VNHN-Trong bài viết của mình, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho rằng tăng cường phát triển bền vững phải luôn gắn liền với phát triển kinh tế xã hội và đó là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển toàn diện; đồng thời kêu gọi công đồng quốc tế hợp tác phấn đấu đạt được mục tiêu quan trọng này.
Trong thời đại kỹ thuật số và bối cảnh hiện tại của Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0, chúng ta thường nghe nói về khái niệm “Dữ liệu lớn” và “Internet vạn vật (IoT)”. Đối với một số người, điều đó có vẻ như khái niệm kỹ thuật hoặc số hóa cao siêu.
Thái Lan nhận thức đầy đủ cơ hội và thách thức luôn song hành với xã hội hiện đại, nên chúng tôi luôn tìm kiếm khả năng thích ứng của con người trong quá trình phát triển toàn diện, đặc biệt trong năm Thái Lan là Chủ tịch ASEAN. Đây là lý do tại sao chúng tôi đã đưa ra chủ đề “Tăng cường Quan hệ đối tác vì sự bền vững” để thúc đẩy “Tính bền vững của vạn vật” (SoT), có nghĩa là sự bền vững ở mọi khía cạnh.
Nỗ lực của Thái Lan
Phát triển bền vững là một khái niệm bao quát có liên quan trực tiếp đến “Tính bền vững của vạn vật”. Tuy nhiên, khía cạnh đầu tiên của tính bền vững thường xuất hiện trong cộng đồng là môi trường bền vững - một liên kết ý nghĩa thuộc khái niệm “Phát triển bền vững” và là một phần của Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững, hay còn được gọi là Các mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (Sustainable Development Goals - SDGs). 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (LHQ) này được chia thành 5 nhóm với mục đích cuối cùng là cứu lấy hành tinh, thúc đẩy hòa bình, kiến tạo thịnh vượng, tăng cường quan hệ đối tác và nuôi dưỡng con người.
Không khí trong lành và nước sạch là một trong những yếu tố cơ bản của con người cũng như mọi sinh vật tồn tại trên Trái Đất. Đáng buồn thay, Mẹ Trái Đất đã bị tổn hại và bị con người tự ý khai thác trong suốt quá trình lịch sử hình thành. Việc một số Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ coi trọng việc phục hồi và bảo tồn hành tinh của chúng ta đã phản ánh rõ nét mối quan tâm ngày một cấp bách về môi trường cũng như lời cảnh báo về sự phát triển thiếu cân bằng, được biết đến rộng rãi với khái niệm “nền kinh tế tuần hoàn” - hiện đã được ghi nhận trên toàn cầu.
Thái Lan nhận thức rằng tăng cường phát triển môi trường bền vững luôn gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, và là một trong những điều kiện quan trọng để phát triển toàn diện. Do đó, Thái Lan đã áp dụng các biện pháp để bảo tồn, khôi phục và quản lý tài nguyên và môi trường của quốc gia bền vững hơn và đưa các yếu tố đó vào nội dung 20 năm Chiến lược quốc gia (2017-2036).
Thái Lan đã đưa ra Lộ trình cam kết đóng góp quốc gia (Nationally Determined Contribution - NDC) về giảm thiểu giai đoạn 2021-2030, nhằm đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính từ 20% lên 25% vào năm 2030 và đã đạt được một số thành quả. Năm ngoái, chúng tôi đã thực hiện việc giảm phát thải khí nhà kính 45,72 triệu tấn carbon dioxide, tương đương 12% so với mục tiêu đề ra từ 7%-20% cho đến năm 2020. Ngoài ra, khoảng 24 ha rặng san hô và 880 ha rừng ngập mặn đã được phục hồi và tính đến năm 2017, Thái Lan đã giảm được hơn 435 triệu túi nylon trong đời sống xã hội.
Ngoài cam kết quốc gia, Thái Lan đã luôn ủng hộ hợp tác về các vấn đề môi trường với quốc tế vì lợi ích lâu dài của cộng đồng. Một minh chứng là cam kết của Thái Lan với Thỏa thuận Paris nhằm giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, Thái Lan đã hợp tác với tất cả các đối tác nhằm trao đổi kiến thức, kinh nghiệm và thực tiễn trong vấn đề này.
