đất nước. Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam và là một trong 3 thủ đô đầu tiên của các nước Đông Nam Á được vinh dự nhận danh hiệu là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đây là cơ hội thuận lợi để Hà Nội định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa, thực hiện đúng nhiệm vụ được đề ra. Với tầm nhìn và thương hiệu của một thành phố sáng tạo về thiết kế, Hà Nội có thể xây dựng và thúc đẩy vị trí cạnh tranh trong thu hút đầu tư quy mô lớn, kích thích tái tạo đô thị và tập trung các chương trình phát triển dân sự, giáo dục và các sự kiện văn hóa gắn liền với tầm nhìn tổng thể. Việc tham gia mạng lưới Các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao tầm vóc và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hà Nội.
NHỮNG THÁCH THỨC ĐẶT RA
Bên cạnh những kết quả đã làm được, việc triển khai Chiến lược vẫn chủ yếu đang dừng lại ở giai đoạn truyền thông, nâng cao nhận thức. Nhiều bộ, ngành và địa phương chưa nhận thức rõ được vị trí, vai trò của công nghiệp văn hóa trong sự phát triển của đất nước, của bộ, ngành và địa phương, dẫn đến việc triển khai còn mang tính chất đối phó, chưa có biện pháp cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới sự phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai Chiến lược còn gặp nhiều khó khăn, thiếu một cơ quan đủ thẩm quyền để kết nối, đồng thời thiếu các nguồn lực, chính sách.
Việc thể chế hóa Chiến lược thành các biện pháp chính sách, pháp luật còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như việc xác định địa vị pháp lý cho các không gian sáng tạo, việc dành quỹ đất, chính sách hỗ trợ thuế, hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm; đặc biệt, chưa xây dựng luật về hiến tặng và bảo trợ khiến cho hoạt động hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gặp khó khăn. Tư duy bao cấp vẫn còn tồn tại trong nhiều tổ chức văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa ở các địa phương khiến cho xã hội nhìn nhận vai trò, vị trí của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, tiềm năng kinh tế của ngành văn hóa chưa xứng đáng với thực chất của ngành.
Giáo dục sáng tạo - yếu tố then chốt trong công nghiệp văn hóa chưa được chuyển tải vào nền giáo dục quốc dân, làm ảnh hưởng đến khả năng sáng tạo trong tất cả các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, các môn học về kỹ năng kinh doanh chưa được đưa vào nhiều trường văn hóa nghệ thuật khiến cho các yếu tố sáng tạo và kinh doanh chưa có sự liên kết, bổ trợ cho nhau để hình thành nên các sáng tạo văn hóa nghệ thuật đáp ứng được yêu cầu của thị trường văn hóa.
CẢI CÁCH THỂ CHẾ VĂN HÓA VÀ XÂY DỰNG THỊ TRƯỜNG VĂN HÓA LÀ KHÂU THEN CHỐT
Dù chậm và gặp nhiều khó khăn hơn một số nước trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhưng vẫn cần phải khẳng định rằng: Việt Nam có nhiều tiềm năng to lớn trong việc phát triển các ngành công nghiệp này. Nền văn hóa phong phú, độc đáo của 54 dân tộc được hình thành qua hàng ngàn năm lịch sử với sự hiện diện của nhiều di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, cộng với những ưu đãi về vẻ đẹp thiên nhiên đặc biệt có thể trở thành những chất liệu quan trọng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, với quy mô dân số trẻ, nhanh nhạy trong hội nhập quốc tế, kinh tế đang trên đà phát triển sẽ là những động lực cho sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đi đôi với việc xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần nhận thức rõ cải cách thể chế văn hóa là khâu then chốt để hình thành lĩnh vực công nghiệp văn hóa mang tinh thần cởi mở, đổi mới, có năng lực kinh doanh, tạo ra việc làm và các giá trị kinh tế đa dạng, đồng thời kết nối hơn với nhu cầu và mong muốn của người dân. Trong đó chú trọng vào 11 hoạt động sau:
1) Đánh giá mô hình quản trị và đầu tư tổng thể cho văn hóa ở Việt Nam để giảm sự chồng chéo và quan liêu trong cơ cấu ban ngành, khuyến khích một loạt các mô hình đầu tư và kinh doanh đối với các tổ chức văn hóa, ứng dụng một tinh thần mới về sáng tạo và cải tổ cho các thiết chế văn hóa hiện đang vận hành trì trệ.
2) Định vị ngành công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo mang tính tổng thể như một chương trình nghị sự trọng điểm trong phát triển của tất cả bộ, ngành với tầm nhìn đến 2030. Điều này nhằm đảm bảo một cách tiếp cận phối hợp ở mọi lĩnh vực: văn hóa, kinh tế, xã hội, giáo dục cũng như với các chương trình nghị sự quan trọng khác về phát triển.
3) Mở ra những mô hình đầu tư mới cho công nghiệp văn hóa, bao gồm các cơ hội cho các tổ chức văn hóa có thể đa dạng hóa nguồn thu, kinh doanh và tiếp cận những loại hình tài chính khác nhau (bao gồm các khoản cho vay) và tham gia vào các hợp tác công - tư, vào các công việc kinh doanh hay các dự án chung (gồm các dự án với các tổ chức văn hóa và các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới).
4) Có những hình thức trao thưởng, khuyến khích tinh thần doanh nghiệp và sự đổi mới trong các tổ chức văn hóa thông qua tăng lương, thưởng và các điều kiện cải thiện khác cho các chuyên gia văn hóa, những người tạo ra các hiệu quả phát triển đo lường được (như tăng doanh thu, tăng lượng công chúng, thực hiện tốt các chương trình giáo dục và các chương trình xã hội).
