15/09/2024 lúc 05:36 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy vai trò của tôn giáo trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Hơn 26 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số Việt Nam là nguồn nhân lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tóm tắt: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trân trọng những giá trị văn hóa tinh thần quý báu của nhân loại. Bằng sự nhạy bén, trí thức cách mạng và vốn hiểu biết về văn hóa sâu sắc, Người đã không dưới một lần ca ngợi những người sáng lập ra các tôn giáo một cách thành kính. Tình cảm trân trọng, ngưỡng mộ của Người đối với các giá trị văn hóa, nhân văn đối với tôn giáo hoàn toàn khác với đức tin của tín đồ các tôn giáo ấy. Tất cả xuất phát từ tấm lòng nhân đạo có sẵn trong con người Hồ Chí Minh. Người đã vận dụng khéo léo chủ nghĩa duy vật của Mác, kế thừa giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc của các tôn giáo để vận dụng vào thực tế xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Từ khóa: tôn giáo; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Hồ Chí Minh; Việt Nam

1. Vai trò của tôn giáo

Thứ nhất, tôn giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc

Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo ngày càng làm tốt công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời, các tổ chức tôn giáo là một kênh truyền thông quan trọng, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và đến với đồng bào có đạo nhanh và hiệu quả. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều xây dựng và duy trì đường hướng hành đạo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, như: Công giáo với đường hướng “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”; Phật giáo với đường hướng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; các tổ chức Tin Lành với đường hướng “Sống Phúc âm, Phụng sự Thiên chúa, Phục vụ Tổ quốc và Dân tộc”; các hệ phái Cao Đài với đường hướng “Nước vinh, Đạo sáng”; Phật giáo Hòa Hảo với đường hướng “Vì Đạo pháp, vì Dân tộc”; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam với đường hướng “Tu học, hành thiện, ích nước, lợi dân”; Hồi giáo với đường hướng “Lẽ sống tốt đạo, đẹp đời”; Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa với đường hướng “Hành Tứ Ân - Sống Hiếu nghĩa - Vì đại đoàn kết dân tộc”… Nhiều chức sắc, chức việc có uy tín, đạo hạnh được quần chúng Nhân dân tin tưởng, bầu chọn vào các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương. Tại Quốc hội khóa XV, có 05 chức sắc trúng cử đại biểu quốc hội; 88 chức sắc, chức việc và 35 tín đồ các tôn giáo trúng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh; 225 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 246 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp huyện; 646 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và trên 5.000 tín đồ trúng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026. Tại các địa phương trên cả nước, chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo tích cực hưởng ứng và tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xây dựng mô hình “Khu dân cư không có thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội”; phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các tổ chức tôn giáo cũng đã chủ động đề xuất và tích cực tham gia các mô hình phòng, chống và khắc phục thiên tai, các hoạt động chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở nhiều địa phương với nhiều mô hình tốt, cách làm hay đã được thực hiện và nhân rộng, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh về nhận thức, làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Thứ hai, cộng đồng các tôn giáo đã đóng góp nguồn lực quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước

Hơn 26 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm 27% dân số Việt Nam là nguồn nhân lực quan trọng có nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với số lượng tín đồ chiếm số lượng khá lớn trên quy mô dân số, đồng bào các tôn giáo là lực lượng sản xuất đông đảo, tham gia vào tất cả các thành phần kinh tế, đã và đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất, không chỉ phục vụ đời sống gia đình mà còn cùng với các thành phần xã hội khác đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các tín đồ tôn giáo đã đoàn kết, giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm sản xuất, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất. Thông qua các sinh hoạt tôn giáo, chức sắc, chức việc đã góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho đồng bào có đạo biết cách làm giàu, vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Kinh tế phát triển, đồng bào có đạo có điều kiện đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn và nhiều công trình công cộng khác. Bên cạnh đó, các tổ chức tôn giáo cũng đóng góp nguồn lực quan trọng, đồng hành cùng các cấp chính quyền trong công tác an sinh xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo.

Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, hiện nay cả nước có khoảng 300 trường mầm non, 2000 cơ sở giáo dục mầm non, 12 cơ sở dạy nghề thuộc các tổ chức tôn giáo, gồm: 01 trường cao đẳng, 01 trường trung cấp và 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong lĩnh vực y tế, hiện có trên 500 cơ sở y tế, phòng khám chữa bệnh từ thiện do các tổ chức tôn giáo thành lập dưới nhiều hình thức. Kinh phí tổ chức do tổ chức, cá nhân tôn giáo đóng góp để thực hiện các hoạt động này mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng; hàng năm đã thành lập các đoàn khám, chữa bệnh lưu động, phát thuốc miễn phí cho người nghèo. Bên cạnh đó, cả nước có 113 cơ sở trợ giúp xã hội thuộc các tổ chức Phật giáo, Công giáo, Cao đài được cấp phép hoạt động, đang chăm sóc, nuôi dưỡng 11.800 đối tượng bảo trợ xã hội. Các tổ chức tôn giáo đã chi hàng nghìn tỷ đồng cho hoạt động của các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế, cơ sở bảo trợ xã hội và các hoạt động từ thiện nhân đạo; đồng thời tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Những hoạt động của các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã góp phần làm đa dạng việc huy động các nguồn lực xã hội; chia sẻ gánh nặng với chính quyền địa phương, với Nhà nước và xã hội, lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái” sâu sắc trong cộng đồng. Đặc biệt, trong hai năm 2020 và 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu và tại Việt Nam, các tổ chức tôn giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao với đất nước, với Nhân dân bằng những nghĩa cử cao đẹp, với nhiều đóng góp to lớn về con người, vật chất và tinh thần, góp phần cùng chính quyền và Nhân dân cả nước sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và ổn định lao động, sản xuất. Chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo ủng hộ hàng chục tỉ đồng cho quỹ vắc xin, hàng trăm tỉ đồng cho Quỹ phòng, chống Covid-19 ở Trung ương và địa phương; cử trên 3.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch; tặng 24 xe cứu thương, nhiều trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng dịch và triển khai hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội; những mô hình “Siêu thị 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”, “ATM gạo”, “Bếp yêu thương”… cùng hàng triệu suất ăn miễn phí cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân có hoàn cảnh khó khăn đã lan tỏa tình yêu thương và tiếp thêm sức mạnh để đất nước vượt qua cơn đại dịch.

Thứ ba, các tổ chức tôn giáo góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước

Với chính sách tôn giáo ngày càng cởi mở, hoạt động quốc tế của các tổ chức, cá nhân tôn giáo diễn ra rất đa dạng, phong phú. Nhiều đoàn của tôn giáo ra nước ngoài dự hội nghị, hội thảo, mở rộng quan hệ quốc tế với các tổ chức tôn giáo quốc tế, tham gia diễn đàn khu vực và quốc tế như: Đối thoại liên tín ngưỡng Á - Âu (ASEM), đối thoại Liên tín ngưỡng khu vực Châu Á Thái Bình Dương… Nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn đã được tổ chức trọng thể, thành công ở nước ta và dư luận thế giới đánh giá cao như: Giáo hội Phật giáo Việt Nam 03 lần đăng cai và tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp quốc; Giáo hội Công giáo tổ chức Tổng hội Dòng Đa minh thế giới; Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức hội nghị Giám mục Á châu. Ngoài ra, các sự kiện tôn giáo lớn thu hút sự quan tâm, tham dự của chức sắc, tín đồ tôn giáo ở trong và ngoài nước như: Hội yến Diêu trì cung của Cao Đài tổ chức hàng năm; Đại hội La Vang của Công giáo… Những hoạt động trên đã góp phần giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam; về các tôn giáo, lịch sử, văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần đáng kể vào công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân, giúp bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đời sống tôn giáo Việt Nam, chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Mỗi tôn giáo tại Việt Nam, dù có đức tin, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau, nhưng cùng có điểm tương đồng ở tinh thần dân tộc, trong phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo không chỉ lưu giữ, bồi đắp và làm phong phú những giá trị truyền thống văn hóa, mang giá trị nhân văn, đạo đức có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội; mà còn cụ thể hóa các giá trị đó thành những hành động thiết thực cứu người, giúp đời; góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của văn hóa truyền thống dân tộc. Tôn giáo ở Việt Nam không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.

2. Một số giải pháp phát huy vai trò của tôn giáo trong quá trình xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay

Tôn giáo là vấn đề chiến lược có ý nghĩa quan trọng của cách mạng Việt Nam. Do đó, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đến nay, những quan điểm về tôn giáo đã được Đảng thể hiện xuyên suốt ở tất cả các kỳ Đại hội. Đây là những quan điểm chỉ đạo của Đảng về vấn đề tôn giáo, là cơ sở để Nhà nước thể chế hóa bằng hệ thống chính sách, pháp luật tôn giáo; đưa quan điểm về tôn giáo của Đảng đi vào thực tiễn đời sống tôn giáo ở nước ta. Liên tục qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn đề ra nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật cụ thể và đặc thù để phát huy sức mạnh của các tôn giáo. Do đó, để phát huy vai trò của tôn giáo trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận.