Các bên cùng phối hợp
Phát triển bền vững là một chương trình nghị sự toàn cầu, đòi hỏi nỗ lực cùng phối hợp của các bên và Thái Lan hiện đang ở vị thế có thể giúp thúc đẩy tiến trình này. Ngoài vai trò là Chủ tịch ASEAN, Thái Lan còn là Điều phối viên của ASEAN về Hợp tác phát triển bền vững, tích cực thực thi trách nhiệm cũng như thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa ASEAN và LHQ.
Kết quả đáng khích lệ đạt được là “Sự bổ sung giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 của LHQ về Phát triển bền vững: Khuôn khổ hành động”, mà qua đó xác định được khả năng hợp lực và cách thức tăng cường xây dựng Cộng đồng ASEAN, đồng thời vẫn đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ.
Một khuyến nghị từ Báo cáo bổ sung được hiện thực hóa đầy đủ trong năm nay là thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Đối thoại Phát triển bền vững ASEAN tại Thái Lan. Trung tâm sẽ được Chính phủ Hoàng gia Thái Lan tài trợ và sẽ giúp điều phối các hoạt động và dự án liên quan đến Sáng kiến bổ sung, đồng thời liên kết với các
trung tâm tương tự của các quốc gia thành viên ASEAN để tạo thành một mạng lưới các trung tâm nhằm hỗ trợ các nỗ lực phát triển bền vững trong khu vực.
Trong thời gian làm Chủ tịch ASEAN, một trong những chương trình nghị sự phát triển bền vững sẽ được đề cập là môi trường biển. Thái Lan rất quan tâm đến vấn đề rác biển và tác động của nó đến môi trường. Chúng tôi thực sự tin rằng hành động khẩn cấp là cần thiết trong trường hợp này.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một “đảo rác” ở giữa Thái Bình Dương với kích thước lớn hơn cả Bangkok. Tin tức về các động vật biển như cá voi và rùa ăn phải chất thải khó tiêu chỉ là một phần trong số 100.000 ca tử vong hàng năm của động vật biển. Ngoài ra, rác biển ảnh hưởng đến việc thúc đẩy du lịch thân thiện với môi trường, ảnh hưởng đến sự đóng góp của ngành du lịch đối với sự phát triển của đất nước.
Triết lý nền kinh tế vừa đủ
Một nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan cho thấy, rác thải được ném xuống biển có thể đi khắp thế giới. Do đó, điều cấp bách là chúng ta phải đưa ra được một lộ trình cho các cuộc thảo luận và hợp tác để giải quyết vấn đề.
Một cuộc họp nhóm làm việc kỹ thuật giữa các thành viên ASEAN đã được tổ chức vào tháng 11/2017. Đặc biệt, Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về rác biển và Hội nghị cấp cao về Bền vững hàng hải của các nước thành viên ASEM được tổ chức lần lượt vào ngày 5/3/2019 và ngày 7-8/3/2019. Do đó, Thái Lan đang thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững, được bắt đầu bằng môi trường bền vững và sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác xuyên suốt cả năm.
Lợi ích của phát triển bền vững là vô cùng to lớn nên mỗi quốc gia cần bắt tay thực hiện bằng cách riêng của mình và quyết tâm đạt được mục tiêu đó. Trong trường hợp của Thái Lan, Triết lý nền kinh tế vừa đủ (SEP) đã được áp dụng với phương châm tự cung tự cấp. Triết lý này được khởi xướng bởi cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej, đề ra một “lộ trình tư duy” bao gồm 3 phần: phân tích nguyên nhân vấn đề; xác định các giải pháp thực tế và thực hiện các giải pháp lựa chọn.
Triết lý nền kinh tế vừa đủ (SEP) là chủ đạo trong chính sách của Thái Lan cả ở cấp quốc gia và quốc tế. Đó là nguyên tắc chỉ đạo trong Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan từ năm 2002 và ứng dụng của SEP nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Thái Lan đã chia sẻ triết lý này với nhiều quốc gia như một cách tiếp cận nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ,
thông qua cung cấp các khóa đào tạo cũng như thành lập một số dự án hợp tác ở châu Á và châu Phi.
Có thể khẳng định, cam kết của Thái Lan đối với sự phát triển bền vững là kiên định, được minh chứng qua những thành tựu và đóng góp đã đạt được của Thái Lan trong nước và quốc tế. Thái Lan cam kết làm nhiều hơn nữa.
Với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2019, các chương trình nghị sự sẽ đặc biệt quan trọng và Thái Lan mong muốn được làm việc với các nước thành viên ASEAN cũng như với các đối tác toàn cầu được đề cập chi tiết tại Chương trình nghị sự 2030 của LHQ về Phát triển bền vững (SDGs).