5) Đánh giá các quy định về quyền sở hữu trí tuệ để hướng đến một cấu trúc luật định tổng thể về tài sản trí tuệ một cách rõ ràng hơn cho Việt Nam. Điều này cần được thiết lập để tăng nguồn thu phí bản quyền thông qua doanh thu số hóa hay hiệu quả kinh doanh, bao gồm cả việc xây dựng năng lực và đầu tư lớn hơn của Nhà nước đối với các đơn vị thu phí bản quyền.
6) Xây dựng một hệ thống phân loại rõ ràng và dễ hiểu về thẩm định tác phẩm để giúp những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và đầu tư văn hóa có thể tự tin trong hoạt động của mình.
7) Ứng dụng các sáng kiến hoạch định cho những hoạt động của các tổ hợp sáng tạo của công nghiệp văn hóa. Ví dụ như, về không gian làm việc và biểu diễn, về không gian kết nối mạng lưới và không gian trưng bày/triển lãm, để các tổ hợp sáng tạo đang hình thành không bị tổn hại vì sự phát triển nhanh chóng của kinh doanh bất động sản.
8) Tìm các cơ hội về ưu đãi thuế đối với đầu tư cho công nghiệp văn hóa.
9) Thực hiện các sáng kiến về xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa, mở rộng hoạt động trao đổi văn hóa với quốc tế và xây dựng các thị phần cho công nghiệp văn hóa Việt Nam.
10) Đánh giá lại các hiệp định thương mại quốc tế và các luật định để cải tiến những điều kiện về kinh doanh văn hóa và giảm chi phí đối với thiết bị nhập khẩu có tầm quan trọng lớn cho sản xuất trong công nghiệp văn hóa.
11) Lựa chọn mô hình phù hợp cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Ví dụ như, các mô hình ủy ban điện ảnh, các đơn vị/tổ chức/hiệp hội phát triển thủ công nghiệp và các phương thức đầu tư, đóng góp chuyên biệt (như việc hiến tặng, bảo trợ, tài trợ cho văn hóa).
Thứ hai, để các ngành công nghiệp văn hóa tạo ra nhiều công việc mới và đem lại cho nhiều tài năng sáng tạo cơ hội phát triển và biến khả năng đó thành lợi ích kinh tế, cần phải xây dựng thị trường nội địa và quốc tế rộng lớn cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam. Việt Nam phải tập trung vào xây dựng các thị trường năng động và vững mạnh cho sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ văn hóa, tăng trưởng và gắn kết hiệu quả hơn giữa các tổ chức sáng tạo, sản xuất văn hóa với công chúng.
Xây dựng thị trường văn hóa cần tập trung vào 8 nhóm hoạt động sau:
Một là, tăng cường nhận thức của toàn xã hội về công nghiệp văn hóa như một lĩnh vực có tầm quan trọng sống còn cho phát triển quốc gia, cho sự độc đáo và năng lực cạnh tranh quốc tế, tạo ra các thị trường hàng hóa và dịch vụ văn hóa địa phương và truyền cảm hứng cho các thế hệ theo đuổi nghề nghiệp về công nghiệp văn hóa.
Hai là, nâng cao nhận thức về quyền của nghệ sỹ, giảm vi phạm bản quyền và cam kết sử dụng các tác phẩm có bản quyền.
Ba là, nâng cấp cơ sở hạ tầng về văn hóa và các mô hình tổ chức để lĩnh vực văn hóa hướng đến công chúng hơn, mang tính tương tác hơn. Thực hiện hoạt động này đòi hỏi cải thiện kỹ thuật số, cải thiện các chương trình và đào tạo các nhà quản lý văn hóa học hỏi các mô hình tốt của thế giới về phát triển công chúng. Điều này cũng bao hàm phát triển những cơ sở dữ liệu chuyên dụng về công chúng nhằm hiểu đặc điểm của công chúng, thu thập số liệu và xác định hành vi của công chúng, giúp công tác quảng bá hướng đến các mục tiêu cụ thể, cũng như các chương trình được định hướng đúng vào những phân đoạn thị trường khác nhau.
Bốn là, tạo ra thương hiệu quốc gia về công nghiệp văn hóa hay xây dựng một loạt các thương hiệu để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên toàn quốc và trên thế giới. Hoạt động này cũng có thể kết hợp với du lịch và các hoạt động thu hút đầu tư trong nước.
Năm là, kết nối các hoạt động xây dựng thị trường trong các lĩnh vực khác nhau để gia tăng hình ảnh và phát triển thị trường cho các hoạt động về công nghiệp văn hóa, ví dụ như các dịch vụ thiết kế cho lĩnh vực du lịch và sản xuất.
Sáu là, xây dựng thị trường cho sản phẩm của ngành công nghiệp văn hóa ở khu vực nông thôn thông qua các chương trình đào tạo cho người sản xuất, marketing hướng đến những mục tiêu cụ thể và các triển lãm hay trưng bày tại các hội chợ thương mại quốc gia và quốc tế.
Bảy là, hướng tới các triển lãm hay trưng bày có uy tín, chất lượng và cơ hội marketing tại các hội chợ thương mại quốc tế, thông qua đó để thiết lập các sự kiện trưng bày mới, giới thiệu về công nghiệp văn hóa Việt Nam, nhằm tôn vinh công nghiệp văn hóa với chất lượng cao và độc đáo với phương thức tiếp cận hướng đến kinh doanh.
Tám là, thiết lập danh mục các địa điểm bán lẻ của ngành công nghiệp văn hóa tại các khu vực du lịch, ví dụ như các trung tâm thiết kế và sản xuất hàng thủ công, thời trang, và kỹ thuật số./.
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam