VNHN - Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết 68/2013/QH13, chính sách BHYT đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền nên tỷ lệ người dân tham gia BHYT ngày càng tăng, góp phần mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ về việc thực hiện mục tiêu phát triển BHYT bền vững.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Nghị quyết 68/2013/QH13 đã giao Chính phủ: “Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT”. Đây là Nghị quyết quan trọng, đáp ứng mục tiêu thực hiện an sinh xã hội, trong đó BHYT là một trụ cột cơ bản, hợp lòng dân. Kết thúc năm 2018, cả nước đã có hơn 83,5 triệu người tham gia BHYT‐ đạt tỷ lệ bao phủ 88,5% dân số, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao tại Quyết định số 1167/QĐ‐ TTg tới 3,3%, trong đó đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình đạt 15,7 triệu người. Năm 2019, cả nước có khoảng 85,2 triệu người tham gia BHYT‐ đạt tỷ lệ bao phủ 89,8% dân số‐ vượt so với chỉ tiêu Thủ tướng giao 1,7%. Và đến hết tháng 6/2020, cả nước đã có 85,428 triệu người tham gia BHYT‐ đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Đây là thành tựu lớn, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
*PV: Thành tựu đã rõ, nhưng cũng phải khẳng định vẫn còn không ít khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Theo ông, chúng ta phải làm thế nào để đạt mục tiêu phát triển BHYT bền vững, hướng tới BHYT toàn dân?
‐ Ông Bùi Sỹ Lợi: Qua giám sát tại các địa phương, tôi cho rằng, còn nhiều vấn đề chúng ta cần phải giải quyết. Cụ thể, số người tham gia tăng, với tỷ lệ bao phủ lên tới gần 90% nhưng số người được NSNN hỗ trợ còn chiếm tỷ trọng cao.
Bên cạnh đó, việc phát triển chính sách BHYT và chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Một số nơi điều kiện kinh tế‐ xã hội khó khăn như miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đạt yêu cầu về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Người dân được tham gia BHYT nhưng chất lượng dịch vụ y tế chưa cao, dẫn đến sự chênh lệch về quyền lợi được hưởng. Có thời điểm chúng ta phải “báo động” tình trạng người nghèo tham gia BHYT là tạo cơ hội cho người có điều kiện và người ở vùng đồng bằng được hưởng quyền lợi cao hơn.
Ngoài ra, dù tỷ lệ bao phủ BHYT đã vượt kế hoạch nhưng vẫn còn khoảng 10% dân số chưa tham gia BHYT‐ tỷ lệ chưa tham gia này mới là điều đáng lưu tâm. Nhóm thuộc diện tham gia theo hộ gia đình có thu nhập cao hơn chính là những người hoàn toàn có khả năng tham gia BHYT, tuy nhiên họ chủ yếu tham gia các gói bảo vệ sức khỏe của bảo hiểm thương mại hoặc một bộ phận có điều kiện hơn lựa chọn đi KCB ở nước ngoài... Điều này chưa thể hiện đúng bản chất của BHYT là chia sẻ “lấy số đông bù số ít”, không đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Chính vì vậy, để phát triển BHYT bền vững, tôi cho rằng, chúng ta cần phải thỏa mãn được 2 yêu cầu cơ bản, đó là: Phải bao phủ đến mọi người‐ hay còn gọi là BHYT toàn dân, để không ai phải đi KCB mà không có BHYT; đồng thời phải bảo đảm bền vững về tài chính cho quỹ. Đây là vấn đề rất quan trọng, nhằm tránh tình trạng “đóng ít‐ hưởng nhiều” có thể gây “vỡ quỹ”. Qua đó, góp phần chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhóm tham gia BHYT.
Ngoài ra, với tỷ lệ 10% dân số chưa tham gia BHYT, chúng ta cần tập trung vận động, tuyên truyền để mọi người hiểu, từ đó chủ động tham gia vào hệ thống, giúp tăng nguồn quỹ. Đồng thời, mức đóng hiện nay đang là 4,5% mức lương cơ sở, nhưng Luật BHYT năm 2014 cho phép tăng lên 6%, nên chúng ta hoàn toàn có dư địa để thực hiện việc này. Tuy nhiên, để tránh gây áp lực cho người dân và DN, đòi hỏi chúng ta phải có lộ trình thực hiện.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội
* Theo ông, làm thế nào để tạo sự cân bằng giữa việc đạt mục tiêu bao phủ BHYT với việc bảo đảm quyền lợi cho người tham gia cũng như sự an toàn của nguồn quỹ?