 Thực tế cho thấy, quyền tự do tôn giáo hay bị lợi dụng vì mục đích ngoài tôn giáo làm ảnh hưởng đến nhu cầu tôn giáo chân chính của tín đồ cũng như tác động đến tình hình an ninh trật tự và xâm phạm đến an ninh quốc gia. Vì vậy, quyền tự do tôn giáo phải được bảo đảm bằng quy định của pháp luật. Do đó, chính sách pháp luật về tôn giáo ở nước ta không ngừng được hoàn thiện. Nổi bật đó là Hiến pháp năm 2013 đã sửa đổi từ “công dân” có quyền tự do tôn giáo sang “mọi người” có quyền tự do tôn giáo; Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thay thế cho Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004; Nghị định số 162/NĐ-CP ngày 31/12/2017 về biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo…Thời gian qua, với việc đổi mới, hoàn thiện về chính sách, pháp luật tôn giáo và bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo đúng quy định của pháp luật đã làm tăng số lượng các tổ chức tôn giáo được công nhận về mặt tổ chức và cấp đăng ký hoạt động. Sinh hoạt tôn giáo luôn được đảm bảo, đặc biệt là có những sinh hoạt tôn giáo diễn ra quy mô lớn với thời gian kéo dài cùng hàng nghìn người tham dự như các Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc, lễ Năm thánh của Công giáo, Đại hội Dân Chúa, kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam... Việc chia tách, sáp nhập các tổ chức tôn giáo được thực hiện thuận lợi hơn. Các yêu cầu về đất đai, cơ sở vật chất của các tôn giáo từng bước được Nhà nước xem xét giải quyết thỏa đáng. Hoạt động in ấn, xuất bản các ấn phẩm tôn giáo, đào tạo chức sắc, nhà tu hành của các tôn giáo ngày càng phát triển. Việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình tôn giáo được thực hiện đúng quy định để đảm bảo điều kiện sinh hoạt tôn giáo cho tín đồ. Hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo cũng phát triển với sự đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ quốc tế. Việc bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận là bảo đảm cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ được đáp ứng nhu cầu tôn giáo chân chính, từ đó thúc đẩy sự tác động thuận chiều của tôn giáo đối với xã hội.

Đời sống tôn giáo luôn biến động không ngừng, chính vì vậy mà Đảng đã khẳng định tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo hộ, bảo đảm quyền tự do tôn giáo. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận góp phần giữ vững và tăng cường niềm tin của các tổ chức tôn giáo, đồng bào tôn giáo vào chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc và thúc đẩy đường hướng hành đạo tiến bộ của các tôn giáo. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo còn là việc nội luật hóa các văn bản pháp lý quốc tế về tự do tôn giáo, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với việc thực hiện pháp luật quốc tế.

Hai là, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Công cuộc xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chưa bao giờ dễ dàng, thuận lợi bởi vì các thế lực thù địch luôn không ngừng chống phá. Hiện nay, sự chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Tôn giáo cũng là lĩnh vực từ trước đến nay các thế lực thù địch luôn sử dụng để làm “ngòi nổ” thực hiện diễn biến hòa bình nhằm xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, phá vỡ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Việc chống lợi dụng tôn giáo đang đặt ra thật sự cấp bách nên đây là quan điểm được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các Đại Hội của Đảng. Một số biểu hiện cụ thể của việc lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch như:

