26/01/2025 lúc 13:39 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác thông tin đối ngoại

Trong công tác thông tin đối ngoại, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có vai trò quan trọng, là lực lượng tuyến đầu thực hiện công tác thông tin đối ngoại tại địa bàn ngoài nước, là kênh nhanh nhất, hữu hiệu nhất để truyền tải thông tin trong nước đến với bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Các cơ quan đại diện đang ngày càng chủ động, tích cực thông tin về những thành tựu đổi mới của đất nước và quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín quốc gia trên trường quốc tế.

Ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, sáng lập ra nền ngoại giao của nước Việt Nam hiện đại. Trong suốt quá trình phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngoại giao Việt Nam luôn phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Đóng góp chung vào những thành công của ngành Ngoại giao, có sự đóng góp quan trọng của hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Đến nay, Việt Nam đã có 96 cơ quan đại diện ở nước ngoài, rải khắp các châu lục(1).

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài luôn quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thông tin đối ngoại và hoạt động đối ngoại, trong đó có Kết luận số 16-KL/TW của Bộ Chính trị về “Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020”, Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020”, Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Hội nhập quốc tế”, Kết luận số 12-KL/TW ngày 12-8-2021 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10-8-2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Đề án Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diệnViệt Nam ở nước ngoài đến năm 2020;…

Đại hội XIII của Đảng khẳng định “Tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”(2) nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta.

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 837/QĐ-TTg, ngày 14-7-2022, phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030”. Với quan điểm là: Khẳng định vai trò quan trọng của các cơ quan đại diện là lực lượng tuyến đầu làm công tác thông tin đối ngoại tại địa bàn ngoài nước, truyền tải thông tin trong nước đến với bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tiếp thu tinh hoa văn hóa, kinh nghiệm phát triển của các nước, phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chú trọng vai trò của thủ trưởng các cơ quan đại diện. Bảo đảm thông tin liên tục, thúc đẩy công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện trên mọi phương diện; tăng cường sự tham gia, hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí trong nước với các cơ quan đại diện, phát huy tối đa các cơ quan báo chí thường trú (Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam...), các kênh truyền thông sở tại, các kênh thông tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của đất nước nói chung và tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nói riêng.

Với mục tiêu là phục vụ quảng bá, nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thu thập những thông tin có chọn lọc về tình hình, sự phát triển của thế giới, khu vực, về các vấn đề được dư luận và nhân dân trong nước quan tâm; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, sự hợp tác,hỗ trợ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tạo chuyển biến về nhận thức trong các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về công tác thông tin đối ngoại. Trong đó, cơ quan đại diện là đơn vị tuyến đầu triển khai công tác thông tin đối ngoại tại nước ngoài. Các cơ quan đại diện chỉ có thể làm tốt khi huy động được sức mạnh, sự hỗ trợ của toàn hệ thống chính trị.

Các văn kiện định hướng, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thông tin đối ngoại và hoạt động đối ngoại là cơ sở chính trị, pháp lý định hướng việc triển khai thông suốt các kế hoạch thông tin của các cơ quan đại diện, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, góp phần đưa thông tin về Việt Nam ra thế giới một cách chính xác, kịp thời, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; đồng thời giúp cung cấp thông tin một cách có chọn lọc vào Việt Nam, phù hợp với chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, văn hóa của dân tộc.

Trong thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động khắc phục khó khăn, thách thức, có nhiều đổi mới về nội dung, sáng tạo trong phương thức, cách thức thông tin đối ngoại, ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, thể hiện trên một số nội dung chính như sau:

Một là, tích cực, chủ động triển khai hiệu quả Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2020” và tiếp đến là Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030”, tạo chuyển biến tích cực trong công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện. 

Người đứng đầu cơ quan đại diện không những chỉ đạo sát sao việc thực hiện, triển khai công tác thông tin đối ngoại mà còn trực tiếp làm công tác báo chí, truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú, như lồng ghép vào các hoạt động đối ngoại, đi thăm các địa phương, tham gia vào các hoạt động báo chí, trả lời phỏng vấn, viết bài, đăng bài trên các trang mạng xã hội, tiếp xúc cộng đồng... 

Hệ thống 96 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã thực sự phát huy vai trò cầu nối trực tiếp tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thức, kịp thời, giúp chính giới, học giả, bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng, toàn diện; củng cố niềm tin vào chủ trương, chính sách đi đến ủng hộ Việt Nam.

Hai là, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong nước, chủ động triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chính trị - đối ngoại, văn hóa quan trọng của đất nước nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, những giá trị Việt Nam ra thế giới.