‐ Ông Bùi Sỹ Lợi: Trước năm 2015, hiện tượng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT diễn ra phổ biến; nguồn quỹ BHYT sử dụng chưa hiệu quả, dẫn tới chất lượng KCB BHYT chưa cao. Trong những năm vừa qua, quy mô, tốc độ bao phủ BHYT tăng nhanh là do chất lượng KCB đang từng bước được nâng cao. Tôi đánh giá rất cao sự quyết liệt của BHXH Việt Nam cùng với ngành Y tế trong việc ứng dụng CNTT và nâng cao hiệu quả công tác giám định BHYT, qua đó đã kiểm soát tốt tình trạng trục lợi, lạm dụng BHYT tại các cơ sở KCB.
Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá cao sự phát triển của hệ thống y tế tư nhân. Hệ thống này dù còn chiếm tỷ trọng nhỏ nhưng đã dần trở thành đối trọng để các cơ sở y tế công lập phải quyết tâm đổi mới để có thể cạnh tranh một cách bình đẳng với nhau. Đồng thời, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị (từ Trung ương đến xã, phường, thôn, bản) trong việc thực hiện chỉ tiêu bao phủ BHYT cũng đã giúp cho người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Khâu kiểm tra, giám sát cũng được làm rất tốt‐ đây là yếu tố quan trọng để phát triển BHYT bền vững. Ngoài ra, sự phát triển BHYT cũng là bảo đảm sức khỏe, sự hài lòng cao trong nhân dân‐ là yếu tố hấp dẫn để thu hút người dân tham gia BHYT. Muốn vậy, chúng ta phải thực hiện cơ chế tài chính y tế công khai, minh bạch và hiệu quả, giúp cho hệ thống BHYT bền vững hơn.
* PV: Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo Luật BHYT (sửa đổi). Theo ông, việc sửa đổi Luật lần này cần hướng tới mục tiêu gì, khi Luật BHYT năm 2014 mới được triển khai thực hiện được 5 năm?
‐ Ông Bùi Sỹ Lợi: Đến nay, về cơ bản, Luật BHYT năm 2014 đã đáp ứng việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước cũng như nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên, một số nội dung trong Luật BHYT năm 2014 cũng cần phải sửa đổi cho phù hợp với xu thế hiện nay, trong đó có 2 lý do chính: Thứ nhất, chúng ta phải thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 20‐NQ/TW là thay đổi cách thức, phương pháp để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Thứ hai, mặc dù mới triển khai được 5 năm nhưng đã xuất hiện những bất cập như đòi hỏi cần làm rõ khái niệm về BHYT bắt buộc, về cùng chi trả, nên hay không nên có mô hình BHYT thương mại, có nên khuyến khích người dân đóng mức cao hơn để hưởng quyền lợi cao hơn… Đây là những vấn đề cần phải nghiêm túc nghiên cứu, xem xét, nhất là phải hướng đến mục tiêu cân đối mức đóng và mức hưởng.
Mặt khác, Luật BHYT hiện hành cho phép quỹ BHYT chỉ được dùng trong công tác khám bệnh và điều trị. Do đó, đến nay cần phải làm rõ công tác y tế dự phòng có cần thiết hay không? Trong khi đó, đối với ngành Y tế luôn phải quan tâm vấn đề “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hay như, việc sử dụng quỹ BHYT để chi cho công tác phòng bệnh cần phải nghiên cứu, tính toán đảm bảo phù hợp thực tế. Ngoài ra, còn những vấn đề về cải cách TTHC, cải cách bộ máy, tổ chức nhân lực làm công tác giám định BHYT…
Phải khẳng định, về việc sửa đổi Luật BHYT, Chính phủ sẽ có tổng kết, đánh giá, tham vấn ý kiến nhân dân một cách cụ thể. Trên cơ sở đó, điểm gì tốt chúng ta sẽ phát huy; điểm gì chưa tốt thì chúng ta sẽ phải tiếp thu, sửa đổi cho phù hợp.
* Trân trọng cảm ơn ông!