 Các thế lực thù địch xuyên tạc, phủ nhận sạch trơn toàn bộ thành quả mà đất nước đã đạt được về tôn trọng và bảo đảm tự do tôn giáo trong thực tiễn. Việt Nam là nước đa dạng tôn giáo. Tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, phục vụ lợi ích dân tộc. Do đó các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc nền tảng tư tưởng, quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo cũng như  tình hình tôn giáo ở nước ta để phá vỡ sức mạnh của khối đại đoàn kết này. Chính vì thế mà chúng ta không được mắc mưu kẻ địch; phải nhận diện và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch về vấn đề tôn giáo. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh các hoạt động lợi dụng tôn giáo. Những sự việc đã rồi mà các tôn giáo hay thực hiện như: xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự trái phép; in ấn, tán phát các tài liệu tôn giáo trái phép; truyền đạo trái phép; hiến, tặng đất đai cho tôn giáo; thành lập các hội đoàn tôn giáo trái phép; đào tạo nhân sự trái phép. Các lực lượng chống đối lợi dụng việc chính quyền kết án, giam giữ các đối tượng lợi dụng tôn giáo chống lại Nhà nước để vu cáo Nhà nước vi phạm tư do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền; xuyên tạc cán bộ làm công tác tôn giáo gây sức ép, ngăn chặn hoạt động của các tổ chức tôn giáo chưa đủ điều kiện được cấp phép đăng ký hoạt động; xuyên tạc Đảng, Nhà nước thiên vị tôn giáo này mà o ép tôn giáo khác... Đây là sự vu khống, xuyên tạc trắng trợn của những phần tử bất mãn, chống đối trong nước và các tổ chức phản động lưu vong, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam. Trên cơ sở đó, báo cáo thường niên về tự do tôn giáo thế giới của Bộ ngoại gia Mỹ luôn đề nghị đưa nước ta vào danh sách những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo vì có những đàn áp nghiêm trọng về tôn giáo. Từ đó để gây sức ép đối với Việt Nam trong các mối quan hệ ngoại giao. Các thế lực thù địch xuyên tạc, bịa đặt rằng quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tôn giáo dựa trên nền tảng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin về tôn giáo nên Đảng Cộng sản sẽ tiêu diệt tôn giáo, chủ nghĩa xã hội không có chỗ cho tôn giáo phát triển. Đưa quan hệ giữa tôn giáo và chủ nghĩa xã hội thành mâu thuẫn đối kháng, một mất một còn. Các thế lực thù địch xuyên tạc chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề tôn giáo. Theo đó, đã cố tình xuyên tạc chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam khi nói rằng Nhà nước Việt Nam đang phân biệt đối xử với tôn giáo, can thiệp sâu hơn vào công việc nội bộ của tôn giáo, hạn chế các hoạt động tôn giáo, bóp nghẹt tôn giáo, đàn áp tôn giáo, không để cho tôn giáo tự do phát triển…Gần đây nhất, khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo ra đời đã lấy ý kiến rộng rãi, công khai trong xã hội. Vậy mà các lực lượng chống đối đã xuyên tạc rằng Việt Nam không cần phải có “luật pháp về tôn giáo” vì đã có Luật dân sự và Luật hình sự điều chỉnh. Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng pháp luật Việt Nam về tôn giáo thực chất là để Nhà nước kiểm soát mọi sinh hoạt tôn giáo dưới danh nghĩa là bảo vệ an ninh quốc gia và duy trì đoàn kết dân tộc. 

Thứ ba, vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sốngtốt đời đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Vận động không chỉ là “động viên, giúp đỡ” mà bản chất là để cho đối tượng được vận động thay đổi về tư duy, từ đó thay đổi hành động. Công tác vận động quần chúng tôn giáo hàm chứa tổng thể nhiều khía cạnh trên cả hai vấn đề lớn là nội dung vận động và phương pháp vận động. Đoàn kết tôn giáo là hạt nhân của đoàn kết dân tộc. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam cốt lõi là nằm ở truyền thống đoàn kết. Ở nước ta, tín đồ tôn giáo chiếm tỷ lệ lớn. Do vậy, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không thể thiếu sự đóng góp của đồng bào tôn giáo. Cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng nên đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo không chỉ đưa quan điểm, chính sách, pháp luật về tôn giáo của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn đời sống tôn giáo mà điều cốt lõi là phải thực hiện công tác vận động, đoàn kết và tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ. Do đó, thực chất của công tác vận động quần chúng tôn giáo là công tác đối với con người. Thực tế đã chứng minh, trong giai đoạn đấu tranh giành độc lập dân tộc và trong giai đoạn xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay, đồng bào các tôn giáo đã luôn phát huy phương châm sống “tốt đời đẹp đạo”. Đồng bào tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Vì thế, quan điểm vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn mang tính nhất quán và xuyên suốt.

Thứ tư, phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước.  