Các cơ quan đại diện đã tích cực tham gia triển khai trên toàn thế giới các chương trình, kế hoạch lớn như Chiến lược Ngoại giao văn hóa, Đề án "Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Nhà văn hoá kiệt xuất"; tuyên truyền về các chuyến thăm song phương của lãnh đạo cấp cao. 

Các cơ quan đại diện đã kịp thời thông tin các sự kiện đa phương như: Năm APEC 2017, Năm ASEAN 2020, Tuần lễ Cấp cao APEC (tháng 11-2022);

  Hệ thống 96 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã thực sự phát huy vai trò cầu nối trực tiếp tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thức, kịp thời, giúp chính giới, học giả, bạn bè quốc tế và nhân dân thế giới cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng, toàn diện; củng cố niềm tin vào chủ trương, chính sách đi đến ủng hộ Việt Nam.

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ (tháng 5-2022), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40-41 (tháng 11-2022) và Hội nghị Cấp cao ASEAN - EU (tháng 12-2022); Đại Hội đồng AIPA-43 (tháng 11-2022); Hội nghị Thượng đỉnh CICA (tháng 10-2022) và Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 (tháng 11-2022);…

Các cơ quan đại diện đã góp phần thông tin, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trên cương vị Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 77, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025; thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước UNESCO về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026; thành viên tại Hội đồng Thống đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhiệm kỳ 2021-2023, tham gia Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, thành viên Ủy ban Luật thương mại Quốc tế nhiệm kỳ 2019-2025, thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027,… Thông tin kịp thời các hoạt động kỷ niệm năm tròn, năm chẵn ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước như: Kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc (18-01-1950 – 18-01-2020); Kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Nga (30-01-1950 – 30-01-2020); Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05-9-1962-05-9-2022) và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào (18-7-1977-18-7-2022); Kỷ niệm 55 năm ngày Campuchia và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao (24-6-1967 - 24-6-2022) và chào mừng Năm Hữu nghị Campuchia - Việt Nam 2022; Kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (07-01-1972 – 07-01-2022); Kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ (1995 - 2020); Kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22-12-1992 - 22-12-2022); Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2023);…

Việc tham gia triển khai các chương trình quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam, giao lưu nghệ thuật với các nước, các lễ hội Việt Nam ở nước ngoài, như tại Nhật Bản, Hàn Quốc,…; ngày Việt Nam tại Áo, Hàn Quốc và Ấn Độ hằng năm,… thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan, góp phần tích cực kết nối, truyền bá những nét văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam tới người dân sở tại và cộng đồng người Việt Nam sinh sống ở nước sở tại. Đây cũng đang trở thành kênh thu hút đầu tư, du lịch tới Việt Nam.

Việc chủ động, tích cực gắn kết chặt chẽ giữa thông tin ở trong nước với thông tin ở ngoài nước đã góp phần hình thành mặt trận thông tin thống nhất, tạo sức mạnh củng cố sự đồng thuận trong nước, thu hút sự quan tâm hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với Việt Nam.

Ba là, vận động cộng đồng người Việt Nam tham gia các hoạt động thông tin đối ngoại, hướng về quê hương đất nước. 

Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài được giao thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ chính trị - xã hội, quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và các quốc gia khác; phục vụ phát triển kinh tế đất nước thông qua việc nghiên cứu và cung cấp thông tin về chiến lược, chính sách pháp luật, xu hướng phát triển kinh tế của nước sở tại, xúc tiến, quảng bá thông tin về Việt Nam đến bạn bè quốc tế; thúc đẩy quan hệ văn hóa thông qua tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; thực hiện nhiệm vụ lãnh sự; hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, các cơ quan đại diện đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, mở rộng, gắn kết mạng lưới cộng đồng với lực lượng nòng cốt là cộng đồng người Việt Nam, mạng lưới các Hội người Việt Nam, Hội Sinh viên, lưu học sinh… Qua đó, thúc đẩy kênh thông tin quan trọng này nhằm đưa hình ảnh Việt Nam gần gũi hơn, sinh động hơn với công chúng sở tại và bạn bè quốc tế. 

Kịp thời cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, tình hình phát triển đất nước, đặc biệt là các vấn đề được đồng bào quan tâm như vấn đề biên giới lãnh thổ, biển, đảo, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền,… đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thúc đẩy, vận động, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí, phóng viên và kiều bào đưa tin về tình hình đất nước, tham gia đưa tin về các sự kiện chính trị - đối ngoại của đất nước, tham gia các đoàn thăm quân và dân Trường Sa, nhà giàn DK1.

