05/12/2024 lúc 20:12 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng và phát triển đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Khát vọng độc lập, tự cường dân tộc và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Để thực hiện khát vọng cao cả đó, Người chỉ rõ,phải dựa vào dân, tập hợp lực lượng đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh vô cùng, vô tận của nhân dân. Trong công cuộc đổi mới đất nước, kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò của nhân dân để xây dựng đất nước độc lập, tự cường, phồn vinh, hạnh phúc có ý nghĩa cấp thiết.

1. Hồ Chí Minh với khát vọng đất nước độc lập, tự do, phồn vinh và hạnh phúc

Sinh ra trong cảnh nước mất, nhà tan, Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu sắc nỗi đau, nỗi nhục của người dân mất nước. Dưới ách cai trị của đế quốc Pháp, bị đầy đọa về thể xác, bị nô dịch về tinh thần, bị đàn áp, khủng bố tàn bạo, nhưng với ý chí quật cường và lòng yêu nước cháy bỏng, các thế hệ nhân dân Việt Nam không ngừng đứng lên đấu tranh giành độc lập. Khát vọng “độc lập, tự do” ngấm sâu trong Hồ Chí Minh, thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước. “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”, đó là niềm trăn trở khôn nguôi, là lẽ sống cao quý suốt cuộc đời Hồ Chí Minh. Ba mươi năm hoạt động ở nước ngoài, Người đã có tầm nhìn thời đại, sự trải nghiệm và hiểu biết mới. Chắt lọc những giá trị văn hóa, tư tưởng của nhân loại, đúc rút những bài học kinh nghiệm quý giá của cách mạng thế giới - từ các cuộc cách mạng tư sản, Cách mạng Tháng Mười Nga đến phong trào đấu tranh ở các nước thuộc địa, phong trào công nhân kết hợp với khát vọng cháy bỏng giành độc lập dân tộc, sự nhạy cảm chính trị đặc biệt, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường giải phóng dân tộc và cách thức xây dựng đất nước độc lập, tự cường khi giành được độc lập. Đó là con đường cách mạng vô sản, là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, là đất nước giàu mạnh gắn liền với cuộc sống hạnh phúc của mỗi người dân.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chứng minh cho sự lựa chọn đúng đắn của Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản và dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn độc lập không chỉ là sự tổng kết cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam, mà còn khẳng định chân lý quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc của bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào. Triết lý Hồ Chí Minh nêu “nếunước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(1) đã trở thành phương châm, nguyên tắc và giá trị cốt lõi, định hướng con đường phát triển của nước Việt Nam mới.

Sau Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam với xuất phát điểm là một nước nhỏ, nghèo nàn, lạc hậu với hơn 90% dân số mù chữ, nhưng với niềm tin và khát vọng phát triển cháy bỏng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt ra câu hỏi “làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu... dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”(2). Từ lời khẳng định chủ quyền “Sông núi nước Nam vua Nam ở”, ý thức tự tôn, tự hào dân tộc “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” của cha ông, đến thời đại Hồ Chí Minh, tầm nhìn và vị thế dân tộc có sự phát triển vượt bậc: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(3).

Định hướng xây dựng một nước Việt Nam “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” đã được chế định thành tiêu ngữ của mọi văn bản nhà nước, gắn với quốc hiệu từ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đến “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Đó cũng là khát vọng thôi thúc cả dân tộc tiếp tục đấu tranh bảo vệ độc lập, giành quyền sống và mưu cầu hạnh phúc; phù hợp với xu thế phát triển tiến bộ của nhân loại.

Trong gian khổ, ác liệt của cuộc chiến tranh trường kỳ chống lại những đế quốc xâm lược giàu mạnh, Người vẫn khẳng định tinh thần bất diệt "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"(4), nêu lên chân lý bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do(5), để "Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!"(6).

2. Dựa vào dân, vì dân để xây dựng đất nước độc lập, tự cường, phồn vinh và hạnh phúc

Với Hồ Chí Minh, nhân dân là chủ thể của cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước; đồng thời là chủ thể tối cao của đất nước và quyền lực Nhà nước. Người chỉ rõ: Nhân dân là mọi người Việt Nam, không phân biệt thành phần, giới tính, giai cấp, giàu nghèo, tôn giáo... trừ bọn phản nước. Chữ Dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh được mở ở biên độ rộng nhất, bao quát nhất, chứa đựng trong đó mọi tầng lớp nhân dân với đầy đủ sự đa dạng và khác biệt.