Hiện nay, nhìn nhận tôn giáo dưới khía cạnh văn hóa là một cách nhìn hoàn toàn mới mẻ và khai phóng mà trước giai đoạn đổi mới chưa nhìn nhận giá trị văn hóa của tôn giáo một cách đúng mức. Đây cũng chính là quan điểm nhất quán được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ Đại hội trong giai đoạn đổi mới. Thực tiễn cho thấy, việc phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đã góp phần làm phong phú, đa dạng nền văn hóa Việt Nam cũng như góp phần xây dựng, hoàn thiện đạo đức cá nhân, ngăn ngừa được tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống thực dụng, vô cảm, thờ ơ của con người trong bối cảnh toàn cầu hóa và mặt trái của kinh tế thị trường. Phát huy các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước là quan điểm hoàn toàn mới được khẳng định trong Đại hội XIII. Nguồn lực tinh thần đó là những quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan, văn hóa, đạo đức, triết lý nhân văn…hướng đến giá trị cao nhất là chân, thiện, mỹ. Giá trị tinh thần này đã và đang tham gia vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng trong duy trì đạo đức xã hội, trong xây dựng nền tảng văn hóa , tinh thần của xã hội. Nguồn lực vật chất nhấn mạnh đến sự đóng góp của tôn giáo vào sự phát triển kinh tế - xã hội bằng tài chính, hiện vật.. Đó không chỉ là một cộng đồng tâm linh mà còn là một lực lượng xã hội đông đảo được gắn kết bởi niềm tin tôn giáo. Ngoài ra, nguồn nhân lực tôn giáo còn là những người có cảm tình với tôn giáo. Đây chính là lực lượng lao động quan trọng tham gia vào các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, tôn giáo còn có nguồn vốn xã hội. Đây là một nguồn vốn quan trọng và không thể nào đo lường hết được bởi vì nó được xây dựng dựa trên niềm tin tôn giáo, tình cảm tôn giáo, là sự liên kết cộng đồng tôn giáo rộng lớn. Nguồn vốn xã hội này bao gồm trong tín đồ tôn giáo và cả nguồn vốn xã hội thu hút được từ nguồn lực bên ngoài. Như vậy, nguồn lực tôn giáo là một bộ phận quan trọng của nguồn lực xã hội. Trong giai đoạn đổi mới, trải qua 30 năm với nhận thức khách quan, cởi mở khi nhìn nhận vấn đề tôn giáo của Đảng được đánh dấu bằng sự ra đời của Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 1990 về công tác tôn giáo đã tạo cho đời sống tôn giáo ở Việt Nam có sự khởi sắc và phát triển. Theo đó, nguồn lực tôn giáo ở nước ta cũng ngày càng trở nên rất đa dạng. Nguồn lực tinh thần của các tôn giáo ở nước ta được thể hiện trong giáo lý, giáo luật của mỗi tôn giáo và được tín đồ tôn giáo tự nguyện, tự giác tuân theo. Nguồn lực vật chất bao gồm 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với khoảng 26 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), gần 56.000 chức sắc, 145.721 chức việc. Ở Việt Nam, số người có tình cảm với Phật giáo chiếm tỷ lệ rất lớn. Bên cạnh đó, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt Nam sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ hầu hết đều là tín đồ tôn giáo và có mối liên hệ với các tổ chức tôn giáo ở trong nước. Đây là một lực lượng xã hội đông đảo với nguồn vốn xã hội rộng mở cùng sự liên kết bền chặt và sẽ còn tiếp tục phát triển. Các tôn giáo ở nước ta hiện có khoảng gần 30.000 cơ sở thờ tự trải dài trên khắp cả nước đã và đang góp phần làm phong phú diện mạo văn hóa vật thể ở nước ta, đóng góp cho quá trình phát triển kinh tế, xã hôi, văn hóa.

Chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững ở nước ta đứng chân trên ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường thì đều có sự tham gia đóng góp của nguồn lực tôn giáo trên cả ba trụ cột ấy. Với chính sách tự do tôn giáo, đời sống tôn giáo ở nước ta có xu hướng ngày càng sôi động, nguồn lực tôn giáo theo đó mà cũng tăng trưởng. Chính vì thế, nguồn lực tôn giáo là một nhân tố quan trọng trong các nguồn lực xã hội đóng góp vào sự phát triển bền vững ở nước ta. Đảng ta luôn ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các tổ chức tôn giáo trong việc thể hiện sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc cách mạng, gìn giữ và xây dựng đất nước. Đó là những tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, phát huy tinh thần yêu nước, các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của ông cha ta để lại. Đặc biệt, thông qua các hoạt động tôn giáo sẽ giới thiệu, quảng bá hình ảnh tốt đẹp của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè năm châu. Tôn giáo sẽ là một trong những sợi dây kết nối, gắn kết dân tộc để nước ta ngày càng thắng lợi trên tất cả các phương diện./.

Ths. Trần Đăng Khoa - Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh

Ths.Nguyễn Thị Thu Nhi - HVCT khu vực II, Học viện CTQG HCM

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2006), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI,  NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.

4. Vũ Chiến Thắng, Bộ Nội vụ với việc thực hiện quản lý nhà nước về tôn giáo, https://tcnn.vn/news/detail/48471/Bo-Noi-vu-voi-viec-thuc-hien-quan-ly-nha-nuoc-ve-ton-giao.html, ngày 15/9/2020.

5. Thông Tấn xã Việt Nam, Nâng cao hiệu quả chính sách chung cho người Việt ở nước ngoài, https://dangcongsan.vn/nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai/day-manh-cong-tac-doi-voi-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai-trong-tinh-hinh-moi-568517.html, ngày 27/11/2020.

...