Với những diễn biến phức tạp trong thời gian đại dịch COVID-19, các cơ quan đại diện đã phối hợp đẩy mạnh hiệu quả thông tin đối ngoại, kịp thời cung cấp thông tin liên quan công tác chống dịch, chủ trương, quan điểm của Việt Nam cũng như công tác bảo hộ công dân, góp phần động viên, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vượt qua khó khăn, thách thức do đại dịch gây ra, củng cố tình cảm, sự gắn bó, hỗ trợ của kiều bào ta với quê hương, đất nước. 

Trong 5 năm (2016-2021), đã triển khai công tác bảo hộ đối với trên 50.000 công dân, trên 600 vụ việc/1000 tàu/với gần 10.000 ngư dân; tổ chức trên 700 chuyến bay đưa trên 200.000 công dân về nước an toàn trong đại dịch COVID-19(3). Kiều bào ta ở nước ngoài đã hỗ trợ nhân dân trong nước hơn 50 tỷ đồng và nhiều vật phẩm y tế, trong đó đóng góp hơn 11 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19(4).

Bốn là, tăng cường huy động, khai thác các nguồn lực sẵn có tại địa bàn vào triển khai công tác thông tin đối ngoại. Các cơ quan đại diện đã xây dựng mạng lưới, phát triển quan hệ, tận dụng sự kết nối với chính giới, các cơ quan chức năng sở tại, học giả, nhà nghiên cứu, giới doanh nhân, báo chí, các cơ quan báo chí thường trú của Việt Nam tại địa bàn, báo chí cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) ở sở tại viết, đăng tải bài viết về Việt Nam; lên tiếng ủng hộ Việt Nam qua các hoạt động, sự kiện nhằm tăng tính thuyết phục, lan tỏa, trực diện của thông tin với công chúng sở tại và bạn bè quốc tế. 

Các cơ quan đại diện cũng chủ động tổ chức nhiều triển lãm, hội nghị, hội thảo lồng ghép quảng bá Việt Nam; mở các phòng trưng bày ảnh, sản phẩm đặc trưng của Việt Nam; trình chiếu phim ảnh trên các phương tiện truyền thông sở tại; tổ chức các ngày văn hóa Việt Nam, liên hoan ẩm thực, mời các phóng viên nước ngoài nổi tiếng vào Việt Nam đưa tin (nhất là trong những dịp kỷ niệm, những sự kiện trọng đại, sự kiện đối ngoại lớn của đất nước), sản xuất phim ngắn, video clip, sách, sách ảnh, tờ rơi giới thiệu về Việt Nam. Kết quả quan trọng là, đã hình thành được mạng lưới dư luận đoàn kết, ủng hộ Việt Nam.

Năm là, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn đối với cuộc sống của người dân cũng như các hoạt động của doanh nghiệp, tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các cơ quan đại diện chủ động, tích cực tìm hiểu thông tin, những kinh nghiệm về phòng, chống dịch và phục hồi phát triển kinh tế của các nước. Trên cơ sở đó, góp phần tham mưu cho Đảng, Nhà nước có những biện pháp phù hợp nhằm thực hiện mục tiêu kép, bảo đảm linh hoạt, kết hợp hài hòa giữa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.

Triển khai thực hiện chiến lược ngoại giao y tế, ngoại giao vaccine, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực, chủ động, sáng tạo tìm kiếm, tiếp cận các đối tác, đặc biệt những nơi dư thừa vaccine, sản xuất được vaccine; vận động, thuyết phục thành công nhiều nước sở tại hỗ trợ vaccine, vật phẩm y tế cho Việt Nam. Nhiều quốc gia đã tặng, viện trợ cho nước ta hàng triệu liều vaccine phòng Covid-19, như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đức, Anh, Pháp, Italia, Australia, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Romania,… Nhiều nước, tổ chức quốc tế cũng như đồng bào ta ở nước ngoài đã hỗ trợ trang thiết bị y tế, như hàng triệu bộ xét nghiệm, khẩu trang các loại, máy tạo oxy, máy nén oxy, oxy hóa lỏng, máy thở và tủ lạnh bảo quản vaccine cùng nhiều thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị bệnh nhân và phòng, chống dịch.

Khi đất nước chuyển sang giai đoạn mới trong ứng phó với dịch Covid-19 với quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai, trước sự cấp thiết phải mở cửa phục hồi kinh tế, "vực dậy" ngành du lịch sau giai đoạn hết sức khó khăn bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài lại đóng một vai trò quan trọng, then chốt giúp mở cánh cửa của Việt Nam với thế giới hậu Covid-19. 

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực kết nối nhằm thiết lập nhiều đường bay thẳng liên lục địa, xuyên lục địa từ Việt Nam tới các nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Đại dương.

Khi Việt Nam mở cửa du lịch đón khách quốc tế, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng tích cực triển khai nhiều hoạt động tiếp xúc, giới thiệu, quảng bá về đất nước Việt Nam tươi đẹp, điểm đến hấp dẫn hàng đầu thế giới với nhiều danh lam thắng cảnh, con người thân thiện, hiếu khách, với các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp du lịch nước ngoài nhằm thu hút du khách tới Việt Nam.

Trước bối cảnh thế giới, khu vực hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp và trước yêu cầu nhiệm vụ về công tác tư tưởng, tuyên truyền, thông tin đối ngoại trong tình hình mới, các cơ quan cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm, như sau:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đối ngoại và thông tin đối ngoại. Triển khai tốt các nhiệm vụ, định hướng lớn của công tác đối ngoại đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần thứ nhất (tháng 12-2021) và mới đây là Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 09-01-2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng. Cần nhận thức sâu sắc mục tiêu bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hai là, chủ động cung cấp thông tin, đề xuất tham mưu chủ trương, chính sách đối ngoại, thông tin đối ngoại, góp phần củng cố, đưa quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác đi vào chiều sâu, có hiệu quả; tiếp thu tinh hoa văn hóa, kinh nghiệm phát triển của các nước, tranh thủ tối đa sức mạnh thời đại, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, thu hút các nguồn lực ở nước ngoài phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phát huy vai trò cầu nối chuyển tải thông tin, tác phẩm/sản phẩm thông tin đối ngoại đến bạn bè quốc tế và người Việt Nam ở nước ngoài, tạo ấn tượng với cộng đồng dân cư sở tại; giúp cộng đồng quốc tế hiểu đúng, đầy đủ và ủng hộ Việt Nam.

Ba là, tiếp tục phát huy vai trò là kênh thông tin chính thức, trực tiếp, nhanh nhạy, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc của các thế lực cơ hội chính trị, phản động, thù địch, củng cố sự đồng thuận, ủng hộ của chính giới, dư luận và truyền thông các nước, bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, nhất là với các vấn đề liên quan đến chủ quyền biên giới lãnh thổ, biển, đảo của Việt Nam; các vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền, đặc biệt khi Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025.

Bốn là, hỗ trợ các cơ quan truyền thong, báo chí trong nước mở rộng hợp tác quốc tế với các cơ quan thông tấn, báo chí quốc tế, thúc đẩy các phương thức hợp tác truyền thông, chủ động cung cấp, trao đổi thông tin, tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa, tiềm năng phát triển của Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Khai thác tối đa việc ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông số, triển khai công tác thông tin đối ngoại qua các nền tảng mạng xã hội... nhằm đem lại hiệu quả và sức lan tỏa cao nhất; giới thiệu và tạo điều kiện để phóng viên nước ngoài đến Việt Nam đưa tin, viết bài, nhất là về các sự kiện chính trị - đối ngoại quan trọng của đất nước. Chủ động làm tốt công tác nghiên cứu, nắm bắt tình hình, dư luận, nhu cầu thông tin của nhân dân, báo giới nước sở tại về Việt Nam, từ đó tham mưu các phương hướng, giải pháp thông tin đối ngoại phù hợp, hiệu quả.

Năm là, tiếp tục quan tâm, làm tốt công tác tư tưởng trong tập thể cán bộ, đảng viên, người lao động ở các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nói riêng, cộng đồng người Việt Nam ở nướcngoài nói chung. Khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thời gian qua; nỗ lực đoàn kết vượt qua khó khăn; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các cấp uỷ đảng. Làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ đồng bào ta ở nước ngoài vượt qua khó khăn, thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác quốc tế, tương thân tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau cùng vượt qua khó khăn, thách thức ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Bám sát đường lối đối ngoại của Đại hội XIII, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tích cực, chủ động tập trung và ưu tiên triển khai nhiệm vụ thông tin đối ngoại và tuyên truyền, bảo đảm công tác thông tin đối ngoại giai đoạn mới được triển khai quyết liệt trên các mặt trận, với các cách thức mới mẻ, sáng tạo và có kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

_________________

(1) http://omw.mofa.gov.vn/vi-vn/Trang/default.aspx 

(2) https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-3663

(3) https://baochinhphu.vn/cong-tac-doi-ngoai-voi-nhung-con-so-an-tuong-102305487.htm

(4) http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Tranh-thu-toi-da-co-hoi-tiep-can-vaccine-nhanh-nhat-nhieu-nhat-va-som-nhat/442884.vgp.

ThS NGUYỄN VĂN HAY

Ban Tuyên giáo Trung ương

...