Truyền thống thân dân, trọng dân của dân tộc “đẩy thuyền là dân, mà lật thuyền cũng là dân”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” đã được Hồ Chí Minh kế thừa, nâng tầm và phát huy trong thời đại mới.

Không chỉ dành tình yêu thương vô hạn đến các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người lao động, Người nhận thức sâu sắc về sức mạnh của nhân dân khi được giác ngộ, tập hợp dưới sự lãnh đạo của một tổ chức chân chính. Người khẳng định “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(7).

Theo Hồ Chí Minh, chăm lo đời sống nhân dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi chính sách của Đảng và Nhà nước. Đời sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân là mẫu số chung để đoàn kết toàn dân Việt Nam, là cơ sở cho sự thống nhất tư tưởng, xây dựng niềm tin, phát huy tinh thần và nội lực dân tộc trong công cuộc giải phóng, bảo vệ và xây dựng đất nước. Vì vậy, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Hồ Chí Minh đã gấp rút chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện xây dựng chế độ mới, thiết chế Nhà nước Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước do dân làm chủ, của nhân dân và vì nhân dân.

Đối với Đảng, khi trở thành Đảng cầm quyền, Người cảnh báo nguy cơ suy thoái: kiêu ngạo, quan liêu, xa dân, hủ hóa, tham nhũng…. và luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài”(8), “Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác”(9). Bên cạnh nhiệm vụ cấp bách bấy giờ là cứu đói cho dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện cuộc đấu tranh trọng đại “diệt giặc dốt” nhằm nâng cao trình độ dân trí và ý thức dân chủ cho nhân dân, để mỗi người dân biết “quyền lợi và bổn phận của mình”, xứng đáng với công dân tự do của một nước độc lập.

Đặt trọng tâm vào xây dựng con người của nền văn hóa mới, trong bối cảnh ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Người phát động phong trào xây dựng đời sống mới cho nhân dân với nếp sống mới, lối sống văn hóa mới mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là Thi đua ái quốc nhằm mục đích “Diệt giặc đói - Diệt giặc dốt - Diệt giặc ngoại xâm” với cách làm “dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân”(10)

Chăm lo đời sống nhân dân còn là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân. “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(11). “Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ”(12). Người nhắn gửi các nhân viên, cơ quan chính quyền các cấp “Chính phủ ta đã hứa với dân, sẽ gắng sức làm cho ai nấy đều có phần hạnh phúc. Trong việc kiến thiết nước nhà, sửa sang mọi việc, phải làm dần dần, không thể một tháng, một năm mà làm được hết. Song ngay từ bước đầu, chúng ta phải theo đúng phương châm”(13).

Người cũng chỉ ra lực lượng thực hiện tất cả chính sách của Đảng và Nhà nước, có thể biến tất cả mục tiêu tốt đẹp thành hiện thực không ai khác là nhân dân. Trong nhân dân có nguồn lực tiềm tàng, vô tận, cần phát huy vai trò của nhân dân theo phương châm “Đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”(14). Đảng và Nhà nước thực hiện vai trò người cầm lái, người tổ chức để nhân dân bằng trí tuệ và sức mạnh vốn có giải quyết các vấn đề và phục vụ lợi ích của chính mình. Người từng nói: Đảng và Chính phủ không chỉ cần tiến hành “khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế”; “phát triển công tác vệ sinh, y tế”; “sửa đổi chế độ giáo dục”; “củng cố quốc phòng”,... mà còn phải tổ chức, giáo dục,động viên nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân xây dựng đời sống ấm no, xây dựng đất nước tự cường và hạnh phúc.

3. Phát huy vai trò nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

Kiên định con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch ra, qua hơn 35 năm đổi mới, dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua những thử thách khắc nghiệt của lịch sử, để đạt được thành tựu to lớn, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(15). Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng XHCN.

Hiện nay, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, đe dọa hòa bình, ổn định và an ninh thế giới; các nước vừa hợp tác vừa cạnh tranh gay gắt trong việc bảo vệ lợi ích cốt lõi của dân tộc. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển nhanh chóng, đòi hỏi sự bứt phá, đột phá mạnh mẽ, toàn diện. Việt Nam qua hơn 35 năm đổi mới đã đạt thành tựu to lớn nhưng cũng còn nhiều khó khăn, bất cập, những nguy cơ nếu không được giải quyết, tháo gỡ sẽ trở thành điểm nghẽn, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của chế độ, độc lập chủ quyền và sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh đó, để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước, đạt mục tiêu lớn mà Đại hội XIII đề ra, chúng ta cần huy động tối đa nhiều nguồn lực khác nhau, trong đó có phát huy vai trò và sức mạnh của nhân dân.

