25/11/2024 lúc 20:25 (GMT+7)
Breaking News

Phát huy và khai thác mặt tích cực của mạng xã hội trong xây dựng bộ máy công quyền gần dân, hiểu dân và vì dân

Trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin, thời đại của 4.0, của “Thành phố thông minh”…, đang diễn ra với tốc độ nhanh như hiện nay, những ý kiến, bức xúc, thắc mắc của người dân muốn phản ánh đến cơ quan chức năng và chính quyền các cấp hàng ngày là khá nhiều.

Người dân bây giờ đa số không cần phải làm đơn “thưa, gửi, xin” nữa, nghiêm trọng lắm mới làm đơn thư để được phúc đáp bằng văn bản hoặc được thông báo với một lịch hẹn đến trụ sở chính quyền trong các buổi tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất. Phổ biến hiện nay là phản ánh trực tiếp qua mạng xã hội (MXH) hoặc thư điện tử, không những bằng chữ  mà còn kèm hình ảnh, clip minh hoạ...

Nhân câu chuyện về mối liên hệ giữa cơ quan công quyền và người dân thông qua việc phát huy tính năng tích cực của mạng xã hội (MXH), một thành viên của Trang facebook “Quản lý đô thị Đà Nẵng: Tiện nghị-xanh – sạch-đẹp, có ý kiến về việc một số  cơ quan chính quyền cấp phường, xã của thành phố Đà Nẵng đã phản hồi rất nhanh chóng và thấu đáo qua MXH các thông tin liên quan đến địa bàn của mình, đã có một câu bình luận mà người viết cho là rất chí lý: “Bất kể việc nhỏ hay lớn, nếu biết lắng nghe và cầu thị thì ắt sẽ đạt được kết quả tốt đẹp”. Và quả thật là như vậy. Khi một chính quyền cũng như các cơ quan công quyền chịu khó lắng nghe và thấu hiểu lòng dân thì những tồn tại, bất cập diễn ra hàng ngày sẽ nhanh chóng được kiểm tra xử lý, đem lại lòng tin cho người dân, đó cũng là cơ sở để người dân yên tâm trao gửi tâm tư, ý kiến lên chính quyền hay các cơ quan chức năng mỗi khi gặp những điều chưa vừa lòng, những thắc mắc cũng như những phản ánh cần có câu trả lời của người có trách nhiệm.

Để dân tin vào Nhà nước từ cấp cơ sở thì trước hết những người có trách nhiệm, nhất là người đứng đầu phải có tinh thần cầu thị, từ đó quan tâm lắng nghe, không phải nghe xong rồi bỏ qua hay để trôi vào quên lãng. Có thể hiểu là chữ “lắng” ở đây là nghe một cách có trách nhiệm, đặt mình vào người dân thì từ đó sẽ thấu hiểu được nguyện vọng, tâm tư và bức xúc của họ.

Từ những “chuyện nhỏ” như nước thuỷ cục bị đục đến chuyện tấm nắp cống bị hư, bóng đèn đường bị cháy; từ chuyện chó thả rông đến đàn bò chạy vào phố…, đến những “chuyện lớn” hơn  như tranh chấp đất đai nhà cửa; kẻ gian trộm cắp tài sản của công dân,  lấn chiếm vỉa hè…Tất cả được lan truyền một cách nhanh chóng thông qua MXH, mà nói như dân gian là chỉ trong  vòng “1 nốt nhạc” là cả phố, cả quận, thậm chí là cả nước cũng có thể biết.

Có những thông tin đăng với mục đích giải toả bức xúc, mong cộng đồng sẻ chia và cũng có những thông tin nêu đích danh, địa chỉ, sự việc, cơ quan chịu trách nhiệm để mong được giải quyết cũng không ít. Bên cạnh đó còn có  những thông tin gửi qua trung gian ở dạng tin nhắn tới admin (quản trị viên) của một trang (page), nhóm (group) nào đó hoặc gửi người quen là nhà báo hay cán bộ công chức để chuyển đến người có thẩm quyền, có trách nhiệm xử lý cũng không phải là cá biệt. Với việc gần như 100% cán bộ công chức, cơ quan đơn vị đều sử dụng ít nhất một MXH như hiện nay, việc tiếp cận thông tin có liên quan đến cá nhân, tổ chức hay cơ quan đơn vị là rất dễ dàng và nhanh chóng. Điều muốn nói ở đây là, khi nhận được thông tin rồi thì cách ứng xử ra sao? Nếu cầu thị và có trách nhiệm thì lãnh đạo cơ quan ấy sẽ chỉ đạo cấp dưới xác minh thông tin, xử lý khắc phục sai sót, bất cập (nếu có), sau đó phản hồi ngay cho người gửi thông tin cũng qua MXH thì chắc chắn là uy tín của cơ quan đơn vị đó sẽ được người dân đánh giá rất cao, nói cách khác là họ đã “ghi điểm” trong lòng dân, từ đó dễ nhận được sự đồng thuận của nhân dân trong thực hiện các chủ trương, chính sách tại mỗi địa phương từ cơ sở đến cấp tỉnh, thành phố. Ngược lại, nhận được thông tin liên quan đến địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách nhưng né tránh, im lặng hoặc đùn đẩy, hứa hẹn cho qua chuyện mà không làm thì sẽ dân sẽ thiếu tin tưởng vào cơ quan công quyền, từ đó có cái nhìn không thiện cảm, thậm chí đánh giá mang tính tiêu cực theo kiểu “vơ đũa cả nắm” cả hệ thống, bộ máy, mặc dù sự việc chỉ diễn ra ở một lĩnh vực hay địa bàn cụ thể nào đó....

Thiết nghĩ, vì một cuộc sống bình yên và tốt đẹp, rất cần có nhiều sự phối hợp hiểu quả, có trách nhiệm giữa cơ quan công quyền và người dân thông qua MXH như một số địa phương, cơ quan chuyên môn đã làm ở Đà Nẵng trong thời gian qua. Chính quyền các cấp và cơ quan chuyên môn các cấp nên quan tâm phát huy, khai thác tính tích cực của MXH để giải quyết những tồn tại, bất cập do người dân phản ánh một cách sớm nhất. Việc nhỏ giải quyết nhanh ở cấp cơ sở sẽ không để tích tụ thành những việc lớn cần cấp có thẩm quyền cao hơn xử lý. Qua đó, góp phần xây dựng bộ máy công quyền ngày càng văn minh, hiện đại, luôn gần dân và vì dân.

Dân Hùng

(Diệp Dân Hùng, 101 Tố Hữu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. ĐT: 0913443715. Nguyên Trưởng phòng Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng))

...