22/11/2024 lúc 13:08 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy vai trò, giá trị danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới

Ngày 27/4/2024, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát huy vai trò, giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới”.

Phát huy giá trị Quẩn thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản Thiên niên kỷ

Tại hội nghị các diễn giả đã thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới.

Tham dự hội thảo có ông Hoàng Đạo Cương - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Phạm Thanh Bình - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bà Lê Thị Hồng Vân - Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Về phía Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) có ông Jonathan Wallace Baker - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam; đại diện Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO; Văn phòng UNESCO Hà Nội; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Đại diện tỉnh Ninh Bình có ông Mai Văn Tuất - Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh, ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ông Trần Song Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Hoàng Hà - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Cùng các thành viên Ban Tổ chức, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương…

Nằm trong chuỗi hoạt động Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (2014-2024); hội thảo là một sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An, ghi nhận, đánh giá công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế trong việc phát huy vai trò, giá trị của di sản trong việc hiện thực hóa định hướng chiến lược của tỉnh là xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, một trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của vùng, quốc gia và mang tầm quốc tế.

Sau hơn 10 năm được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, Tràng An đã trở thành một một xu hướng tất yếu, có vai trò kết nối du lịch di sản liên tỉnh, liên vùng và xa hơn nữa là liên quốc gia nhằm tạo dựng giá trị và thương hiệu độc đáo của khu di sản. Điều đặc biệt, Tràng An đã tạo dựng thêm những giá trị mới để kết nối tính bản địa và tính hiện đại, của đô thị quá khứ với đô thị tương lai trên nền tảng bảo tồn hiệu quả, hài hoà, bền vững các giá trị di sản.

Chuyên đề Quy hoạch bảo tồn và phát huy toàn diện giá trị di sản thế giới Tràng An hướng tới Đô thị di sản thiên niên kỷ

Đồng chí Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình mong muốn với tâm huyết, kinh nghiệm thiết thực đã, đang áp dụng thành công ở các khu di sản của Việt Nam và thế giới, các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ đóng góp, đề xuất các ý kiến, giải pháp cụ thể gắn với quy hoạch thực tiễn ở địa phương.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học đã thảo luận nhiều vấn đề cốt lõi: tôn vinh, quảng bá và lan tỏa các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững, hướng tới xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ; xác định vai trò, vị trí của di sản trong phát triển kinh tế du lịch, phát triển kinh tế - xã hội… Từ đó đề xuất định hướng quy hoạch bảo tồn tổng thể khu di sản với tiếp cận liên ngành, đa ngành như một mẫu hình đô thị di sản; bảo tồn, nghiên cứu khoa học cũng như cách thức kêu gọi, thu hút đầu tư, thu hút khách tham quan du lịch và hợp tác, kết nối các thành phố di sản thế giới và lan tỏa mạnh mẽ những kinh nghiệm thực tiễn bảo tồn và phát triển từ Quần thể danh thắng Tràng An…

Phát biểu khai mạc, đồng chí Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch trăn trở di sản đang đứng đứng trước những thách thức, đó là xung đột, mâu thuẫn trong quá trình phát triển, đảm bảo sự phát triển cân đối giữa bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên thế giới gắn với phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Nhất là khi Ninh Bình thực hiện Quyết định số 821/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10/7/2023 "Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Tràng An - Tam Cốc - Bích Động, tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050"; Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/3/2024, việc quy hoạch bảo tồn và phát huy toàn diện giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An hướng tới xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới là yêu cầu bức thiết.

Ninh Bình: Tràng An sẽ tiếp tục đóng vai trò hình mẫu phát triển ổn định, có trách nhiệm cho thế hệ mai sau

Ông Jonathan Baker - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh Tràng An sẽ tiếp tục đóng vai trò hình mẫu phát triển ổn định, có trách nhiệm cho thế hệ mai sau.

Tại hội thảo, ông Jonathan Baker - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cho biết: “UNESCO vẫn kiên định với cam kết hỗ trợ Tràng An vượt qua những thách thức. Văn phòng UNESCO sẵn sàng cung cấp các lĩnh vực chuyên môn để bảo đảm Tràng An tiếp tục là ngọn hải đăng cho các hoạt động du lịch có trách nhiệm và bền vững. Hiện nay Tràng An hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh cốt lõi của UNESCO đó là thúc đẩy sự hiểu biết văn hóa hòa bình và phát triển bền vững thông qua bảo tồn di sản. Tràng An sẽ tiếp tục đóng vai trò hình mẫu phát triển ổn định, có trách nhiệm cho thế hệ mai sau.”

Ông Phạm Thanh Bình - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng: Ninh Bình cần tiếp tục tăng cường gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới theo quy chuẩn của UNESCO; tăng cường giáo dục và nhận thức cộng đồng, nâng cao nhận thức về giá trị của Di sản thế giới Tràng An đối với cộng đồng và du khách; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác địa phương khác để chia sẻ kinh nghiệm quản lý di sản và học hỏi từ thành công của các địa phương khác. Thời gian tới, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Ninh Bình để Quần thể danh thắng Tràng An tiếp tục là điển hình mẫu mực về bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng Ninh Bình trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo của UNESCO, đưa Ninh Bình trở thành miền đất giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, xanh - sạch về môi trường, hội tụ đủ tiêu chí cho sự phát triển bền vững.

Ông Phạm Thanh Bình - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thanh Bình cho rằng việc được công nhận là di sản thế giới giúp Ninh Bình nâng cao danh tiếng, góp phần phát triển ngành Du lịch.

Thứ trưởng Phạm Thanh Bình đề nghị, để phát huy toàn vẹn giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử của di sản, phục vụ phát triển bền vững, xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục tăng cường gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới theo quy chuẩn của UNESCO; tăng cường giáo dục và nhận thức cộng đồng, nâng cao nhận thức về giá trị của Di sản thế giới Tràng An đối với cộng đồng và du khách; tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, các đối tác địa phương khác để chia sẻ kinh nghiệm quản lý di sản và học hỏi từ thành công của các điểm đến khác...

Phát huy giá trị Quẩn thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản Thiên niên kỷ

Đồng chí Phạm Quang Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn thời gian tới Ninh Bình tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Bế mạc phiên thảo luận, đồng chí Phạm Quang Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Ninh Bình - vùng đất được ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh, kỳ quan thiên nhiên đặc sắc. Nơi đây, từng ghi dấu ấn từ hàng vạn năm trước, tổ tiên xa xưa chọn là nơi cư trú, thích ứng linh hoạt với biến động môi trường sống tạo nên một dạng thức văn hóa độc đáo thời tiền - sơ sử, làm tiền đề để Cố đô Hoa Lư được chọn làm Kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt. Với vai trò là nhà quản lý, đại diện cho chính quyền địa phương và đơn vị đồng tổ chức hội thảo, đồng chí trân trọng và đánh giá cao những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Những căn cứ quan trọng này góp phần hiện thực hóa mục tiêu tỉnh mà Ninh Bình đã đề ra đó là từng bước trở thành Đô thị Cố đô di sản. Đây là mục tiêu lớn với tầm nhìn dài hạn, vì vậy tỉnh luôn xác định quan điểm thực hiện từng bước một cách thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình mong muốn thời gian tới Ninh Bình tiếp tục nhận được sự quan tâm đóng góp của các nhà khoa học trong và ngoài nước để Ninh Bình làm tròn trọng trách thay mặt Nhân dân cả nước gìn giữ, bảo tồn, phát huy tài sản vô giá của dân tộc và nhân loại đó là Di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An.

Sau phiên khai mạc, các đại biểu, nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tiến hành 3 phiên thảo luận với nhiều nội dung. Phiên tổng thể mang chủ đề: “Kết nối đô thị di sản Tràng An với các thành phố di sản UNESCO”, 2 phiên chuyên đề: “Một thập kỷ di sản thế giới Tràng An - Hành trình kiến tạo và bảo tồn phát huy giá trị” và “Quy hoạch bảo tồn và phát huy toàn diện giá trị di sản thế giới Tràng An hướng tới Đô thị di sản thiên niên kỷ”.

Trần Hiếu - Thanh Nhàn