Trước hết, khẳng định, làm rõ và cụ thể vai trò làm chủ của nhân dân. Trong các văn kiện Đại hội, nghị quyết của Đảng; Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước; trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, có quyền tham gia vào các công việc của Nhà nước, giám sát hoạt động quản lý nhà nước và phản biện xã hội, quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước, làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ vận mệnh của đất nước.

Trong mối quan hệ với nhân dân, cán bộ, công chức là người được “ủy quyền”, thực hiện các nhiệm vụ do nhân dân giao phó, chịu sự kiểm soát và chịu trách nhiệm trước nhân dân về kết quả công việc của mình. Nhà nước phải xây dựng và bảo đảm trên thực tế các cơ chế về kiểm tra, giám sát, đánh giá của nhân dân để điều chỉnh hoạt động của mình. Nếu thiết chế nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu của nhân dân, đi ngược lại lợi ích của nhân dân thì nhân dân có quyền “đuổi Chính phủ đi”. Từ đó, tránh tâm lý chủ quan, tự mãn, coi thường nhân dân - một căn bệnh của một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay.

Để nhân dân thực sự là người làm chủ, cần xây dựng, bồi đắp và thực hành năng lực làm chủ của nhân dân. Phát huy dân chủ phải gắn liền với nâng cao dân trí, bảo đảm dân quyền. Đó là lý do ngay sau khi cách mạng thành công, trong bộn bề công việc cấp thiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động phong trào bình dân học vụ để nâng cao dân trí và tiến hành Tổng tuyển cử để thực hành quyền dân chủ của nhân dân. Trong quá trình đổi mới đất nước, trình độ dân trí không ngừng nâng cao, ý thức và năng lực làm chủ của nhân dân ngày một cải thiện; thể chế thực thi các quyền làm chủ của nhân dân được xác lập cụ thể và đầy đủ trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Trong 5 bài học đúc rút từ 35 năm đổi mới, Đảng ta nêu bài học thứ hai là “trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân”(16).

Trong thời kỳ phát triển mới, bài học đó cần trở thành phương châm hành động, để nhân dân thật sự là chủ, có đầy đủ năng lực, quyền lợi và trách nhiệm của người làm chủ, để cùng “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(17).

Chăm lo lợi ích vật chất và tinh thần của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước. Đại hội XIII của Đảng nêu nhiệm vụ quan trọng là “cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”(18) với các vấn đề trọng tâm như an ninh xã hội, an ninh con người, xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, chính sách việc làm, thu nhập; phát huy dân chủ và nâng cao dân trí. Đảng không chỉ quan tâm nâng cao đời sống nhân dân ở diện rộng theo từng giai cấp, tầng lớp mà còn “quan tâm đến mọi người dân”(19).

Tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, với con đường phát triển của dân tộc. Vai trò cầm quyền của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước và con đường đi lên CNXH được duy trì hay không, phải dựa trên yếu tố căn cốt, nền tảng, đó là “dân tin”. Niềm tin của dân được xây dựng bởi đường lối, chủ trương, định hướng phát triển đúng đắn của Đảng, Nhà nước, là kết quả của thực tiễn xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, từ nền hành chính liêm chính, phục vụ nhân dân,kinh tế phát triển,văn hóa, giáo dục tiến bộ,xã hội lành mạnh, nhân ái, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức “thực đức, thực tài”, thực sự là công bộc của dân, biết đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết, trước hết.

Từ niềm tin đó vun đắp, củng cố sự đoàn kết, nhất trí, tạo được sự đồng thuận trong xã hội; khơi nguồn sáng tạo, hứng khởi và phát huy trách nhiệm xã hội, khát vọng chấn hưng đất nước của mỗi người dân với đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Muốn vậy, trước hết mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu trong mỗi việc làm, lời nói, trong cách ứng xử với dân phải thật “mực thước” để dân tin, dân mến, dân phục và dân làm theo.

_________________

(1), (2), (4), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 64, 35, 534, 64.

(3), (8), (10), (12), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr. 256, 289, 556, 75, 81.

(5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr. 131, 131.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđđ, tr. 453.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Sđđ, tr. 334.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđđ, tr. 518.

(15), (16), (18), (19) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 25, 27-28, 116, 116.

(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđđ, tr. 660.

TS LÊ THỊ HẰNG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh